Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - CHUYỄN NGHIỆP

Chủ nhật, 12/02/2023, 17:54 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 12.2.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

CHUYỄN NGHIỆP

Không phải ai tin nhân quả cũng giống nhau. Nghiệp báo là giáo nghĩa tế nhị và phức tạp. Có những niềm tin nghiệp khiến con người tốt hơn mà cũng có những niềm tin nghiệp khiến người xấu hơn. Có người tin là khi đã tạo ác nghiệp thì chắc chắn phải bị quả báo không làm gì khác hơn được. Quan niệm đó không phù hợp với Phật Pháp. Bài kinh sau đây là một dẫn chứng về quan niệm không chính xác về nghiệp:

VIII. Vỏ Ốc (S.iv,317)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Nālandā, tại rừng Pāvārikamba.

2) Rồi Thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của phái Ni-kiền-tử đi đến Thế Tôn...

3) Thế Tôn nói với thôn trưởng Asiband-hakaputta đang ngồi một bên:

-- Này Thôn trưởng, Nigantha Nātaputta thuyết pháp như thế nào cho chúng đệ tử?

4) -- Bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho chúng đệ tử như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy". Như vậy, bạch Thế Tôn, Nigantha Nàtaputta thuyết pháp cho các đệ tử.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của họ sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

5) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sát hại sanh mạng, hay thời vị ấy không sát hại sanh mạng?

-- Bạch Thế Tôn, có người sát hại sanh mạng, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, là thời vị ấy sát hại sanh mạng. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sát hại sanh mạng.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai phải sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

6) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người lấy của không cho, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy lấy của không cho hay thời vị ấy không lấy của không cho?

-- Bạch Thế Tôn, có người lấy của không cho, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, thời vị ấy lấy của không cho. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không lấy của không cho.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời sẽ không có ai sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

7) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sống theo tà hạnh trong các dục, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy sống theo tà hạnh trong các dục, hay thời vị ấy không sống theo tà hạnh trong các dục?

-- Bạch Thế Tôn, có người sống theo tà hạnh trong các dục, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng làm. Thời này là ít hơn, thời vị ấy sống theo tà hạnh trong các dục. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không sống theo tà hạnh trong các dục.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời không có ai sẽ sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

8) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Có người sống nói láo, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng nói. Thời nào là nhiều hơn, thời vị ấy nói láo, hay thời vị ấy không nói láo?

-- Bạch Thế Tôn, có người nói láo, ban đêm hay ban ngày, hay thỉnh thoảng nói. Thời này là ít hơn, thời vị ấy nói láo. Và thời kia là nhiều hơn, thời vị ấy không nói láo.

-- Phàm sống tối đa, tối đa như thế nào, này Thôn trưởng, chiều hướng ấy sanh thú của vị ấy sẽ như vậy. Nếu sự thật là vậy, thời không ai sẽ sanh vào đọa xứ, địa ngục như lời của Nigantha Nàtaputta.

9) Ở đây, này Thôn trưởng, có vị Ðạo sư nói như sau, thấy như sau: "Ai sát hại sanh mạng, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai sống theo tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục. Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Ðạo sư ấy.

10) Vị ấy suy nghĩ: "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sát hại sanh mạng tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có sát hại một sanh mạng. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục như vậy. " Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai lấy của không cho, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta có lấy của không cho. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục." Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào đọa xứ, địa ngục như vậy. "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai sống theo tà hạnh trong các dục, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta sống theo tà hạnh trong các dục. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào đọa xứ, địa ngục như vậy. "Thầy ta nói như sau, thấy như sau: 'Ai nói láo, tất cả phải sanh vào đọa xứ, địa ngục'. Nay ta nói láo. Như vậy, ta phải sanh vào đọa xứ, địa ngục". Vị ấy chấp trước tà kiến ấy. Này Thôn trưởng, không đoạn tận lời ấy, không đoạn tận tâm ấy, không từ bỏ kiến ấy, vị ấy chắc chắn rơi vào đọa xứ, địa ngục như vậy.

11) Ở đây, này Thôn trưởng, Như Lai sanh ra ở đời, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn; Như Lai dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: "Chớ có sát sanh"; chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: "Chớ có lấy của không cho"; chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục và nói: "Chớ có sống theo tà hạnh trong các dục"; chỉ trích, công kích nói láo và nói: "Chớ có nói láo". Này Thôn trưởng, người đệ tử đặt lòng tin tưởng vào vị Ðạo Sư ấy. Vị ấy suy tư như sau:

12) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sát sanh và nói: 'Chớ có sát sanh". Nay ta có sát hại như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên (sutthu), như vậy là không tốt. Và do duyên ấy ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'". Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ sát sanh. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ sát sanh. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

13) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích lấy của không cho và nói: 'Chớ có lấy của không cho". Nay ta có lấy của không cho như thế này, hay như thế kia. Như vậy là không nên, như vậy là không tốt. Và do duyên ấy, ta có thể hối hận: 'Ác nghiệp ta làm, nay sẽ không làm nữa'. Người ấy do suy tư như vậy, liền từ bỏ lấy của không cho. Và trong tương lai, người ấy đình chỉ lấy của không cho. Như vậy, ác nghiệp ấy được vượt qua.

14) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích sống theo tà hạnh trong các dục.."..

15) "Thế Tôn dùng nhiều phương tiện chỉ trích, công kích nói láo.."..

16) Do đoạn tận sát sanh, người ấy trở thành người không sát sanh. Do đoạn tận lấy của không cho, người ấy trở thành người không lấy của không cho. Do đoạn tận sống theo tà hạnh trong các dục, người ấy trở thành người không sống theo tà hạnh trong các dục. Do đoạn tận nói láo, người ấy trở thành người từ bỏ nói láo. Do đoạn tận nói hai lưỡi, người ấy trở thành người từ bỏ nói hai lưỡi. Do đoạn tận nói lời độc ác, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời độc ác. Do đoạn tận lời nói phù phiếm, người ấy trở thành người từ bỏ nói lời phù phiếm. Ðoạn tận tham, không có tham lam, đoạn tận sân, không có sân tâm, đoạn tận tà kiến, người ấy trở thành người theo chánh kiến. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với từ, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân.

17) Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và (bằng con ốc), với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập từ tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại. Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy, như vậy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả, sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân.

18) Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và, với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập xả tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại.

19) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(Tương Ưng Bộ IV. 217)

Bản dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu

Bài tiếp theo: Sống với niềm tin nghiệp báo

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc