Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - NGHIỆP VÀ NHỮNG HỆ QUẢ SÂU XA

Thứ hai, 09/01/2023, 18:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 9.1.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

NGHIỆP VÀ NHỮNG HỆ QUẢ SÂU XA

Khi nói đến quả của nghiệp thì người ta thường nghĩ tới “làm lành được vui, làm ác bị khổ”. Thật ra theo Phật Pháp thì nghiệp có hệ quả sâu xa hơn sự diễn đạt và cách hiểu thông thường. Điều nầy giống như khi nói về giống lúc tốt sẽ cho gạo ngon. Trên thực tế do giống lúa tốt có những ảnh hưởng đối với thị trường, và cũng có thể do điều nầy, tạo nên những tác động đối với kinh tế một quốc gia. Từ đây cũng tác động nhiều tới cuộc sống của vô số người. Chính vì vậy Đức Phật dạy quả của nghiệp là một trong bốn điều bất khả tư nghì (acinteyya).

Nên hiểu sự “bất khả tư nghì” ở đây không có nghĩa là không thể hiểu được hay không nên suy luận mà là chỉ có thể nhận thức ở chừng mức tương đối chứ không thể thấu đáo trọn vẹn. Thậm chí trong kinh điển còn đề cập nếu một người nhất quyết phải hiểu hết những điều bất khả tư nghì thì có thể trở thành cuồng tâm loạn trí.

Quả của nghiệp là điều bất khả tư nghì cũng không có nghĩa là không nên biết mà là nên ý thức về phạm vi hiểu biết có lợi ích mà một người có thể hiểu được. Như một người lái xe càng biết nhiều về máy móc và hệ thống điện tử thì càng tốt để vận hành chiếc xe nhưng không có nghĩa là hễ lái xe thì phải am tường tất cả những gì thuộc về máy móc vật lý của chiếc xe mà mình sử dụng.

Có thể hiểu về nghiệp và quả với khung sườn tương đối giản dị và hợp lý qua hai câu Pháp cú 1 và 2:

Manopubbaṅgamā dhammā

manoseṭṭhā manomayā

Manasā ce paduṭṭhena

bhāsati vā karoti vā

Tato naṁ dukkhamanveti

cakkam'vā vahato padaṃ.

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo.

Manopubbaṅgamā dhammā

manoseṭṭhā manomyā

Manasā ce pasannena

bhāsati vā karoti vā

Tato naṁ sukhamanveti

chāyā'va anapāyinī.

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình.

(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Ở đây cội rễ tâm thức và quá trình tạo nghiệp là giai đoạn rất phức tạp. Con người vốn hiểu biết nhiều lãnh vực như tâm lý học là muốn nêu lên nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Theo Phật Pháp thì định luật về nghiệp liên hệ tới cả bốn định luật còn lại là định luật về chủng tử, định luật về thời tiết, định luật về tâm, và định luật về pháp tạo nên guồng máy hết sức phức tạp vượt ngoài trí năng thông thường. Tương tự như một kiến trúc sư thiết kế một lâu đài không phải chỉ cần kiến thức về nghệ thuật mà còn nắm về kỹ thuật, văn hoá, và sự bảo trì dài hạn.

Mặc dù không thể quán triệt nghiệp quả với trí tuệ thông thường nhưng có hai khuynh hướng được xem là đắc dụng cho tất những ai muốn có đời sống tốt đẹp đó là:

Sự yêu thích đối với pháp (kusalachanda) tâm khuynh hướng thiên về cái gì tốt lành, lợi lạc cho bản thân và tha nhân.

Sự yêu thích đối với sự thật (dhammachanda) là sự quyết tâm nhận thức một cách xác thực hay tìm là chân tướng của các pháp.

Hai khuynh hướng trên giúp chúng sanh trong giòng luân hồi sanh tử không mê chấp vào những quan niệm và giáo thuyết đóng khung. Và cũng từ hai sự yêu thích nầy mà các văn hoá xây dựng theo chân, thiện, mỹ.

Bài tiếp theo: Nghiệp và Tái Sanh

Biên soạn Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc