- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 19.9.2022
Phần II: Phật Pháp
DUYÊN SINH
Danh sắc duyên lục nhập
(nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ)
Lục nhập nghĩa là sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn làm cơ sở cho sáu giác quan. Cuộc sống theo Phật Pháp là sự hoạt động của sáu giác quan. Sáu căn tuy luôn có nhưng vẫn có hai trạng thái hoạt động và không hoạt động. Giống như trong Anh ngữ nói về máy móc thì có hai “chế độ” ON và STANDBY. Theo Thắng Pháp thì không thể có hai tâm sanh trong một lần. Điều nầy có nghĩa là những tâm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức ..v.v.. không thể đồng hiện hữu một lần mà mỗi khoảnh khắc chỉ có một thứ tâm. Khi những tâm nầy sanh khởi thì các căn phải được kích hoạt. Sự xen lẫn thường quá nhanh nhiều khi tạo ra cảm giác là cùng lúc nhãn thức, nhĩ thức đồng sanh khởi như khi xem chương trình văn nghệ hay đang ăn với sự thưởng thức hương và vị ..v.v..
Đây là mắt xích trong duyên sinh mà chữ “paccaya – duyên” cần phần rõ trong hai tính cách là “tạo nên” và “tác động”. Nên hiểu tương quan dây chuyền của cả hai mấu chốt “thức duyên danh sắc” và “danh sắc duyên lục nhập” để có thể hiểu rõ cả hai cách giải thích của phần nầy. Thắng Pháp Abhidhammma cũng có cách giải chữ “duyên” theo cách đồng sanh thí dụ thức là thức uẩn; danh (trong danh sắc) là ba uẩn còn lại thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Vấn đề là nếu đồng sanh thì sao có thể gọi là tạo nên hay trợ giúp? Điều nầy được giải thích qua “duyên hệ” (…)
Trong ý nghĩa “tạo nên” thức duyên danh sắc có nghĩa thức tái sanh tạo nên chủng loại của thân tâm. Như trường hợp danh sắc của chư thiên khác với loài người, và từ danh dắc, cấu thành các căn. Danh sắc, hay chủng loại sai biệt, thì các căn sai biệt. Cũng là nhãn căn nhưng nhãn căn của chư thiên không giống loài người, nhãn căn loài người không giống loài chó ..v.v.. Bản Sớ Giải của Thắng Pháp Tập Yếu nêu lên trường hợp sự hình thành các căn đối với loài thai sanh là trường hợp đặc trưng của danh sắc duyên lục nhập. Tất nhiên trường hợp hoá sanh thì cần hiểu khác. Trong cách hiểu nầy thì danh sắc duyên lục nhập xảy ra vào thời điểm khởi đầu kiếp sống.
Trong ý nghĩa “tác động” thức duyên danh sắc là những trạng thái tâm thức tác động cả hai tâm lý và sinh lý chúng sanh. Khi tâm, sinh lý được tác động thì các căn cũng hoạt động theo chiều hướng tương xứng. Thí dụ hình ảnh “cơn mưa chiều chủ nhật” nhưng đối với một nhà thơ, một người buôn bán, một người đang thất tình sự cảm nhận có khác biệt mà dù sắc tướng, âm thanh cũng giống nhau. Thắng Pháp Abhidhamma nêu lên một yếu tố khiến các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác ..v.v.. sanh khởi là “sự chú ý đối với cảnh” nói cách khác không có sự chú ý thì các căn không hoạt động. Mà sự chú ý là một trong những biểu hiện của thức và danh sắc. Trong cách hiểu nầy thì “danh sắc duyên lục nhập” xảy ra hằng ngày trong cuộc sống mỗi khi các giác quan hoạt động.
Ở mắt xích nầy của giáo lý duyên khởi nên nhắc lại là có hai cách giải thích về duyên khởi một là theo “tam sinh” (hay ba đời quá khứ, hiện tại, tương lai); hai là cách hiểu về sự tác động tâm, sinh lý ngay trong hiện tại với đủ cả 12 mắt xích. Cả Kinh Tạng và Thắng Pháp Tạng đều giải thích mười hai duyên sinh theo cả hai cách. Không nên có thái độ là lựa chọn một cách giải thích nầy để phú nhận cách giải thích kia.
Phần tiếp theo: Lục nhập duyên xúc
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn