Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần IV: Ôn Cố Tri Tân || Đóng Thế Mà Tưởng Vai Chính (Bhimasena Jataka)

Thứ hai, 02/09/2024, 08:48 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 2.9.2024

Phần VI: ÔN CỐ TRI TÂN

ĐÓNG THẾ MÀ TƯỞNG VAI CHÍNH

Bhimasena Jataka (#81)

Yaṃ te pavikatthitaṃ pure,
Atha te pūtisarā sajanti pacchā.
Ubhayaṃ na sameti bhīmasena,
 Yuddhakathā ca idañca te vihaññanti.

Trước nói nghe rất ngon
Giờ thì vãi trong quần
Nói, làm không tương xứng
Hỡi Bhimasena
Ngươi chuốc rắc rối rồi


Câu chuyện xa xưa

Ngày xưa rất xưa, có một người văn võ kiêm toàn. Thông thạo ba bộ Phệ đà và lại là một cung thủ tuyệt luân. Chỉ có một điểm bất toàn duy nhất là thân hình thấp bé. Chính vì thế người đời gọi nhân vật này với biệt danh “Nhà Thiện Xạ Tí Hon”.

Nhà thiện xạ có mơ ước trở thành một quan võ phục vụ triều đình, nhưng tự biết với vóc dáng của mình khó lòng được vua trọng dụng. Sau bao nhiêu liệu toan, người ấy bất ngờ gặp một anh thợ dệt tên Bhimasena. Tuy chỉ dệt vải, Bhimasena lại có thân hình vạm vỡ, cao lớn, khỏe mạnh. Nhà thiện xạ đề nghị anh thợ dệt hợp tác với mình với số lương hậu hĩnh. Rồi đưa người thợ dệt gặp nhà vua và bảo rằng đây là một người có võ công lợi hại xứng đáng được hoàng đế tin dùng.

Bấy giờ có người vào bẩm báo là một làng ven đô đang bị khổ nạn vì một mãnh hổ, thường lui tới bắt gia súc và giết hại dân làng. Nhà vui lập tức truyền Bhimasena đến đó giết cọp dữ cứu nguy bá tánh.

Đóng vai là một trợ thủ cho Bhimasena, người thiện xạ đã bày kế tập họp dân chúng dụ cọp vào bẫy và bắt giết con thú dữ. Công trạng được báo lên vua và được thưởng xứng đáng. Không lâu lại có trường hợp một con trâu điên uy hiếp dân lành. Bhimasena được gửi đến giải quyết. Với sự áp dụng phương cách giết cọp ngày trước, lần này con trâu điên cũng bị chế phục. Điều này chẳng những khiến Bhimasena tăng lòng tự tin mà còn tỏ ra cao ngạo xem thường mọi người kể cả nhà thiện xạ.

Cuộc đời tiếp tục trôi nhanh rồi một sự việc to lớn xảy ra. Quân giặc từ nước láng giềng kéo đến xâm lăng vương quốc. Nhà vua ra lệnh cho Bhimasena điều binh xuất trận đánh đuổi ngoại xâm. Vốn hoàn toàn mù tịt về binh pháp, vị nguyên soát bất tài này xuống nước cầu xin sự hỗ trợ của nhà thiện xạ vốn tinh thông văn võ.

Khi ra trận, Bhimasena ngồi trên lưng voi. Phía sau là nhà thiện xạ chỉ điểm. Khi xáp trận trước khí thế hung hãn của đối phương, Bhimasena đại tiện tại chỗ trên lưng voi rồi hoảng hốt khiến rơi xuống đất. Nhà thiện xạ phải buông lời:

Trước nói nghe rất ngon
Giờ thì vãi trong quần
Nói, làm không tương xứng
Hỡi Bhimasena
Ngươi chuốc rắc rối rồi

Thấy thời điểm thích hợp, nhà thiện xạ tự mình cầm cờ chủ soái điều binh bố trận đánh tan quân xâm lăng rồi trở về bái kiến nhà vua và kể thật câu chuyện của Bhimasena. Hoàng đế không bắt tội mà còn trọng dụng một bậc anh tài với thân hình thấp bé, bằng cách cất nhắc lên vai trò chủ tướng cầm đầu đại binh hộ quốc.

Nhà thiện xạ sau đó đã cho Bhimasena một khoản tiền lớn rồi cho về quê.

Ở đời phải trãi qua những thách thức mới biết rõ ai thấp hèn, và ai thật sự là anh hùng cái thế.

Câu chuyện trong thời của Đức Phật

Thời Đức Thế Tôn trụ thế, có lúc Ngài ngự tại tịnh xá Kỳ Viên. Bấy giờ có một tỳ khưu tuy xuất gia nhưng thường huyênh hoang về xuất thân của mình như tổ phụ là quý tộc, gia đình thuộc giới thượng lưu, từng sống cao sang nhung lụa… Nhưng thực tế thì tất cả chỉ là những lời nói khoát.

Câu chuyện được trình lên Đức Phật. Bậc Đạo Sư đã cho gọi vị tỳ khưu ấy đến và nghiêm huấn về tư cách của người xuất gia, dù quá khứ tại gia có vinh quang cũng không nên lấy đó làm niềm kiêu hãnh huống hồ lại ưa thích sự khoát lát không thật.

Rồi Đức Phật kể câu chuyện tiền thân Bhimasena vốn chỉ được trả tiền để đóng vai thế, vậy mà sau này sanh ảo tưởng kiêu căng là mình cũng tài ba xuất chúng.

Và Đức Phật cũng cho biết nhà thiện xa tí hon trong kiếp xưa là tiền thân của Ngài. Còn Bhimasena không ai khác hơn là vị tỳ khưu ưa khoát lát.

Tỳ khưu Giác Đẳng phóng tác từ Kinh Bổn Sanh.

Ý kiến bạn đọc