- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 17.10.2022
Phần II: Phật Pháp
DUYÊN SINH
Ái Duyên Thủ (taṇhāpaccayā upādānaṃ)
Thủ – upādāna – là bám víu, dính mắc, chấp thủ đối với những gì thích hoặc không thích. Sự chấp thủ nầy tạo nên sự lượng định đối với các pháp mà bản thân ưa thích hay kỳ vọng. Thủ là động lực đủ mạnh để tạo nên hành động hay nghiệp. Mấu chốt nầy cần phải hiểu và nhận diện đối với người tu tập.
Ái duyên thủ là sự ưa thích tăng mạnh tạo nên bám víu. Do quá ưa thích nên không thể buông xả và từ đấy tạo nên phản ứng nhất định nào đó đối với cảnh. Khi một người quá thích thú cái gì, tự mình cột bản thân vào đó, gắn liền với cái đó. Cái gì liên hệ tới cái đó được xem là tốt. Ngược lại cái gì trái ngược với cái mình thích thì xem là xấu và tự cảm thấy như bị tấn công, xúc phạm, đụng chạm bởi cái mình không thích.
Biểu hiện của thủ được nhận diện qua bốn hiện tượng:
a. Dục thủ hay bám víu vào những gì cảnh tượng ưa thích (kāma)
b. Kiến thủ là sự bám víu vào quan điểm hay cái nhìn (diṭṭhi)
c. Giới cấm thủ là sự bám víu vào giáo điều hay tập tục (sīlabbata) với kỳ vọng sẽ đạt được điều gì đó.
d. Ngã chấp thủ là sự gán ghép quan niệm về “tôi” hay “của tôi” đối với sự truy cầu hoặc bảo vệ cái gì đó…
Thông thường sự ưa thích (ái) và dính mắc (chấp thủ) được xem là một nhưng kỳ thật là hai trạng thái khác biệt. Khi chiêm nghiệm kỹ thì ba thứ ái (dục ái, hữu ái, phi hữu ái) là giai đoạn trước rồi tứ thủ (dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ) là giai đoạn sau. Tác động của ái duyên thủ có thể là quãng thời giai dài mà cũng có thể trong khoảnh khắc. Thí dụ nhận ra một món đồ ưa thích có thể trả ngay một giá cao để mua về hay trãi qua một thời gian dài mới mua.
Trong ngôn ngữ bình thường ái có thể xem là hiện tượng và thủ có thể xem là bản chất. Thí dụ một người do ưa thích một chính đảng (ái) nên nhiệt liệt ủng hộ một ứng cử viên thuộc chánh đảng đó (thủ). Tuy vậy trong giáo lý duyên khởi thì khái niệm bản chất và hiện tượng thường không chuẩn xác (…) mà chỉ nên nói do có cái nầy nên có cái kia.
Sự liên hệ giữa ái và thủ mở ra một cơ hội cho người tu tập can thiệp vào lực đẩy tự nhiên của cuộc sống. Có thể hành giả vẫn ưa thích (hay không ưa thích) với những gì đang trãi nghiệm nhưng có thể dừng lại không đi xa hơn trở thành “thủ” nhờ vào sự tu tập của giới, định, tuệ.
Phải học cả hai mắt xích “ái duyên thủ” và “thủ duyên hữu” thì mới nhận ra tính cách riêng biệt và ảnh hưởng to lớn của thủ trong đời sống hằng ngày. Và cũng từ đó thấy rằng động lực sâu xa của hành vi tạo tác (nghiệp) không phải hoàn toàn do hoàn cảnh bên ngoài mà là từ phiền não nội tại. Cả bốn thủ là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ đều là phiền não ở mỗi chúng sanh. Do điểm nầy nên mỗi chúng sanh phải chịu trách nhiệm về hành động tạo tác của mình.
*
Phần tiếp theo: Thủ duyên Hữu
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn