Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần I. Đức Phật - Bài 21. CON NHÀ TÔNG … Phần V

Thứ hai, 21/02/2022, 19:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 21.2.2022


Phần I. Đức Phật

Bài 21. CON NHÀ TÔNG … Phần V

Trong những bài trước nói về những đệ tử Phật qua các sự kiện nổi bật đượg ghi lại trong Tam Tạng. Riêng bài nầy dành trọn để nói về một bậc thượng thủ thinh văn mà cuộc đời và những lời dạy thể hiện một bậc trí đức song toàn. Vị ấy chính là Tôn giả Sāriputta hay được biết nhiều với phiên âm Xá Lợi Phất (hoặc Xá Lợi Tử). Cần một quyển sách dày mới có một sưu tập tương đối về những ghi chép về Ngài tìm thấy trong kho tàng kinh điển. Ở đây chỉ ghi lại ba sự kiện để làm tiêu biểu cho một bậc thánh trí mà Đức Thế Tôn từng tuyên bố là có khả năng thừa tiếp Ngài để tuyên lưu chánh pháp. Từ vị cao đệ nầy của Đức Phật chúng ta có thể tìm thấy những hình ảnh rất đẹp khi suy tư thế nào là một người Con Phật thật sự.

Tầm Đạo

Hành trình luân hồi của những bậc thánh trước khi giác ngộ có nhiều khuynh hướng và trí tuệ chủ đạo có thể là một trong những khuynh hướng đó. Cũng giống như Đức Phật Gotama, Ngài Sāriputta trong vô số kiếp tiền thân thường mang hình ảnh của một chúng sanh sống nghiêng về trí giác. Hành trình tu tập với trí tuệ được xem là con đường ngắn nhất và ít “lận đận” nhất của cuộc tu. Và có phần giống với Đức Phật, Tôn giả Sāriputta đã đến với cuộc đời nầy rồi ra đi để lại những di sản to lớn về trí kiến giác ngộ cho hậu thế.

Trong kiếp sau cùng của dòng luân hồi, trước khi gặp được Đấng Toàn Giác, Tôn giả Sāriputta đã có giai đoạn dấn thân tầm đạo thật đẹp. Từ thời niên thiếu đã cùng với người bạn đồng song, tức Tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) nổi tiếng là hai vị trí thức trong xã hội tích cực đi tìm ánh sáng chân lý. Hai ngài đã tìm đến những vị danh sư học đạo nhưng không tìm thấy cứu cánh đích thực mong mõi. Cuối cùng bản thân Ngài Sāriputta gặp được một vị sa môn “đơn giản, cao khiết” với những lời nói ngắn gọn nhưng hàm chứa cả cảnh giới vi diệu đã đưa Ngài đến với đạo chân thực.

Giai thoại sau đây ghi lại cuộc hội kiến giữa một thánh đệ tử Phật và một bậc đại trí đang tầm đạo:

Upatissa trưởng thành trong cảnh giàu sang sung túc. Chàng có một người bạn chí thân tại Kolita thường được gọi là Moggallāna (Mục Kiền Liên). Hai người vốn đã có mối liên hệ mật thiết trong nhiều kiếp sống quá khứ xa xôi. Ngày kia, trong khi cùng vui chơi trên một đỉnh đồi, cả hai đều nhận thức rằng tất cả những thú vui vật chất đều nhất thời, tạm bợ và vô ích. Cùng một lúc, hai người bạn thân đồng quyết định từ bỏ thế gian để tìm con đường thoát khổ. Và cả hai lang thang đó đây để tìm vắng lặng. Trên đường đi tìm chân lý, hai chàng thanh niên đến yết kiến đầu tiên Đạo Sĩ Sanjaya, lúc ấy có rất đông đệ tử và xin thọ giáo.

Không bao lâu, hai người đã lãnh hội tất cả giáo lý của thầy và cảm thấy những hiểu biết ấy thật là mỏng manh, hạn hẹp. Không thỏa mãn, vì giáo lý này không chữa được chứng bệnh trầm kha của nhân loại, hai người lại ra đi, rày đây mai đó, tìm vắng lặng.

Hai người đi đến nhiều vị đạo sĩ Bà La Môn trứ danh, nhưng ở đâu cũng gặp toàn thất vọng. Sau cùng, cả hai đành trở về nhà và trước khi chia tay, hứa với nhau rằng người nào tìm ra trước Con Đường, sẽ cho người kia biết.

Cùng lúc ấy, Đức Phật gởi sáu mươi vị đệ tử đi truyền bá Giáo Pháp tốt đẹp cho thế gian. Chính Đức Phật bổn thân đi về phía Uruvela và Đức Assaji, một trong năm vị đệ tử đầu tiên, đi về hướng thành Rajagaha (Vương Xá).

Đến đây nghiệp tốt của hai chàng thanh niên dốc lòng tìm đạo đã hợp đủ duyên lành để trổ sanh. Upatissa đang đi trong thành Rajagaha (Vương Xá) thì bỗng nhiên nhìn thấy một vị tu sĩ y bát trang nghiêm, tướng đi từ tốn, mắt nhìn xuống độ vài thước phía trước chân, gương mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ trạng thái vắng lặng thâm sâu bên trong.

Vị đại đức khả kính nọ khoan thai đi từ nhà này sang nhà khác, nhận lãnh chút ít vật thực mà lòng quảng đại trong dân gian vui lòng đặt vào bát. Cốt cách siêu phàm của vị chân tu khiến Upatissa tò mò để ý. Chàng nghĩ thầm, "Chưa khi nào ta gặp được một vị đạo sĩ như thế này. Chắc chắn Ngài là một trong những vị đã đắc Quả A La Hán, hay ít ra cũng là một trong những vị đang đi trên con đường dẫn đến Đạo Quả A La Hán. Ta hãy đến gần hỏi Ngài vì sao Ngài thoát ly thế tục? Thầy của Ngài là ai? Ngài truyền bá giáo lý của ai?"

Tuy nhiên, thấy Đức Assaji đang yên lặng đi trì bình, Upatissa không dám làm rộn.

Khi vị A La Hán Assaji đi bát xong, tìm một nơi thích hợp để ngồi lại thọ thực. Upatissa lấy làm mừng rỡ, chụp lấy cơ hội, cung kính dâng đến Ngài một cái chén mà chàng đã đem theo để dùng, và rót vào một ít nước. Thực hàng xong bổn phận khiêm tốn sơ khởi của người đệ tử, chàng thành kính bạch:

"Kính bạch Đại đức, ngũ quan của Ngài thật là bình thản và an tĩnh. Nước da của Ngài thật là sáng sủa và trong trẻo. Xin Ngài hoan hỷ dạy con, vì mục đích nào Ngài thoát ly thế tục? Ai là vị tôn sư của Ngài? Ngài truyền bá giáo lý của ai?"

Vì A La Hán khiêm tốn trả lời -- và đây là đặc điểm của các bậc vĩ nhân:

"Này Đạo Hữu, bần tăng chỉ là một tu sĩ sơ cơ. Bần tăng không có đủ khả năng để giảng giải Giáo Pháp một cách dong dài và rành rẽ."

- Kính bạch Đại Đức, con là Upatissa, xin Đại Đức hoan hỷ chỉ giáo ít nhiều, con sẽ cố gắng tự tìm hiểu giáo lý bằng trăm ngàn cách. Và chàng nói tiếp:

"Xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy, nhiều hay ít cũng được. Xin Ngài dạy cho điểm thiết yếu. Con xin Ngài dạy cho đại lược. Chỉ một vài tiếng tóm tắt ngắn gọn."

Đức Assaji liền đọc lên bốn câu kệ tóm tắt phần triết lý cao siêu sâu sắc của Đấng Tôn Sư về chân lý của định luật nhân quả:

ye dhammā hetuppabhavā
tesaṁ hetuṁ tathāgato
āha tesañca yo nirodho
evaṁvādī mahāsamaṇo.

Về các Pháp phát sanh do một nhân.
Nhân ấy, Như Lai đã chỉ rõ.
Và Như Lai cũng dạy phương pháp để chấm dứt.
Đó là giáo huấn của vị Đại Sa Môn.

Trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ đã đủ thuần thục để thấu triệt những chân lý sâu xa, dầu chân lý ấy chỉ được gợi ra một cách vắn tắt. Ngài chỉ cần một tia ánh sáng, và Đức Assaji đọc lên bốn câu kệ thật khéo léo, đưa Ngài ngay vào Con Đường. Khi nghe hai câu đầu, Upatissa đắc Quả Tu Đà Hườn (Sotapatti).

Vị đệ tử mới nhập môn chắc chắn là hết sức thỏa thích và hết lời cảm tạ ông thầy khả kính đã khai thông trí tuệ mình trong giáo lý trác tuyệt cao siêu của Đức Phật.

Upatissa của được nghe Đức Assaji thuật lại các đặc điểm của Đức Phật.

Từ đó về sau, tâm đạo của Ngài càng tăng trưởng và lòng tri ân đối với Đức Assaji càng sâu sắc. Mỗi khi được nghe Đức Assaji ở nơi nào thì Ngài quay về hướng ấy, chắp tay đảnh lễ, và lúc ngủ luôn luôn quay đầu về hướng ấy.

Trích “Đức Phật và Phật Pháp” của Ngài Narada, bản dịch Việt của Phạm Kim Khánh.


Sống Đạo

Giác ngộ không đơn thuần là thay đổi cái nhìn mà là sự chuyển hoá toàn bộ cuộc sống. Có rất nhiều câu chuyện ghi lại về hành xử của bậc giáo thọ vĩ đại thường thay mặt Đức Phật để hướng dẫn Tăng chúng. Ngài không chỉ nói lý lẽ cao siêu mà còn thể hiện tinh thần hiểu biết, khiêm nhu, hoà ái trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Tất cả để lại những bài học cao đẹp cho đời sau.

Từ một nội tâm đã đoạn tận tất cả phiền não cũng với trí tuệ cao vợi, Tôn giả Sāriputta đã cho thấy thế nào sự ứng xử của một bậc thánh giữa cõi đời ngũ trược ác thế. Chẳng những không giao động trước chướng nghịch mà Ngài còn cho thấy khả tính chuyển hoá của chánh pháp, của con đường giáo dục. Phải đọc nhiều và đọc kỷ về cuộc đời của Ngài mới nhận ra phương pháp giáo dục đích thực của Đạo Phật.

Câu chuyện sau đây ghi lại ứng xử của một bậc hoàn toàn giải thoát với tâm bao dung từ ái:

7. Ðức Nhẫn Nhục Chinh Phục Sự Tàn Ác.

Chớ có đập Phạm Chí ...

Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Xá-lợi-phất.

Một ngày nọ, các thiện tín ngồi chung lại và ca ngợi đức hạnh của Tôn giả Xá-lợi-phất:

- Vị Tôn giả thầy chúng ta, thật là đức nhẫn cao đến nỗi dù ai mắng chửi hay đánh đập, Ngài cũng không giận.

Lúc ấy, có một Bà-la-môn ngoại đạo hỏi:

- Ai mà không hề giận dữ?

- Thầy chúng tôi, Tôn giả Xá-lợi-phất.

- Chắc hẳn chưa ai chọc giận được ông ấy?

- Chưa hề có chuyện ấy đâu, Bà-la-môn.

- Ðược rồi, tôi sẽ chọc giận ông ta.

- Ông cứ thử xem.

- Tin tôi đi, tôi biết cách nên hành động như thế nào với ông ta.

Hôm sau, Tôn giả vào thành khất thực. Ông Bà-la-môn đi theo sau lưng Tôn giả tống một quả đấm vũ bão vào lưng Ngài. Tôn giả chỉ hỏi: "Cái gì thế?" mà không hề quay lại dòm và tiếp tục đi. Trước thái độ ấy, ông Bà-la-môn cảm thấy ân hận tràn ngập: "Ô! Thật là tôn quí thay đức hạnh của Tôn giả!".

Ông ta sụp xuống dưới chân Ngài:

- Xin Ngài hãy tha lỗi cho tôi.

- Chuyện gì vậy?

- Tôi muốn thử Ngài nên đã đấm vào lưng Ngài.

- Ðược, tôi không giận ông.

- Nếu Ngài sẵn lòng tha lỗi cho tôi, xin từ đây hãy chỉ đến nhà tôi thọ thực thôi.

Và ông đỡ lấy bát Tôn giả, đưa Ngài về nhà cúng dường bữa trưa. Tôn giả vui vẻ trao bát.

Vài kẻ ngoại cuộc thấy vậy rất tức tối.

- Tên ngoại đạo ấy đã đánh thầy chúng ta, một vị đáng lý không ai được xúc phạm, tội ấy không thể tha thứ. Chúng ta phải giết hắn.

Họ nắm đất, đá, gậy gộc, kéo đến đứng trước cửa nhà người Bà-la-môn. Khi Tôn giả thọ thực xong trở ra, Ngài để bát cho người Bà-la-môn ôm, những người kia thấy ông ta đi ra với Tôn giả, bèn kêu:

- Bạch Tôn giả, xin Ngài ra lệnh cho ông Bà-la-môn trở lại.

- Này các đạo hữu, các ông muốn gì?

- Tên Bà-la-môn ấy đã đánh Ngài, và chúng con muốn xử hắn đích đáng.

- Sao? Ông ấy đánh ta hay đánh các ông?

- Thưa, đánh Ngài.

- Nếu vậy, ông ấy đã xin lỗi ta, các ông về đi.

Tôn giả khuyên các Phật tử, và cho phép ông Bà-la-môn về, Tôn giả trở lại tinh xá.

Các vị Tỳ-kheo hết sức bất bình.

- Thế này là sao? Một người Bà-la-môn đánh Tôn giả Xá-lợi-phất mà Ngài lại đến chính nhà của người ấy thọ thực! Ông ta đánh cả Tôn giả rồi thì còn kính trọng ai nữa? Ông sẽ đánh người này người nọ lung tung cho coi.

Ðức Thế Tôn nghe chuyện, bảo các thầy Tỳ-kheo:

- Này các Tỳ-kheo, không có việc người Bà-la-môn đánh Bà-la-môn, chỉ có Bà-la-môn phàm tục đánh vị Bà-la-môn thánh quả. Bởi vị nào đã chứng quả A-na-hàm hoàn toàn dứt trừ hết mọi giận dữ.

Ngài nói kệ:

(389) Chớ có đập Phạm Chí!
Phạm Chí chớ đập lại!
Xấu thay đập Phạm Chí!
Ðập trả lại xấu hơn!

(390) Ðối vị Bà-la-môn,
Ðây không lợi ích nhỏ,
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chặn đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt.

Trích Tích Chuyện Kinh Pháp Cú, bản dịch của Tu Viện Viên Chiếu.


Hiếu Đạo

Cảnh giới cao điểm của tuệ giác là nhận thức không tánh nhưng không phải vị vậy mà đánh mất tất cả cái nhìn “cận nhân tình”. Tôn giả Sāriputta là một hải đăng của trí tuệ siêu việt không phải chỉ qua lời tán dương của hậu thế mà chính ngay cả sự nghiệp giáo hoá đồ sộ mà Ngài để lại. Thế nhưng không phải vì vậy mà cuộc sống của Ngài hoàn toàn chủ trí mà không có những thể hiện sự nhu nhuyến của các đức tánh tri ân, bao dung, nghiêm cẩn được biết theo cách hiểu thông thường.

Tri ân là một trong những dấu ấn của bậc trí, đặc biệt là sự cảm kích thâm ân sanh dưỡng. Ngoài những câu chuyện về đức tri ân của Tôn giả Sāriputta, kinh điển còn ghi lại hình ảnh rất cảm động khi Ngài biết thời khắc viên tịch đã tới và một điều rất quan trọng phải làm là đem ánh sáng của Phật Pháp tế độ mẫu thân. Với hành trình xa xôi Ngài đã về tận sanh quán của mình để gặp Mẹ. Báo hiếu là hành trạng sau cùng của con người vĩ đại đó.

Câu chuyện sau đây ghi lại hình ảnh báo hiếu của Tôn giả Sāriputta:

Khi đến Nālakā vào một buổi chiều, Ngài bèn dừng chân gần một cây đa ở cổng làng. Thình lình lúc ấy có người cháu trai của Ngài nhân việc đi ra ngoài nhìn thấy. Người ấy vội đến đảnh lễ đức Trưởng lão. Xong Ngài bèn hỏi:

- Thân mẫu của bần Tăng có ở nhà không?

Người ấy trả lời: "Bạch Ngài có ạ!".

Ðức Trưởng lão liền nói: "Vậy phiền ông đi thông báo giùm cho bà biết là bần Tăng sắp về và nếu bà có hỏi chi tiết thì hãy bảo với bà rằng bần Tăng sẽ ở lại trong làng này chỉ một ngày mà thôi! Xin bà cứ sửa soạn căn phòng mà trước đây bần Tăng đã chào đời, và sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị Tỳ-khưu khác nữa nhé".

Ông Uparevāta, tên người cháu của Ðại Ðức Sāriputta, sốt sắng đến gặp mẹ Ngài và báo rằng:

- Thưa bà Ngài! Sāriputta đã về.

Nghe xong bà liền hỏi: "Hiện giờ ông ấy ở đâu?".

- Thưa bà! Ngài đang ở tại cổng làng.

- Ông ta đi một mình hay có ai nữa không?

- Thưa bà, Ngài về với năm trăm vị Tỳ-khưu.

Khi bà hỏi "Tại sao ông ta về" thì người cháu bèn thuật lại những lời nói của đức Trưởng lão. Bà liền nghĩ "Tại sao ông ta yêu cầu mình cung cấp chỗ ngụ cho rất nhiều người như thế? Phí bỏ thời gian còn trẻ để làm một Sa-môn, bộ khi về già ông ta muốn trở về làm cư sĩ hay sao?".

Nhưng rồi bà cũng sắp đặt chỗ ngụ đầy đủ như vậy cho đức Trưởng lão và những vị Tỳ-khưu kia. Bà còn đốt nhiều cây đuốc và trao lại cho người cháu đem đến đức Trưởng lão và chư Tăng để soi đường đi về nhà.

Chẳng mấy chốc, Ðại Ðức Sàrìputta cùng với chư Tỳ-khưu đã vào đến sân nhà bà và Ngài tự ý bước thẳng vào căn phòng cũ của mình. Sau đó Ngài nhân danh mẹ Ngài mời tất cả chư Tỳ-khưu đến những chỗ dành riêng cho họ để nghỉ ngơi.

Ðại Ðức Sàrìputta khi ấy chợt cảm thấy một sự đau đớn lan tràn cả thân xác, Ngài vội vã lên nằm trên chiếc giường của mình và nhập ngay vào Ðại Ðịnh. Những Tỳ-khưu có bổn phận hầu hạ Ngài liền túc trực quan sát. Họ thấy da mặt Ngài lúc đỏ lúc xanh, nhưng đức Trưởng lão vẫn nằm im thiêm thiếp, phong thái vẫn bình an. Kế đến từ hạ thân của Ngài thải ra một chất nước. Thì ra Ngài đang bị bịnh đi tả hoành hành. Những học trò của Ngài phải thay phiên nhau tẩy uế. Cứ một chiếc thùng đưa ra thì một thùng khác trao vào.

Người đàn bà Bà-la-môn thoạt đầu có vẻ đố kỵ những vị Tỳ-khưu kia, nhưng khi thấy họ chăm sóc con bà một cách tận tình và kính trọng thì đâm ra có hảo cảm. Rồi càng theo dõi bịnh tình của Ðại Ðức Sàrìputta bà càng lo sợ. Lúc bấy giờ chính bà lại nhận thấy sự có mặt của năm trăm vị Tỳ-khưu kia quả là một điều cần thiết cho bà.

Trong kinh còn thuật lại rằng: Lúc đó có một chuyện lạ xảy ra: Bốn vị Thiên Vương cùng hỏi lẫn nhau "Hiện tại không biết vị Ðại A-la-hán, bậc thông hiểu vạn pháp kia đang trú ngụ nơi đâu?" Cả bốn vị Phạm Thiên ấy đã lập tức thấy rõ Ngài đang ở tại Nàlakà, trong căn phòng Ngài được sinh ra trước đây. Ngài lại đang nằm trên giường bịnh và sắp nhập Niết Bàn.

Liền đó họ cùng bảo nhau giáng trần để chiêm bái Ngài lần chót. Khi bốn vị Thiên Vương đã đến phòng bịnh của Ðại Ðức Sàrìputta, họ tự động dùng thiên lực làm cho cơn đau của đức Trưởng lão giảm xuống, rồi thỉnh Ngài xả thiền để xin lời chỉ dạy.

Ðức Trưởng lão hỏi: - Các ông là ai?

- Bạch Ngài! Chúng tôi là Tứ Ðại Thiên Vương.

- Tại sao các ông đến đây?

- Chúng tôi muốn hầu Ngài trong thời gian bệnh hoạn.

Nghe thế Ðại Ðức Sāriputta bèn nói:

- Xin để mặc tôi. Vì tôi đã có học trò chăm sóc ở đây rồi, các ông có thể đi đi.

Khi Tứ Ðại Thiên Vương rời khỏi thì có vị vua Trời khác tên Sakka, cũng trong một vẻ tôn kính như thế, lại hiện đến thăm Ngài. Tiếp theo là những vị Ðại Phạm Thiên cũng đến vấn an, nhưng tất cả đều được đức Trưởng lão bảo trở về như trước.

Người đàn bà Bà-la-môn, mẹ Ngài, khi thấy những vị chư Thiên đến rồi đi như thế, bèn tự hỏi: "Họ là ai vậy kìa? - Ai mà đến tôn kính con ta như thế rồi lại đi?". Bà tới tận cửa phòng của đức Trưởng lão để hỏi thăm Ðại Ðức Cunda về bịnh trạng của Ngài. Ðại Ðức Cunda vốn thấu rõ ý muốn của Ðại Ðức Sāriputta từ trước nên bước vào trong bạch với Ngài rằng:

- Bạch đức Trưởng lão. Vị đại Tín nữ đã đến.

Ðại Ðức Sāriputta liền mời bà vô và hỏi:

- Vì sao thân mẫu lại đến đây vào giờ bất thường này?

Bà trả lời:

- Này con! Thân mẫu đến để thăm con. Con hãy nói cho thân mẫu biết những người vừa rồi đến thăm con đầu tiên là ai vậy?

- Thưa thân mẫu! Ðó là bốn vị Ðại Thiên Vương.

Nghe thế bà liền hỏi:

- Như thế thì ông còn cao quí hơn những người đó nữa ư?

Ðức Trưởng lão đáp:

- Họ chỉ là những bậc hộ trì Phật pháp. Khi đức Bổn Sư đản sinh họ chính là những kẻ đến hầu hạ đầu tiên. Trong giáo lý Giải Thoát, họ ví như những cận vệ quân luôn luôn có uy quyền trong tay để bảo vệ một vị Phật Tổ.

- Sau khi họ đi rồi thì vị đến kế tiếp là ai thế?

- Thưa thân mẫu. Ðó là vua Trời Saka.

- Này ông con yêu quí! Ðối với đức vua Trời kia, ông có cao thượng hơn không?

Ðại Ðức Sàrìputta trả lời:

- Thưa thân mẫu! Ông chỉ như vị Sa di là người theo hầu hạ và mang vác những vật dụng của một Tỳ-khưu. Khi đức Bổn Sư từ trên cõi trời thứ ba mươi ba (Tàvatimsa, Ðao Lợi) trở về vị trời Sakka đã mang bát và y phục của Ngài để tiễn Ngài từ Thiên giới đến cõi trần với một lòng tôn kính.

Bà lại hỏi tiếp:

- Và khi vị trời Sakka đi rồi, những vị đến sau đã dùng hào quang làm sáng cả căn phòng này là ai vậy?

- Thưa tín nữ thân mẫu. Ðó là các vị Giáo chủ, những Ðại Phạm Thiên, những Thiên Sư của chính thân mẫu đấy.

- Vậy thì ông là người cao cả nhất. Này ông con quí mến của mẹ, ông còn cao quí hơn những Ðại Phạm Thiên mà xưa nay thân mẫu hằng ngưỡng mộ ư?

- Vâng, thưa thân mẫu. Vào ngày đức Bổn Sư ra đời, thân mẫu nào biết rằng chính bốn vị Ðại Phạm Thiên ấy đã đón rước Ngài trong một vuông lụa đầy hào quang vàng chói.

Khi nghe vậy, mẹ Ngài bèn nghĩ: "Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn Sư ông còn to lớn biết dường nào?".

Trong khi bà đang phân xét như vậy, bất chợt một sự kính ngưỡng nơi Tam Bảo bỗng phát sinh và phỉ lạc tràn ngập cả tâm tư bà.

Ðức Trưởng lão quán thấy biết rằng sự thỏa thích và niềm tin đã bừng lên trong tâm hồn người mẹ rồi, đây chính là lúc mà Ngài phải thuyết pháp để báo ơn sinh thành dưỡng dục. Ngài hiền hòa hỏi:

- Này thân mẫu tín nữ. Thân mẫu đang suy nghĩ gì vậy?

Bà trả lời:

- Thân mẫu đang suy nghĩ: "Nếu con trai của mình mà có phước hạnh như thế thì ân đức của Phật Thích Ca Cồ Ðàm còn to lớn biết là dường nào?".

Ðại Ðức Sāriputta liền tiếp lời:

- Ngay giây phút đức Bổn Sư ra đời, ngay giờ khắc Ngài chứng được quả giải thoát vĩ đại và sau khi đạt đến sự Toàn Giác rồi, Ngài bắt đầu Chuyển pháp luân. Trong ba lần này có hàng vạn hiện tượng cõi đời phải rung chuyển và chấn động. Không có một đấng nào có phước đức ngang hàng với đức Phật. Không có một đấng nào có sự an trụ, có trí tuệ, có hạnh giải thoát, có một độ thuần thục và một sức nhận thức pháp Giải Thoát cao hơn Phật.

Tiếp theo, Ðại Ðức Sàrìputta liền cắt nghĩa cho bà một cách chi tiết những lời tán dương vừa rồi. Chẳng hạn như Ngài nói:

- Thực ra, chỉ có đức Thế Tôn mới là Ðấng Ðại Phúc hơn hết. Vì Ngài đã tròn đủ mười ân đức như: Ứng Cúng (Araham), Chánh Biến Tri (Sammā sambuddho), Minh Hạnh Túc (Vijjācaranasam panno), Thiện Tuệ (Sugato), Thế Gian Giải (Lokavidū), Vô Thượng Sĩ (Anuttaro), Ðiều Ngự Trượng Phu (Purisadammasārathi), Thiên Nhơn Sư (Satthādevamanussānam), Phật (Buddho), Thế Tôn (Bhagavā).

Cứ như thế Ngài đã lần lượt làm cho bà thấu hiểu hết Ân đức Phật đến Ân đức Pháp, hết Ân đức Pháp đến Ân Ðức Tăng.

Khi người con cao thượng của bà sắp chấm dứt bài pháp, cụ bà Bà-la-môn tín nữ kia liền đắc quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn)

Trích Cuộc Ðời Ðức Xá Lợi Phất (Sāriputta), Nyanaponika Thera, bản dịch Nguyễn Ðiều (1966)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc