Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Bài 21. CON NHÀ TÔNG … Phần IV

Thứ hai, 17/01/2022, 14:50 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 17.01.2022


Phần I. Đức Phật

Bài 21. CON NHÀ TÔNG … Phần IV

Đức Thế Tôn ra đời mang ánh sáng giác ngộ giải thoát đến muôn loài chúng sanh. Những đệ tử đã lãnh hội và thành tựu được sự chuyển hoá kỳ diệu có thể nói là vô số. Trong những vị nầy đã có nhiều thể hiện cho thấy sự trưởng thành thật sự trong giáo pháp và góp phần hoằng hoá lợi sanh. Mặc dù khả năng hữu hạn so với bậc Đạo Sư nhưng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Những giai thoại về các đệ tử Phật cho thấy sự vô uý khi tuyên thuyết chánh pháp; hiệu năng khai thị dù người thuyết giáo xuất thân tầm thường. Tất cả đã ghi lại một thời hoàng kim của chánh pháp khi giá trị của chân lý vượt qua tất cả hạn cuộc của giai cấp, giới tính, giàu nghèo. Hiểu biết về các đệ tử cũng là sự cảm nhận tánh cách cao cả về sự ra đời của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Sống Đẹp

Cuộc sống không nhất thiết luôn diễn ra theo luật “Con Tạo trớ trêu”. Quan niệm “bỉ sắc tư phong” đã là cái bóng phủ dài hằng bao thế hệ trong nền văn hoá Trung Hoa và Việt Nam. Nhiều người tin rằng có tài, sắc thì ắt phải khổ luỵ. Kỳ thật trong văn hoá Phật giáo đúng nghĩa thì phước nếu khéo tạo thì tạo nên quả lành đồng thời thói quen sống hiền thiện cũng khiến một đời an lạc.

Visākhā là một nữ cư sĩ đệ tử Phật, là đệ nhất nữ cư sĩ. Ngoài đức hạnh thì còn được biết là một người tài mạo vẹn toàn. Rất lạ là trong văn hoá Phật giáo Bắc Truyền và Phật giáo Việt Nam ít nhắc về vị nữ cư sĩ nầy mặc dù cũng được biết tới qua phiên âm là Tỳ Sá Khư. Bà có một cuộc sống đẹp từ thời thơ ấu cho tới giây phút trường thọ cuối đời. Là một người có thành tựu lớn cả hai mặt đời và đạo. Bà để lại những giai thoại đẹp và quý giá về cuộc sống.

Câu chuyện Bà Visākhā:

Visākhā là con gái nhà triệu phú Dhananjaya. Cô rất giàu lòng quảng đại và có tâm đạo nhiệt thành. Mẹ cô là Sumana Devi và ông ngoại cô là nhà triệu phú Mendaka mà cô hết sức thương mến và quý trọng.

Ngày nọ, khi cô mới lên bảy, Đức Phật có dịp đến viếng Bhaddiya, quê cô, trong Vương Quốc Anga. Được nghe tin lành ấy, ông ngoại cô bảo: "Này cháu thân mến, hôm nay là ngày vui của cháu và của ông. Vậy cháu hãy tập trung năm trăm tớ gái, những nô tỳ của cháu, bắt kế năm trăm cỗ xe cùng với năm trăm thị nữ, cháu hãy đi đón tiếp Đức Phật".

Cô vui vẻ vâng lời. Khi đến nơi, cô đảnh lễ Đức Phật rồi cung kính ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn lấy làm đẹp ý thấy tư cách phong nhã lễ độ của cô. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng tinh thần cô Visākhā đã đến mức tiến bộ khá cao. Sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp, cô đắc Quả Tu Đà Hườn.

Kinh sách ghi rằng cô Visākhā có sức mạnh như đàn ông và rất mỹ miều duyên dáng từ thuở còn thơ. Tóc nàng tựa như đuôi công và khi bỏ xả ra dài chí lai áo rồi cuộn trở lên. Môi nàng tự nhiên đỏ hồng và rất dịu dàng. Răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc. Da cô Visākhā mịn màng như cánh hoa sen màu vàng. Cho đến lúc già và có đông con, Bà Visākhā vẫn còn giữ hình dáng đẹp đẽ của thời son trẻ.

Được phú cho năm vẻ đẹp của người phụ nữ - tóc, da, xương, vóc và tuổi trẻ - Visākhā lại còn trí tuệ hơn người, sáng suốt trong việc thế gian cũng như trong lãnh vực tinh thần đạo đức.

Lúc còn mười lăm mười sáu tuổi, nhân một ngày lễ nọ, nàng cùng đi với nhiều tỳ nữ ra mé sông để tắm. Tình cờ một đám mưa to từ xa kéo đến. Tất cả mọi người đều lật đật bỏ chạy vào tạm trú trong một căn nhà bỏ trống, trừ cô Visākhā.

Cùng lúc ấy cũng có vài vị bà la môn đang đi tìm một người phụ nữ có đủ năm vẻ đẹp cho ông thầy trẻ tuổi của mình. Cô không vội vã hấp tấp mà chậm rãi, khoan thai lần bước đi vào đụt mưa trong nhà. Các vị bà la môn trông thấy lấy làm ngạc nhiên, hỏi cô tại sao không chạy mau vào cho khỏi ướt mình.

Cô Visākhā nhân cơ hội, ứng khẩu nói lên quan điểm của mình. Cô nói rằng cô có thể còn chạy mau hơn những người khác, nhưng cố ý không làm vậy. Và cô giải thích rằng nếu có vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình bỗng nhiên xăn áo quần lên chạy hối hả vào cung điện, thì ắt không thích đáng. Một thớt ngự tượng đường bệ oai nghiêm, mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước, lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường, thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Những nhà sư thanh nhã khả kính cũng bị chỉ trích nếu các ngài chạy xốc xếch y bát. Cùng thế ấy, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông sẽ mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.

Các vị bà la môn lấy làm hoan hỷ được nghe những lời cao đẹp ấy và nghĩ rằng cô Visākhā sẽ là người vợ lý tưởng cho thầy mình. Sau đó mọi việc thích nghi được sắp xếp để vị thầy bà la môn Punnavaddhana, con của nhà triệu phú Migara, vốn không phải là Phật tử, đi cưới cô Visākhā.

Lễ cưới cử hành rất trọng thể. Ngoài những của hồi môn rất quan trọng và những món đồ trang sức quý giá (mahālatapilandhana), người cha sáng suốt còn dạy con gái những điều sau đây:

1. Không đem lửa trong nhà ra ngoài ngõ.

2. Không đem lửa bên ngoài vào nhà.

3. Chỉ cho đến những người biết cho.

4. Không cho đến những người không biết cho.

5. Cho đến cả hai, những người biết cho và những người không biết cho.

6. Ngồi một cách an vui.

7. Ăn một cách an vui.

8. Ngủ một cách an vui.

9. Coi chừng lửa.

10. Tôn trọng các vị Trời trong nhà.

Các điều ấy có nghĩa là:

1. Không nên nói xấu chồng và cha mẹ chồng với người ngoài. Cũng không nên đem chuyện xấu bên nhà chồng thuật lại cho người ngoài.

2. Không nên ngồi lê đôi mách, nghe ngóng những chuyện xấu của người ngoài rồi đem về nhà bàn tán.

3. Đồ trong nhà chỉ nên đưa cho những người nào mượn rồi trả lại.

4. Không nên đưa cho những người mượn đồ mà không trả lại.

5. Phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dầu họ trả lại được hay không.

6. Phải ngồi đúng chỗ thích nghi. Khi thấy cha mẹ chồng đến phải đứng dậy.

7. Trước khi ăn cơm phải coi có dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng và chồng chưa. Cũng phải coi chừng xem người làm trong nhà có được chăm sóc đầy đủ không.

8. Trước khi đi ngủ phải quan sát nhà cửa, ghế bàn. Cửa đóng then gài cẩn thận. Xem coi những người giúp việc trong nhà có làm đủ bổn phận của họ chưa và cha mẹ chồng đã đi ngủ chưa. Thế thường người nội trợ phải thức khuya dậy sớm, và trừ khi đau ốm, không nên ngủ ngày.

9. Phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa. Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng cũng như phải thận trọng khi làm việc với lửa.

10. Cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị Trời trong nhà. Nên ghi nhận rằng Đức Phật thường nhắc đến cha mẹ chồng như những vị Trời trong nhà (Sassudeva).

Ngày cô Punnavaddhana về nhà chồng tại Sāvatthi, rất đông người trong thành phố tới tấp gởi đến nàng đủ loại tặng phẩm. Nhưng vốn giàu lòng quảng đại cô gởi quà, tặng lại mỗi người với vài lời ân cần và đối xử với mọi người như chính thân bằng quyến thuộc mình. Do thái độ cao quý ấy, ngay trong những ngày đầu tiên, tất cả mọi người bên nhà chồng đều quý chuộng cô.

Một việc tình cở chỉ rõ rằng tình thương của cô bao trùm cả loài thú. Hôm nọ, được biết con ngựa cái ở sau nhà sắp đẻ, cô tức khắc cùng các nô tỳ đốt đuốc ra tận chuồng và hết lòng chăm sóc ngựa cho đến khi đẻ xong xuôi mới đi ngủ.

Cha chồng cô là đệ tử trung kiên của Nigantha Nātaputta. Ngày nọ ông thỉnh về nhà rất đông các tu sĩ lõa thể. Khi các vị đến, Visākhā được mời ra để đảnh lễ những vị mà người ta gọi là A La Hán. Thoạt nghe đến danh từ A La Hán, cô lấy làm hoan hỷ và vội vã bước ra. Nàng chỉ thấy những tu sĩ lõa lồ ngã mạn. Đối với người phụ nữ phong lưu thanh nhã như cô Visākhā, thật không thể chịu được. Cô phiền trách cha chồng và quày quả trở vào. Những đạo sĩ lấy làm tức giận, bắt lỗi nhà triệu phú tại sao đem vào nhà mình một tín nữ của Đức Phật. Họ yêu cầu ông đuổi cô ra khỏi nhà tức khắc. Ông triệu phú khuyên giải hết lời mới nguôi giận.

Ngày nọ, ông cha chồng ngồi trên ghế và bắt đầu ăn một món cháo nóng rất ngon trong cái chén bằng vàng. Ngay lúc ấy có một vị tỳ khưu bước vào nhà khất thực. Cô Visākhā liền đứng qua một bên để cha chồng trông thấy nhà sư. Tuy đã thấy nhưng ông cha chồng vẫn làm lơ, tiếp tục ăn như thường. Cô thấy vậy cung kính bạch sư: "Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng những món ăn đã hư cũ (puranam)."

Nhà triệu phú kém thông minh, hiểu lầm ý nghĩa của lời nói nên lấy làm tức giận, truyền gia đình đuổi cô Visākhā ra khỏi nhà.

Nhưng tất cả tôi tớ trong nhà đều hết lòng quý chuộng cô nên không ai dám động đến.

Cô Visākhā luôn luôn biết tôn trọng kỷ luật gia đình nhưng không thể chấp nhận cách đối xử như thế mà không phản đối, dầu là cha chồng. Cô lễ phép trình bày: "Thưa cha, quả thật không có đủ lý do để buộc con phải rời khỏi nhà. Không phải cha đem con về đây như người mua nô lệ. Trong lúc cha mẹ còn sanh tiền, con gái không thể bỏ nhà ra đi như vậy. Vì lẽ ấy khi con rời nhà để sang đây, cha con có mời tám người trong thân tộc và gởi gắm con cho các vị ấy. Cha con nói: 'Nếu con gái tôi có phạm điều gì lỗi lầm, xin các vị hãy dò xét cặn kẽ.' Vậy xin cha hãy mời các vị ấy đến để xét xử, xem con có lỗi hay không."

Nhà triệu phú chấp thuận lời đề nghị hữu lý ấy, mời tám vị thân nhân kia lại và phân trần:

"Nhân một ngày lễ, tôi đang ngồi ăn cháo nấu với sữa trong một cái chén bằng vàng, thì con dâu tôi nói rằng tôi ăn những vật thực đã hư cũ. Xin quý vị hãy vạch ra cho nó thấy lỗi và đuổi nó ra khỏi nhà này."

Cô Visākhā giải thích:

"Thật ra không hẳn tôi nói đúng như vậy. Lúc cha chồng tôi đang dùng cháo thì có một vị tỳ khưu vào nhà khất thực. Cha chồng tôi thấy mà làm ngơ.

Nghĩ bụng rằng cha chồng tôi không làm được điều thiện nào trong hiện tại mà chỉ thọ hưởng phước báu đã tạo trong quá khứ, nên tôi bạch với vị tỳ khưu: "Bạch sư, xin thỉnh sư hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng những thức ăn đã hư cũ", tôi nói như vậy thì có điều chi là sai quấy?"

Mọi người nhìn nhận rằng cô Visākhā không có lỗi. Ông cha chồng cũng đồng ý. Nhưng chưa hết giận, ông bắt qua tội cô dâu tại sao giữa đêm khuya mà thắp đuốc cùng với nô tỳ đi ra sau vườn.

Một lần nữa cô giải thích tại sao cô làm vậy. Tám vị thân nhân ghi nhận rằng vì tình thương một con thú đang chịu đau đớn, cô dâu cao quý đã làm một việc cực nhọc mà cho đến các nô tỳ chưa chắc đã làm. Như vậy là rất được tán dương, hẳn là không có lỗi.

Nhưng ông cha chồng triệu phú đầy lòng thù hận chưa chịu ngừng.

Tìm không ra lỗi gì nữa của cô, ông bắt qua chuyện khác và nói rằng trước khi về nhà chồng, nàng có học mười điều, thí dụ như: "Lửa trong nhà không nên đem ra ngoài ngõ." Vậy, thật sự có thể sống đặng chăng nếu đôi khi không đem lửa cho hàng xóm láng giềng mồi?

Cô Visākhā nhân cơ hội giải thích rành rẽ mười điểm. Ông cha chồng không còn gì nữa để buộc tội, ngồi lặng thinh.

Cô là người biết tự trọng. Sau khi chứng minh rằng mình không có lỗi thì cô tỏ ý muốn ra đi, theo lời cha chồng đuổi.

Nhà triệu phú đổi hẳn thái độ. Ông xin lỗi cô vì hiểu lầm.

Đúng theo tinh thần quảng đại khoan dung của người Phật tử, cô Visākhā không phiền trách cha chồng nữa nhưng xin một điều là về sau cô được tự do sinh hoạt trong truyền thống tôn giáo của cô.

Ông cha chồng đồng ý.

Cô Visākhā không để mất thì giờ, nhân cơ hội cung thỉnh Đức Phật về nhà thọ trai. Đức Phật đến, và sau khi thọ thực, Ngài thuyết một thời Pháp. Ông cha chồng triệu phú tọc mạch, ngồi sau bức rèm nghe trộm. Khi Đức Phật giảng xong thì ông đắc Quả Tu Đà Hườn và biểu lộ lòng tri ân vô hạn đối với cô dâu quý đã dẫn dắt ông vào Con Đường Giải Thoát thật sự. Ông cũng ghi nhận một cách vô cùng cảm động và kể từ ngày ấy ông sẽ xem cô dâu như một bà mẹ.

Về sau Bà Visākhā sanh được một trai tên là Migara, Đức Phật đến viếng và nhân cơ hội này bà mẹ chồng được nghe Pháp và đắc Quả Tu Đà Hườn.

Nhờ khôn khéo, trí tuệ, và nhẫn nại, bà dần dần cảm hóa mọi người và đổi nhà bên chồng trở thành một gia đình Phật tử đầy an vui hạnh phúc.

Bà Visākhā để bát chư Tăng hàng ngày tại nhà. Trưa, chiều bà thường đến chùa nghe Pháp và xem các sư có cần dùng vật chi không. Suppiya, một tín nữ khác cũng có tâm đạo nhiệt thành, thường cùng đi với bà.

Bà Visākhā thật giàu lòng bố thí và tận tình hộ trì chư Tăng. Một lần nọ, bà đến hầu Phật và thỉnh nguyện tám điều:

1. Dâng y đến chư Tăng trong mùa nhập Hạ cho đến khi bà chết.

2. Để bát những vị sư đến thành Sāvatthi (Xá Vệ).

3. Để bát những vị sư ra đi, rời thành Sāvatthi.

4. Dâng thực phẩm đến những vị sư đau ốm.

5. Dâng thực phẩm đến những vị ra công chăm sóc các sư đau ốm.

6. Dâng thuốc men đến những vị sư đau ốm.

7. Dâng lúa mạch đến chư sư.

8. Dâng y tắm đến chư tỳ khưu ni.

Đức Phật chấp thuận.

Ngày nọ, sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe Pháp, bà mặc bộ đồ đẹp nhất của cha cho lúc đưa bà về nhà chồng. Nhưng nghĩ lại rằng ăn mặc rực rỡ như thế trước mặt Đức Thế Tôn ắt không thích nghi. Bà liền thay vào một bộ y phục khác do cha chồng cho, và gói đồ kia lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ. Sau khi nghe Pháp, bà ra về cùng với người tỳ nữ. Người này lại bỏ quên gói đồ. Đại Đức Ananda nhìn thấy mà không biết của ai. Theo lời dạy của Đức Phật, Ngài tạm giữ một nơi để chờ trao lại chủ.

Khi bà Visākhā hay biết rằng người tỳ nữ mình bỏ quên gói đồ trong chùa thì sai trở lại lấy đem về, nếu chưa có ai động đến. Nếu có người đã chạm đến gói đồ thì thôi, không đem về.

Người tỳ nữ trở về thuật lại tự sự. bà liền đến hầu Đức Phật và tỏ ý muốn làm một việc thiện với số tiền bán bộ y phục ấy. Đức Phật khuyên nên cất một tịnh xá nằm tại phía Đông cổng vào. Vì không ai có đủ tiền để mua bộ y phục quý giá như vậy nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy kiến tạo một ngôi tịnh xá đẹp đẽ tên là Pubbarama.

Theo lời cung thỉnh của bà, mùa mưa năm ấy Đức Phật nhập Hạ tại tịnh xá rộng rãi này.

Bà rất hân hoan được Đức Phật chấp thuận nhập Hạ sáu lần nơi ấy.

Kinh sách ghi rằng bà Visākhā hết sức rộng lượng. Thay vì la rầy người tỳ nữ vô ý bỏ quên gói đồ, bà còn chia phần công đức kiến tạo tịnh xá đến cô nữ tỳ đã tạo cho bà cơ hội quý báu ấy.

Trong nhiều trường hợp khác nhau, Bà Visākhā được nghe nhiều bài Pháp của Đức Phật. Giới "bát quan" [11] mà người cư sĩ Phật tử ở hầu hết các quốc gia Á Đông thường nghiêm trì, cũng được giảng dạy rành rẽ cho bà.

Đề cập đến những đức tánh khả dĩ đưa người phụ nữ lên các cảnh Trời, Đức Phật dạy:

"Tích cực hoạt động, luôn dịu dàng chiều chuộng chồng

Dầu chồng không đem lại tất cả hạnh phúc.

Không khi nào dùng lời bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ,

Làm chồng nổi giận.

Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể,

Vì nàng là người sáng suốt khôn ngoan,

Khéo léo. lanh lẹ, thức khuya dậy sớm,

Tận tâm săn sóc sức khỏe của chồng

Trong khi chồng làm việc cực nhọc.

Và nhã nhặn hiền hòa.

Một người vợ như vậy,

Muốn những điều chồng muốn và cố làm cho được,

Sẽ tái sanh vào

Cảnh giới của những vị Trời dễ mến." [12]

Và trong một trường hợp khác, Đức Phật đề cập đến đức tánh của người đàn bà muốn tạo an vui hạnh phúc trong thế gian hiện tại và trong cảnh giới tương lai như sau:

"Này Visākhā, đó là hạnh phúc của người phụ nữ có khả năng làm việc, điều khiển người làm, có lối đối xử làm cho chồng quý mến và gìn giữ của cải trong nhà.

"Này Visākhā, đó là hạnh phúc của người phụ nữ đã thành công trong niềm tin (saddha), trong giới luật (sīla), trong lòng quảng đại (cāga) và trí tuệ (paññā)" [13]

Bà Visākhā đóng góp một phần quan trọng trong nhiều lãnh vực khác nhau có liên quan đến Phật sự. Đôi khi Đức Phật dạy bà đi giải hòa những mối bất đồng giữa các tỳ khưu ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu Đức Phật ban hành một vài giới cho chư vị tỳ khưu ni.

Do đức độ đại lượng, bà được xem là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các Phật sự và cũng là vị thí chủ quan trọng nhất của phái nữ thời Đức Phật. Do phẩm hạnh trang nghiêm, tư cách thanh nhã, thái độ phong lưu tế nhị, ngôn ngữ lễ độ khôn khéo, do sự biết vâng lời và tôn kính bậc trưởng thượng, quảng đại, bác ái đối với người kém may mắn, tánh tình lịch duyệt, hiếu khách và tâm đạo nhiệt thành, bà ở được lòng tất cả những ai đã gặp bà.

Sách ghi rằng bà được diễm phúc làm mẹ của mười người con trai và mười người con gái, tất cả đều hiếu thảo. Bà từ trần lúc được một trăm hai mươi tuổi thọ.

Trích “Đức Phật và Phật Pháp” của Ngài Narada

Bản dịch Việt của Phạm Kim Khánh


Sống Với Sự Hiểu Biết

Nghe nhiều hiểu rộng mà không ứng dụng được trong cuộc sống thực thế thì chỉ là con mọt sách. Một kẻ sĩ hay một người trí thức đúng nghĩa không phải chỉ có kiến văn quảng bác mà còn sống lợi lạc cho bản thân và nhân quần. Một người có tài trí mà đủ khả năng sống ung dung giữa đảo điên của thời thế quả là hiếm có mà sống nhiêu ích cả hai phương diện đời lẫn đạo thật khó tìm ở đời.

Bác sĩ y khoa Jīvaka là một y sĩ thiên tài lưu danh vạn đại lại là một đệ tử Phật thâm tín Tam Bảo. Là con nuôi của vua và được đào tạo thành một đệ nhất thần y. Là thái y cả hai đời vua Bimbisāra và vua Ajāsattu ông có thường giải quyết những trường hợp rất tế nhị. Giai thoại về sự hướng dẫn vua Ajāsattu trở thành một Phật tử để lại những ý nghĩa rất đẹp vai trò của một cư sĩ thời Phật trụ thế.

Đoạn kinh sau đây ghi lại một sự kiện thay đổi một con người, một khúc quanh lịch sử:

Lúc bấy giờ Ajātasattu (A-xà-thế) con bà Vihehi (Vi-đề-hi) vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) nhân lễ Bố Tát vào ngày rằm tháng tư Komudi (cây súng) đang ngồi trên lầu cao trang nghiêm, chung quanh có nhiều đại thần hầu hạ. Lúc bấy giờ Ajātasattu con bà Videhi, vua xứ Magadha, nhân ngày Bố Tát cảm hứng nói rằng: "Thật khả ái thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín?". Khi nghe nói vậy, một đại thần tâu với Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Pūrana Kassapa (Phú-la Ca-diếp) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Pùrana Kassapa này. Chiêm bái Pùrana Kassapa có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

3. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Makkhali Gosāla (Mặc-già-lê Cù-xá-lợi) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương chiêm bái Makkhali Gosāla này. Chiêm bái vị Makkhali Gosāla có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy. Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

4. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Ajita Kesakambāli (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Ajita Kesakambāli này. Chiêm bái Ajita Kesakambāli có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

5. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Pakudha Kaccāyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-nê) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Pakudha Kaccāyana này. Chiêm bái Pakudha Kaccayāna này có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy. Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

6. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Sañjaya Belaṭṭhiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Sañjaya Belaṭṭhiputta này. Chiêm bái Sañjaya Belaṭṭhiputta này có thể khiến tâm Ðại vương tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

7. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Nigantha Nātaputta (Ni-kiền-tử) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Nigantha Nātaputta này. Chiêm bái Nigantha Nātaputta có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

8. Lúc bấy giờ Jīvaka Komārabhacca ngồi yên lặng cách Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không xa bao nhiêu. Khi ấy Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, nói với Jīvaka Komārabhacca:

- Này khanh Jīvaka, sao ngươi lại yên lặng như vậy?

- Tâu Ðại vương, chính tại vườn xoài này của chúng con, có Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang trú ngụ với đại chúng Tỷ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị. Thế Tôn Gotama có tiếng đồn tốt đẹp sau đây lan rộng: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Ðại vương hãy đến chiêm bái Thế Tôn này. Rất có thể, nhờ chiêm bái Thế Tôn, tâm của Ðại vương được tịnh tín.

- Vậy khanh Jīvaka, hãy cho thắng kiệu voi.

- Vâng, tâu Ðại vương.

9. Jīvaka Komārabhacca vâng theo lời dạy của Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, sai người thắng năm trăm con voi cái, và con vương tượng vua thường cởi, rồi tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, các kiệu voi đã sẵn sàng. Ngài hãy làm những gì Ngài xem là phải thời". Khi bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha biểu các cung phi leo lên năm trăm con voi cái mỗi người một con, còn mình thì leo lên vương tượng vua thường cởi, xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc được cầm cao, với oai nghi của bậc đại vương, thẳng tiến đến vườn xoài của Jīvaka Komārabhacca.

10. Khi Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi đến không xa vườn xoài, ngài bỗng sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên. Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên, nói với Jīvaka Komārabhacca:

- Này khanh Jīvaka, người phản ta chăng? Này khanh Jīvaka, người lường gạt ta chăng? Này khanh Jīvaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?

- Tâu Ðại vương, thần không phản lại Ngài, thần không lường gạt Ngài, tâu Ðại vương, thần không nạp Ngài cho kẻ thù, tâu Ðại Vương, hãy đi thẳng tới; tâu Ðại vương hãy đi thẳng tới. Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng.

11. Lúc bấy giờ, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi cho đến chỗ voi có thể đi được, rồi xuống voi đi đến cửa căn nhà tròn. Khi đến nơi liền nói với Jìvaka Komàrabhacca:

- Này khanh Jīvaka, Thế Tôn ở tại đâu?

- Tâu Ðại vương, vị ấy là Thế Tôn. Tâu Ðại vương, Thế Tôn ngồi dựa vào cột chính giữa, mặt hướng phía Nam, ngồi trước mặt chúng Tỷ-kheo.

12. Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha liền tiến đến chỗ Thế Tôn. Khi đến rồi, vua đứng một bên. Sau đi đứng một bên, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha nhìn khắp chúng Tỷ-kheo đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong, cảm hứng nói rằng: "Mong hoàng tử Udāyibhadda (Ưu-đà-di-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị Tỷ-kheo này vậy".

- Ðại vương, hình như tâm trí của Ðại vương nặng nhiều về tình thương thì phải?

- Bạch Thế Tôn, con thương hoàng tử Udàyibhadda rất nhiều. Mong rằng hoàng tử Udāyibhadda cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của chúng Tỷ-kheo này vậy.

13. Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, đảnh lễ Thế Tôn, chấp tay vái chào chúng Tỷ-kheo, và ngồi xuống một bên.

Trích Trường Bộ, Kinh Sa Môn Quả

Bản dịch của HT Thích Minh Châu


Sống Tích Cực

Bản chất tự nhiên của cuộc sống là vui ít khổ nhiều thế nhưng với người có cái nhìn tích cực thì nghịch cảnh hoá thuận duyên. Ngoại cảnh buồn vui là một lẽ mà thái độ phản ứng riêng của mỗi người khiến sự việc xoay chiều. Đức Phật dạy nhiều về thái độ tích cực qua thuật ngữ “khéo tác ý – yoniso manasikāra”.

Tôn giả Punna – Phú Lâu Na – là một đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn được biết nhiều qua thái độ tích cực trong hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh. Vị tôn giả nầy xin phép Đức Phật sang Miến Điện để hoằng hoá. Những gì được nhắc lại trong cuộc diện kiến nầy của tôn giả để lại một hình ảnh cho nhiều thế hệ mai hậu về tinh thần tích cực trong cuộc sống cũng như sự phụng sự.

 

Câu chuyện một đệ tử Phật dấn thân hoằng hoá với tinh thần tích cực:

145. Kinh Giáo giới Phú-lâu-na (Punnovāda sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-Lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Tôn giả Punna (Phú-lâu-na), vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Punna bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt cho con, để con có thể, sau khi nghe Thế Tôn, sống một mình, nhàn tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

-- Vậy này Punna, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Punna vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, thời do hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú, dục hỷ sanh; và này Punna, Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ. Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức; khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, thời do hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú tham đắm, dục hỷ sanh; và này Punna. Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ.

Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Punna, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ. Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Punna, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ.

Này Punna, Ông sẽ sống ở quốc độ nào, nay Ông đã được Ta giáo giới với lời giáo giới vắn tắt?

-- Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunaparanta (Tây Phương Du-na Quốc), con sẽ sống tại đấy.

-- Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ""Thật là thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunapa ranta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunapa ranta lấy dao đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunapa ranta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: "Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.

-- Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Tôn giả Punna, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, lấy y bát, rồi ra đi, đi đến nước Sunaparanta. Tiếp tục du hành, Tôn giả Punna đi đến nước Sunaparanta. Tại đây, Tôn giả Punna sống trong nước Sunaparanta. Rồi Tôn giả Punna nội trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp được khoảng năm trăm nam cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ khoảng năm trăm nữ cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, chứng được Tam minh. Sau một thời gian, Tôn giả Punna mệnh chung.

Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thiện nam tử Punna ấy, sau khi được Thế Tôn giáo giới với bài giáo giới vắn tắt đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Ðời sau của vị ấy là thế nào?

-- Này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử Punna là bậc Hiền trí. Vị ấy thực hành pháp và tùy pháp. Vị ấy không phiền nhiễu Ta với những câu hỏi về pháp. Này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử Punna đã nhập Niết-bàn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Trích Trung Bộ, Kinh Phú Lâu Na

Bản dịch của HT Thích Minh Châu


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc