Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Bài 8. BƯỚC ĐẦU HOẰNG HOÁ

Thứ hai, 27/09/2021, 19:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 27.9.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 8. BƯỚC ĐẦU HOẰNG HOÁ

Sau khi đã độ được sáu mươi đệ tử xuất gia đầu tiên và tất cả đều chứng quả a la hán, Đức Phật kêu gọi “mỗi người đi một ngã” để hoằng hoá độ sanh. Chính Ngài cũng đi một mình về hướng Uruvelā. Năm đó Đức Thế Tôn 36 tuổi. Điều đặc biệt trong thời kỳ đầu của giáo pháp hầu hết những đệ tử xuất gia đều là những vị ưu tú về trí tuệ, đạo hạnh. Sau nầy khi giáo pháp phổ cập rộng rãi, Tăng chúng đông đảo thì có nhiều thành phần phức tạp không tinh thuần như thuở đầu. Vùng đất Magadha (Ma kiệt đà) với kinh đô Rājagaha (Vương Xá) không chỉ chứng kiến buổi bình minh của giáo pháp mà chính nơi nầy cũng diễn ra công cuộc kết tập kinh điển ba tháng sau khi Đức Thế Tôn viên tịch.

Thánh chúng đông đảo thuở ban sơ

Bên dòng sông Nerañjarā (Ni liên thiền) không xa nơi Đức Thế Tôn từng tu khổ hạnh Ngài đã độ hơn một ngài đệ tử xuất gia tạo nên một thánh chúng đông đảo thuở ban đầu. Đây là nhóm các đạo sĩ bà la môn vừa thông thái và chuyên tu dẫn đầu là Uruvela-Kassapa, Nadī-Kassapa, Gayā-Kassapa. Cả ba là anh em ruột. Uruvela-Kassapa có 500 đệ tử, Nadī-Kassapa có 300 đệ tử, Gayā-Kassapa có 200 đệ tử.

Đức Phật dùng năng lực siêu nhiên để cảm hoá Uruvela Kassapa. Vốn là một người bác lãm kinh Veda và thực tâm tu hành, đạo sĩ Uruvela Kassapa tự nghĩ mình đã đạt đến cảnh giới thanh tịnh tuyệt đối của sự tu tập. Đức Thế Tôn đã đến với nhóm đạo sĩ nầy và hiển hoá nhiều thần lực phi thường. Dù vậy Uruvela Kassapa vẫn nghĩ là mình đã là bậc a la hán hoàn toàn thanh tịnh cho đến khi Đức Phật chỉ thẳng là vị nầy không phải là a la hán cũng không đang đi trên con đường dẫn đến đích điểm cao quý đó. Cuối cùng ba vị Kassapa và một ngàn đệ tử trở thành những những tỳ kheo trong Phật pháp.

Vốn là những đạo sĩ bà la môn thực thụ, những vị nầy khi tu theo Đức Phật từ bỏ những hành trì nghi lễ vốn không thể thiếu trong tín lý thờ phượng. Tóc mà họ cắt cùng với những pháp khí, pháp cụ mà họ quăng bỏ trôi theo nước của giòng sông tạo nên hiện tượng được ghi lại. Đó là một dấu ấn nói lên sự từ bỏ nghi lễ tôn giáo để sống đời tu tập thanh tịnh nội tâm của hàng sa môn chân chánh.

Tại Vương Xá Thành, Uruvela Kassapa vốn là một sư trưởng nổi danh về kiến thức và đạo hạnh đã đãnh lễ Phật và tự xác nhận mình là đệ tử của Đức Thế Tôn. Hình ảnh nầy gây chấn động và khiến nhiều người quy ngưỡng Tam Bảo. Trong một xã hội mà sắc tính tôn giáo có ảnh hưởng rộng lớn thì điều đó có một tác động mạnh. Vương Xá Thành đã trở thành một trung tâm Phật giáo.

Trung tâm Phật giáo buổi sơ thời

Sau bảy năm không gặp, Đức Thế Tôn trở lại Vương Xá Thành độ vua Bimbisāra như lời đã hứa. Năm đó Đức Phật 37 tuổi cùng với thánh chúng hơn một ngàn đệ tử đi vào thành Vương Xá với sự uy nghiêm thanh tịnh. Vua Bimbisāra ra tận cổng thành cung đón và nhanh chóng được khai thị trở thành thánh đệ tử cư sĩ chứng quả tu đà huờn.

Ngự viên Veluvana (Trúc Lâm) được nhà vua cúng dường lên Đức Phật và chư Tăng trở thành ngôi chùa đầu tiên của Đạo Phật. Ngôi chùa nầy là nơi xẩy ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Sự hộ pháp của một vị vua tạo nên một thế mạnh vững vàng để Phật Pháp lan toả trong mọi tầng lớp của dân chúng.

Rājagaha (Vương Xá Thành) là kinh đô của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) không những là đô thị bậc nhất thời đó mà còn là trung tâm văn hoá, học thuật. Nơi nầy mang những địa danh tên tuổi trong lịch sử Phật giáo như Gijjhakūṭa (Linh Thứu Sơn), hang động Sattapanni (đông Thất Diệp), Suối nước nóng, chùa Trúc Lâm và nhiều địa danh khác.

Chính tại Vương Xá Thành là nơi có nhiều sự kiện quan trọng xẩy ra trong lịch sử Phật Giáo. Bimbisāra la vị vua đầu tiên trở thành Phật tử hộ pháp; Sunita là người cùng đinh trở thành một tôn giả nhận sự cung kính cúng dường của quần chúng; Một vị hoàng phi tên Khema xuất gia thành tỳ kheo ni. Trúc lâm Tịnh xá là ngôi chùa đầu tiên của Đạo Phật; hang động Sattapanni là nơi kết tập kinh điển; và rất nhiều sự kiện quan trọng khác.

Nền tảng của ngôi nhà giáo pháp được thiết lập

Chính Vương Xá Thành Đức Phật chính thức xác lập ngôi vị thượng thủ thinh văn của hai tôn giả Sāriputta và Moggallana. Điều nầy đặc biệt quan trọng đối với tất cả chư vị Chánh đẳng chánh giác giống như một triều đình luôn có hai vị văn quan võ tướng.

Tại chùa Trúc Lâm, Vương Xá Đức Thế Tôn đã tuyên thuyết về tôn chỉ của giáo Pháp được ghi lại qua kinh Ovadāpatimokkha với lời mở đầu “không làm tất cả điều ác, huân tu hạnh lành, thanh tịnh hoá tâm ý, là lời dạy của chư Phật”. Cùng trong bài kinh nầy Đức Phật khẳng định về tinh thần bất hại trong đời sống tu hành và hoằng pháp cùng với những nét chính trong cuộc sống tu hành được gọi là giới bổn mà chư Phật đều truyền dạy giống nhau.

Cũng tại Vương Xá Thành nơi Đức Phật đã truyền dạy về những pháp khiến cho Đạo Phật được hưng thịnh không bị suy giảm. Những yếu tố nầy phần lớn nói vì sinh hoạt lành mạnh của cộng đồng Tăng chúng và phẩm chất tu tập cá nhân của các thành viên. Tôn giả Mahā Kassapa được xem là người đóng vai trò trọng đại trong sự gìn giữ ngôi nhà giáo pháp sau khi Đức Thế Tôn viên tịch đã trụ ở tại Vương Xá Thành trong nhiều năm.

Lần kết tập kinh điển đầu tiên sau khi Đức Thế Tôn viên tịch đã diễn ra tại Vương Xá Thành. Không phải là sự tình cờ mà chư vị a la hán đệ tử Phật chọn nơi nầy để kết tập và hệ thống hoá những lời dạy của Đức Phật. Yếu tố ngôn ngữ, con người, vị vua hộ pháp, và vùng đất lịch sử đã khiến nơi nầy hình thành kho tàng kinh điển được bảo lưu tới ngày nay.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc