Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần IV: Ôn Cố Tri Tân || Xưa Hơn Chuyện Lưu Bình Dương Lễ (Mudulakkhana jātaka)

Chủ nhật, 22/12/2024, 05:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 28.10.2024

Phần VI: ÔN CỐ TRI TÂN

Xưa Hơn Chuyện Lưu Bình Dương Lễ

Mudulakkhana (Jātaka #66)


ekā icchā pure āsi,
aladdhā mudulakkhaṇaṃ.
yato laddhā aḷārakkhī,
icchā icchaṃ vijāyathāti.

Trước chưa có, muốn có
Muốn có được Khả Ái
Một khi đã được rồi
Ham muốn tăng ham muốn


Câu chuyện xa xưa

Ngày xưa, tại vương quốc Kāsi, có một thanh niên xuất thân từ gia đình giàu có cao sang. Mặc dù sống trong nhung lụa, nhưng người này lại nhận thức được sự phù du ảo hoá của đời sống thế tục. Rồi một ngày, thanh niên ấy quyết tâm bỏ lại tất cả tài sản, điạ vị lên núi Tuyết Sơn chuyên tâm sống cho sự tu dưỡng nội tại. Do căn tánh sâu dày, chỉ thời gian ngắn vị ẩn sĩ chứng tứ thiền và thần thông. Đời sống tinh thần sung mãn đã khiến vị này có đời sống độc cư thật an lạc.

Rồi một ngày kia, vị ẩn sĩ thấy cần muối và vài thứ nhu yếu nên xuống kinh đô khất thực. Phong thái thoát tục thanh tịnh của vị ẩn sĩ khiến nhiều người kính mộ. Nhà vua tìm đến và phát tâm hoan hỷ cầu được học đạo lý thâm sâu. Vị ẩn sĩ với từ tâm đã bằng lòng ở lại thêm ít lâu để hướng dẫn tinh thần cho đức vua, hoàng tộc và những ai mộ đạo. Ngự viên được biến thành đạo tràng. Một tịnh thất được dựng lên để vị ẩn sĩ sử dụng. Rất nhiều người được hưởng lợi lạc từ sự minh triết cao quý của vị ẩn sĩ.

Rồi một ngày kia biên thuỳ có loạn lạc. Nhà vua tự thấy phải tự mình thân chinh dẹp loạn. Trước khi rời kinh đô, điều nhà vua bận tâm nhất là làm thế nào vị ẩn sĩ được hộ độ đúng mức và có thể lưu lại càng lâu càng tốt ở kinh thành. Nhà vua sau khi liệu toan đã quyết định giao việc hộ trì vị ẩn sĩ cho hoàng hậu Mudulakkhana, một nữ lưu tài mạo vẹn toàn vốn rất khéo léo trong cách xử lý công việc.

Đúng như nhà vua mong muốn, hoàng hậu đã làm rất tốt việc được giao phó, từ thực phẩm hằng ngày cho vị ẩn sĩ cao quý cũng như sắp xếp những sinh hoạt thích hợp. Có một ngày, vì nhập thiền khá lâu nên khi xả thiền thấy thì giờ không đủ để đến hoàng cung bằng cách đi bộ như bình thường, vị ẩn sĩ quyết định phi hành bằng thần lực. Lúc bấy giờ, hoàng hậu thấy đã quá giờ mà vị ẩn sĩ không đến nên quyết định đi tắm. Hình ảnh của hoàng hậu với tấm thân tuyệt mỹ đã khơi dậy dục vọng, một thứ bản năng từ vô lượng kiếp, trong lòng vị ẩn sĩ. Phiền não dục đã áp đảo được tam muội định của vị này. Ẩn sĩ hoại thiền mất hết thần lực và tâm trạng dao động mạnh nên lập tức đi bộ trở về tịnh thất.

Không lâu sau, nhà vua hồi trào sau khi đã dẹp loạn ở biên thuỳ. Nhà vua được báo là có gì bất ổn về tình trạng sức khoẻ của vị ẩn sĩ, nên lập tức tới ngự viên thăm hỏi. Vị ẩn sĩ nói một cách thành thật với nhà vua là thân thể không bệnh tật gì, chỉ có tâm thức bị chi phối bởi dục vọng khi mục kích thân thể mỹ miều của hoàng hậu. Đức vua vốn là bậc thiện trí nên nghe chuyện chỉ hiểu và thương chứ không lấy đó để thịnh nộ. Nhà vua cũng muốn giúp vị ẩn sĩ nên đem chuyện này bàn với hoàng hậu và rồi cả hai đến gặp vị ẩn sĩ với đề xuất là từ nay hoàng hậu sẽ thuộc về vị ẩn sĩ. Cả hai có thể rời kinh thành tìm đến phương trời xa lạ để chung sống quảng đời còn lại.

Rời kinh thành không xa, cả hai đã dừng lại tại một mảnh đất vô chủ với căn nhà hoang phế. Hoàng hậu nói với vị ẩn sĩ là cần dọn dẹp và xây dựng lại căn nhà thành một mái ấm uyên ương. Cũng đề nghị thêm là vị ẩn sĩ nên trở lại hoàng cung gặp nhà vua, để xin những vật liệu cần thiết sửa sang căn nhà. Vị ẩn sĩ vì yêu thương hoàng hậu đã làm tất cả, để cuối cùng ngôi nhà được hoàn thành một cách khang trang sau bao nhiêu công khó. Trên chiếc giường được tạo dựng cho hai người chung sống, hoàng hậu nhìn vị ẩn sĩ hỏi rằng: “Chàng có nhớ gì về quảng thời gian là một ẩn sĩ thanh tịnh cao quý trước đây?” Câu hỏi như thau nước dập tắt dục vọng trong lòng con người vốn đã nếm trãi thiền định. Vị ẩn sĩ lập tức đưa hoàng hậu hồi cung. Chính thật thì mọi việc đã có sự trù tính của nhà vua và hoàng hậu, khi cả hai hiểu ra đó là phương thuốc trị căn bệnh phiền não cho vị ẩn sĩ.

Sau đó vị ẩn sĩ đã từ giả nhà vua và hoàng hậu để trở về am tranh thanh tịnh chốn non cao. Tự mình cũng đã học được một điều về bản thân, về hệ luỵ nhân gian và về thiền định. Trước khi cất bước, vị ẩn sĩ đã nói lên kệ ngôn:

Trước chưa có, muốn có
Muốn có được Khả Ái
Một khi đã được rồi
Ham muốn tăng ham muốn

Nói xong lên đường không bao giờ trở lại.

Mới hay khả tính thối thất là điều không thể lơ là đối với người theo đuổi lẽ sống tinh thần.

Câu chuyện trong thời của Đức Phật

Một tỳ khưu đệ tử của Đức Phật, trong khi đi khất thực buổi sáng, nhìn thấy một người phụ nữ đẹp đến mức yêu từ cái nhìn đầu tiên. Sau đó, vị này không còn thấy vui trong trong sự tu học và trở nên suy sụp đến mức bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Đức Phật kể cho vị đệ tử câu chuyện này để nhắc nhở rằng việc kiểm soát các dục vọng tự nhiên đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao, ngay cả với những người đã đạt được sự thanh tịnh thiền định.

Rồi bậc Đạo Sư dạy thêm: Vào thời ấy Ànanda là nhà vua, Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) là hoàng hậu Mudulakkhana và Ta là ẩn sĩ ấy.

Tỳ khưu Giác Đẳng phóng tác từ Kinh Bổn Sanh


Older Than the Story of Lưu Bình and Dương Lễ
Mudulakkhana (Jātaka #66)

One desire existed before,
Having not obtained Mudulakkhana.
Once she was obtained,
Desire gave birth to more desire.

The Story of Long Ago

Long ago, in the kingdom of Kāsi, a young man was born into a wealthy and noble family. Despite living a life of luxury, he became aware of the impermanence and illusion of worldly life. One day, he decided to renounce all his wealth and status, seeking solitude in the snowy mountains to cultivate inner peace. Due to his deep spiritual disposition, he soon attained the four jhānas and supernatural powers. His spiritual fulfillment allowed him to live a truly peaceful, solitary life.

One day, however, he realized he needed salt and a few other necessities, so he descended to the capital to seek alms. His tranquil, otherworldly presence impressed many people. The king sought him out, inspired by his teachings on liberation, and asked him to stay a while longer to guide the royal family and others. A hermitage was built for him in the royal garden, where he stayed, benefiting many with his profound wisdom.

Eventually, a rebellion broke out on the border, and the king felt he needed to personally lead his troops. Before departing, he entrusted the care of the ascetic to Queen Mudulakkhana, a woman of both talent and beauty, adept in handling affairs. As the king wished, the queen carried out her duties meticulously, providing meals and arranging appropriate activities for the ascetic.

One day, the ascetic spent an extended time in meditation. Realizing he would not have time to walk to the palace as usual, he decided to fly there with his supernatural power. Meanwhile, the queen, noticing he was late, decided to bathe. Seeing her in her radiant beauty stirred desire within the ascetic—a primal impulse arising from countless lifetimes. His lust overpowered his meditative concentration, and he lost his jhāna, as if struck down. Disturbed and no longer in control, he returned to his hermitage on foot.

Shortly after, the king returned from the successful campaign. Hearing of the ascetic's poor health, he went to visit him. The ascetic confessed honestly that his body was fine but his mind was troubled by desire upon seeing the queen's beauty. The wise king understood and sympathized, harboring no anger. Desiring to help, he consulted with the queen, proposing that she could belong to the ascetic and that the two could leave the kingdom to live together.

Not far outside the capital, they reached an abandoned piece of land with a dilapidated house. The queen suggested they clean and repair it to make it a home. She also proposed that he go to the palace and ask the king for materials. Out of love, the ascetic did all the labor necessary to turn the place into a cozy home. On the bed made for them to share, the queen looked at him and asked, “Do you remember the time when you were a pure, noble ascetic?” The question doused his desire, rekindling his clarity and renunciation. The ascetic immediately returned the queen to the king. Indeed, the entire plan had been crafted by the wise king and queen as a remedy for his affliction.

The ascetic then bid farewell to the king and queen, returning to his serene hermitage in the mountains. He had learned a valuable lesson about himself, the entanglements of worldly life, and the importance of meditation. Before leaving, he recited a verse:

One desire existed before,
Having not obtained the Beloved.
Once she was obtained,
Desire gave birth to more desire.

With these words, he departed, never to return, understanding that the potential for backsliding is a constant consideration for those pursuing a spiritual life.

In the Buddha’s Time

One of the Buddha's disciples, while on his morning alms round, saw a woman so beautiful he fell in love at first sight. He lost all joy in study and meditation, becoming so despondent that he neglected self-care. The Buddha shared this story with him to remind him that controlling natural passions requires great effort, even for those deeply dedicated to purity through meditation.

The Buddha then added, “At that time, Ananda was the king, Uppalavanna (Lotus Beauty) was Queen Mudulakkhana, and I was the ascetic.”

Adapted by Bhikkhu Giac Dang from the Jataka Tales

Ý kiến bạn đọc