Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - NGHIỆP BÁO VÀ LUẬT PHÁP

Thứ hai, 20/03/2023, 17:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 20.3.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

NGHIỆP BÁO VÀ LUẬT PHÁP

Nhân quả nghiệp báo đôi khi cũng được hiểu từ niềm tin “làm lành được vui, làm ác bị khổ” dẫn tới cái nhìn “thưởng thiện, phạt ác” và y cứ trên sự “phán xét công minh”. Những điều nầy được xem là nền tảng của tín lý tôn giáo và cũng là cái nhìn của luật pháp hiện hành. Những ý niệm chồng lấn nầy thường bị ngộ nhận. Người học Phật Pháp cần phân rõ nghiệp báo và nguyên tắc thưởng phạt.

Sự tương quan giữa Pháp (dhamma) và Luật (vinaya) cần được hiểu rõ khi học về lời dạy của Đức Phật. Lối sống của một người có thể y cứ trên Pháp mà không cần biết về luật hoặc ngược lại. Pháp được hiểu là sự thật hay nguyên tắc tự nhiên mà y cứ trên đó một người sống theo được an lạc thí dụ sự quảng đại xả tài là hành động mang lại lợi lạc cho tha nhân và bản thân. Điều nầy chỉ có thể gọi là pháp chứ không thể là một quy định theo luật. Không có một điều luật nào bắt buộc phải bố thí. Ở điểm khác, “không lấy của không được cho” là một học giới được dạy trong cả hai Pháp và Luật. Pháp là định luật tự nhiên không giới hạn bởi thời gian, không gian trong lúc Luật là những quy ước áp dụng tuỳ thời tùy xứ. Thí dụ những luật định về y tăng già lê không nhất thiết áp dụng cho tất cả quốc độ. Một số lớn giới luật trong Phật giáo liên hệ tới Pháp nhưng có những điều hoàn toàn là quy định cho trường hợp riêng biệt nào đó mà không nên hiều theo nhân quả thí dụ quy định về việc tắm giặt của chư tỳ khưu.

Luật định y cứ trên cơ sở của phán xét trong lúc nghiệp báo là định lý tự nhiên. Giống như một người trồng lúa được mùa hay thất mùa do những lý do tự nhiên chứ không chỉ do công sức đáng khen hay đáng trách. Một sở hành tạo quả báo chi phối bởi tâm tạo tác, hành động tạo tác, và đối tượng của hành động. Cũng là bố thí cúng dường, cũng là tâm thí và vật thí như nhau nhưng nếu đối tượng thọ nhận là một vị Phật độc giác thì quả rất khác với người tu sĩ bình thường. Sự phán xét trong trong trường hợp nầy rất vô nghĩa. Phật tử Việt Nam, ảnh hưởng bởi văn hoá Trung Quốc, thường hiểu nhân quả qua những bản kinh như “Hồi Dương Nhân Quả” mà theo đó khổ vui, siêu đoạ được quyết định bởi Thập Điện Phán Quan trong địa ngục sau khi chết là tín ngưỡng dân gian không có cơ sở trong giáo lý nghiệp báo của Phật Pháp.

Khi nói đến luật định thì phải là một hành động hoàn tất trong lúc điều nầy không hẳn như vậy đối với nghiệp báo. Thí dụ nói về giới sát sanh theo luật thì phải có đủ năm chi phần: đối tượng của hành động phải là chúng sanh có thức tánh, biết chúng sanh có thức tánh, có ý sát hại, ra sức sát hại, đối tượng đã chết vì sự cố sát đó. Trong lúc trên phương diện nghiệp báo một người vui khi thấy người khác sát sanh đã là một sở hành bất thiện đủ tạo quả xấu. Không nên nhầm lẫn giữa Pháp và Luật trong Phật Pháp cũng như không nên nghĩ rằng có sự đồng nhất giữa nghiệp và luật pháp hiện hành. Luật pháp là những quy ước do con người thiết lập không hẳn nói lên sự công minh như là nghiệp báo vốn là định luật tự nhiên được giảng giải bởi Đấng Đại Giác.

Quy luật bù trừ được tìm thấy trong luật pháp không giống với nhân quả theo nghiệp báo. Một vị a la hán vốn tạo rất nhiều phước hạnh ba la mật nhưng vẫn gặt hái những quả tầm thường từ nghiệp quá khứ mới nghe như sự bất công. Trên thực tế thì như một người nấu nồi cơm bằng gạo ngon nhưng trong gạo còn một hạt sạn nhỏ khi nhai cơm làm mẻ răng thì không thể nói theo luật bù trừ cân phân giữa gạo ngon và hạt sạn. Vì quan điểm “nhập nhằng” giữa nhân quả nghiệp báo và sự phán xét nên trong một số tông phái Phật giáo người ta tin rằng một người đã đủ công đức viên thành chánh quả thì không thể bị những quả nghiệp bất thiện. Cái nhìn đó nặng về tư duy thường thức hơn là hiểu chính xác theo Phật Pháp.

Bài tiếp theo: Nghiệp Báo và Giáo Lý Vô Ngã

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc