Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần I. Đức Phật - Bài 22. Thời Thượng Tôn Chánh Pháp

Thứ hai, 28/02/2022, 19:25 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 28.2.2022


Phần I. Đức Phật

Bài 22. Thời Thượng Tôn Chánh Pháp

Một trong những sắc thái nổi bậc khi Đấng Toàn Giác ra đời là thời đại Chánh Pháp cực thịnh. Khi chúng sanh nhận được giá trị cao quý của lời Phật dạy thì trong sự ứng xử nói lên biểu hiện của tâm tư thấm nhuần đạo cả. Sự vĩ đại của chân lý không nằm ở ngôn từ hoa mỹ hay triết lý dông dài mà chính ở thái độ lấy chánh pháp làm trọng. Không phải chỉ có vài câu chuyện như vậy tìm thấy trong Tam Tạng mà thật nhiều giai thoại được ghi lại nói lên thời kỳ hoàng kim của chánh pháp.

*

Bình Tâm Trước Đại Nạn

Khi người ta quá quan trọng cái tầm thường thì có nghĩa là không có cái cao quý hơn để hướng tới. Ngay cả khi cuộc sống đối diện với khổ nạn nhưng tự tâm đang sống với chánh hạnh, chánh pháp thì không vì những biến động mà chao đảo. Có thể mượn câu nói của thế gian với chút ít thay đổi “lấy lửa để thử vàng, gian nan thử đạo tâm”.

Phải trải qua thực tế mới thấy được tâm tư đã hấp thụ Phật Pháp đến mức độ nào. Học được Phật Pháp là điều không dễ; trình bày những điều đã học khó hơn; nhưng sống với Phật Pháp qua những cơn bỉ cực chính là điều hiếm hoi trong đời. Chỉ có những người con Phật thật sự hiểu và sống với “lẽ thật” mới bình tâm trước những biến động trực tiếp ảnh hưởng cuộc sống như khen, chê, vui, khổ, đặng, thất, vinh, nhục.

Bandhula Mallikā là phu nhân của nguyên soái Bandhula trong một ngày hữu duyên cúng dường thực phẩm đến đại chúng tỳ kheo thì nhận được hung tin từ xa gởi về. Hôm đó chư tăng đến nhà thọ thực có hai vị thượng thủ thinh văn là Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Moggallāna dẫn đầu. Trong lúc phu nhân Bandhula Mallikā đang tự tay cúng dường thực phẩm thì một gia nhân lỡ tay làm bể một cái tô quý đựng bơ loãng. Trước sự việc ấy Tôn giả Sāriputta nói lên một câu ngắn về bản chất vô thường để mọi người bình tâm. Phu nhân Bandhula liền móc trong túi ra một bức thơ ngắn trong đó báo hung tin chồng bà và tất cả các con yêu quý đã bị thảm sát tại mặt trận. Bà cũng thưa rằng bản thân rất hiểu sanh tử vốn dĩ khó tránh nên toàn tâm chu tất phước sự trai tăng. Bà cũng xin có vài lời nói với mọi người trong nhà là sống chết vốn do nghiệp quá khứ và mong tất cả người trong nhà đừng vì thế mà sầu khổ hay oán thù. Tôn giả Sāriputta khen ngợi tâm đạo thuần cố của phu nhân và Ngài đã nói lên một pháp thoại ngắn về hệ luỵ của sanh tử và tịnh lạc của Niết bàn.

*

Khi Kiều Nữ Chẳng Màng Đại Gia

Tiền bạc là huyết mạch của cuộc sống đó là thường tình thế gian. Điều nầy đậm nét hơn trong cuộc sống phồn hoa mà tiền rừng bạc bể là nguồn cung ứng tối cần. Không phải chỉ có thời đại hôm nay mà từ ngàn xưa ở tất cả đô thị sầm uất thì đồng tiền luôn chứng minh sức mạnh gần như tuyện đối.

Ambapālī là một danh kỹ của kinh đô Vesāli nổi tiếng về sự kiều mỵ và cao sang. Những vương tôn công tử hoặc phú gia muốn qua đêm với nàng phải chi một số tiền lớn. Cuộc sống nhung lụa ấy gắn liền với tiền và tiền. Với hình ảnh như vậy ít ai nghĩ có một ngày mà vật chất bạc tiền đối với nàng trở nên vô nghĩa.

Được tin Bậc Đại Giác đến Vesāli, kỹ nữ Ambapālī đến đãnh lễ nghe pháp và cung thỉnh Đức Phật cùng đại chúng tỳ kheo đến nhà hôm sau để cúng dường trai phạn. Khi nàng rời pháp hội với tâm tư ngập tràn hoan hỷ nghĩ tới Phật Pháp, nghĩ tới phước sự hôm sau thì gặp những hoàng tử Licchavī đang đi ngược đường. Được biết Ambapālī đã cung thỉnh Đức Phật và chư tăng cúng dường ngày mai thì những hoàng tử đề nghị nàng nhường lại phước sự ấy với số tiền một trăm ngàn đồng vàng. Ambapālī từ chối và nói rằng dù có có đem cả kinh đô Vesāli để đánh đổi phước sự thì nàng cũng không nhường lại. Sự khẳng khái khiến những hoàng thân hụt hẫng. Hôm sau lễ cúng dường được tổ chức mỹ mãn. Sau đó Ambapālī cúng dường cơ ngơi của mình lên Đức Phật và chư tăng biến thành tịnh xá. Nàng cũng từ bỏ nếp sống phồn hoa. Dứt dòng tục luỵ. Và đoạn tận luôn cả hành trình tử sanh trong ba cõi.

*

Đạo Cả Quý Hơn Ngai Vàng

Giữa cuộc tranh danh đoạt lợi có lẽ ít thứ nào mà con người thấy vĩ đại hơn ngôi vị đế vương. Làm vua thì gần như có tất cả. Uy quyền, của cải, danh vọng nên khiến người thấy ngai vàng là cao trọng tuyệt đối. Thế nhưng trong dòng lịch sử nhân loại cũng từng của những quân vương từ bỏ ngai vàng vì đạo giải thoát. Trong thời hoàng kim của chánh pháp thì điều nầy nói lên sự cao cả của chân lý tối thượng. Đó là niềm khích lệ lớn cho những ai hướng cầu giác ngộ.

Pukkusāti, vua của xứ Takkasilā, là hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ. Vị vua nầy cùng thời và cùng tuổi với vua Bimbisāra xứ Magadha. Cả hai như hai bạn tâm giao dù xa cách nghìn trùng. Có một lần vua Pukkasāti nhận được một món quả do vua Bimbisāra gởi tặng. Món quà đó là những thẻ vàng với những Phật ngôn khắc chạm tuyệt mỹ. Đọc những lời Phật dạy, vua Pukkasāti thấm thía ý nghĩa cao vợi của đời sống phạm hạnh. Nhà vua làm một quyết định bất phàm là nhường lại ngai vàng và xuất gia theo Phật. Bất chấp mọi ngăn cản, kêu khóc từ quần thần và hoàng tộc vẫn cương quyết thoái vị. Tự thí phát và với đôi chân trần con người thoát tục ấy lên đường về Rājagaha tìm Thế Tôn học đạo. Thần dân bịn rịn đi theo một quảng đường dài mà không chịu về. Pukkasāti đã dùng gậy vạch một lằn ranh dứt điểm ngang đường. Cuối cùng đã có thể ra đi một mình.

Đến Rājagaha, Pukkusati tìm được chỗ tạm trú qua đêm trong ngôi nhà chứa cỏ của một nông dân. Đêm ấy Đức Thế Tôn đã đến và tạm trú chỗ ấy. Hai tâm hồn vĩ đại cùng thiền toạ trên thảm cỏ. Sau canh giờ, Đấng Pháp Vương đã lên tiếng và đề nghị chia sẻ đạo mầu với vị quân vương bỏ ngôi. Khi pháp thoại chấm dứt Pukkusāti giác ngộ và nhận ra người nói Pháp cho mình chính là Phật. Trong cảnh giới siêu tuyệt, chánh pháp không cần nhãn hiệu hay danh nghĩa mà chính ở giá trị khai tâm tịnh trí.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc