Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | DUYÊN SINH _ Hữu duyên Sanh (bhavapaccayā jāti)

Thứ hai, 31/10/2022, 19:02 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 31.10.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Hữu duyên Sanh (bhavapaccayā jāti)

Sanh là trạnh thái định hình sau quá trình hình thành. Đây là sự tập khởi mang ngã tính “tôi là” trong khuôn mẫu nào đó. Dù là một chúng sanh thầm lặng hay nỗi trội, cao thượng hay bất chấp, làm vua, làm dân, làm chư thiên, làm người ..v.v.. Tất cả đều là những định hình của “cái tôi” từ sự chấp thủ và tạo tác (quá trình hình thành). Điều nầy diễn ra ngay trong hiện kiếp và cũng là sự tái tạo thân sanh tử kiếp sau và sau nữa. Nên hiểu chữ “sanh” ở đây trong cả hai ý nghĩa “sự tập khởi của một giai đoạn trong đời sống” và “sự tái sanh khởi đầu kiếp sống mới”.

Hữu duyên sanh là quá trình hình thành tạo nên kết quả định hình. Đây là sự sanh khởi với hình thái nào đó của chúng sanh trong đời. Đi học là quá trình, đạt được học vị nào đó là định hình. Nỗ lực huân tu phước hạnh là quá trình, trở thành một người nhiều phúc duyên là định hình. Chính những hữu duyên sanh giải thích tại sao chúng sanh ở đời có thiên hình vạn trạng như thuỷ tộc có vô số hình thái, màu sắc.

Không phải muốn là được nhưng tất cả hình thái “được” hay “bị” đều bắt nguồn từ ý muốn (ái và thủ). Nhưng có trường hợp “khéo” thì “giấc mơ được hiện thực” như một người muốn thành chư thiên nên huân tu thiện pháp rồi sanh thiên. Cũng có trường hợp “vụng” như người muốn làm giàu nên làm những việc phi pháp một cách bất chấp để rồi thành một tù nhân.

Sự sanh tương ứng với nghiệp hữu (kammabhava) chứ không do tác động trực tiếp của ái. Thí dụ một người muốn “tôi là phú gia” đó là ý muốn. Từ ý muốn nầy người đó ra sức tạo tài sản hay bố thí nên kết quả trở thành người giàu có. Nhưng cũng có người muốn giàu có với quan niệm cần tích góp và tiện tặn đến mức độ “vắt chài ra nước” thì cũng là khởi từ ý muốn nhưng do bủn xỉn keo kiết nên kết quả là người sanh ra thiếu phước. Do vậy mặc dù có khi nói rằng do dục ái nên sanh làm chúng sanh dục giới; do sắc ái nên sanh làm chúng sanh cõi sắc giới; do vô sắc ái nên sanh làm chúng sanh cõi vô sắc nhưng giữa ái và sanh còn có thủ và hữu ở giữa. Chính thủ và hữu khiến cho sự tập khởi tương thích hay đối ngược với ý muốn ban đầu.

Thị dục huyễn ngã “tôi là” phần lớn y cứ trên sự sanh. Những hãnh diện về bản thân như “tôi là người Việt Nam”, “tôi là đàn ông”, “tôi là khoẻ mạnh” ..v.v.. hầu hết bắt nguồn từ sự định hình khởi đầu của kiếp sống. Tất nhiên có những tập tánh bầy đàn như của con ong, cái kiến hay đơn độc như tê giác đều là bẩm sinh khó thay đổi nhưng cũng có những thứ thay đổi theo thời gian. Có những chúng sanh mang chấp thủ ngược lại với sự sanh xuất của mình như người có mặc cảm gia thế (tiêu cực) hay một người tu tập chuyển hoá bản thân (tích cực).

Không có sự sanh nào trong ba cõi là hoàn hảo vì tất cả nghiệp hữu đều bất toàn. Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng nằm trong giới hạn quan niệm của nghệ nhân. Do ái, thủ, hữu là quá trình bị chi phối bởi phiền não nên tất cả sự hiện hữu của chúng sanh trong đời đều mang giới hạn nhất định và luôn có khuyết điểm. Nói theo tứ diệu đế thì ái là nhân sanh khổ chứ không phải là con đường dẫn tới hạnh phức chân thực.

Phần tiếp theo: Sanh duyên Lão Tử

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc