Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - DUYÊN SINH - Hành Duyên Thức (saṇkhārapaccayā viññāṇaṃ)

Thứ hai, 05/09/2022, 17:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 15.8.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Hành Duyên Thức (saṇkhārapaccayā viññāṇaṃ)

Đây là một trong những mấu chốt có nhiều cách giải thích khác biệt trong duyên sinh. Mặc dù trên căn bản có sự đồng thuận là trọn đề tài duyên khởi phải được hiểu theo nhiều phạm trù: tam sinh hoặc ngay trong hiện kiếp; quy mô hoặc vĩ mô; Kinh tạng hay Thắng Pháp Tạng tuy nhiên có những tranh luận và giải thích khác biệt giữa các học giả nổi tiếng. Đơn cử là Ngài Buddhaghosa trong Thanh Tịnh Đạo thì nghiêng về cái giải thích theo “ba đời” trong lúc ngài Buddhadasa thì nhấn mạnh cách hiểu duyên khởi trong kiếp hiện tại. Ngài Payutto thì dung hợp. Sự trình bày ở đây không mang tánh biên khảo mà là cố gắng để trình bày theo cách dễ hiểu.

Trước hết “hành (saṅkhāra)” phải được hiểu theo cả hai phương diện hiện tượng và bản chất. Trên phương diện hiện tượng là hành vi tạo tác của thân, ngữ, ý. Trên phương diện bản chất thì hành là chủ tâm tạo tác (cetanā). Có thể nói hành ở đây đồng nghĩa với nghiệp (kamma). Tuy nhiên nếu xem hành hoàn toàn đồng nghĩa với nghiệp thì chỉ hiểu “hành duyên thức” theo một phương diện. Đây là điều phải hết sức cẩn thận.

Trong cách hiểu “hành duyên thức” nghĩa là hành động tạo tâm quả dị thục (vipāka) nghĩa là chính những tạo tác kết thành thức tái sanh (paṭisandhi viññāṇa). Đây là mối nối giữa hai đời. Nói chi tiết hơn theo Thắng Pháp Abhidhamma thì 12 tâm bất thiện và 17 tâm thiện tạo nên 19 tâm quả làm việc tục sinh. Nhưng Thắng Pháp cũng giải thích là thức trong duyên khởi bao gồm cả 32 tâm quả (…). Đi xa hơn có thể nói tiềm thức (bhavaṅga) đóng vai trò chi phối quan trọng trong cuộc sống. Tiềm thức được xác lập bởi thức tái sanh. Thức tái sanh là kết quả của nghiệp thiện và bất thiện của những kiếp quá khứ.

Trong cách hiểu khác, “hành duyên thức” nghĩa là chủ tâm hành động tạo nên nhận thức chủ quan trong cuộc sống. Ngài Payutto đưa ra thí dụ: cũng là miếng đất trống nhưng có sự khác biệt trong cái nhìn của trẻ em thích chơi đùa, nhà đầu tư tìm cơ hội ra vốn, nhà nông thường nghĩ tới loại đất nào thích hợp cho hoa mầu, nhà xây dựng nghĩ tới việc quy hoạch xây cất. Nói theo thuật ngữ Phật học thì nếu giải thích theo phương diện nầy thì hành uẩn có ảnh hưởng lớn đối với thọ uẩn, tưởng uẩn và thức uẩn. Sự liên đới nầy không nhất thiết là tác nhân và quả dị thục. Cũng nên nói thêm là Thắng Pháp Abhidhamma nói về sự tương quan nầy qua duyên hệ (paccaya) chứ không nêu rõ trong bảng liệt kê về pháp là quả, pháp là nhân, pháp không là nhân mà cũng chẳng là quả. Nên hiểu cái nhìn chủ quan có mặt trong cả tâm thiện, tâm bất thiện và tâm quả. Những giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác không đơn thuần là sự nhận biết cảnh tốt hay cảnh xấu mà còn mang đặc tính chủ quan do nghiệp tạo (…)

Hai cách giải thích trên tạo nên hai ngã rẽ trong cách giải thích thập nhị nhân duyên. Một là giải mười hai nhân duyên theo “ba sinh” là đời trước, đời nầy và đời sau. Hai là toàn bộ mười hai nhân duyên được giải thích trong kiếp hiện tại, thậm chí trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Nên nhớ là Đức Phật giảng pháp theo cả hai cách như Phật ngôn: Này trưởng thôn, nếu Ta giảng cho ông về nguồn gốc của khổ và sự diệt khổ dựa vào sự kiện trong quá khứ, nói rằng: “Trong quá khứ nó như vậy”, có thể ông sẽ khởi lên hoang mang và nghi ngờ. Và nếu Ta giảng cho ông về nguồn gốc của khổ và sự diệt khổ dựa vào sự kiện trong tương lai, nói rằng: “Trong tương lai nó sẽ như vậy”, có thể ông sẽ khởi lên hoang mang và nghi ngờ. Này trưởng thôn, thay vào đó, khi Ta đang ngồi đây, và ông đang ngồi ở đó, Ta sẽ giảng cho ông nghe về nguồn gốc của khổ và con đường diệt khổ. Hãy lắng nghe và chú tâm thật kỹ, Ta sẽ nói. (Tương Ưng BK IV, phần số XI: Bhagandha-Hatthaha, tr. 512-517) (bản dịch của HT Thích Minh Châu). Nói như vậy không có nghĩa là Đức Phật chỉ dạy rằng sự tồn tại của chúng sanh chỉ có một kiếp nầy.

Phần tiếp theo: Thức duyên danh sắc.

Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc