Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 17. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (VI)

Thứ hai, 06/12/2021, 13:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 6.12.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 17. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (VI)

Đức Thế Tôn là Phật. Là bậc giác ngộ và khai ngộ chúng sanh hiểu rõ lẽ thật. Lãnh hội sự thật không đơn giản như phát khởi lòng tin ở thần linh hay cá nhân nào đó. Chúng sanh vốn dị biệt về căn cơ, không đồng đẳng về phúc đức, đa dạng trong khả năng nhận thức. Để chuyển hoá và khai ngộ cuộc đời, Đức Phật đã phải dùng rất nhiều phương tiện khác nhau. Bá gia thì bá tánh. Muôn người thì muôn bệnh. Trăm cái khổ không cái nào giống cái nào. Kho tàng mênh mông của ba tạng kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện, mà qua đó, cho chúng ta thấy được tâm đại bi vô lượng của Đức Thế Tôn trong sự giáo hoá chúng sanh ngộ nhập tri kiến giải thoát.

Cảm hoá hung thần

Không phải chỉ có loài người mang nhiều tánh ý dị biệt mà chư thiên, đặc biệt là chư thiên cõi thấp, tâm tánh rất da dạng phức tạp. Đức Phật là Đấng Thiên Nhân Sư nên Ngài không chỉ mang ánh sáng chánh pháp đến cho nhân loại mà còn dùng Phật pháp chuyển hoá thiên chúng.

Hung thần Alavaka là một địa tiên tánh khí hung hãn nhưng lại có thần lực muốn áp đảo Đức Phật bằng sức mạnh của mình. Vị nầy cũng còn học được một số câu hỏi vốn có từ thời Phật Kassapa nhưng lại không biết câu trả lời. Không dùng sức thắng được Đức Phật, hung thần lại dùng mưu. Vị nầy nêu lên những câu hỏi khó và nghĩ rằng Đức Phật nhất thời sẽ không có câu giải đáp thoả đáng.

Bài kinh sau đây thuật lại câu chuyện Phật cảm hoá hung thần:

Một thời Thế Tôn trú ở Alavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavaka. Rồi Dạ-xoa Alavaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:

- Này Sa-môn, hãy đi ra.

- Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi ra.

- Này Sa-môn, hãy đi vào.

- Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi vào. Lần thứ hai, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:

- Này Sa-môn, hãy đi ra.

- Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi ra:

- Này Sa-môn, hãy đi vào.

- Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi vào.

Lần thứ ba, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:

- Này Sa-môn, hãy đi ra.

- Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi ra.

- Này Sa-môn, hãy đi vào.

- Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi vào.

Lần thứ tư, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:

- Này Sa-môn, hãy đi ra.

- Này Hiền giả, Ta sẽ không đi ra cho Ông. Ông cần gì hãy làm?

- Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài. Nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm tâm trí Ngài điên loạn, hay ta sẽ bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ sông bên kia sông Hằng.

- Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới với chư Thiên, với Ác ma và với Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm tâm Ta điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân quăng Ta qua bên kia bờ sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi như ý Ông muốn.

Rồi Dạ-xoa với bài kệ nói với Thế Tôn:

Alavaka:

181. Ở đời, tài sản gì,
Tối thắng cho con người?
Cái gì khéo thực hành
Ðem lại chơn an lạc.
Cái gì trong các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Nếp sống như thế nào,
Gọi nếp sống tối thắng?

Thế Tôn:

182. Ở đời này, lòng tin,
Tối thắng cho con người,
Cái gì khéo thực hành,
Ðem lại chơn an lạc?
Chánh pháp khéo thực hiện,
Ðem lại chơn an lạc,
Sự thật trong các vị,
Là vị ngọt tối thượng,
Nếp sống với trí tuệ,
Là nếp sống tối thắng.

Alavaka:

183. Thế nào vượt bộc lưu?
Thế nào vượt biển lớn?
Thế nào vượt qua khổ?
Thế nào thật thanh tịnh?

Thế Tôn:

184. Với tín, vượt bộc lưu,
Không phóng dật, vượt biển,
Tinh tấn, vượt đau khổ,
Với tuệ, được thanh tịnh.

Alavaka:

185. Thế nào được trí tuệ?
Thế nào được tài sản?
Thế nào đạt danh xưng?
Thế nào cột bạn hữu?
Ðời này qua đời sau,
Thế nào, chết không sầu?

Thế Tôn:

186. Tin tưởng bậc La-hán,
Tin pháp, đạt Niết-bàn,
Khéo nghe, được trí tuệ,
Bậc trí, không phóng dật.

187. Làm thích đáng trách nhiệm,
Phấn đấu được tài sản,
Với sự thật được danh,
Bố thí cột bạn bè.

188. Ai là người gia chủ,
Tin tưởng bốn pháp này,
Sự thật và Chánh pháp,
Kiên trì và bố thí,
Vị ấy sau khi chết,
Nhất định không sầu muộn.

189. Hãy hỏi các vị khác,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Nếu có pháp nào khác
Ở đời, lại thắng hơn,
Sự thật và nhiếp phục,
Bố thí và kham nhẫn?

Alavaka:

190. Sao nay con rộng hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Nay con được rõ biết,
Hiện, vị lai hạnh phúc.

191. Vì hạnh phúc cho con,
Mong rằng bậc Giác Ngộ,
Hãy đi đến an trú,
Tại xứ Alavi.
Nay con đã rõ biết.
Chỗ nào thí, quả lớn.

192. Con sẽ đi bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Thành này qua thành khác,
Ðảnh lễ bậc Giác Ngộ,
Ðảnh lễ thiện pháp tánh
Của Chánh pháp vi diệu.

[Trích Kinh Tập, phẩm X, Kinh Alavaka (Sn 31). Bản dịch của HT Thích Minh Châu]


Đối diện với kẻ vu khống

Trước sự phát triển rộng lớn của Phật Pháp khắp mười sáu quốc độ vùng Trung Thổ, nhiều ngoài giáo tìm cách hạ uy tín của Đức Phật. Ngoài những xuyên tạc, tranh luận đôi khi ngoại giáo còn sử dụng những thủ đoạn vu khống nặng nề. Bài học lớn cho thế hệ mai hậu là thái độ của Bậc Đạo Sư trước những trường hợp như vậy.

Cincāmānavikā là một mỹ nữ theo ngoại đạo được hướng dẫn lập mưu vu cáo Đức Phật. Sự kiện trở thành một chuyện kể lưu truyền rộng rãi nhiều thế hệ sau nầy. Ngày nay di tích nơi đất sụp khiến nàng Cincā chết thảm vẫn còn ở tại Sāvatthi.

Câu chuyện sau đây ghi lại diễn biến sự kiện vu khống Đức Trọn Lành:

Khi đấng Thập Lực mới đạt Vô thượng Chánh Ðẳng Giác, sau đó chúng đệ tử này càng đông đảo, vô số chư Thiên và loài người đã được sinh lên Thiên giới, hạt duyên lành gieo rắc khắp nơi, nên Ngài được uy danh lừng lẫy và lễ vật cúng dường cao trọng. Bọn ngoại đạo tà giáo chẳng khác nào bầy đom đóm sau buổi bình minh, họ chẳng còn danh vọng, lợi dưỡng cúng dường nữa; họ liền ra giữa đường hét lớn vào đám dân chúng:

- Nay sao, Sa-môn Gotama là bậc Giác Ngộ à? Chúng ta cũng là những bậc Giác Ngộ. Chỉ có các lễ vật cúng dường cho vị ấy mới mang lại kết quả lớn sao? Những vật cúng dường cho chúng ta cũng mang lại kết quả lớn cho các ngươi. Vậy các ngươi hãy cúng dường cho chúng ta, phục vụ chúng ta nữa chứ?

Song dù họ kêu gào mãi, họ cũng chẳng hưởng được danh vọng lợi dưỡng nào cả. Sau đó họ bí mật họp nhau lại, và bàn bạc vấn kế:

- Làm thế nào ta có thể gây ô nhục cho sa môn Gotama trước mặt công chúng để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng cúng dường của ông ấy đây?

Lúc bấy giờ tại Xá-vệ có một cô gái kia tên là Cincāmānavikā, vẻ đẹp tuyệt trần, dáng kiều diễm mảnh mai, như một nữ thần, ánh sáng như tỏa ra từ thân thể nàng. Có người bày mưu kế ác độc như sau:

- Nhờ Cincāmānavikā giúp sức, ta có thể gây ô nhục cho Sa-môn Gotama và chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà ông đang hưởng.

- Phải lắm, cả bọn đồng ý. Ta phải làm cách ấy đấy.

Khi nàng ấy đến chỗ tu hành của bọn ngoại đạo tà giáo, đảnh lễ họ rồi đứng yên, bọn tà đạo sư không nói gì với nàng cả. Nàng hỏi:

- Con có lỗi gì chăng? Con đã chào các Tôn giả ba lần rồi.

Nàng lại bảo:

- Thưa các Tôn giả, tại sao các vị không nói gì với con?

Họ đáp:

- Này chị, chị có biết Sa-môn Gotama đang du hành qua đây và làm hại chúng ta, làm mất hết mọi danh vọng và lợi dưỡng cúng dường mà chúng ta đã được hưởng trước kia chăng?

- Thưa các Tôn giả, con không biết việc đó, nhưng con có thể làm gì được?

- Này chị, nếu chị muốn chúng ta được tốt lành thì hãy tự mình gây ô nhục cho Sa-môn Gotama để chấm dứt danh vọng lợi dưỡng mà vị ấy đang hưởng.

Nàng đáp:

- Thưa các Tôn giả, được lắm, xin để việc ấy cho con đừng lo lắng gì nữa.

Nói vậy xong nàng từ giã ra đi.

Sau đó nàng dùng mọi xảo thuật của nữ nhân để đánh lừa người đời. Khi dân chúng ở Xá-vệ nghe Pháp xong và ra về từ Kỳ Viên, nàng lại thường đi về phía Kỳ Viên, khoác chiếc y nhuộm màu đỏ yên chi, tay cầm vòng hoa thơm ngát. Khi có ai hỏi nàng:

- Ði đâu vào giờ này?

Nàng thưởng trả lời:

- Các vị có liên quan gì đến việc tôi di, tôi về mà hỏi?

Nàng cứ ở lại ban đêm trong am thất của bọn tà đạo sư ấy, sát gần Kỳ Viên, rồi đến sáng sớm mai, khi các cư sĩ cận sự của Tăng chúng từ kinh thành đến đảnh lễ Tăng chúng buổi sáng, nàng thường hay gặp gỡ họ như thể nàng đã ở lại ban đêm tại Kỳ Viên rồi đi về kinh thành. Nếu có ai hỏi nàng đã ở lại nơi đâu, nàng liền trả lời:

- Tôi ở lại nơi đâu thì có việc gì đến các vị?

Song sau chừng sáu tuần lễ, nàng đáp:

- Tôi ở ban đêm tại Kỳ Viên với Sa-môn Gotama trong Hương phòng.

Các người ngoại đạo bắt đầu thắc mắc không biết việc ấy có đúng chăng. Sau chừng ba bốn tháng, nàng lại quấn nhiều lớp vải quanh bụng, làm vẻ như thể nàng đang có thai, và khoác áo choàng đỏ ra ngoài. Rồi nàng tuyên bố là nàng có thai với Sa-môn Gotama khiến cho đám người ngu si mù quáng tin theo lời. Sau chừng tám chín tháng nàng cột quanh người những miếng gỗ cuộn thành bó, khoác áo đỏ phủ lên, lấy xương hàm của bò đập vào tay chân thân thể cho sưng phồng to, và làm ra dáng mệt mỏi.

Một buổi chiều khi đức Như Lai đang ngồi trên bảo tọa thuyết Pháp, nàng bước vào giữa hội chúng, đứng trước mặt đức Như Lai và nói:

- Này Ðại sa-môn, quả thực Ngài đang thuyết Pháp cho nhiều hội chúng; giọng nói của Ngài thật êm ái, nhưng Ngài đã làm cho tiện thiếp có thai và ngày sanh đã gần kề, tuy thế Ngài không sắp đặt phòng bảo sanh cho thiếp, Ngài không cho thiếp bơ tươi hay dầu ăn gì cả. Những việc tự Ngài không muốn làm, Ngài cũng không nhờ một người cư sĩ nào làm thay thế, như vua Kosala, Ông Cấp Cô Ðộc hay nữ cận sự Visàkhà. Tại sao Ngài không bảo một người trong các vị ấy làm những việc cần cho thiếp? Ngài biết cách hưởng dục lạc, song lại không biết cách chăm sóc cái kết quả sẽ phát sinh từ đó!

Thế là nàng ta phỉ báng đức như Lai giữa đại chúng như một người cố ném bùn làm vấy bẩn mặt trăng. Ðức Như Lai ngưng thuyết giảng và cất lên như tiếng rống sư tử vang dội khắp nơi:

- Này chị, những điều chị vừa nói đúng hay sai, chỉ mình Ta và chị biết thôi.

Nàng đáp:

- Ðúng thế, quả thực vậy, việc này xảy ra như thế nào, chỉ mình Ngài và thiếp biết thôi.

Ngay lúc ấy chiếc ngai vàng của Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Khi xem xét kỹ, ngài thấy rõ lý do: "Nàng Cincamànavikà đang vu cáo đức Như Lai về một việc không có thực." Ngài quyết định làm sáng tỏ vấn đề này, liền cùng bốn Thiên thần đi đến đó. Các Thiên thần giả dạng bầy chuột đồng lập tức cắn sợi dây cột bó gỗ kia, rồi một cơn gió thổi tốc lên chiếc y đỏ nàng mặc, bó gỗ lộ ra và rơi xuống chân nàng, các ngón chân nàng đều bị đứt lìa cả. Ðại chúng la lớn:

- Một con mụ phù thủy đang vu cáo bậc Chánh Ðẳng Giác.

Ðại chúng liền khạc nhổ lên đầu nàng, lấy gậy gộc, đất đá xua đuổi nàng ra khỏi Tinh xá Kỳ Viên. Khi nàng đi khuất tầm mắt của đức Như Lai, đại địa liền há miệng ra thành một đường nứt khổng lồ, đám lửa từ dưới địa ngục thấp nhất bốc lên khiến nàng bị bao vây giữa đám lửa như thể trong chiếc hồng y hôn lễ mà đám bạn sẽ phủ lên nàng, rồi nàng rơi xuống tầng địa ngục thấp nhất, và tái sinh tại đó. Danh vọng và lợi dưỡng của đám tà sư vẫn tiêu tan, còn danh và lợi dưỡng của đấng Thập Lực lại tăng trưởng dồi dào hơn nữa.

[Trích Câu Chuyện Tiền Thân. Kinh 472. Chuyện Vương Tử Liên Hoa (Tiền thân Mahā - Paduma) - Bản dịch của GS Trần Phương Lan]


Độ người tà kiến

Một trong những việc Đức Phật dùng nhiều công sức để giáo hoá chúng sanh là thay đổi kiến chấp vốn ăn sâu vào văn hoá và tín ngưỡng Ấn Độ. Phải đến tận nơi và tìm hiểu kỹ càng mới thấy được những quan niệm chấp thủ là bản sắc cố hữu của người Ấn. Đức Phật thường dùng đạo lý chánh pháp để chuyển hoá nhưng cũng phải tuỳ căn cơ mỗi cá nhân.

Bà-la-môn Aggikabhāradvāja là một giáo sĩ chuyên chủ trì những tế đàn thờ lửa, chính do địa vị và sự hành trì của mình nên vị nầy thù ghét Đức Phật. Khi vị bà la môn thấy Đức Phật đi đến chỗ mình đang làm lễ đã dùng lời nặng nhất “kẻ bần tiện” để công kích Đức Phật. Đức Thế Tôn dùng từ ngữ “kẻ bần tiện” làm đề tài của pháp thoại. Những gì Phật dạy đã chuyển hoá con người vốn nặng tà kiến và thù hận.

Bài kinh sau đây ghi lại pháp thoại mà đề tài lấy từ câu nói mạ lỵ:

Một thời Thế Tôn trú ở Sāvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, tại trú xứ của Bà-la-môn Aggikabhāradvāja, lửa tế lễ được đốt cháy, đồ cúng dường được dâng cao. Rồi Thế Tôn, trong khi thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggibhāradvāja. Bà-la-môn Aggibhāradvāja thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy bèn nói với Thế Tôn:

- Ở đây kẻ trọc đầu, ở đây kẻ Sa-môn ti tiện, ở đây kẻ bần tiện, hãy đứng lại.

Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Aggibhàradvàja:

- Này Bà-la-môn, Người có biết người bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện không?

- Này Tôn giả Gotama, tôi không biết kẻ bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp như thế nào cho tôi, để tôi được biết về kẻ bần tiện hay các pháp tạo thành kẻ bần tiện.

- Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

- Thưa vâng, Tôn giả!

Bà-la-môn Aggibhāradvāja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

116. Người phẫn nộ, hiềm hận,

Ác nhân, gièm pha người,

Ác tà kiến, man trá,

Ðược biết là bần tiện.

117. Ai ở đây hại vật,

Một sanh, hoặc hai sanh,

Không thương xót hữu tình,

Ðược biết là bần tiện.

118. Ai làm hại vây hãm,

Các làng, các thị trấn,

Kẻ cướp đoạt có tiếng,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

119. Tại làng hay tại rừng,

Vật sở hữu của người,

Lấy trộm của không cho,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

120. Ai vay nợ của người,

Bị đòi liền trốn tránh,

Ta đâu mắc nợ ngươi,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

121. Ai vì ham vật mọn,

Kẻ đang đi trên đường,

Giết hại cướp vật mọn,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

122. Ai vì mình, vì người,

Hay vì nhân tài sản,

Làm nhân họ nói láo,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

123. Ai được thấy giữa vợ

Của bà con, bạn thân,

Ép buộc hay ưng thuận,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

124. Ai với mẹ hay cha,

Già yếu, tuổi trẻ qua,

Tuy giàu không giúp đỡ,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

125. Ai với mẹ hay cha,

Với anh chị, nhạc mẫu,

Làm hại, dùng lời mắng,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

126. Ai được hỏi mục đích,

Lại khuyên lời trái đích,

Khuyên bảo nên che đậy,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

127. Ai làm các nghiệp ác,

Muốn không biết mình làm,

Ai làm hạnh che đậy,

Ðược biết là kẻ bần tiện.

128. Ai đến nhà người khác,

Ăn món ăn ngon lành,

Lại không đáp lễ lại,

Ðược biết là bần tiện.

129. Ai nói dối lường gạt,

Sa-môn, Bà-la-môn,

Hay các người nghèo khác,

Ðược biết là bần tiện.

130. Dùng lời mắng, không cho,

Sa-môn, Bà-la-môn,

Khi thời ăn uống đến,

Ðược biết là bần tiện.

131. Ở đời nói không thật,

Bị si mê che đậy,

Tham cầu chút lợi nhỏ,

Ðược biết là bần tiện.

132. Ai đề cao tự ngã,

Khi miệt giá trị người,

Hạ mình với tự cao,

Ðược biết là bần tiện.

133. Ai gây hấn, hà tiện,

Ác dục và xan tham,

Xảo quyệt, không tàm quí,

Ðược biết là bần tiện.

134. Ai phỉ báng đức Phật,

Hay đệ tử của Ngài,

Hàng xuất gia, tại gia,

Ðược biết là bần tiện.

135. Ai không phải La-hán,

Tự nhận là La-hán,

Kẻ trộm Phạm thiên giới,

Chính tối hạ bần tiện.

Những hàng bần tiện này,

Ta nói rõ cho Ông.

136. Bần tiện không vì sanh,

Phạm chí không vì sanh,

Do hành, thành bần tiện,

Do hành, thành Phạm chí.

137. Do đây, nên hiểu biết,

Như Ta trình bày rõ,

Mātanga được danh,

Bần tiện, ăn thịt chó.

138. Danh tối thượng khó đạt,

Màtanga đạt được,

Nhiều Sát-ly, Phạm chí,

Ðến hầu hạ vị ấy.

139. Vị ấy leo thiên xa,

Trên đường lớn không bụi,

Từ bỏ mọi dục tham,

Ðạt được Phạm thiên giới,

Thọ sanh không ngăn chận,

Vị ấy sanh Phạm thiên.

140. Có những Bà-la-môn,

Sanh gia đình Ðạo sư,

Hay sanh những gia đình

Quyến thuộc với bùa chú,

Họ vẫn thường được thấy,

Làm các điều ác nghiệp,

141. Hiện tại bị khinh miệt,

Ðời sau sanh ác thú,

Thọ sanh không ngăn chận,

Sanh ác thú đáng khinh.

142. Bần tiện không vì sanh,

Phạm chí không vì sanh,

Do hành thành bần tiện,

Do hành thành Phạm chí.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Bhāradvāja bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, ví như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con nay qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời qui ngưỡng.

[Trích Kinh Tập, Tiểu Bộ. (VII) Kinh Kẻ Bần Tiện (Vasalasuttaṃ) (Sn 21). Bản dịch của HT Thích Minh Châu]


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc