- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 10.10.2022
Phần II: Phật Pháp
DUYÊN SINH
Thọ Duyên Ái (vedanāpaccayā taṇhā)
Ái (taṇhā) là sự khao khát. Tất cả khát khao chỉ có thể đáp ứng nhất thời nhưng không bao giờ thoả mãn hoàn toàn. Có ba thứ ái. Dục ái (kāmataṇhā): là sự khao khát đối với năm cảnh dục (sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc). Hữu ái (bhavataṇhā): là sự khao khát trở thành một trạng thái nào đó hay một cá thể tồn tại như muốn trở thành một triệu phú, một người hùng, một vị thiên… đây là khát vọng liên hệ tới bản ngã hằng hữu hay thường kiến. Phi hữu ái (vibhavataṇhā): là sự khao khát trốn thoát trạng thái hay sự hiện hữu không vừa lòng. Trong hình thức thô thiển nhất của vô hữu ái là biểu hiện buồn chán, tự ti, cô đơn, muốn tự huỷ. Hình thức tế nhị hơn là chấp thủ đoạn kiến.
Thọ duyên ái là cảm thọ khổ, lạc, xả tạo nên khao khát. Khi cảm thọ dễ chịu, vừa lòng thì ưa thích và mong muốn có thêm. Khi cảm thọ khó chịu, trái ý nghịch lòng thì khao khát được thay đổi, được thay thế bằng cái gì thoải mái hơn. Khi cảm thọ xả thì có thể tạo nên trạng tháng tự mãn, hững hờ. Thọ xả cũng có thể là là trạng thái hạnh phúc tinh tế có thể dẫn đến ái chấp và khát vọng xa hơn. Như vậy là cả ba cảm thọ khổ, lạc, xả đều là tác động để tạo ra ái.
Mắt xích thọ duyên ái là một tiêu biểu rõ nét của ý nghĩa quả nghiệp tạo nên phiền não trong ba luân chuyển: nghiệp, quả, phiền não. Khi quả nghiệp sanh khởi (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) thì chúng sanh gần như ở thế bị động vì không làm chủ được cái gì xẩy ra và sự cảm nhận đối với thế giới khách quan cũng vậy.
Tự sự cảm nhận đối với cảnh sanh ra ái là thời điểm mà ý chí tu tập và tuệ giác có thể can thiệp. Hoặc phản ứng theo bản năng cố hữu “thọ duyên ái”. Hoặc thắp sáng tuệ giác để không khao khát có cái vừa lòng trong tương lai mà bực bội với cái không vừa lòng. Ý chí tu tập nầy không đơn giản chỉ bằng sự suy nghĩ mà có được. Khát vọng khi cảm thọ sanh khởi là tập tánh lâu đời vốn ăn sâu trong tâm thức của chúng sanh.
Ái dục và vô minh là hai lực đẩy lớn trong vòng sinh hoá của chúng sanh. Ái dục thể hiện ở hình thức thô thiển nhưng nóng lòng ham muốn thế nầy thế kia. Ái dục cũng có thể hiện khởi với hình thức tế nhị như thích cái gì đối lập với sự nông nỗi bồng bột. Thí dụ một người ưa chuộng sự giản dị bình đạm không có nghĩa là không khát vọng.
Phần tiếp theo: Ái duyên Thủ
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn