Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Tự Chế

Thứ ba, 18/06/2024, 05:56 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 17.6.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

TỰ CHẾ

 

Tự chế hay khả năng tự mình chế phục bản thân, là một trọng điểm trong đời sống người con Phật. Tuy đây là đề tài rất quen thuộc, nhưng không có nghĩa là dễ hiểu và dễ áp dụng. Ngay cả một người làu thông kinh luật cũng cần rất nhiều kinh nghiệm và trợ duyên để có được sự tự chế ở mức độ cần thiết. Có thể nói không có tự chế thì không có sự tu tập và như vậy không được lợi ích gì từ Phật Pháp. Trong Tam Tạng kinh điển có vô số lời dạy về tự chế. Chỉ riêng Kinh Pháp Cú - Dhammapada - chứa đựng rất nhiều Phật ngôn về điểm này. Do vậy, bài viết này trích dẫn nội dung từ Kinh Pháp Cú.

Vô ngã không có nghĩa là buông thả

Điểm tế nhị khó hiểu nhất trong sự ứng dụng Phật Pháp là sự tự chế và giáo lý vô ngã. Tự chế có nghĩa là điều phục bản thân. Vô ngã thường tạo nên cảm giác là không có tự ngã và bất lực khi: “không thể nói xin cho các uẩn của ta như thế này hoặc đừng như thế kia”. Thoạt nghe như nghịch lý khi nói: “nếu có một bản ngã thường hằng” thì sự tu tập trở nên vô nghĩa. Nhưng chính đây là điểm cần sáng tỏ. Nếu có một tự ngã bất biến thì đâu cần phải nỗ lực chuyển hoá. Hiểu đúng Phật Pháp thì dù các pháp vô ngã vẫn có định lý nhân quả, có khổ vui và mỗi chúng sanh phải chịu trách nhiệm về sở hành bản thân. Nói cách khác, sống bất chấp là tự chuốc thảm hoạ. Có thể dùng ví dụ, là một người lái xe trên đường không thể nói là làm chủ được tất cả tình huống, nhưng nếu không tuân thủ luật lái xe và lái bất cẩn thì tự gây hoạ. Đức Phật hoàn toàn không bao giờ dạy rằng: “vì bản chất cuộc sống là vô ngã nên không cần tu tập bản thân”. Trái lại, Ngài nhấn mạnh sự tu dưỡng nội tâm như câu Pháp cú:

Dù thắng ngàn binh tướng

Trên trận mạc sa trường

Không bằng thắng tự thân

Ấy vinh quang tối thượng

Kệ ngôn 103

Những gì có thể và không thể

Câu nói mà người đời thường xem là chân lý đó là: “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Đức Phật dạy, quả thật sự điều phục tâm ý không dễ dàng nhưng không có nghĩa là bất khả. Người tu tập phải có lòng tin và khả tính chuyển hoá bản thân. Với sự cố gắng tâm ý tốt hơn, sở hành tốt hơn và cuộc sống sẽ an lạc hơn. Tin vào định luật thay đổi hay vô thường và khéo léo chuyển hoá để thay đổi tốt hơn là điều nên hướng tới. Sự chuyển hoá có thể nhận rõ qua sự giáo dục, tu tập thí dụ dân trí được nâng cao thì đất nước tốt hơn; hay thân cận thiện hữu thì tâm tính hiền thiện hơn. Bằng quyết tâm và sự bền lòng thì cuộc sống có thể chuyển hóa tốt hơn như câu kinh dưới đây:

Chớ khinh thường điều ác,

Cho rằng “chưa đến ta”.

Như nước nhỏ từng giọt,

Từ từ bình tràn ra,

Kẻ ngu đầy tội ác,

Do chất chứa dần dà.

Ðừng khinh thường việc thiện,

Cho rằng: “Chưa đến ta.”

Như nước nhỏ từng giọt,

Từ từ bình tràn ra,

Người trí được toàn thiện,

Do tích lũy dần dà.

Kệ ngôn 122, 123

Tự chế và tam nghiệp

Một cách tự chế thường được đề cập trong kinh điển là tu dưỡng thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp. Từ sở hành của tam nghiệp, hai thể tài được nêu rõ là thập ác và thập thiện. Ba thân nghiệp ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm; bốn khẩu nghiệp ác là nói dối, nói độc ác, nói chia rẽ, nói nhãm nhí; ba ý nghiệp ác là tham ác, sân ác, tà kiến ác. Thiện nghiệp trong thập thiện được hiểu là không làm ác, không sai khiến làm ác, không vui theo ác nghiệp, không khen ngợi ác nghiệp. Tất cả đều đòi hỏi tự chế. Đức Phật khẳng định người biết tự chế tam nghiệp là bậc thiện trí.

Điều phục được thân nghiệp,

Chế ngự được ngôn từ,

Thúc liễm được tâm tư,

Bậc trí khéo tự chế.

Kệ ngôn 231

Tự chế và con đường giới, định, tuệ

Tam học giới, định, tuệ hay bát chánh đạo là con đường tu tập hay hành trình vượt thoát khổ đau mà tất cả người con Phật học hiểu, thực hành. Giới là tự chế không làm ác nghiệp; định là tự chế tâm ý lìa xa vọng động; tuệ là tự điều phục để bản thân nhận thức và sống đúng theo sự thật. Tất cả đều nhấn mạnh sự tu dưỡng hay chuyển hoá bản thân. Tất nhiên sự tu tập tam học cần nỗ lực và điều hướng cuộc sống. Chính tam học hay bát chánh đạo nêu rõ phương pháp cụ thể làm thế nào để tự chế một cách hiệu quả. Giới, định, tuệ là phương pháp tự chế bằng cách cụ thể và rõ ràng nhất.

Nỗ lực, không phóng dật,

Tự điều, khéo chế ngự.

Bậc trí xây hòn đảo,

Nước lụt khó ngập tràn.

Kệ ngôn 234

Tự chế và tập tánh

Chúng sanh sống theo thói quen hay tập tánh nhiều đời. Sự tự chế đối với người tu tập cũng có nghĩa là nỗ lực sống theo thiện pháp, thay vì thói quen bản năng. Càng tu tập thì càng ý thức rằng hầu hết những quan niệm đẹp xấu, thích hay không thích, nên làm hay không nên làm đều đến từ thói quen cố hữu của mỗi cá nhân. Người có trí tuệ không để thói quen sai xử, mà biết tự chế để không hành động theo bản năng. Tập tính là quán tính chi phối bởi vô minh và ái dục. Sự tu tập là vận dụng nghị lực và trí tuệ để sống tốt hơn. Thói quen có thể thay đổi bằng cách điều hướng tâm ý.

Người trị thủy dẫn nước,

Kẻ làm tên nắn tên,

Người thợ mộc uốn gỗ,

Bậc trí nhiếp tự thân.

Kệ ngôn 80

Gò bó và tự tại

Nói đến tự chế dường như là sự uốn nắn và câu thúc. Người ta có thể nghĩ đời sống thoải mái là buông thả không cần cân nhắc và lựa chọn trong hành động. Thực tế cho thấy tất cả chỉ là giai đoạn. Như một người lúc nhỏ đi học có vẻ như bị thúc ép, nhưng không hoàn tất chương trình giáo dục với kiến thức căn bản tốt để đi vào đời, thì không hưởng thụ được thành quả giáo dục một cách tự tại. Sự tự do không có nền tảng hun đúc chỉ là sự buông thả tệ hại. Với kiến văn và nghị lực tự chủ người ta có thể sống tự tại đúng nghĩa.

Khó nắm giữ, khinh động,

Theo các dục quay cuồng.

Lành thay, điều phục tâm

Tâm điều, an lạc đến.

Tâm khó thấy, tế nhị,

Theo các dục quay cuồng.

Người trí phòng hộ tâm,

Tâm hộ, an lạc đến.

Kệ ngôn 35, 36

Tự chế là nguyên tắc sống quan trọng trong Phật Pháp. Để áp dụng cần cả hai nghị lực và trí tuệ. Ở giai đoạn nào đó, thì sự tự chế có vẻ không thoải mái nhưng càng thuần thục thì càng tự tại. Đó là sự tự do và an lạc đích thực.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.

Ý kiến bạn đọc