Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 5. CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Thứ hai, 06/09/2021, 16:14 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 6.9.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 5. CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO

Quảng đời từ khi Bậc Đạo Sư rời hoàng cung năm 29 tuổi cho đến khi Ngài thành đạo kéo dài sáu năm. Có rất nhiều sử kiện ghi lại trong những năm tháng nầy. Bên cạnh đó cũng có nhiều cái nhìn về giai đoạn đó. Một quan niệm phổ thông của Phật giáo Đại Thừa là Đức Phật vốn đã thành đạo từ nhiều kiếp quá khứ nên những gì xẩy ra chỉ là sự thị hiện. Một quan niệm khác đến từ một số lớn Phật tử theo Nam truyền là sự kéo dài khổ hạnh là do nghiệp lực quá khứ của Ngài. Phải rất cẩn thận đối với hai quan niệm nầy vì có thể dẫn đến sự phủ nhận những nỗ lực phi thường và thái độ trắc nghiệm trên đường tu chứng của Đức Bồ Tát. Trong nhiều bài kinh như Kinh Thánh Cầu hay Đại kinh Saccaka Đức Phật đã tự thuật về hành trình của Ngài trước khi giác ngộ mà qua đó quảng đời ở tại hoàng cung được xem là cao điểm của cuộc sống sung túc vật chất; trái lại, những năm tháng hành trì khổ hạnh là một trắc nghiệm đối lập. Cả hai đều cho thấy không dẫn đến cứu cánh đích thực. Sự lựa chọn con đường trung đạo không nên hiểu là sự nản lòng đối với khổ hạnh mà là một nhận thức mới, rất riêng của Ngài, đối với cánh cửa bước vào giác ngộ giải thoát. Những bước sau cùng đó mặc dù vốn đã được huân tu từ vô lượng kiếp nhưng không nên hiểu là sự đưa đẩy ngẫu nhiên của duyên nghiệp mà vẫn toả sáng với ý chí phi thường và tư duy trác việt. Ngài không tìm được hướng đi đích thực từ những vị thầy lỗi lạc đã gặp hay từ một nền văn hoá có bề dày sùng tín khổ hạnh du già. Ngài đã nghiệm ra cánh cửa bước vào cảnh giới bao la của giác ngộ giải thoát ở chính bản thân của mình. Những phấn đấu và suy nghĩ đó vẫn là một bài học lớn cho nhiều thế hệ sau nầy. Đạo lộ đó chính là Trung Đạo.

Khi nữa chữ không hẳn là thầy

Nói đến học đạo chuyện đầu tiên là tìm thầy. Đức Bồ Tát bấy giờ được biết đến với tên gọi Sa môn Gotama. Ngài hướng tìm những bậc chân sư nổi tiếng với trình độ tu chứng và khả năng hướng dẫn.

Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta được người thời bấy giờ sùng kính là những bậc thầy giỏi đạo cao. Ālāra Kālāma chứng thiền vô sở hữu và Uddaka Rāmaputta chứng thiền phi tưởng phi phi tưởng. Cả hai đều là thiền vô sắc cao vợi. Hai vị đạo sĩ nầy đều có đồ chúng đông đảo.

Đức Bồ Tát nhanh chóng chứng ngộ những gì do hai vị thầy Ālāra Kālāma và Uddaka Rāmaputta hướng dẫn. Đây là sự chứng đắc mà không một học trò nào trong đồ chúng của hai vị đó có được. Cả hai vị thầy đều hoan hỷ đối với trình độ tu chứng của Đức Bồ Tát và và thỉnh cầu Ngài vào địa vị ngang hàng với mình để hướng dẫn đồ chúng.

Mặc dù chứng đắc được những gì đã học nhưng Đức Bồ Tát sớm nhận ra không phải là cứu cánh đích thực thoát khổ trầm luân sanh tử và lợi lạc cho nhiều người. Vì đây chỉ là sự chuyên sâu của tam muội định dành cho những người có tâm thuật cao. Ngài có học nhưng không xem là đắc dụng cho đại nguyện tự giác, giác tha. Hai vị thầy đó có chia sẻ về kinh nghiệm tu chứng nhưng không thể xem là thầy của Đức Phật vì sau nầy sự thành đạo của Ngài là sự khám phá của riêng mình. Ngài đã ra đi để tiếp tục hành trình tầm cầu chân lý tối thượng.

Vị vua bỏ ngôi gặp vua tại vị

Magadha (Ma Kiệt Đà) là vương quốc phồn thịnh bậc nhất cổ Ấn thời bấy giờ với vị vua trẻ hiền đức Bimbisāra (Tần bà sa la hay Bình Sa Vương). Đức Bồ Tát trong hành trình tìm đạo đã xuôi về nam tới vương quốc nầy. Nơi đây đã trở thành vùng đất quan trọng đối với chính Đức Phật và giáo pháp về sau nầy.

Một hạnh ngộ hiếm có giữa một vị quân vương từ bỏ ngai vàng và vị vua đương kim xẩy ra ở kinh đô Rājagaha (Vương Xá). Khi vua Bimbisāra được cận thần đến trình tâu về một tu sĩ trẻ tuổi uy nghiêm như một bậc nhân chủ với thần thái phi phàm đang khất thực độ nhật trong thành. Nghe xong nhà vua nhanh chóng rời hoàng cung tìm đến diện kiến Đức Bồ Tát.

Một lời khẩn cầu hãn hữu được ghi lại trong cuộc hội kiến kỳ thú nầy. Vị vua trẻ Bimbisāra bấy giờ ở tuổi 24 gặp Đức Bồ Tát ở tuổi 30. Cả hai đều là bậc anh tài trí đức kiêm ưu. Khi được hỏi về xuất thân, Đức Bồ Tát đã cho biết Ngài vốn là vua xứ Sakya dưới chân núi Hy Mã Lạp từ bỏ ngai vàng vì nhận thấy hệ luỵ của dục lạc và đang tìm đạo tối thượng cứu mình, cứu đời. Vua Bimbisāra nghe với tất cả sự ngưỡng kính đã thốt lời khẩn cầu Đức Bồ Tát ở lại vương quốc và xin được chia phân nữa giang san. Tất nhiên Đức Bồ Tát từ chối.

Dù không nhận lời làm vua phân nữa đất nước Magadha nhưng Đức Bồ Tát lại có một lời hứa nặng nghìn cân. Đó là vua Bimbisāra sau khi biết rõ đại nguyện vô thượng đã đưa lời thỉnh cầu thứ hai đó là sau khi tìm được chân lý tối thượng xin Đức Bồ Tát trở lại để khai ngộ nhà vua. Lời khẩn cầu đó được hứa khả.

 

Lập thuyết hữu lý không hẳn hợp lý

Trong văn hoá và đạo học Ấn độ thì pháp tu khổ hạnh là tín lý nghìn đời dựa trên tinh thần khắc kỷ. Người ta tinh rằng trở ngại lớn nhất trong sự khai thông tuệ giác cũng như sự hiệp thông với Thượng đế (đại ngã) chính là sự vị ngã hẹp hòi. Buông bỏ được ngã chấp hoàn toàn thì ánh sáng sẽ xuất hiện. Con đường từ bỏ vị ngã chính là khổ hạnh ép xác. Thân xác không được nuông chìu thì ngã chấp sẽ không còn. Quan niệm nầy được đa số quần chúng chấp nhận và ngưỡng mộ từ xưa đến nay tại Ấn Độ.

Đức Bồ Tát trong hùng tâm tầm cầu chân lý đã không ngần ngại chấp nhận thử thách với chính mình. Ngài đã kinh qua những pháp khổ hạnh bậc nhất như đại bất tịnh thực, đại yểm ly, ép xác, tuyệt thực. Nói cách khác là không có khổ hạnh nào Ngài không trãi nghiệm. Chư Phật như một thông lệ cố nhiên đều trãi qua thời gian trắc nghiệm khổ hạnh trước khi thành đạo nhưng riêng với Đức Phật Gotama thì thời gian nầy khá dài.

Mặc dù khổ tu là điều thường được tán thán, kính ngưỡng nhưng kỳ thật khổ hạnh và lợi dưỡng chỉ là hai cực đoan của bản năng và nỗ lực. Hưởng thụ dục lạc là lối sống bản năng của hầu hết chúng sanh. Khi nói đến tu tập người ta thường nghĩ đến sự đối lập là khắc kỷ khổ hạnh. Đó chỉ là cách suy nghĩ đối đãi và đối lập. Cả hai đều rơi vào tinh thần cực đoan. Xác thân được cung phụng cũng dẫn tới hệ luỵ mà thể lực bị huỷ hoại cũng làm hỏng hành trình giác ngộ.

Sau thời gian dài trắc nghiệm khổ hạnh Đức Bồ Tát rơi vào tình trạng thể lực cạn kiệt. Sự khắc kỷ ép xác đã khiến hình hài của Ngài mất đi điều kiện thích hợp cho sự phát triển nội tại. Những nhận thức của Ngài về khổ hạnh không phải dựa trên suy luận mà do chính kinh nghiệm thật sự của bản thân.

 

Con đường trung đạo

Sau khi khẳng định sự vô ích của khổ hạnh Đức Bồ Tát tự đưa ra một hướng mới khởi từ kinh nghiệm thời thơ ấu. Đó là khi Ngài lên bảy tuổi trong một buổi lễ hạ điền ngồi dưới bóng đại thụ một mình đã an trú vào sơ thiền. Kinh nghiệm nầy không phải xa lạ vì Ngài từng chứng tầng thiền phi tưởng phi phi tưởng trước đó vài năm nhưng điều quan trọng là sự dung thông chỉ và quán. Định lực làm nền tảng cho tuệ quán. Cả hai song hành thì diệu dụng. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn nầy dẫn đến thể nhập tam minh trong đêm thành đạo.

Sau những trắc nghiệm Đức Bồ Tát đã nghĩ đến thí dụ về cách đánh lửa bằng hai phiến gỗ. Gỗ ẩm ướt cọ xát không ra lửa. Gỗ mục cũng không đánh lửa được. Hưởng thụ dục lạc chỉ là lối sống tăng thịnh phiền não. Còn khổ hạnh hành xác chỉ làm cạn kiệt thể lực. Cả hai đều là cực đoan của thái quá và bất cập.

Đức Bồ Tát đã từ bỏ khổ hạnh nhưng phục hồi thể lực không phải là bỏ cuộc. Ngài muốn có sức khoẻ thích hợp cho sự phát triển thiền định và tuệ giác. Nhóm năm đạo sĩ Koṇḍañña với nhiều năm kề cận Đức Bồ Tát với hy vọng mãnh liệt là do khổ hạnh tối thượng một lúc nào đó ánh sáng nhiệm mầu sẽ bừng khởi. Họ đã thất vọng bỏ đi khi Đức Bồ Tát dứt khoát từ bỏ khổ hạnh.

Khó tưởng tượng một người đã từ bỏ ngai vàng và chiếc ghế giáo chủ cao trọng để chọn chỗ ngồi trên ba bó cỏ tranh dưới cội cây đại thụ. Chẳng những vậy Ngài còn lập thệ sẽ không rời nơi đó nếu chánh quả không thành. Thái độ cương quyết chưa từng có nầy biểu thị sự chín mùi của công phu, của bao trải nghiệm, bao suy tư về cái gì là cứu cánh đích thực cùa hành trình giác ngộ giải thoát.

 
 

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc