Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp | DUYÊN SINH _ Áp dụng hiểu biết giáo lý duyên khởi vào sự tu tập

Thứ hai, 21/11/2022, 19:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 21.8.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Áp dụng hiểu biết giáo lý duyên khởi vào sự tu tập

Nhân quả không có nghĩa là mình làm mình chịu. Người ta thường nói vui khổ do mình tạo nên được hiểu là người tạo nhân và người gặt quả là một. Giáo lý duyên khởi dạy rằng bảo là một hay là khác đều sai. Tất cả là hiện tượng trên một diễn trình. Có tạo tác nhưng không có người tạo tác. Có quả nhưng không có người gặt quả. Đây là một trong những điểm then chốt của giáo lý vô ngã.

Buông tay có nghĩa là xuôi theo số mệnh. Thập nhị nhân duyên cho thấy sự tồn tại của chúng sanh là lực đẩy do nhiều nhân, nhiều duyên. Thụ động không làm gì thì là buông mình theo dòng nước như người ta thường nói là chấp nhận số mạng. Tuy vậy giáo lý duyên khởi cũng nêu rõ khả tính chuyển hoá của ý chí. Đây là mấu chốt mà người tu học cần hiểu rõ.

Tam tướng vô thường, khổ não, vô ngã được nhìn từ góc nhìn khác. Tuệ giác theo Phật pháp không phải chỉ là sự liễu chứng niết bàn mà còn là sự tỏ ngộ đối với chân tướng các pháp. Ba thực tướng vô thường, khổ não, vô ngã được hiểu một cách sinh động và toàn điện trong giáo lý duyên khởi. Từ giáo lý duyên khởi có thể thấy tại sao các pháp hữu vi không đứng yên, tại sao các pháp hữu vi là bất toàn, tại sao các pháp không nằm trong một quyền sai khiến.

Nói thì phải nói đơn giản, thực tế là sự hỗn hợp. Không ai có thể chụp một tấm ảnh, dù là 3D, mà có thể lấy hết đường nét của một ngôi nhà. Mỗi góc chụp cho thấy những hình ảnh khác nhau. Thập nhị nhân duyên nêu lên từng pháp trong cách trình bày nhưng phải hiểu thực tế là một hỗn hợp sinh động như vô minh và ái, hành và hữu,,,.Sự liệt kê bao giờ cũng cần đơn cử. Thực tế thì rất nhiều pháp đồng sanh.

Sự tập khởi không có sáng tạo chủ. Nền tảng của hầu hết các tôn giáo là thờ phượng một thượng đế sáng tạo chủ. Phật pháp dạy cuộc sống được hình thành bởi nhiều nhân nhiều duyên. Mỗi pháp vừa bị tạo vừa trợ tạo như hiện tượng tác động domino. Ở đây huyền cơ được hiểu là một bộ máy li chi phức tạp chứ không phải là mặc khải khó đoán khó hiểu của một thần linh.

Có duyên đầu tiên nhưng không có khởi thuỷ. Phật pháp không dạy về khởi thuỷ của đời sống như khoa học ngày nay cố gắng nói về “big bang”. Điều nầy giáo lý duyên khởi đề cập như câu nói “tiền tiền vô thuỷ”. Người tu Phật không cố gắng tìm ra đầu mối khởi thuỷ của vòng luân hồi mà tìm ra nguyên nhân của đau khổ và con đường diệt khổ. Cách nói trước sau trong bản liệt kê không nên hiểu vô minh không có tác động.

Có bộ máy vĩnh cữu nhưng có khả tính giải thoát. Trong vật lý ngày nay người ta nói không thể có điều gọi là động cơ vĩnh cữu mà năng lượng vận hành guồng máy, guồng máy tạo nên năng tượng để rồi tiếp tục không bao giờ ngừng nghỉ. Giáo lý duyên khởi thì xem sự hiện hữu của mỗi chúng sanh là một bộ máy vĩnh cữu “vốn có từ vô lượng kiếp sanh rồi diệt, diệt rồi sanh”. Vấn đề không phải là làm sao để bộ máy được tiếp tục tồn tại mà là làm sao để chấm dứt khổ đau sanh tử .

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc