- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 7.3.2022
Phần I. Đức Phật
Bài 23. Thế Tôn Và Duyên Nghiệp Trong Đời
Chư Phật là những bậc đại giác xuất hiện giữa thế gian. Các Ngài đến và đi sau khi tuyên thuyết giáo pháp hoá độ chúng sanh hữu duyên. Con số chúng sanh được khai thị nhiều không kể xiết nhưng vẫn là thiểu số so với chúng sanh vẫn trầm nịch trong giòng sanh tử. Phật độ người hữu duyên. Có những người sanh thời Phật trụ thế; tận mặt gặp Đức Phật; thậm chí có lúc đã tu theo Phật thế nhưng cũng không đi trọn hành trình tu tập giác ngộ giải thoát. Thậm chí có những chúng sanh tạo nên trọng nghiệp bất thiện quay ngược lại chống đối Đức Thế Tôn. Đức Phật là Phật. Trên hết và sau hết Ngài chỉ dùng sự giáo hoá để chuyển hoá những chúng sanh hữu duyên. Nói đến duyên nghiệp thì có muôn ngàn sự trạng sai biệt. Không một vị Phật nào, và cũng không có bất cứ ai, có thể một mình thay đổi hết cả thế giới nầy. Giòng chảy sinh tử do duyên nghiệp chi phối vẫn tiếp tục với bóng tối vô cùng tận của cuộc đời.
Tăng chúng bất hoà
Thời Đức Thế Tôn tại thế không phải chỉ có những cá nhân tỳ kheo không tuân thủ lời Phật dạy mà cũng có những nhóm tăng chúng phân hoá vì sự mê chấp sai quấy. Điều nầy khiến Đức Phật hay các bậc thánh đại đệ tử, phải dùng đến những phương cách đặc biệt để giải quyết. Tất nhiên đây là những trường hợp rất ít so với đại đa số hàng xuất gia thời bậc Đạo Sư hoằng hoá chánh pháp.
Một trong những trường hợp Tăng chúng bất hoà được nhắc nhiều là sự việc các tỳ kheo trong một ngôi chùa ở xứ Kosambi chống đối nhau. Nguyên nhân bắt nguồn từ một câu chuyện nhỏ. Một tỳ kheo bất cẩn sau khi sử dụng gáo nước mà không úp xuống, vốn là một lỗi nhỏ trong giới luật. Một vị tỳ kheo khác tới sau đã ngỏ lời nhắc nhở. Việc tưởng chừng không có gì nhưng sau đó câu chuyện được kể lại và lan rộng trong Tăng chúng ở chùa. Thầy bênh trò. Nhóm nầy phiền trách nhóm kia. Phật tử cũng theo bên nầy bên kia mà chỉ trích nhau. Chư thiên cũng bất đồng.
Khi Đức Thế Tôn đến Kosambi Ngài gọi các vị tỳ kheo đến để huấn thị nhưng những vị ấy vì lòng hờn trách nhau đã quá lớn nên không phụng hành để hoà hợp trở lại. Bậc Đạo Sư đã dùng phương cách là đi một mình vào rừng để độc cư. Trong thời gian đó một con voi và một con khỉ đã đến hầu Phật. Sự ra đi vào rừng vắng của Đức Thế Tôn là thông điệp mạnh mẽ khiến những cư sĩ hồi tâm. Họ không ủng hộ những tỳ kheo bất hoà nữa. Tăng chúng trong ngôi chùa đó khi gặp khó mới nhận ra cái sai quấy nên phát tâm sám hối và nhờ Tôn giả Ananda dẫn đi sám hối với Bậc Đạo Sư rồi chung sống trong hoà hợp trở lại.
Phản đồ mưu sát
Trong vô số đệ tử xuất gia theo Phật cũng có vài vị sau nầy là phản đồ trong đó phải kể đến trường hợp Devadatta. Đây là một tỳ kheo có liên hệ họ hàng với Đức Phật. Thời gian đầu vị nầy tu tập rất tốt thậm chí từng đắc thiền chứng và thần thông. Khi những sở đắc trong đường tu tập không đi với tuệ giác phá trừ ngã chấp nên trở thành nguyên nhân dẫn vào ngã rẽ để rồi rơi vào đoạ lạc.
Sau nầy Devadatta khởi sanh tham luyến danh lợi ganh tị với Đức Phật, và cũng do túc duyên nhiều kiếp, nên muốn thống lãnh Tăng chúng bằng phương cách dựa vào quyền lực thế tục. Khi tham vọng mù quáng quá cao trở nên bất chấp thủ đoạn. Từ sai lầm nầy tới sai lầm khác. Từ ác hạnh nầy tới ác hạnh khác. Con đường tội lỗi thường lao dốc không phanh. Không chỉ tự bản thân gây ác nghiệp mà còn xúi giục nhiều người khác đi vào đường sai quấy.
Devadatta còn dùng tới hạ sách là mượn tay vua Ajāsattu sai những sát thủ đến ám toán Đức Phật. Để không bị bại lộ và mang tiếng xấu, Devadatta và nhà vua đã đề ra một kế hoạch diệt khẩu. Sai một người thiện xạ cung tiển đến hạ sát Đức Phật rồi sau đó hai người khác giết sát thủ đầu tiên. Nhóm thứ hai rồi cũng sẽ bị giết bởi nhóm tiếp theo. Và nhiều nhóm sai đi giết rồi bị giết như vậy để khó ai biết được chân tướng của việc mưu sát.
Sát thủ đầu tiên khi định bắn tên giết Phật đã không làm được vì hình ảnh đại từ đại bi của Phật. Người đó tới đảnh lễ Đức Thế Tôn được nghe pháp và được Phật chỉ một con đường an toàn khác để về nhà. Những nhóm tiếp theo cũng lần lượt như vậy. Tất cả từ nghề nghiệp sát thủ đã chuyển hoá thành Phật tử hiền thiện.
Quyến thuộc bị hại
Giòng tộc Sakya (Thích Ca) quyến thuộc của Đức Phật nổi tiếng là có nhiều bậc anh tài thao lược. Cũng chính do điểm nầy mà những người dòng Thích Ca thường mang niềm kiêu hãnh lớn và điều đó đưa đến thái độ phân biệt giai cấp cực đoan. Sau nầy giòng Thích Ca đã trả một giá quá đắt do sự tự tôn cao độ, một phần cũng do tiền nghiệp từ kiếp xa xưa. Câu chuyện khởi nguồn chung quan thân thế của Vāsabhakhattiyā. Nàng là đứa con gái ngoại hôn của hoàng thân Mahānāma và nữ tỳ Nāgamundā. Dù có danh phận một công nương nhưng lại bị coi rẻ vì mẹ là người giai cấp thấp. Khi vua Pasenadi xứ Kosala quy y Phật thì vị nầy muốn cẩu thân với giòng Thích Ca, vốn là chư hầu của nước Kosala bằng cách gởi sứ thần sang vương quốc Thích Ca xin cưới một công chúa. Do sự tính toán hơn thiệt mang nặng tính phân biệt giai cấp, dòng họ Thích Ca đã gả công chúa Vāsabhakhattiyā cho vua Pasenadi. Đây là một ngoại lệ vì xưa nay người của giòng họ không kết hôn với ngoại tộc.
Thái tử Viḍuḍabha là kết tinh của cuộc hôn nhân tưởng chừng như rất ngọt ngào giữa vua Pasenadi và Vāsabhakhattiyā cho đến khi nội tình được phơi bày. Năm Viḍuḍabha mười sáu tuổi xin phép mẫu hậu về thăm quê ngoại dù trước kia có vài lần bị ngăn cản. Giòng Thích Ca đã đón tiếp đứa cháu ngoại danh giá với yến tiệc linh đình nhưng vắng mặt tất cả những vị trưởng bối trong hoàng tộc vì mẹ của Viḍuḍabha vốn mang giòng máu của một nữ tỳ. Do tình cờ quay lại một mình tìm thanh bảo kiếm bị bỏ quên mà Viḍuḍabha nghe được thân thế của mình và mục kích sự kỳ thị của những người dòng Thích Ca. Nỗi hận biết thành thâm thù. Cũng vì sự việc nầy vua Pasenadi định tước đoạt tất cả địa vị của hoàng hậu Vāsabhakhattiyā và hoàng tử Viḍuḍabha. Nhưng vì sự khuyên giải của Đức Phật nên nhà vua đã không làm vậy.
Sau khi vua Pasenadi băng hà, thái tử Viḍuḍabha nối ngôi và việc đầu tiên vị tân quân muốn làm cho bằng được là “lấy máu của giòng họ Thích Ca rữa nỗi nhục thân thế của mình”. Với binh hùng tướng mạnh, vua Viḍuḍabha thân chinh quyết tiêu diệt “bên ngoại”. Biết được điều nầy Đức Thế Tôn đã xuất hiện tại biên giới hai nước ngồi dưới một cội cây không bóng che mát giữa trưa nắng. Viḍuḍabha trông thấy Đức Phật liền đến đảnh lễ và hỏi tại sao không ngồi chỗ mát. Đức Phật trả lời: Đã có bóng mát của quyến thuộc. Vua hiểu ý lui binh. Hai lần sau đó sự việc tái diễn cũng có sự can thiệp của Đức Phật. Đến lần thứ tư xét nghiệp quá khứ khó tránh nên Đức Thế Tôn đã không ngăn cản nữa. Nhiều người trong dòng họ Thích Ca bị giết. Riêng Viḍuḍabha sau cuộc thân chinh sát phạt trên đường về đã bị sóng thần cuốn phăng chết thảm.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng