Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 11. ĐỐI DIỆN VỚI CHỐNG ĐỐI VÀ PHỈ BÁNG

Thứ hai, 25/10/2021, 18:31 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 25.10.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 11. ĐỐI DIỆN VỚI CHỐNG ĐỐI VÀ PHỈ BÁNG

Dù là Đức Phật là Phật, là bậc đại phúc đại trí ở đời, nhưng với lẽ tự nhiên của cuộc sống Ngài vẫn gặp nhiều ganh ghét, chống đối, phỉ báng. Ấn độ là vùng đất mang đậm màu sắc tín ngưỡng, nói rõ hơn, là truyền thống lâu đời của Bà la môn giáo mà ngày nay được biết là Ấn giáo (Hindu). Đặc điểm nầy ở phương diện nào đó rất tối để tạo điều kiện cho sự hoằng truyền Phật Pháp như ủng hộ những sa môn không nhà sống bằng hạnh khất thực hay đời sống du phương của những tu sĩ rày đây mai đó. Thế nhưng xã hội Ấn xưa cũng như nay có những phản cảm mãnh liệt đối với giáo pháp của Đức Phật ở nhiều mặt như không xem sự thờ phụng thần linh là cốt tuỷ của tín lý hoặc xem những nghi lễ rườm rà là giới cấm thủ. Nói một cách thực tế thì nhiều tu sĩ ngoại đạo cảm nhận sự lan toả rộng lớn của Phật pháp là đe doạ đến quyền lợi và danh tiếng của họ. Chỉ riêng điều nầy đã tạo nên nhiều sự chống đối, công kích nhắm thẳng vào Đức Phật. Điểm quan trọng ở đây không phải là tại sao Đức Phật là bậc đại phúc đức mà gặp nghịch cảnh như vậy mà điều đáng nói là Ngài đã xử sự thế nào trong những trường hợp như vậy.


Căm hận Phật vì nghe pháp mà nghĩ là cá nhân bị chỉ trích

Phật pháp được giảng dạy với mục đích chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc nên phương diện nào đó là những lời dạy về pháp tánh tự nhiên nhưng người ta cũng có thể ngộ nhận là nhắm vào cá nhân. Nếu nghe pháp chỉ là nghe pháp thì lòng người rộng mở nhưng nghe pháp mà nghĩ rằng điều được nói là nhắm vào chính mình thì dễ sanh hiềm hận. Có những đề tài Phật pháp mà một người quen thuộc thì cảm thấy rất bình thường. Thí dụ: nói về phiền não của tâm, bất tịnh của thân, vô thường của cuộc sống… Thế nhưng với một số người nào đó thì những điều nầy “đụng chạm” tới cá nhân và suy diễn xa hơn tạo nên những oan kết trong lòng.

Hai vợ chồng ông bà la môn Māgandiya thoạt đầu có ý chọn Đức Phật làm rễ đông sàng nhưng khi nghe Đức Phật nói pháp thì ngộ đạo nhưng người con gái lại bất mãn nghĩ rằng bị khinh miệt. Vợ chồng bà la môn vốn là người giỏi về phép xem tướng tin rằng Đức Phật là bậc đại trượng phu xứng hợp với người con gái kiều diễm của mình. Để khai thị hai người nầy, Đức Phật đã nói lên một bài kệ về sự giải thoát khổi trói buộc của dục lạc. Nghe xong cả hai chứng đắc đạo quả. Riêng tiểu thơ thì chẳng những không lãnh hội mà nghĩ rằng Đức Phật chê bai sắc đẹp của mình nên nuôi hận trong lòng. Sau nầy cô Māgandiya trở thành quý phi của vua Udena đã thuê những côn đồ đi theo Đức Phật thoá mạ đủ cách.

Tôn giả Ānanda nóng ruột khi thấy người ta huỷ báng Đức Phật trên đường khất thực đã thỉnh Bậc Đạo Sư đi nơi khác nhưng Ngài dạy về bài học nhẫn nại của đời sa môn. Qua lời dạy của Đức Thế Tôn thì đời tu sĩ vốn nhận nhiều sự kính trọng thì cũng lắm điều khinh miệt. Sa môn phải như voi trận chấp nhận lằn tên mũi đạn. Không thể sống đời xuất gia mà thiếu hạnh nhẫn nại.


Tìm cách triệt hạ Đức Phật vì thấy là quyền lợi bị mất mát

Sự lan rộng của Phật Pháp trong dân gian đã khiến nhiều ngoại giáo thấy bị mất mát lợi danh nên tìm cách triệt hạ uy tín của Đức Phật. Mặc dù nói đến tỷ giảo tôn giáo là sự cân phân đạo lý nhưng trên thực tế thì là liên hệ mật thiết đến danh và lợi vốn là những điều rất thế tục. Kinh điển ghi lại rất nhiều những nỗ lực của ngoại giáo tìm cách bôi nhọ, chỉ trích, xuyên tạc, vu khống Đức Phật và chư tăng nhằm giảm bớt sự quy ngưỡng của quần chúng.

Một nỗ lực thâm độc của ngoại đạo là dùng một án mạng để vu cáo Đức Phật và chư tăng. Để thực hiện điều nầy họ tìm một nữ tu sĩ ngoại đạo tên Sundarī có nhan sắc đóng vai một đàn tín đi sớm về khuya chùa Kỳ Viên với nhiều lễ phẩm cúng dường. Sau một thời gian nhóm ngoại đạo âm thầm tìm những sát thủ giết Sundarī và chôn xác trong hầm chứa rác của chùa. Sau khi tuyên bố nỗ lực tìm kiếm người mất tích đã tri hô sự việc tìm thấy thi thể của Sundarī trong khuôn viên Kỳ Viên Tịnh Xá và mở một chiến dịch phỉ báng Đức Phật.

Trước những xôn xao trong ngoài thành Xá Vệ, Đức Phật đã nhập thất bảy ngày không đi khất thực để sự việc tự sáng tỏ. Vua Pasenadi cho thám tử đi điều tra khắp nơi cuối cùng bắt gặp những sát thủ đang tranh giành tiền thưởng trong lúc say rượu. Nhà vua đã trừng phạt nghiêm minh những kẻ chủ mưu và những sát thủ. Sau đó đã bắt những kẻ ngoại đạo công bố sự thật về những gì họ đã vu cáo Đức Phật.


Thấy nhiều người trẻ đi tu nên thù ghét Đức Phật

Một trong những hiện tượng nổi bật trong quảng đời hoằng hoá của Đức Phật là nhiều thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm xuất gia khiến nhiều gia đình bà la môn căm ghét Đức Phật. Với sự thành lập Tăng Đoàn, Đức Thế Tôn đã mở ra một kỷ nguyên mới về một nếp sống xuất gia tu tập có học tập, có tu trì, có tổ chức, có quy củ. Điều nầy khiến cho rất nhiều thanh niên nam nữ nhận ra được lợi lạc thiết thực của đời sống xuất gia. Chính vì vậy mà có rất nhiều người trẻ xin phép cha mẹ chọn con đường thoát tục. Những gia đình có tín tâm rất hoan hỷ có con em xuất gia theo Phật. Trong lúc những người ngoại đạo thì căm ghét nghĩ rằng không có Đức Phật thì không có chuyện người thân bỏ nhà đi tu.

Rất nhiều trường hợp những bà la môn trực tiếp đến gặp Đức Phật nói lời thoá mạ vì sự căm phẫn. Đơn cử trường hợp Akkosaka Bhāradvāja đã dùng nhiều lời hằn học chưởi mắng Đức Phật chỉ vì không đồng tình với những lời dạy và sự khuyến khích tu tập của Ngài. Dù là một bậc Đạo sư được nhiều tầng lớp vua chúa, trí thức kính mộ nhưng Đức Phật sống rất gần với quần chúng. Ngài đi khất thực nhận thực phẩm từ mọi tầng lớp. Những người muốn gặp Ngài thường có thể đến gặp trực tiếp. Họ nêu lên câu hỏi để nghe giải đáp. Cũng có trường hợp họ bày tỏ thái độ sân si không tiếc lời.

Tuỳ mỗi trường hợp Đức Phật ứng xử khi bị công kích nhưng đa phần Ngài dùng lời nói ôn tồn để cảm hoá. Trong trường hợp bà la môn Akkosaka Bhāradvāja thoá mạ Ngài thì Đức Phật lắng nghe với thái độ bình thản rồi dạy rằng kể huỷ báng người không phẫn nộ giống như tung bụi ngược gió vì chính bản thân bị thiêu đốt bởi ý nghĩ và ngôn ngữ não hại của mình. Vị bà la môn chợt tỉnh trước thái độ và lời nói của Đấng Vô Thượng Điều Ngự.


Khen chê Đức Phật vì thói thường tình thế gian

Đôi khi tán thán hay chỉ trích chỉ là thói đời vốn thường tình. Đức Phật đôi khi nhắc nhở những đệ tử trên đời nầy không ai không bị khen chê. Nói cách nào, sống cách nào thì cũng có người khen kẻ chê. Người có hiểu biết nên có thái độ phải chăng là không bất chấp cũng chẳng quá nặng lòng. Một khi chấp nhận sự khen chê vốn thường tình như trời có lúc nắng lúc mưa thì sẽ bình tâm hơn nhờ vậy có thể nhận định khách quan.

Một lần Đức Phật và chư tăng đi hành hoá có hai thầy trò ngoại đạo đi theo sau với thái độ tương phản: thầy thì chê bai Phật, Pháp, Tăng trong lúc người học trò thì tán thán. Mặc dù Suppiya và Brahmadatta là hai thầy trò nhưng có quan điểm trái người về Đức Phật. Người thầy dùng đủ cách để chê bai trong lúc người học trò thì bày tỏ quan điểm hoàn toàn ngược lại.

Khi nghe chư tăng bàn thảo về thái độ khen chê tương phản của hai thầy trò Suppiya thì Đức Phật đã dạy rằng đối với thị phi cần giữ thái độ bình tâm. Ngài dạy rằng không phải lời khen nào cũng chánh đáng và lời chê nào cũng là điều không đáng nghe mà trước hết là đừng để tâm giao động rồi thẩm định giá trị của những lời nói ấy. Những chi phối trước khen chê là vấn đề lớn cho người tu tập nếu không khéo tác ý.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

 

Ý kiến bạn đọc