- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 3.10.2022
Phần II: Phật Pháp
DUYÊN SINH
Xúc duyên Thọ (phassapaccayā vedanā)
Thọ - vedanā - chỉ cho cảm thọ khổ, lạc, xả. Thọ là một đề tài lớn trong Phật học. Đây là một thuật ngữ dễ lẫn lộn trên cả hai phương diện văn và nghĩa. Những học giả Trung Hoa thời xưa dịch chữ vedanā là thọ trong ý nghĩa cảm nhận. Đây làn sự cảm nhận sơ khởi chứ không phải là cảm xúc phản ứng đối với cảnh. Sớ Giải Thắng Pháp - (Atthasālinī, I, phần IV, chương I, trang 109) đưa ra thí dụ thọ giống như người chuyên nếm thực phẩm cho nhà vua. Người nếm không phải là hưởng thụ. Trong Anh ngữ người ta thường dùng chữ feeling để dịch vedanā nhưng đó là cách dịch dễ hiểu mà lại thường gây ngộ nhận. Một số những dịch giả uy tín hôm nay dùng cụm từ bare affective quality of an experience (sự trải nghiệm đơn thuần ban đầu) để giải thích chữ nầy. Phản ứng thương, ghét, bình thản đối với cảnh thuộc về hành uẩn trong lúc cảm nhận sơ bộ thuộc về thọ uẩn.
Nên lưu ý các mắt xích: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ trong thập nhị nhân duyên là quả của nghiệp. Nói cách khác những cảm thọ ở đây không thuộc về ý chí. Ngay cả các bậc hoàn toàn giải thoát trong thời gian hữu dư niết bàn vẫn có những cảm thọ nầy. Trong phạm trù vĩ mô thì cảm thọ là khía cạnh “bị động” của tâm đối với cảnh. Giống như màn hình cảm biến của điện thoại thông minh một khi còn hoạt động thì còn có những hiệu ứng khi chạm vào. Trạng thái gần nhất đối với vô dư niết bàn mà một bậc A la hán chứng nghiệm là nhập diệt thọ tưởng định (…).
Trong một thí dụ tương đối gần thì cảm thọ giống như vết thương không băng bó nên rất nhạy cảm. Vết thương có thể rát buốt khi bị chạm vào, cũng có thể dễ chịu vì được gãi đả ngứa, mà cũng có thể chai lì vì kéo dài. Phải hiểu thí dụ nầy mới lãnh hội câu trả lời của Tôn giả Sāriputta khi có người hỏi có hạnh phúc nào không có cảm thọ thì Ngài dạy rằng: “không cảm thọ là chân hạnh phúc”. Không nên hiểu thọ xả là một thứ bản lãnh bình đạm trước mọi tình huống. Bản lãnh đó có thọ xả. Nhưng thọ xả thường không phải là bản lãnh đó.
Xúc duyên thọ có nghĩa là khi căn, cảnh, thức giao thoa thì cảm thọ sanh khởi. Giống như một du khách đến vùng đất lạ. Vì có mặt ở một nơi lạ lẫm tạo nên cảm giác. Không thể có xúc mà không có thọ. Nên đặc biệt lưu ý điểm nầy: theo Thắng Pháp thì tất cả tâm đều có hai thuộc tánh xúc và thọ đồng sanh và đồng diệt. Xúc trong thập nhị nhân duyên là “sự trạng cọ xát giữa căn, cảnh, và thức” chứ không phải một thuộc tánh (tâm sở) xúc làm phần hành của một bộ phận của tâm đối với cảnh. Thọ cũng phải hiểu trong phạm trù khác với thuộc tánh thọ có mặt trong tất cả tâm.
Phần tiếp theo: Thọ duyên Ái
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn