Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần I. Đức Phật - Bài 24. Hoàn Tất Đại Nguyện Hoằng Hoá

Thứ hai, 21/03/2022, 13:36 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 21.3.2022


Phần I. Đức Phật

Bài 24. Hoàn Tất Đại Nguyện Hoằng Hoá

Đức Phật là vị chánh đẳng chánh giác. Giống như tất cả đấng toàn giác trong quá khứ, vị lai, Ngài có một đời sống viên mãn. Ra đời là một hoàng tử cao sang; xuất gia trong thời trẻ tuổi sức sống tràn đầy; viên tịch ở tuổi niên cao lạp trưởng. Ngài kết thúc cuộc đời hoằng pháp độ sinh năm 80 tuổi trong phong thái của một bậc vô thượng giải thoát.

Lựa Chọn Thời Điểm và Địa Điểm Viên Tịch

Tại Vesāli kinh đô của giòng tậc Licchavi Đức Thế Tôn đã công bố thời điểm viên tịch trong ba tháng nữa. Từ ngày đón Ngài “từ bỏ thọ hành” để cuộc sống kết thúc theo tự nhiên . Cùng với sự công bố nầy, Đấng Thiện Thệ cũng khẳng định “ngôi nhà giáo pháp, dhamma vinaya – pháp và luật – đã được giảng dạy đầy đủ; có những tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đã có khả năng lãnh hội, thực hành, truyền bá”.

Đức Phật cũng quyết định địa điểm viên tịch là Kusinara, kinh đô của xứ Malla, một vương quốc nhỏ dưới chân rặng Hi Mã Lạp Sơn. Tôn giả Ānanda bạch hỏi Đức Phật tại sao không viên tịch ở những kinh đô phồn thịnh của các quốc độ lớn nơi có những đàn tín vua chúa và đông đảo để tử xuất gia cũng như cư sĩ? Đức Phật dạy nhiều lý do nhưng Ngài đã đề cập rõ một điểm là sự thạnh suy, hưng phế chỉ là một giai đoạn của dòng chảy vô thường. Kusinara, theo lời Phật dạy, từng là kinh đô hoa lệ của một chuyển luân đại đế.

Cũng có những lý do khác trong sự lựa chọn địa điểm viên tịch mà trong đó có nguyên nhân sâu xa là khả năng thoả hiệp để phân chia xá lợi Phật trong hoà bình. Bấy giờ cả mười sáu quốc độ vùng trung thổ đều quy ngưỡng Tam Bảo. Họ đều cương quyết có được xá lợi của Đức Phật dù phải động binh can qua. Ban đầu vua xứ Malla cương quyết bảo vệ để tới cùng để giữ trọn xá lợi. Sau nầy nhờ sự vận động của bà la môn Doṇa về tinh thần từ bi của Đức Phật và giáo pháp nên các phe phía đồng quyết định phân chia xá lợi và tránh được nạn đao binh.


Di Huấn

Ngày cuối cùng của Đức Phật Ngài thọ trai ở nhà người thợ rèn tên Cunda và đi bộ hành trình 15 kilometres cùng với đại chúng tỳ kheo đến ngự viên của vua xứ Mallā. Nằm trên phiến đá giữa hai cây sālā, Đức Phật với tâm từ bi vô lượng đã nhắc lên vài việc “tương đối nhỏ nhưng đầy ý nghĩa” như phước báu cao quý của người cúng dường bữa cơm cuối cùng (thí chủ Cunda); cách xưng hô thích hợp giữa chư tỳ kheo; Tăng chúng cần làm gì đối với tỳ kheo Channa (Xa Nặc).

Trong những giờ phút sau Đức Thế Tôn cũng vẫn làm một số việc trong vai trò của một bậc chân sư. Ngài đã cho xuất gia người đệ tử cuối cùng tên Subhadda xuất gia khi người nầy tha thiết đến gặp để hỏi những ai là bậc giác giả. Đức Thế Tôn cũng dạy việc thờ phượng xá lợi nên để cho người cư sĩ còn các vị xuất gia hãy chuyên tâm tu tập. Ngài cũng tạo cơ hội cho Tăng chúng nêu nên những câu hỏi nếu có về giáo pháp.

Những di huấn tối hậu của Đức Phật vẫn là khuyến khích những đệ tử toàn tâm hành trình trên đường giác ngộ giải thoát. Ngài dạy rằng: hoa sālā nở sái mùa cúng Phật, nhưng những ai hành trì giáo pháp là cúng dường Như Lai bằng cách cao quý nhất. Đức Phật cũng nói rõ: Sau khi Như Lai viên tịch Pháp và Luật sẽ là thầy của các con. Lời sau cùng của Đức Từ Phụ: – Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có xao lãng".


Di Sản

Mặc dù nhị vị thượng thủ thinh văn viên tịch trước Đức Thế Tôn 6 tháng nhưng vẫn còn có những “thạch trụ tòng lâm” để gìn giữ giềng mối chánh pháp sau khi Đức Thế Tôn viên tịch. Đức Phật không tuyển cử một trưởng lão nào để lãnh đạo Tăng chúng. Thay vào đó là chư tỳ kheo tôn kính nhau theo hạ lạp và đức độ. Nếu có gì cần giải quyết thì y cứ vào Kinh Luật. Một số những bậc tôn túc cả hai chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni vẫn còn. Chính những vị nầy đóng vai trò rất quan trọng để truyền thừa giáo pháp Đức Phật và những thế hệ tiếp nối sau nầy.

Ba tháng sau khi Bậc Đạo Sư viên tịch một đại hội “Kết tập Tam Tạng” được tổ chức tại Rājagaha, Magadha với sự chủ toạ của Tôn giả Māhakassapa và sự tuyên đọc pháp ngữ của nhị vị tôn giả Ānanda và Upāli. Lời dạy của Đức Phật cùng với một số của các đệ tử Phật được sắp xêp có hệ thống với sự phân loại chuẩn mực cho dễ dàng học và ghi nhớ theo cách truyền khẩu. Sau lần kết tập nầy có năm lần trùng tuyên cho đến nay. Trong kỳ kết tập nầy tiếng Magadha được lựa chọn làm “ngôn ngữ chép kinh” nên là Pāli. Thời gian đầu, kinh điển được chia thành hai phần Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Sau nầy Pháp được chia thành hai là Kinh (sutta) và Thắng Pháp (Abhidhamma) tạo nên Tam Tạng Giáo Điển được lưu truyền cho tới nay.

Hơn hai năm sau sự viên tịch của Đức Phật, một đại đế tên Asoka của triều đại Mauriyan (Khổng Tước) đã có những đóng góp to lớn để duy trì và truyền bá Phật Pháp. Vua Asoka đã bảo trợ Đại hội Trùng tuyên Tam Tạng tại Patna và chấn chính nội bộ Tăng chúng. Nhà vua cũng thỉnh cử những pháp đoàn hoằng pháp đi sang các quốc gia khác để truyền báo Phật Pháp. Nhiều tháp thờ Xá lợi Phật được tôn tạo khắp nơi để thờ phượng. Đặc biệt là vua Asoka đã tạo nên những “pháp dụ” như hiến pháp y cứ trên Phật Pháp. Những pháp dụ nầy được khắc trên bia đá khắp nơi trong lãnh thổ rộng lớn mang cả hai hiệu lực pháp quyền và giáo quyền.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc