Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I Đức Phật _ Bài 10. PHẬT PHÁP CHO MỌI GIAI TẦNG

Thứ hai, 18/10/2021, 18:43 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 18.10.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 10. PHẬT PHÁP CHO MỌI GIAI TẦNG

Trong những năm đầu hoằng hoá, Đức Phật dành nhiều thì giờ để hướng dẫn sự tu tập cho những cá nhân ưu tú của xã hội với căn cơ đầy đủ. Đó là những “thiện gia nam tử” thường là có trình độ trí thức cao; họ từ bỏ đời sống thế tục để sống đời sa môn không gia đình. Đó là những đệ tử xuất gia như Yasa, Mahākassapa, Sāriputta, Moggallāna, Ānanda, Anuruddha ...v.v... Khi Phật Pháp trở nên phổ cập rộng lớn trong châu thổ Sông Hằng thì Đức Phật lại bận rộn nhiều với sự hướng dẫn chánh pháp cho đại khối quần chúng mang nhiều xuất thân khác nhau. Giai cấp là một định chế khó xoá bỏ trong xã hội Ấn; sự phân biệt giới tính là rào cản khác; tín ngưỡng truyền thống cũng tạo nên những khuôn mẫu khó nhất thời thay đổi; ngay cả sự phân chia đạo đời cũng là sự khác biệt sâu sắc giữa Phật Pháp và tín ngưỡng dân gian.


Kinh đô Xá Vệ, Kỳ Viên Tịnh Xá, trưởng giả Cấp Cô Độc

Vương quốc Kosala (Kiều Tát La) với kinh đô Sāvatthī (Xá Vệ) đã đưa lịch sử Đạo Phật sang khúc quanh mới. Cũng là một vương quốc lớn và phồn thịnh như Magadha nhưng với địa dư bằng phẳng, một bình nguyên trù phú nông nghiệp với khí hậu ôn hoà mặc dù gần chân núi Himalaya. Kinh đô Sāvatthī từ bao thế kỷ trở thành trục lộ giao thương quan trọng của miền Trung Ấn. Thời Đức Thế Tôn tại thế, vị vua cai trị Kosala là Pasenadi (Ba Tư Nặc), bằng tuổi với Đức Phật, với tánh cách hoàn toàn khác biệt với vua Bimbisāra (Tần Bà Sa La) của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà).

Kinh đô Sāvatthī là một trung tâm giao thương hơn là học thuật, tôn giáo mà tại đó có nhiều đại cư sĩ đệ tử Phật. Họ xuất thân từ giai cấp thương gia như Anāthapiṇḍika, Visākhā …v.v… Đây là nơi Đức Thế Tôn an cư 24 mùa hạ trong 45 năm hoằng pháp. Vô số những giai thoại, bài thuyết pháp và những sự kiện lịch sử được ghi lại tại nơi nầy. Chính sinh hoạt của bốn chúng đệ tử Phật ở Kosala đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm về hình thái tồn tại của Đạo Phật cho đến ngày nay từ liên hệ của hai giới xuất gia và tại gia; xã hội và chùa chiền; hoằng pháp và hộ pháp; tinh tuý và quần chúng. Có thể nói không thể biết rõ về Đạo Phật nếu không hiều về những gì lịch sử Phật giáo nếu không am hiểu sự hoằng hoá của Đức Thế Tôn tại xứ Kosala.

Nói đến Sāvatthī phải nhắc đến Ông Cấp Cô Độc. Đó là một thương gia giàu có, hào sảng với đầu óc thực tế. Ông có duyên gặp Đức Phật tại Rājagaha như một người con tìm gặp được cha ruột của mình. Ông cung thỉnh Đức Phật và chư tăng về quê hương của mình là Sāvatthī. Tự thân đi mua đất xây chùa, Kỳ Viên Tịnh Xá, và trở thành một cư sĩ hộ đạo kiểu mẫu từ cổ chí kim. Vai trò của Ông Cấp Cô Độc thật tế nhị: không phải chỉ học tu từ Tăng chúng mà còn chăm sóc nhiều mặt cho giới xuất gia bên cạnh gia đình, xã hội, công ăn việc làm. Ông là đệ nhất nam cư sĩ của Đức Phật.

Jetavana, Kỳ Viên, là ngôi chùa lớn trong lịch sử Đạo Phật. Lớn cả hai mặt cơ sở vật chất và vai trò lịch sử. Đất chùa nguyên là một khu vườn nghĩa mát của ông hoàng Jeta được trưởng giả Cấp Cô Độc thương lượng mua lại với giá “vàng trãi tới đâu lấy đất tới đó” nên sau nầy còn được gọi là “Bố Kim Tự”. Đây là ngôi chùa được nhắc tới nhiều nhất trong Tam Tạng kinh điển. Phần lớn Luật Tạng được Đức Phật ban hành ở đây trong 25 năm cuối đời của Ngài. Có thể nói sự hoằng truyền Phật Pháp tại kinh đô Sāvatthī đã biến Đạo Phật trở thành tôn giáo của quần chúng.


Đối thoại và chuyển hoá nền tín ngưỡng Veda

Kinh điển Veda (Phệ đà) không chỉ là nền tảng của tín lý tôn giáo mà là kho tàng tri thức ảnh hưởng toàn bộ xã hội Ấn Độ. Nền tảng kinh điển Veda đã dạy người Ấn về địa vị tối tôn của Thượng đế; sự phân chia tất yếu của giai cấp xã hội mà trong đó khẳng định thẩm quyền tôn giáo của giai cấp bà la môn; Veda có trữ lượng to lớn về kiến thức tổng quát như toán học, thiên văn, y khoa, ngôn ngữ cho đến sự hành trì tôn giáo. Khó có người nào trong xã hội Ấn dám thách thức thẩm quyền của kinh điển Veda mà chỉ nhiều lắm là giải thích theo cách hiểu riêng mình.

Những bà la môn (brahmana) được mặc nhiên chấp nhận là những người có đủ tư cách để thay mặt Thượng đế giải thích về tất cả khía cạnh đạo cũng như đời. Họ là bà la môn vì giòng dõi thọ sanh, vì kiến thức Veda, vì màu da chủng tộc, vì có nhiều giáo sĩ lỗi lạc khả kính xuất thân từ giai cấp nầy. Một số không nhỏ những bà la môn xem sự phổ biến Phật Pháp là đe doạ, thách thức cho sự tồn tại của nền đạo vốn “phải chấp nhận không thể chối cải”.

Có rất nhiều đại đệ tử xuất thân từ giai cấp bà la môn như các ngài Kondañña, Mahākassapa, Sāriputta …v.v… Những vị nầy không phải chỉ là những bậc trí thức mà còn đó địa vị cao trọng trong xã hội. Bản thân của Đức Phật xuất thân giai cấp Sát Đế Lỵ chứ không phải bà la môn.

Rất nhiều bài kinh ghi lại những đối thoại, tranh luận, công kích Đức Phật và giáo pháp từ những bà la môn. Sự hoằng hoá rộng rãi của Phật Pháp tự nhiên tạo thành phản ứng mạnh mẽ quyết liệt từ nền tảng tín lý truyền thống vốn đã ăn sâu trong tâm thức và văn hoá của mọi tầng lớn xã hội. Đức Phật không tranh chấp chấp với họ cũng không làm ngơ. Ngài đã dùng rất nhiều phương tiện để cảm hoá những người đó từ sự thuyết pháp, thân giáo đến hiển thị thần lực.


Vượt qua hàng rào giai cấp

Phân chia giai cấp là bản sắc cố hữu của xã hội Ấn và của tín lý Veda. Những người Ariyan khi tràn xuống định cư ở lưu vực Ấn Hà và Hằng Hà đã khéo léo xây dựng một trật tự xã hội mới mà giống dân Dravidian bản địa trở thành giai cấp thấp chịu sự dẫn đạo tôn giáo và thống trị của giống Ariyan. Phân chia giai cấp không còn là hiện tượng xã hội mà còn là tín lý tôn giáo. Ngay cả những người thuộc giai cấp cùng đinh cũng chấp nhận số phận bất công vì đó là “tôn ý của Thượng đế”

Phần đông người Ấn Độ trước khi chấp nhận giá trị của lời nói hữu lý thường đặt ra câu hỏi người nói thuộc giai cấp nào. Giai cấp không chỉ ở trình độ, lợi tức, địa vị xã hội mà còn nằm ở “thanh tịnh huyết thống bảy đời”. Con người chỉ có thể chấp nhận giai cấp do thọ sanh mà hoàn toàn không thể làm gì khác. Giai cấp có một vị thế quan trọng trong tín ngưỡng và chuẩn mực của thiện ác.

Đức Phật qua thông điệp hoằng pháp đã khẳng định con người cao quý hay thấp hèn do hành vi của bản thân chứ không phải do giòng dỏi thọ sanh. Đây là điều hoàn toàn khó chấp nhận đối với xã hội chịu ảnh hưởng sâu đậm tín lý Veda.

Khi Đức Phật cho phép Sunita một người thuộc giai cấp cùng đinh xuất gia trở thành một tỳ kheo ngồi giữa Tăng chúng đã tạo nên sự chấn động mãnh liệt tại vương quốc Magadha. Người ta khó chấp nhận một người giai cấp thấp ngồi ngang với các bậc đệ tử Phật “xuất thân cao quý” lại nhận sự lễ bái cúng dường từ vua chúa, cư sĩ bà la môn và đại khối quần chúng. Rất may mắn là vua Bimbisāra trị vì xứ Magadha là một đệ tử cư sĩ của Đức Phật chứng thánh quả tu đà huờn. Trong mắt của vị nầy chỉ có Tam Bảo chứ không có sự cao thấp do giai cấp xã hội. Nhà vua đảnh lễ tôn giả Sunita, đảnh lễ chư vị tỳ kheo ni thì tự nhiên dân chúng dần dà thuận theo.


Cho phép nữ giới xuất gia

Phân biệt giới tính cũng là một đặc điểm của văn hoá Ấn Độ. Mặc dù theo mẫu hệ nhưng người phụ nữ có những khuôn khổ phải ghép mình mà không thể vượt quá. Họ phải đóng tốt vai trò của người vợ, người mẹ và chỉ được phép tồn tại trong phạm vi gia đình. Từ ngôn ngữ tới sự hành trì tôn giáo nữ giới không thể như nam giới. Trong lúc hàng tu sĩ sống nhờ vào sự hỷ cúng của cư sĩ thì không thể dễ dàng để chấp nhận những nữ tu sĩ được tôn kính, cúng dường như những nam tu sĩ

Năm năm sau khi Đức Thế Tôn thành đạo đã có lời thỉnh cầu từ di mẫu Mahāpajapati Gotamī cho nữ giới xuất gia sau khi vua Suddhodana lâm trọng bệnh và băng hà. Đức Thế Tôn từ chối không chấp nhận liền. Khi Ngài trở lại Vesali, di mẫu cùng năm trăm công nương vương quốc Sakya tự thí phát, đắp y casa, đi chân trần trãi qua hành trình dài đến xin diện kiến Đức Phật và thỉnh cầu được xuất gia.

Đức Thế Tôn đã từ chối nhưng cuối cùng chấp thuận lời cầu thỉnh từ tôn giả Ānanda. Ngài cho phép người nữ xuất gia với điều kiện chấp nhận thọ trì “bát kỉnh pháp”. Thái độ của Đức Phật cho thấy Ngài tạo cơ hội cho người nữ tu tập nhưng cũng nêu rõ sự khác biệt giới tính và những phức tạp về sự tồn tại của Tăng đoàn bao gồm cả hai nam và nữ tu sĩ. Bên cạnh tánh khí khác biệt của phần đông người nữ phải nói đến sự bất tiện của đời sống du phương mà người nữ khó được an toàn. Chi do người nữ xuất gia tạo nên hiện tượng xây dựng nhiều cơ sở vật chất chùa chiền, là nguyên nhân suy thoái của Đạo Phật. Bát kỉnh pháp cũng nhằm mục đích thể hiện sự phát tâm tu tập chứ không phải là “phong trào thoát ly” của nữ giới trong xã hội vốn tạo nên sự phản cảm của quần chúng.

Di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī trở thành vị tỳ kheo ni đầu tiên trong giáo pháp. Cũng trong bước tiên khởi nầy có 500 công nương dòng Sakya (Thích Ca) mà trong đó của hoàng hậu Yasodhara (Da Du Đà La). Tương quan giữa hai hội chúng nam tu sĩ và nữ tu sĩ trong Phật giáo là bài học lớn về giới tính và đời sống tu viện trong lịch sử nhân loại. Ngày nay vẫn có nhiều tranh luận về điểm nầy không riêng Phật giáo mà trong hầu hết các tôn giáo.


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc