- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 1.8.2022
Phần II: Phật Pháp
Đạo Đế
Đạo đế nói một cách ngắn gọn là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Kinh văn nêu rõ:
Idaṃ kho pana bhikkhave dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo seyyathīdaṃ: sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammā’ājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.
Nầy các Tỳ khưu, đây là diệu đế về con đường dẫn đến diệt khổ: chính là thánh đạo tám chi phần tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
[Nội dung bài học 1.8.2022]
TỔNG KẾT BÁT CHÁNH ĐẠO
Người tu tập rất cần có cái nhìn cả hai phương diện đại quan và chi tiết về bát chánh đạo. Nếu chỉ chú trọng chi tiết mà quên phần đại quan thí dụ nỗ lực tu tứ niệm xứ mà không quan tâm đến chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thì khó tạo nên tiến bộ trong sự tu thiền. Ngược lại nếu chỉ có cái nhìn tổng quát theo pháp học mà thiếu hiểu biết thực tiễn pháp hành thi những pháp chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định gần như không bao giờ hiện thực.
Có hai cách hiểu và ứng dụng bát chánh đạo: theo pháp học và pháp hành. Theo pháp học thì bát chánh đạo được huân tu trong đời sống bình thường như những nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống. Thí dụ chánh tư duy có thể hiểu là không có những ý nghĩ tà dục, tìm lỗi, hận thù đối với tha nhân. Nguyên tắc nầy chỉ có thể nhắc nhở một cách tương đối vì không có các chi phần khác kết hợp.
Bát chánh đạo trong pháp hành được hiểu qua tam học: giới uẩn (gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), định uẩn (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), tuệ uẩn (chánh kiến chánh tư duy). Trong tam học thì định uẩn là sự tu tập chánh yếu; để tu tập định uẩn thì điều tiên quyết là có giới uẩn và hiệu năng đường dài là tuệ uẩn. Tu tập định uẩn lấy chánh niệm hay tứ niệm xứ làm nền tảng. Từ sự tu tập tứ niệm xứ hành giả tôi luyện chánh tinh tấn và chánh định.
Để có đủ khả năng chế ngự và dập tắt khát ái (taṇhā) phải vận dụng cả hai tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Hai sự giải thoát nầy chỉ có thể đạt được qua sự tu tập đầy đủ tám chi phần của bát chánh đạo. Khả năng chuyển hoá đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không nên kỳ vọng “một bước lên tới trời”.
Mặc dù sự tu tập bát chánh đạo, hay tam học, đòi hỏi sự kết hợp toàn bộ và miên mật nhưng sự áp dụng riêng lẻ rời rạc trong đời sống hằng ngày vẫn có nhiều lợi lạc. Thí dụ một người thỉnh thoảng niệm hơi thở hay cố gắng trau dồi chánh ngữ thì vẫn lợi ích. Hơn thế nữa không ai có thể biết rõ “vốn liếng tu tập” của một người thật sự đã có bao nhiêu. Một kỹ nữ hay một tướng cướp cuồng sát đôi khi đã có những tiềm chất của bát chi đạo mà người thường khó nhận ra được.
Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng