Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - NHỮNG CHI PHỐI ĐỐI VỚI QUẢ CỦA NGHIỆP

Thứ hai, 02/01/2023, 18:29 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 2.1.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

NHỮNG CHI PHỐI ĐỐI VỚI QUẢ CỦA NGHIỆP

Khi nói về quả của nghiệp không đơn thuần là sự tương xứng khổ vui đối với nghiệp thiện ác mà còn nhiều yếu tố chi phối tạo nên tình trạng phức tạp. Thí dụ xoài cát Hoà Lộc là giống xoài được xem là rất ngon nhưng nếu lấy hạt giống trồng nơi khác thì không được như ở Hoà Lộc vì mặc dù giống xoài là nhân tố chính nhưng còn tuỳ thuộc vào những yếu tố khác như vùng đất, thổ nhưỡng, sự chăm sóc … Trong Tăng Chi Bộ (A II. 218 - 221) đề cập đến bốn sự chi phối đối với quả của nghiệp. Bốn sự chi phối nầy bao gồm cả hai phương diện trợ duyên (sampatti) và chướng duyên (vipatti). Những chi phối nầy khiến cho nghiệp trỗ quả mạnh hay yếu, lợi thế hay thất thế tuỳ theo sự pha trộn. Bốn chi phối đó là:

A. Nơi sanh (gati). Yếu tố nầy bao gồm sanh quán, quốc độ, cõi tái sanh. Chính môi trường sống khiến một số quả của nghiệp nào đó không có cơ hội trỗ sanh trong lúc những nghiệp khác là thành tựu. Thí dụ khi một chúng sanh thọ sanh vào cõi chư thiên có một số quả nghiệp không trổ sanh như chuyện hên xui trong thi cử vì cảnh giới đó không có nền giáo dục như nhân loại. Hoặc một người rất có tài nhưng sanh trong một đất nước không trọng giáo dục thì chỉ được biết là người có kiến văn khá nhưng nếu sanh ở một quốc gia khác thì có thể có hàm giáo sư đại học. Thọ sanh vào cảnh giới nào đó là nguyên nhân khiến một số nghiệp quá khứ không có cơ duyên trỗ quả.

B. Thân tướng (upadhi). Ngoại hình của một chúng sanh có ảnh hưởng nhiều đến những thuận nghịch đối với quả nghiệp. Dung mạo có thể tạo nên thiện cảm hay sự kỳ thị ở người khác qua ấn tượng ban đầu. Thí dụ một số người Á châu có ngoại hình nhỏ bé so với người da trắng khi đi xin việc làm mà công việc là địa vị lãnh đạo thì thường khó được nhận vào làm việc mà phải mất thời gian dài người ta mới thật sự trọng thực lực của mình. Hình tướng cao thấp, lớn nhỏ, đẹp xấu có ảnh hưởng lớn trong quan hệ xã hội, chính điểm nầy là thí dụ điển hình cho thấy ngoại hình có ảnh hưởng nhiều đến sự trỗ sanh của nghiệp quả.

C. Thời thế (kāla). Cuộc sống có phần lệ thuộc vào trào lưu, giai đoạn thuận nghịch. Có những tinh anh không được trân trọng trong thời chiến tranh mà lại rất được ưa chuộng trong thời bình. Điều nầy như ghi nhận thường có là “thời thế tạo anh hùng, mà anh hùng cũng tạo thời thế” hay câu nói “sanh bất phùng thời”. Ngay trong thiện duyên giác ngộ giải thoát nếu trong thời Đức Phật ra đời mà một người sanh ở cõi vô sắc thì cũng xem là thiếu duyên dù căn tánh có trình độ cao. Thời gian thích hợp là một yếu tính cho nhiều thứ trỗ sanh. Điều nầy giống như trồng hoa trái cũng cần có thời điểm thích hợp trong năm chứ không phải chỉ có hạt giống tốt, đất đai mầu mỡ là đủ.

D. Nỗ lực (payoga). Sự phấn đấu nâng cao tiềm lực bản thân. Dù một người có tài hay sanh trong gia đình giàu có hoặc ở quốc độ thuận lợi nhưng thiếu nghị lực thì khiến nhiều phúc quả không trỗ sanh. Ngược lại dù phước ít ỏi nhưng do siêng năng thì cũng có những thành tựu như câu “đại phú do thiên, tiểu phú do cần”. Có những người có điều kiện tốt trong cuộc sống nhưng do nghiện ngập cờ bạc hay ma tuý làm tiêu huỷ sức phấn đấu thì quả lành quá khứ vì đó mà tan biến. Sự chi phối nầy mang ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống sinh nhai mà cũng bao gồm cả sự tu tập bản thân. Phật Pháp thường dạy “sự phát tâm dõng mãnh” là sự tinh cần nỗ lực chuyển hoá luôn luôn mang lại lợi lạc. Một chúng sanh vốn có phước mà biếng nhác thì cũng có thể rơi vào trường hợp “toạ thực sơn băng”.

Nói tóm lại, từ sự tạo tác đến quả của nghiệp còn có tiến trình trỗ quả. Tiến trình nầy vốn bị chi phối bởi những yếu tố nội giới cũng như ngoại giới. Có những điều mà bản thân có thể chuyển đổi như sống ở xứ nên sống hay ra sức chuyên cần nhưng cũng có những điều đôi khi phải thúc thủ như không gặp thời điểm thích hợp hay ngoại hình (…). Nghiệp quả là sự pha trộn vô cùng phức tạp.

Bài tiếp theo: Quả nghiệp và ảnh hưởng dài hạn.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc