Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH - Vô Minh Duyên Hành (avijjā paccayā saṅkhārā)

Thứ hai, 29/08/2022, 17:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 29.8.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Vô Minh Duyên Hành (avijjā paccayā saṅkhārā)

Vô minh – avijjā – được định nghĩa là không rõ biết. Sự không rõ biết được đề cập với nhiều phương diện mà hai điểm chính là không phân biệt được khổ đau, hạnh phúc; và không rõ nơi xuất phát và điểm đến. Sự không rõ biết là bản chất mà từ đó tạo nên những hiện tượng tưởng là không liên hệ. Phải thấy được vô minh không đơn giản chỉ là sự không sáng suốt mà còn là một động lực mãnh liệt chi phối tất cả sở hành.

Khi nói vô minh là không phân biệt được khổ đau và hạnh phúc thì theo ngôn ngữ Phật học là sự không nhận rõ cái gì là sự khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. Thí dụ như một người mới khởi nghiệp với quan niệm rằng mình khổ vì không có tiền và giải pháp là vay tiền mượn nợ để trang trãi những chi tiêu. Cái nhìn đó không giúp giải quyết được vấn đề mà tạo nên nhiều hệ luỵ khác. Không biết rõ vấn đề là gì thì không thể đưa ra giải pháp.

Khi nói vô minh là không rõ nơi xuất phát và điểm đến có nghĩa là không biết rõ quá khứ, tương lai và tương quan quá khứ với tương lai (Pubbanta, aparanta, pubbantāparanta). Do sự tự nhiên không biết từ đâu đến và sẽ đi về đâu cũng như sự liên hệ chằng chịt giữa điểm nầy và mấu chốt kia nên gây ra vô số quyết định sai lầm. Có thể thí dụ như một người làm một hành trình mà điểm xuất phát và điểm đến đều không biết thì đúng là “lênh đênh giữa trùng khơi”

Nói đến vô minh thì bản chất là không thật sự thấy biết mà hiện tượng là thái độ sầu, bi, khổ, ưu, ai. Thí dụ như chúng ta rất khổ khi một người thân vĩnh viễn ra đi. Nếu thật sự hiểu về sự vô thường thì sẽ không có bi luỵ như vậy. Sự mong mõi hay bám víu khác với thực tướng các pháp khiến chúng ta khổ.

Sự không rõ biết của vô minh không đơn thuần là “không biết thì nằm đắp chiếu” mà là một động lực mãnh liệt đằng sau tất cả sở hành. Có thể thí dụ như một người năng động khi không có một nhận thức cái gì nên làm do vậy lăng xăng làm cái nầy cái kia. Thoạt nhìn có vẻ như tích cực cho cuộc sống kỳ thật chỉ là biểu hiện của sự không biết rõ cái gì nên làm.

Hành – sankhārā – được định nghĩa là sự tạo tác trong mọi hình thái. Những tạo tác sai lầm, muốn vui mà chuốc khổ, gọi là phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra). Những tạo tác tương đối chính xác hơn, muốn vui mà biết đúng cách tạo niềm vui, gọi là phúc hành (puññābhisaṅkhāra). Những tạo tác vượt lên trên những hạn cuộc vui khổ thông thường (…) gọi là bất động hành (āneñjābhisaṅkhāra). Dù ở phạm trù nào trong ba điều vừa kể đều bị chi phối bởi vô minh. Cũng có thể hiểu theo cách thông thường hành chỉ cho tất cả tạo tác của thân, ngữ, ý trong đời sống hằng ngày.

Vô Minh Duyên Hành (avijjā paccayā saṅkhārā) được hiểu theo nhiều phạm trù nhưng một cái đại lược nghĩa là chính do sự mù mở là động lực khiến tạo nên tất cả sở hành trong cuộc sống. Động thái nầy có thể hiểu như câu “điếc hay ngóng, ngọng hay nói”. Sự thiếu hiểu biết về những bí ẩn của cuộc sống khiến chúng sanh hành động và từ đó tạo nên vô số hệ quả. Có thể nêu là một số trường hợp: niềm tin là thiên đàng là nơi hạnh phúc nhất, niềm tin là giết những chúng sanh mang lại hạnh phúc; niềm tin là tự tử là chấm dứt tất cả khổ đau; niềm tin là sanh về cảnh giới nào đó sẽ vui hưởng vĩnh hằng; niềm tin là tế tự dẫn đến cảnh giới an lạc; niềm tin là sự giải thoát đích thực đến từ khổ hạnh ép xác; niềm tin là chết là hết; niềm tin là bây giờ mình thế nào kiếp sau cũng linh hồn như vậy… tất cả niềm tin nầy tạo nên nếp sống và sở hành. Đó là tại sao chính vô minh duyên cho hành.

Phần tiếp theo: Hành Duyên Thức

Biên soạn : Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc