- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 30.5.2022
Phần II: Phật Pháp
Đạo Đế
Đạo đế nói một cách ngắn gọn là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Kinh văn nêu rõ:
Idaṃ kho pana bhikkhave dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo seyyathīdaṃ: sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammā’ājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.
Nầy các Tỳ khưu, đây là diệu đế về con đường dẫn đến diệt khổ: chính là thánh đạo tám chi phần tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Nên hiểu “đạo” là con đường đưa đến. Không nên hiểu khổ đau và hạnh phúc trong giáo lý tứ đế theo cách đối xứng. Khổ và nguyên nhân sanh khổ rất khác với sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Tập đế, tức ái dục, là nhân sanh ra khổ nhưng đạo đế không phải là cội nguồn của hạnh phúc mà là con đường dẫn đến Niết bàn giống như con đường dẫn tới ngọn núi chứ không phải là con đường “tạo nên” hòn núi. Sự tương quan giữa đạo đế và diệt đế không nằm trong định lý nhân duyên hay nhân quả.
Có hai cách dịch chữ ariya là “chánh” hay “thánh”. Mang ý nghĩa của sự vượt lên trên phàm tình. Không đơn thuần là chánh đạo theo quan niệm đối đãi hoặc là nếp sống của các bậc thánh mà là con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Bát chánh đạo là “con đường đúng” gồm có tám chi phần chứ không phải là tám con đường chánh. Cấu trúc từ ngữ cho chữ Hán ở đây có thể bị ngộ nhận là có tám con đường đều dẫn đến mục tiêu tối hậu giống như cách nói “con đường nào cũng dẫn đến La Mã”. Ở đây hoàn toàn không phải là 8 con đường riêng rẽ mà là hành trình có 8 yếu tố hoà quyện.
Bát chánh đạo không phải là quan niệm luân lý mà là sự kết hợp của tám pháp thực tính hay bản thể. Nói đến chánh tà người ta thường nghĩ là khái niệm theo đạo đức. Ở đây phải được hiểu là “làm đúng cách”. Thí dụ như nấu cơm phải biết lửa và nước như thế nào mới có cơm ngon. Làm đúng cách thì kết quả tốt. Về điểm nầy Thắng Pháp Abhidhamma còn nêu rõ là “bát chi đạo có bản thể là 8 thuộc tánh (cetasika)” trong hành uẩn. Tám thuộc tánh nầy đối với phàm tâm thì không thể đồng sanh trong một sát na tâm nhưng một khi cùng lúc sanh khởi thì là tuệ giác đoạn tận hay giảm thiểu vĩnh viễn kiết sử”. Đây là pháp thực tính chứ không phải khái niệm của tư duy.
Con số “8” ở đây phải được hiểu là “ắt có và đủ”. Trong pháp số có trường hợp cố định và bất định. Trong trường hợp bất định thì con số có thể gia giảm thí dụ khi nói về cảm thọ có thể nói là 3 hay 5 hoặc nhiều hơn nữa. Có trường hợp cố định thì không thể thêm hay bớt. Bát chánh đạo là trường hợp cố định. Không thể là 7 hay là 9 hoặc khác hơn. Đây là điểm rất quan trọng người học Phật cần lưu tâm.
Chánh kiến là cái nhìn chính xác. Thí dụ một người khởi sự hành trình nhận rõ đường đi, điểm đến và tình trạng giao thông. Chánh kiến trong Phật Pháp được hiểu qua ba phương diện:
a. Chánh kiến là cái nhìn đối lập với tà kiến. Nói cách khác là không chấp thường kiến tiêu biểu như không chấp thủ đây là của ta, là ta, là tự ngã của ta và không chấp đoạn kiến cụ thể là không chấp sai lạc không có đời sau, không có các loại hoá sanh, hành vi thiện ác không có quả báo.
b. Chánh kiến là nhận thức các pháp hữu vi đều có ba đặc tính là hằng chuyển (vô thường), hệ luỵ (khổ não), vô chủ (vô ngã). Chấp thủ ngược lại là tà kiến.
c. Chánh kiến là cái nhìn thực tại qua hệ luận tứ đế: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn tới diệt khổ.
Chánh kiến trong bát chánh đạo thuộc phạm trù thứ ba kể trên vì sự tương quan nhuần nhuyễn với bảy chi đạo còn lại.
(còn tiếp)
Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng