Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH - Thủ Duyên Hữu (upādānapaccayā bhavo)

Thứ hai, 24/10/2022, 18:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 24.10.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Thủ Duyên Hữu (upādānapaccayā bhavo)

Hữu là sự tồn tại theo ý nghĩa tạo và bị tạo. Thuật ngữ bhava thường được dịch là “hữu” trong Hán Việt mang nhiều ý nghĩa cần được phân định. Trong Anh ngữ người ta thường dịch là “một trạng thái tồn tại (particular state of existence) hoặc giả là “cấu trình tạo thành (becoming)” thí dụ danh từ “học sinh” không phải chỉ cho một cá nhân cố định mà là một người đang được học, được đào tạo. Nói cách khác hữu là sự hiện hữu với quá trình hình thành từng phút từng giờ. Quá trình đó bao gồm nghiệp hữu (kammabhava) và sanh hữu (uppattibhava). Nghiệp hữu chỉ cho hành vi tạo tác. Sanh hữu chỉ cho tất cả cuộc sống tác động bởi hành động tạo tác. Thí dụ những hành động ăn trộm, buôn bán là nghiệp hữu. Từ những hành động nầy tạo nên lối sống, cách sống tương thích với hành động gọi là sanh hữu.

Thủ duyên hữu là chính do sự chấp thủ dẫn đến hành động tạo tác và những hệ quả liên quan. Cuộc sống là mà quá trình tồn tại sinh động của tạo tác. Ngay cả vì lý do gì đó lựa chọn lối sống thụ động biếng nhác không làm gì thì cũng là một sự tồn tại có nhân quả. Sự hiện hữu của của chúng sanh không “hằng hữu” mà là “hằng chuyển”. Nói cách khác là do y cứ hay chấp thủ vào cái gì đó khiến hành động và lăn trôi theo bao nhiêu tác động lớn nhỏ, trực tiếp hay gián tiếp. Có thể hiểu như những người di dân đến vùng đất mới. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng. Mỗi bối cảnh sống bắt nguồn tự sự lựa chọn để rồi tạo lập cuộc sống. Không có sự tồn tại đứng yên nguyên trạng. Không có sự tồn tại nào nằm ngoài sự tạo tác và hệ quả của sự tạo tác. Để tạo tác chúng sanh dựa trên quan niệm rất riêng gọi là chấp thủ.

Cũng như trường hợp “vô minh duyên hành” khi nói đến “thủ duyên hữu” thì nên hiểu là những hành động tạo tác dù hiền thiện, nhân lành, nghiệp tốt đều bắt nguồn từ “chấp thủ”. Mặc dù “thủ” bao gồm dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ nhưng “hữu” thì có tốt, có xấu. Chúng sanh tạo nghiệp lành do động lực từ “sự phán quyết” cái nầy là tốt, quả kia là quả lành, cuộc sống thế nọ là đáng sống … Tác động của thủ đối với hữu nên được hiểu từ mức độ rất thô thiển đến rất tế nhị nhưng quan hệ giữa “vô minh duyên hành”. Thí dụ như Tôn giả Ānanda từng phát nguyện thành một thị giả của Phật toàn giác. Trên phương diện thiện ác thì đó là ước muốn tốt, hành động tốt, quả trỗ tốt. Nhưng trên phương diện tế nhị thì khi muốn “trở thành người thế nầy hay thế kia” vẫn là chấp thủ. Chư vị a la hán không chấp thủ nên mọi sở hành đều không là nghiệp.

“Hữu” còn mang ý nghĩa “chính hành vi tạo tác khiến người thấp hèn hay cao quý”. Hành động tạo tác hay nghiệp không phải chỉ tạo quả đời sau mà đóng vai trò “định hình” ngay trong cuộc sống nầy. Cũng sanh làm người nhưng chọn nghề nghiệp hay sở thích săn bắn hoặc theo đuổi con đường nghệ thuật văn hoá tạo nên hai con người khác biệt. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có nghiệp từ kiếp trước tạo ra con người hiện tại. Kỳ thật là sự hỗn hợp pha trộn giữa quả nghiệp quá khứ và nhân tạo kiếp nầy. Sở hành trong cuộc sống tạo nên muôn vàn hình thái hiện hữu.

Quan niệm, sự lựa chọn hay “thủ” có thể tạo nên ngã rẽ cuộc cuộc sống. Thí dụ do muốn trở thành “người tốt” nên quyết tâm thọ trì ngũ giới hay tu bát quan trai. Một giai đoạn mới của cuộc sống bắt đầu. Đó là giai đoạn không sống bằng tập tính mà sống với ý chí vô hại, ý chí tu tập. Toàn bộ tiến trình tạo nên sự chuyển hoá trong cuộc sống. Tất nhiên là sự chuyển hoá có cái tốt hơn, có cái xấu hơn. Đây cũng là những mấu chốt nói lên khả năng can thiệp của ý chí trong giáo lý thập nhị duyên khởi.

Phần tiếp theo: Hữu duyên Sanh

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc