Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp | DUYÊN SINH - Sanh duyên Lão Tử và sự tập khởi của sầu, bi, khổ, ưu, não (jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti)

Thứ hai, 07/11/2022, 19:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 7.11.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Sanh duyên Lão Tử và sự tập khởi của sầu, bi, khổ, ưu, não

(jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsā sambhavanti)

Lão tử là sự lão hoá và diệt vong. Sầu, bi, khổ, ưu, não là những tâm thái bất an đối với thực tế vốn nhiều điều trái ý nghịch lòng. Dù sự sanh mang ý nghĩa là chào đời hay là sự bắt đầu một giai đoạn của cuộc sống thì luôn định hình một “tự thể huyễn ngả” như một hoàng tử, một nhà trí thức, một người hữu phúc ..v.v.. Điều nầy luôn gặp những thách thức trái ý nghịch lòng và do vậy sự phiền muộn, cay đắng, đau đớn, lo âu, khủng hoảng nội tâm xuất hiện.

Sanh duyên lão tử có nghĩa là trong sự sanh đã có yếu tố quyết định về thọ mạng tối đa của sự sống. Dù là trong chư thiên, phạm thiên, người, thú mỗi sinh loại đều có tuổi thọ giới hạn. Thí dụ nhưng những chiếc xe được sản xuất đều dựa trên quy định là được xài tốt cho bao nhiều thời gian sử dụng. Tất nhiên có sự khác biệt giữa người với người khi nói về tuổi thọ tuỳ theo biệt nghiệp nhưng nói chung thì mỗi chủng loại đều nằm trong tuổi thọ tối đa ở mức độ nào đó. Trong sự sanh luôn có quyết định tánh về già và chết.

Ngay từ sau giây phút thọ sanh thì trữ lượng tuổi thọ giảm dần theo mỗi ngày trôi qua. Một ngày sống là sự sống ngắn đi một ngày như cuộn chỉ ngắn đi theo mỗi lần sử dụng. Sự giảm dần của thời gian không nhất thiết phản ánh song song với sự thay đổi của thân xác theo ý nghĩa lão hoá. Từ tuổi ấu thơ tới thiếu niên, tráng niên không ai nghĩ là lão hoá như kỳ thật thì mỗi ngày qua là thọ mạng ngắn hơn. Người ta nhìn một đoá hoa đẹp khó biết là hoa đang “tàn” theo mỗi khoảnh khắc trôi qua để cuối cùng héo úa.

Sanh nghiệp, trì nghiệp, đoạn nghiệp không hẳn luôn luôn đồng cùng tạo nên bởi một hạnh nghiệp quá khứ, dù vậy, sự sanh vẫn có những chi phối nhất định trong cả cuộc đời. Thí dụ một người sanh ra trong gia đình giàu có nhưng có thể sau nầy lớn lên có cuộc sống lam lũ cơ cực và có thể chết bất đắc kỳ tử. Trường hợp nầy được xem là sanh nghiệp và trì nghiệp không đồng. Sanh duyên lão tử ở duyên khởi phải được hiểu rộng hơn. Đã sanh làm người thì phải có những khổ luỵ của kiếp nhân sinh. Bao gồm cả hiện tượng “lên voi xuống chó”, “có thân phải chịu ốm đau tật nguyền”.

Cuộc sống, dù là của bất cứ ai, hữu phúc hay vô phần đều có bản chất chung của ba trạng thái:

a. Dịch chuyển hay không đứng yên một chỗ Phật học gọi là vô thường.

b. Không hoàn hảo nên không bao giờ có sự thoả mãn hoàn toàn hay bất toại tức khổ não.

c. Không do một yếu tố duyên nhất quyết định nên không bao giờ có cái gọi là chủ quyền tuyệt đối hay vô ngã.

Do biến đổi, bất toại, vô chủ vô quyền nên những hiện tượng sầu, bi, khổ, ưu, não. Đã sinh ra thì phải lão hoá, phải chết, phải sống với những xáo trộn tinh thần.

Phần tiếp theo: Những chồng chéo trong giáo lý duyên khởi

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc