Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 14. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (III)

Thứ hai, 15/11/2021, 18:45 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 15.11.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 14. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (III)

Đức Thế Tôn là Phật. Là bậc giác ngộ và khai ngộ chúng sanh hiểu rõ lẽ thật. Lãnh hội sự thật không đơn giản như phát khởi lòng tin ở thần linh hay cá nhân nào đó. Chúng sanh vốn dị biệt về căn cơ, không đồng đẳng về phúc đức, đa dạng trong khả năng nhận thức. Để chuyển hoá và khai ngộ cuộc đời, Đức Phật đã phải dùng rất nhiều phương tiện khác nhau. Bá gia thì bá tánh. Muôn người thì muôn bệnh. Trăm cái khổ không cái nào giống cái nào. Kho tàng mênh mông của ba tạng kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện, mà qua đó, cho chúng ta thấy được tâm đại bi vô lượng của Đức Thế Tôn trong sự giáo hoá chúng sanh ngộ nhập tri kiến giải thoát.


Cảm hoá nàng dâu ngang bướng

Chánh pháp được Đức Phật giảng giải không phải chỉ có giới, định, tuệ cho người tu tập mà bao gồm nhiều lãnh vực gần gũi trong đời sống hằng ngày của người cư sĩ. Đã là đời sống thì có vật chất, có tinh thần; có đạo, có đời; có những thứ thiêng liêng đạo vị mà cũng có những điểm rất bình thường trong cuộc sống cư sĩ thế tục. Nếu đi vào kho tàng kinh điển sẽ tìm ra rất nhiều lời dạy thoạt nghe như không liên hệ tới Phật Pháp lại có công năng chuyển hoá cách suy nghĩ của con người.

Sujātā là em gái út của nữ cư sĩ Visākhā xuất thân giàu có là xinh đẹp nên tánh tình cao ngạo. Khi trở thành con dâu của Ông Cấp Cô Độc, Sujātā dù là dâu con nhưng tánh khí không được nhu thuận dễ thương. Một lần Đức Thế Tôn đến nhà ông Cấp Cô Độc tình cờ nghe bên trong có tiếng gắt gỏng nặng lời to tiếng vốn hiếm khi có trong một gia đình mà người trên kẻ dưới hầu hết đều thuần thành trong Phật pháp. Đức Thế Tôn đã hỏi vì sao và được trả lời là do nàng dâu Sujātā tánh khí không biết kính trên nhường dưới nên thường to tiếng với người trong nhà không khuyên bảo được. Đức Phật cho gọi Sujātā đến gặp Ngài.

Đức Phật đã không khiển trách Sujātā mà chỉ nói về bảy hạng vợ và cho nàng sự lựa chọn. Sau khi Sujātā đến đảnh lễ Đức Phật, Bậc Đạo Sư đã nói:

—Này Sujātā có bảy loại vợ. Thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujātā, có bảy loại vợ cho người đàn ông. Và con thuộc loại vợ nào?

—Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn, con không hiểu rõ ý nghĩa một cách rộng rãi. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn.

—Vậy này Sujātā, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

—Thưa vâng Sujātā vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

"Ai tâm bị uế nhiễm,
Không từ mẫn thương người,
Thích thú những người khác,
Khinh rẻ người chồng mình,
Bị mua chuộc bằng tiền,
Hăng say giết hại người,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi sát nhân thê.
"Còn hạng nữ nhân nào,
Tiêu xài tài sản chồng,
Do công nghiệp đem lại,
Hay thương nghiệp, nông nghiệp,
Do vậy, nếu muốn trộm,
Dầu có ít đi nữa,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi đạo tặc thê.
"Không ưa thích làm việc,
Biếng nhác, nhưng ăn nhiều,
Ác khẩu và bạo ác,
Phát ngôn lời khó chịu,
Mọi cố gắng của chồng,
Ðàn áp và chỉ huy,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi là chủ nhân thê.
"Ai luôn luôn từ mẫn,
Có lòng thương xót người,
Săn sóc giúp đỡ chồng,
Như mẹ chăm sóc con,
Tài sản chồng cất chứa,
Biết hộ trì gìn giữ,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi hiền mẫu thê,
"Ai như người em gái,
Ðối xử với chị lớn,
Biết cung kính tôn trọng,
Ðối với người chồng mình,
Với tâm biết tàm quí,
Tùy thuận phục vụ chồng,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi hiền muội thê.
"Ai ở đời thấy chồng,
Tâm hoan hỷ vui vẻ,
Như người bạn tốt lành,
Ðã lâu từ xa về,
Sanh gia đình hiền đức,
Giữ giới, dạ trung thành,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi bằng hữu thê.
"Không tức giận, an tịnh,
Không sợ hình phạt, trượng,
Tâm tư không hiềm hận,
Nhẫn nhục đối với chồng,
Không phẫn nộ tức giận,
Tùy thuận lời chồng dạy,
Hạng vợ sống như vậy,
Ðược gọi nữ tỳ thê,

"Nếu vợ là sát nhân,
Hay như là đạo tặc
hoặc như thể chủ nhân,
Vợ ấy thiếu giới hạnh,
Ác khẩu và vô lễ
Khi thân hoại mạng chung,
Bị sanh vào địa ngục.
"Ở đời các hạng vợ,
Như từ mẫu, hiền muội
Như bằng hữu, nữ tỳ
An trú trên đức hạnh,
Khéo phòng hộ lâu ngày,
Khi thân hoại mạng chung,
Ðược sanh cõi an lạc.

Này Sujātā, có bảy loại vợ này đối với người đàn ông. Con thuộc hạng người nào?

—Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người vợ nữ tỳ.


Chăm sóc cho một tỳ kheo trọng bệnh không người quan tâm

Trong đoàn thể nào cũng có những cá nhân sống bên lề của sự quên lãng ngay cả trong Tăng chúng thời Đức Phật cũng vậy. Điều nầy thường xẩy ra với những tỳ kheo thường tịnh tu không đạo bạn hay không được biết nhiều trong Tăng chúng. Hơn thế nữa Tăng chúng là cộng đồng của những tu sĩ mà thường là mỗi cá nhân phải biết tự lo bản thân không làm gánh nặng cho người khác. Từ xưa đến giờ sự chăm sóc những tu sĩ già hay bệnh hoạn là vấn đề không đơn giản trong chùa chiền.

Có một tỳ kheo bị bệnh không ai chăm sóc được Đức Thế Tôn chăm sóc. Lần ấy Đức Phật đi quanh tịnh xá để xem xét sinh hoạt của Tăng chúng có thị giả Ananda đi theo. Khi đi ngang qua một am thất có mùi hôi bay ra. Đó chính là chỗ ở của một tỳ kheo bị bệnh nặng không người chăm sóc đang nằm trên phân và nước tiểu. Đức Phật dạy tôn giả Ananda đi lấy nước rồi Ngài và vị thị giả đã lau sạch cho vị tỳ kheo bệnh và đặt vị ấy trên chiếc giường sạch.

Sau khi cắt đặt việc chăm sóc cho vị tỳ kheo bị bệnh Đức Phật đã cho triệu tập chư tăng trong chùa để huấn thị. Ngài hỏi chư tỳ kheo có biết một vị đồng tu bị bệnh nặng không người chăm sóc? Chư tăng trả lời do vị ấy không qua lại với ai trong Tăng chúng nên không người quan tâm. Đức Phật đã dạy ba điều:

“Nầy chư tỳ kheo, các con không sống với cha, với mẹ nếu không chăm sóc nhau thì ai sẽ chăm sóc các con? Những ai thật sự thương kính Như Lai sẽ chăm sóc những pháp lữ bị đau bệnh”.

Rồi Đấng Đại Bi cũng ban hành giới luật:

“Đối với thầy tế độ, thầy giáo thọ, học Tăng, sa di khi bị bệnh thì Tăng chúng phải chăm sóc. Nếu không làm vậy (toàn thể Tăng chúng trong chùa) phạm điều luật dukkata (điều vụng về trong hành xử đáng khiển trách – có bản dịch là “tác ác”) Kèm theo điều luật nầy Đức Phật cũng dạy thế nào là một người bệnh khó chăm sóc: Không chịu làm theo sự chỉ dẫn thích hợp để chữa trị, không chịu uống thuốc, không chịu nói rõ bệnh trạng, không có đủ kham nhẫn đối với sự đau nhức khó chịu của thân bệnh.

Đức Phật cũng dạy thêm thế nào là một nhân tuyển thích hợp để chăm sóc người bệnh: Có hiểu biết về y dược; biết cái gì thích hợp hay không thích hợp cho người bệnh; biết đem đến cái gì cần và mang đi cái gì không cần cho bệnh nhân; không nặng lòng với danh lợi; không ngại những dơ bẩn của người bệnh; có khả năng trợ duyên tinh thần với pháp thoại.


Độ người mang nặng định kiến

Trong giới tôn giáo, người ta thường hành xử với những quan niệm cố hữu về cái gì đúng, cái gì sai dựa trên tín ngưỡng. Điều nầy đặc biệt nổi bật trong văn hoá Ấn Độ, một xã hội nặng niềm tin ở hình thức cúng kiếng và rất khó mở lòng để nghe những đạo lý không mang màu sắc thờ phượng lễ nghi.

Bà-la-môn Sundarika Bharadvāja là một thầy cúng nổi tiếng có lần làm lễ tế lửa trên bờ sông đã gặp Đức Phật. Như thường lệ, sau tế đàn vị nầy tìm người để cho những thực phẩm cúng tế. Nhìn thấy Đức Phật ngồi gần đó, dù vị thầy cúng nầy không ưa những sa môn tịnh tu nhưng nẩy sanh ý đến hỏi là tu kiểu vậy sau khi chết sanh về đâu nếu không thờ phượng thần linh thượng đế.

Những gì bà la môn Sundarika thấy và nghe ở Đức Phật hoàn toàn bất ngờ và chính ông cũng có quyết định bất ngờ. Câu chuyện được ghi lại như sau:

Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja thấy Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây, đầu được bao trùm, thấy vậy, tay trái cầm món ăn cúng tế còn lại, tay phải cầm bình nước đi đến Thế Tôn.

Và Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja liền tháo đồ trùm ở đầu.

Và Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja nghĩ: “Ðầu vị này trọc, vị này là người trọc đầu”, nghĩ vậy, muốn trở lui.

Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja lại suy nghĩ: “Trọc đầu ở đây, một số Bà-la-môn cũng như vậy. Vậy ta hãy đến và hỏi vấn đề thọ sanh”.

Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn:

—Thọ sanh Tôn giả là gì?

(Thế Tôn)

Chớ hỏi về thọ sanh,
Hãy hỏi về sở hành.
Tùy theo mọi thứ củi,
Ngọn lửa được sanh khởi.
Dầu thuộc nhà hạ tiện,
Bậc ẩn sĩ tinh cần,
Ðược xem như thượng sanh,
Biết tàm quý, trừ ác.
Ðiều thuận bởi chân lý,
Thuần thục trong hành trì,
Thông đạt các Thánh kinh,
Phạm hạnh được viên thành.
Tế vật đã đem lại,
Hãy cầu khẩn vị ấy,
Lễ tế làm đúng thời,
Vị ấy xứng cúng dường.

(Sundarika)

Vật cúng này của con,
Thật sự khéo cúng dường,
Nay con đã thấy được,
Bậc sáng suốt như Ngài.
Con không thấy một ai
Có thể sánh được Ngài,
Không có người nào khác
Thọ hưởng vật cúng này.
Tôn giả Gotama,
Hãy thọ hưởng vật cúng.
Ngài thật là Bà-la-môn,
Là bậc đáng tôn trọng.

(Thế Tôn)

Ta không có hưởng thọ,
Vì tụng hát kệ chú,
Thường pháp không phải vậy,
Ðối vị có tri kiến.
Chư Phật đã loại bỏ
Tụng hát các kệ chú,
Chân thật niệm Chánh pháp,
Sở hành là như vậy.
Bậc Ðại Sĩ vẹn toàn,
Cúng dường phải khác biệt.
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Trạo hối được lắng dịu,
Với những bậc như vậy,
Cơm nước phải cúng dường,
Thật chính là phước điền,
Cho những ai cầu phước.

—Vậy thưa Tôn giả Gotama, con phải cho ai vật cúng còn lại này?

—Này Bà-la-môn, trong toàn thế giới chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên giới, trong chúng Sa-môn và Bà-la-môn, trong thế giới chư Thiên và loài Người, Ta không thấy một ai ăn vật cúng còn lại này có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử Như Lai. Này Bà-la-môn, vậy này Bà-la-môn, hãy quăng vật cúng còn lại này tại chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm xuống nước, nơi không có loài hữu tình.

Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja nhận chìm vật cúng còn lại ấy vào trong nước, nơi không có loài hữu tình.

Vật cúng ấy khi được quăng vào trong nước liền xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Ví như lưỡi cày đốt nóng cả ngày, khi bỏ vào trong nước, bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên. Cũng vậy, vật cúng còn lại ấy khi được quăng vào trong nước bèn xì lên, sôi lên, phun hơi và phun khói lên.

Rồi Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn; sau khi đến liền đứng một bên.

Thế Tôn nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja đang đứng một bên:

Này Bà-la-môn kia,
Chớ có nghĩ gì tịnh.
Sự sắp đặt củi lửa,
Như vậy chỉ bề ngoài.
Bậc thiện nhân dạy rằng,
Người ấy không thanh tịnh,
Với những ai chỉ muốn
Thanh tịnh mặt bên ngoài.
Này Bà-la-môn kia,
Ta từ bỏ củi lửa,
Ta chỉ nhen nhúm lên
Ngọn lửa từ nội tâm,
Ngọn lửa thường hằng cháy,
Thường nồng cháy nhiệt tình.
Ta là bậc La-hán,
Ta sống đời Phạm hạnh.
Này Bà-la-môn kia,
Người mang ách kiêu mạn,
Phẫn nộ là khói hương,
Vọng ngôn là tro tàn,
Lưỡi là chiếc muỗng tế,
Tâm là chỗ tế tự,
Tự ngã là ngọn lửa.
Còn người khéo điều phục,
Chánh pháp là ao hồ,
Giới là bến nước tắm,
Không cấu uế, trong sạch,
Ðược thiện nhơn tán thán,
Là chỗ bậc có trí,
Thường tắm, trừ uế tạp.
Khi tay chân trong sạch,
Họ qua bờ bên kia.
Chánh pháp là chân lý,
Tự chế là Phạm hạnh,
Chính con đường trung đạo,
Giúp đạt tối thắng vị,
Ðảnh lễ bậc trực tâm,
Ta gọi tùy pháp hành.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sundarika Bhāradvāja bạch Thế Tôn:

—Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! …

Và Tôn giả Bhāradvāja trở thành một vị A-la-hán nữa.


Bài đã học: Bài 13. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (II)

Bài học tiếp theo: Bài 15. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (IV)


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc