Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần I. Đức Phật _ Bài 20. CON NHÀ TÔNG … Phần III

Thứ hai, 10/01/2022, 19:59 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 10.01.2022


Phần I. Đức Phật

Bài 20. CON NHÀ TÔNG … Phần III

Đức Thế Tôn ra đời mang ánh sáng giác ngộ giải thoát đến muôn loài chúng sanh. Những đệ tử đã lãnh hội và thành tựu được sự chuyển hoá kỳ diệu có thể nói là vô số. Trong những vị nầy đã có nhiều thể hiện cho thấy sự trưởng thành thật sự trong giáo pháp và góp phần hoằng hoá lợi sanh. Mặc dù khả năng hữu hạn so với bậc Đạo Sư nhưng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Những giai thoại về có đệ tử Phật cho thấy sự vô uý khi tuyên thuyết chánh pháp; hiệu năng khai thị dù người thuyết giáo xuất thân tầm thường. Tất cả đã ghi lại một thời hoàng kim của chánh pháp khi giá trị của chân lý vượt qua tất cả hạn cuộc của giai cấp, giới tính, giàu nghèo. Hiểu biết về các đệ tử cũng là sự cảm nhận tánh cách cao cả về sự ra đời của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.


Lặn hụp giữa cuộc trầm luân

Có những người dù đã có duyên may tiếp xúc với ánh sáng Phật Pháp nhưng vẫn thối thất. Nhưng không có nghĩa vì vậy mà những gì đã học, đã tu hoàn toàn vô bổ. Hạt giống lành tưởng như đã chết nhưng khi có được điều kiện thích hợp thì đâm chồi nẩy tược. Không ít những câu chuyện về một số người thời Đức Thế Tôn còn tại thế có đôi lần trồi sụt trước khi thành tựu tuệ giác.

Một vị tỳ kheo học trò của Ngài Mahākassapa vì phiền não nhất thời đã bỏ cuộc tu trở thành cư sĩ rồi lại vương vào lao lý. Nhưng nhờ duyên lành đã tìm được ánh sáng tuệ giác do sự khai thị của Đức Phật. Câu chuyện cho thấy khả tính giác ngộ có thể bừng khai nếu đủ duyên, đủ phước.

Câu chuyện “Thầy Tỳ Kheo Bỏ Ðạo” ghi lại trong Kinh Pháp Cú:

Ðược thoát khỏi buộc ràng...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại tinh xá Trúc lâm, liên quan đến một thầy Tỳ-kheo hoàn tục.

Thầy Tỳ-kheo kia vốn là đồ đệ Trưởng lão Ðại Ca-diếp, tuy đã đạt Tứ thiền nhưng một hôm đến chơi nhà ông chú làm thợ vàng, trông thấy nhiều đồ trang sức đẹp mắt, thầy sanh lòng tham luyến, bèn hoàn tục. Thầy lại làm biếng chẳng chịu mó tay vào việc gì nên bị đuổi ra khỏi nhà. Từ đấy thầy kết bạn với kẻ xấu, chuyên sống bằng nghề cướp bóc. Một hôm người ta bắt thầy, trói chặt hai tay sau lưng, mang đi hành hình, trên đường cứ gặp mỗi ngã tư lại dùng roi da đánh đập thầy.

Trưởng lão Ðại Ca-diếp vào thành khất thực, thấy thầy Tỳ-kheo bỏ đạo bị dẫn ra cửa Nam liền làm cho dây trói lỏng đi, và bảo thầy.

- Ông hãy quán tưởng lại đề mục định như đã từng làm.

Vâng lời dạy, thầy Tỳ-kheo bắt đầu thiền định, và nhập Tứ thiền. Lính áp tải đưa thầy đến chỗ hành hình, bảo:

- Bọn ta sẽ cho ngươi chết.

Rồi chúng nung đỏ chông sắt lên. Nhưng tên cướp chẳng hề lo sợ mảy may. Lính xử tội vây tứ phía đưa cao gươm giáo, lao phóng sáng lòa.

Thấy tên cướp không tỏ dấu sợ hãi chi cả, chúng phải kêu: - Thưa các Ngài, hãy nhìn người này xem. Ðứng giữa trăm người lăm lăm vũ khí, ông ta chẳng run chẳng sợ. Thật là điều lạ lùng.

Quá kinh ngạc và thán phục, chúng reo hò ầm ĩ, rồi đến tâu lên vua. Nghe hết chuyện, vua phán:

- Hãy thả người ấy ra.

Họ đến bạch Phật câu chuyện. Ðức Thế Tôn phóng hào quang, phân thân đến pháp trường nói kệ:

(344) Lìa rừng lại hướng rừng,

Thoát rừng chạy theo rừng,

Nên xem người như vậy,

Ðược thoát khỏi buộc ràng,

Lại chạy theo ràng buộc.

Nghe pháp âm mầu nhiệm, thầy Tỳ-kheo bỏ đạo đang nằm trên bàn chông lính vây quanh kín đặc, liền quán tưởng đề mục sanh tử, quán tam pháp ấn, thấu rõ ngã không và đắc quả Dự lưu. Trong niềm an lạc của đạo quả vừa đắc, thầy bay lên không đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài. Ngay giữa chúng hội, trong đó có cả nhà vua, thầy đắc quả A-la-hán.

Trích Tích Chuyện Kinh Pháp Cú, bản dịch của Tu Viện Viên Chiếu.


Tình Yêu và Đạo Cả

Tình yêu giữa cuộc trầm luân thường tạo nhiều hệ luỵ nhưng vẫn có những cuộc tình rất đẹp nhờ chất liệu của thiện pháp. Trong dòng sanh tử nếu yêu thương chân thành và trợ duyên cho nhau đúng theo lẽ đạo thì chẳng những tìm được hạnh phúc trần gian mà còn hỗ trợ cho nhau trên đường dẫn đến giác ngộ giải thoát. Đây là một trong những khía cạnh rất tế nhị trong cuộc sống.

Hai vợ chồng Nakulamātā và Nakulapītā là những người có trình độ về Phật Pháp thể hiện sự yêu thương rất đạo vị. Tình yêu của họ được đặt trên lòng chân thành nghĩ về sự lợi lạc thật sự cho nhau trong nhiều kiếp luân hồi. Họ đã giải được bài toán khó là làm thế nào yêu thương mà không ích kỷ. Hơn thế nữa là trợ duyên cho nhau để tinh tiến trên đường đạo.

Bài kinh sau đây ghi lại cuộc tình “Luân hồi thì vẫn có nhau, yêu thương đến lúc bạc đầu vẫn thương”:

6.16. Cha Mẹ Của NakuLa (1)

Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakāla, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi nữ gia chủ, mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:

—Thưa Gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu ái luyến. Thưa Gia chủ, đau khổ là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cấu ái luyến. Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa”. Thưa Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa Gia chủ, sau khi Gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cấu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ Gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, Gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành Phạm hạnh như thế nào. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung, còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn giữ Giới Luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay, Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula không có chứng được nội tâm tịnh chỉ”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn chứng được nội tâm tịnh chỉ, tôi sẽ là một trong những vị ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, trong Pháp và Luật này không đạt được thể nhập, không đạt được an trú, không đạt được thoải mái, không vượt khỏi nghi hoặc, không rời được do dự, không đạt được vô úy, còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, tôi sẽ là một trong những người ấy. Nếu có ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Rồi cha của Nakula được nữ gia chủ, mẹ của Nakula giáo giới với lời giáo giới này, bệnh hoạn liền khi ấy được khinh an và gia chủ, cha của Nakula thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là bệnh ấy của gia chủ, cha của Nakula. Rồi gia chủ, cha của Nakula được lành bệnh, sau khi lành bệnh không bao lâu, chống gậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ, cha của Nakula đang ngồi xuống một bên:

—Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Ðược nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng gìn giữ Giới Luật viên mãn, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng chứng được nội tâm tịnh chỉ, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ, được nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông.

Trích Tăng Chi Bộ, bản dịch của HT Thích Minh Châu


Một Lòng Thanh Thản Giữa Những Hoạ Phúc Trong Đời

Chúng sanh là kẻ thừa tự nghiệp bao gồm cả nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Thế gian thường quan niệm người nầy có phước, người kia vô phước. Kỳ thật thì đa phần cuộc sống là sự pha trộn của cả hai nghiệp tốt và xấu từ quá khứ. Hiểu được nầy bậc thức giả sống với cõi lòng thanh thản đối với vui khổ, khen chê, đặng thắt, vinh nhục.

Vua Bimbisāra là một minh quân hiền đức nhưng do nghiệp quá khứ bị chính đứa con trai yêu quý của mình nghe lời người xấu mà giết cha đoạt ngôi. Người cha bất hạnh nấy không thù oán con mình mà cũng không sống trong đau khổ dù chịu nhiều hành hạ trong lao tù. Điểm căn bản là hiểu và sống với đạo. Thái độ của một người thật sự hiểu Phật Pháp đối với khổ nạn trong đời rất khác với phàm tình.

Câu chuyện vị vua nhân từ bị soán ngôi:

Mặc dầu rất mực minh quân và có tâm đạo nhiệt thành, Vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) phải chịu quả xấu của tiền nghiệp, chết một cách thê lương ảm đạm và vô cùng đau đớn.

Hoàng tử Ajatasattu (A Xà Thế) bị Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) xúi giục, âm mưu sát hại vua cha là Bimbisara (Bình Sa Vương) để chiếm ngôi. Nhưng công việc bại lộ, Ajatasattu bị bắt quả tang, và người cha đầy lòng bi mẫn không đành xử phạt xứng đáng như quần thần xin, mà còn nhường ngôi vàng cho hoàng tử, vì thấy con thèm muốn làm vua.

Để trả ơn, vị hoàng tử bất hiếu vừa lên ngôi liền hạ ngục cha và ra lệnh bỏ đói cho chết dần. Chỉ một mình hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi, bà giấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng. A Xà Thế hay được quở trách mẹ. Sau lại, bà giấu trong đầu tóc. A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường, bà tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sữa. Vua gợt lấy món ăn này để nuôi sống. Nhưng Ajatasattu (A Xà Thế) của bắt được, và cấm hẳn mẹ không cho vào thăm vua cha nữa.

Lúc ấy Bimbisāra (Bình Sa Vương) cam chịu đói, nhưng lòng không oán trách con.

Ngài đã đắc Quả Tu Đà Hườn nên thản nhiên, cố gắng đi lên đi xuống kinh thành, chứng nghiệm hạnh phúc tinh thần.

Thấy cha vẫn vui tươi, Ajatasattu (A Xà Thế) nhất định giết cho khuất mắt nên hạ lệnh cho người thợ cạo vào khám, lấy dao bén gọt gót chân vua cha, xát dầu và muối vào rồi hơ trên lửa nóng cho đến chết.

Khi người cha bất hạnh thấy thợ cạo đến thì mừng thầm, ngỡ rằng con mình đã ăn năn hối cải, cho người đến cạo râu tóc để rước về. Trái với sự ước mong của Ngài, anh thợ cạo đến chỉ để thi hành lệnh dã man của Vua A Xà Thế một cách tàn nhẫn, đem lại cho Ngài một cái chết vô cùng thê thảm.

Cùng ngày ấy, vợ Ajatasattu (A Xà Thế) hạ sanh một hoàng nam. Tin lành đến cùng lúc với tin vua cha Bimbisara (Bình Sa Vương) băng hà trong ngục thất.

Tin chánh hậu hạ sanh hoàng nam được đọc trước. Nỗi vui mừng của A Xà Thế không sao kể xiết. Cả người cảm nghe nhẹ nhàng vui sướng. Tình thương của một người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng sâu sắc, thấm vô từng khớp xương ống tủy. Đứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là cơ hội để cha mẹ thưởng thức một tình tôn giáo mới mẻ đậm đà, vô cùng trong sạch. Cảm giác đầu tiên của người mới được đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào một cảnh giới kỳ lạ, khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã nhỏ giọt ra để nối tiếp mình.

Tức khắc Ajatasattu vội vã chạy đi tìm người mẹ yêu dấu và hỏi: "Thưa Mẫu Hậu, khi con còn nhỏ, phụ hoàng có thương con không?"

-- Tại sao con hỏi lạ vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu ra người cha lành như cha con. Để mẹ thuật cho con nghe. Lúc mẹ còn mang con trong lòng, ngày nọ mẹ nghe thèm lạ lùng một món kỳ lạ. Mẹ thèm nút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con. Mà nào mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao, và sau cùng phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ hút máu. Lúc ấy các nhà tiên tri trong triều tiên tri rằng con sẽ là người thù của cha con. Do đó, tên con là "Ajatasattu", có nghĩa "kẻ thù chưa sanh". Mẹ có ý định giết con ngay trong lòng, nhưng cha con không cho. Khi sanh con ra, mẹ nhớ đến lời tiên tri, nên một lần nữa muốn giết con. Một lần nữa, cha con ngăn cản mẹ.

Một hôm, con có cái nhọt trên đầu ngón tay, nhức nhối vô cùng, khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng không đặng, bế con trong lòng, và không ngần ngại ngậm ngón tay của con trong miệng, nhè nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay! Cái nhọt bể, máu mủ tuôn ra trong miệng cha con và, sợ lấy tay ra con sẽ nghe đau, cha con nuốt luôn vào bụng cả mủ lẫn máu! Phải, người cha hết lòng thương yêu con, vì tình phụ tử đậm đà, nhè nhẹ nuốt hết vừa máu vừa mủ.

Nghe đến đó Vua Ajatasattu bỗng đứng phắt dậy, kêu lên như điên: "Hãy chạy mau, thả ra lập tức người cha yêu quý của trẫm."

Than ôi, người cha yêu quý ấy đã ra người thiên cổ!

Tin thứ nhì được trao đến tận tay Vua Ajatasattu. Vua xúc động rơi lệ dầm dề. Bấy giờ ông mới nhận định rằng chỉ khi bắt đầu làm cha mới biết được tình cha thương con như thế nào.

Vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) băng hà và tức khắc tái sanh vào cảnh Trời Cātummahārājika (Tứ Đại Thiên Vương) tên là Janavassabha.

Về sau Vua Ajatasattu (A Xà Thế) được gặp Đức Phật, trở nên một thiện tín lỗi lạc và tạo nhiều công đức trong cuộc Kết Tập Tam Tạng lần đầu tiên.

Trích “Đức Phật và Phật Pháp” của Ngài Narada

Bản dịch Việt của Phạm Kim Khánh.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet