Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH - Lục nhập duyên xúc (saḷāyatanapaccayā phasso)

Chủ nhật, 25/09/2022, 16:19 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 25.9.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Lục nhập duyên xúc (saḷāyatanapaccayā phasso)

Xúc là sự giao thoa giữa căn, cảnh, và thức. Đây là điểm tương tác giữa các căn và cảnh qua các căn. Qua ngôn ngữ thì tiến trình như rất chậm kỳ thực thì xúc hiện khởi ở mức độ cực vi. Thí dụ như một người thợ sửa máy móc giải thích về sự hoạt động của các mạch điện qua cách tương tác giữa các linh kiện thoạt nghe thì xẩy ra thứ lớp nhưng thực tế tất cả chỉ diễn ra trong một tích tắc.

Lục nhập duyên xúc có nghĩa là các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi ..v.v.. vốn có những tánh cách quyết định đối với sự bắt cảnh, cảm thụ cảnh, và tương tác với cảnh. Điều nầy từng được đơn cử trước đây là các căn (lục nhập) của chư thiên, loài người, loài vật ..v.v.. không giống nhau, do vậy, sự thấy, nghe, ngửi, nếm ..v.v.. cũng khác biệt mặc dù cùng là cảnh. Xúc được hiểu là hoạt động của các giác quan mà lục nhập được hiểu là “cơ địa” của mỗi chúng sanh.

Chữ “duyên” trong “lục nhập duyên xúc” có nghĩa là sự chi phối tạo nên tính cách hay hạn cuộc. Thí dụ cùng một món ăn nhưng sự nếm trãi của sanh loại nầy khác với sanh loại kia. Nói cách khác cái ngon hay không ngon hoặc thích hợp hay không thích hợp không hoàn toàn ở cảnh mà còn ở các căn. Mặc dù các căn luôn luôn có nhưng sự “kích hoạt” các căn tuỳ thuộc rất nhiều bởi những yếu tố khác. Cùng có mặt trong một dạ tiệc nhưng cái thấy, cái nghe, cái nếm có khác biệt giữa người nầy với người kia.

Các căn tạo nên tánh cách chủ quan nhưng không phải chủ quan do cái nhìn mà còn do nghiệp và thói quen chi phối. Thí dụ như có những động vật chỉ ăn cỏ thì không thể ăn thịt, hay ngược lại, điều nầy không nằm ở sự chủ quan qua cái nhìn mà do chủng loại vốn tạo nên bởi nghiệp quá khứ (…). Người ta thường nói về trạng thái phản ứng đối với cảnh theo cách chủ quan nhưng sự bắt cảnh, tìm cảnh, cảm thụ cảnh cũng mang tính chủ quan. Chủ quan ở đây là nằm ở hạn cuộc các căn. Điều nầy giải thích tại sao trong Thắng Pháp Abhidhamma nói về cảnh tốt hay xấu (quả thiện hay quả bất thiện) đối với năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc vốn quyết định ngay từ sát na “ngũ song thức” chứ không ở những sát na “xử lý - javana”

Sự bắt cảnh không hẳn là thụ động khi cảnh xuất hiện mà còn do nghiệp, do thói quen, do nhu cầu, do khuynh hướng. Điều nầy có thể hiểu qua thí dụ một khu rừng đối với một nhà nghiên cứu sinh vật, một người thích ngắm chim muông, một người tu thiền thì những thấy, nghe ..v.v.. mang cả hai tánh thụ động và năng động.

Những đặc điểm của các căn như mắt tinh, tai thính ..v.v.. thường nói lên đặc tính của các căn hơn là khả năng chú ý. Ngay cả trong kinh cũng đề cập một người có phước khi lưỡi nếm vị thì vị giác tinh tế hơn người bình thường. Dĩ nhiên sự hoạt động của các căn cũng tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác như mắt thấy cảnh sắc rõ ràng một phần nhờ vào ánh sáng mờ hay tỏ nhưng cũng tùy thuộc rất nhiều vào con mắt (nhãn căn).

Phần tiếp theo: Xúc duyên thọ

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc