Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - THIỆN ÁC THEO NGHIỆP BÁO

Thứ hai, 19/12/2022, 19:12 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 19.12.2022

Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

THIỆN ÁC THEO NGHIỆP BÁO

Nói đến nghiệp báo là nói đến thiện ác. Không thể hiểu nghiệp báo nếu không phân định rõ ràng về thiện ác. Có khái niệm khác gắn liền với thiện ác nhưng khiến cho đề tài nầy phức tạp và tạo nhiều tranh luận đó là khái niệm tốt xấu. Nói theo cách đơn giản cái gì thiện là tốt, ác là xấu. Thực tế thì thiện ác và tốt xấu không phải luôn gắn liền mà thường khi phải phân biệt rõ dựa trên nhiều khía cạnh. Có thể làm rõ điều nầy qua một số thí dụ nhưng món ăn ngon không hẳn là món ăn tốt cho cơ thể; hoặc một người trung quân không nhất thiết là ái quốc; hay một học trò giỏi không nhất thiết là học trò ngoan.

Nghiệp tốt đúng nghĩa là nghiệp hiền thiện. Theo Tam Tạng thì có bốn yếu tố để lượng định một tạo tác có phải là nghiệp lành hay không:

a. Ārogya (lành mạnh) chỉ cho trạng thái tâm không chi phối bởi phiền não, hay nói theo Thắng Pháp, là không đi với thuộc tánh bất thiện (akusalacetasika).

b. Anavajja (vô tội, vô hại) là đặc tính không mang lại tai hại cho bản thân và tha nhân.

c. Kosalla sambhūta (sáng suốt) là hành động có hiểu biết; đúng với sự thật; có chánh tư niệm (yoniso manasikāra).

d. Sukha vipāka (tạo quả an lạc) là chất liệu an lạc, nhẹ nhàng, hoan hỷ trong hiện tại và quả dị thục tốt đẹp mai sau.

Nghiệp lành đi chung với chất liệu hiền thiện hay tâm thái tốt. Trong lúc nhiều hành động được đánh giá bởi người khác thì có phương diện chỉ có thể tự bản thân nhận ra được đó là trạng thái tâm. Kinh điển nêu ra rất nhiều tâm thái hiền thiện nhưng theo Ngài Payutto có thể tóm tắt theo năm nhóm sau:

a. Vững chãi. Là sự không giao động, tán loạn, dễ bị chi phối.

b. Thanh tịnh. Là không bị uế nhiễm, vẫn đục bởi phiền não

c. Thảnh thơi. Là không bị cột trói, vây bủa, bức bách

d. Nhu nhuyến. Là dễ dàng sử dụng

e. An tịnh. Là không khủng hoảng, không bất an, không sầu muộn.

Nghiệp thiện và bất thiện có thể quyện lấy nhau. Nghiệp thiện và bất thiện có khi pha trộn trở nên khó phân biệt. Ăn năn vì phạm giới hay lo lắng việc đã làm có tạo nghiệp xấu hay không đó là vài thí dụ cụ thể. Quan tâm đến giới hạnh hay nghiệp báo đó là điều tốt thế nhưng sự cắn rứt lo âu không phải là điều thiện. Sự hỗn hợp nầy là cái gì rất thường xẩy ra trong thực tế của cuộc sống.

Thiện ác và thanh tịnh, uế nhiễm là một phương diện khác phải cân nhắc. Một hành động thiện có thể tạo bốn hiệu ứng:

a. Tự tâm an lạc hay hưởng thụ quá trình tức là niềm hoan hỷ khi đang làm.

b. Quả dị thục tốt là quả của của nghiệp lành như giàu có là quả phước của bố thí ..v.v..

c. Thành tựu ý nguyện như một người muốn trở thành chuyển luân đại đế tạo phước và phát nguyện cuối cùng thành tựu.

d. Đưa đến chứng đắc thánh quả

Những hiệu ứng trên đều tốt nhưng cũng có thể bị xen lẫn bởi ngã chấp, ham muốn, và vướng mắc. Những trạng thái nầy là ô nhiễm khó thấy chỉ có sự tu tập, hiểu biết Phật pháp mới vượt khỏi.

Tốt xấu theo phạm trù. Nói đến tốt xấu thì theo Phật học tất cả nghiệp đều có vô minh và khát ái làm động lực tế nhị phía sau. Nói đến phúc nghiệp thì có phước hữu lậu (opadhikapuñña) và phước vô lậu (anopadhikapuñña hay nirūpadhipuñña). Phước hữu lậu là quả phước trong trầm luân sanh tử như sắc đẹp, giàu sang, quyền quý. Phước lậu trong cách nói trên phương diện giác ngộ giải thoát là hệ luỵ chứ không phải là điều đáng mong cầu.

Tốt xấu do hướng đi tới. Một trong những phân nghiệp thiện ác là quả báo khổ lạc. Thế nhưng Đức Phật cũng có bốn trường hợp tạo tác:

a. Hiện tại khổ, tương lai khổ

b. Hiện tại khổ, tương lai lạc

c. Hiện tại lạc, tương lai khổ

d. Hiện tại lạc, tương lai lạc

Chỉ lấy sự an lạc, khổ đau trong hiện tại không đủ để nói lên tánh chất tốt xấu của nghiệp. Về điểm nầy cần tầm nhìn xa rộng. Tất nhiên đây là một trong những phần vượt tầm nhìn của đa số chúng sanh.

Thiện ác từ cái nhìn khách quan. Mặc dù Phật pháp khuyến khích sự tự thân thể nghiệm những gì gọi là tốt xấu, khổ vui. Thế nhưng sự hạn chế trong hiểu biết cá nhân dễ tạo ra cái nhìn phiến diện. Đức Phật dạy trong nhiều bài kinh là một người hành động nên xét là điều đó “có được bậc trí tán thán hay khiển trách”. Và tất nhiên một lượng định khách quan khác là “đối chiếu với kinh, đối chiếu với luật” hay Tam Tạng Kinh Điển. Tư ý chủ quan có thể tạo nên những sai lầm đáng tiếc.

Bài tiếp theo: Quả Của Nghiệp

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn


Ý kiến bạn đọc