- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 8.7.2024
Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy
THANH TỊNH HOÁ
Toàn bộ hành trình tu tập của người con Phật là con đường thanh tịnh hoá tự thân. Bởi vì tính cách rộng lớn của đề tài, nên hiểu là không thể nói đầy đủ trong một bài viết. Tác phẩm vĩ đại tóm lược ba tạng kinh điển của Đạo Phật là “Visuddhimagga – Thanh Tịnh Đạo”, lấy khái niệm thanh tịnh hoá làm bố cục, từ sự thanh tịnh bằng trì giới đến sự huân tu định lực rồi làm thanh tịnh tuệ giác. Ở đây chỉ nêu lên vài khía cạnh tiêu biểu làm đề tài suy tư.
Nhiều người nghĩ đến sự thanh tịnh hoá nội tâm như là điều không thể nào thực hiện được. Nhưng có thể nói là: “Không làm thì không bao giờ được”. Có nhiều cấp độ và nhiều khía cạnh của sự thanh tịnh hoá. Tam nghiệp thanh tịnh là cách nói chung về nỗ lực tránh xa thập ác. Phần lớn sự thanh tịnh hoá tam nghiệp nhờ vào giữ giới như thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới… Dĩ nhiên lánh dữ, làm lành vẫn chỉ là hai khía cạnh của Phật Pháp. Thanh tịnh hoá nội tâm là điều thứ ba có thể gọi là cốt lõi của Đạo Phật.
Nói đến thanh tịnh thì nội tâm là điểm chính. Có nhiều cấp độ về phương diện này. Dạy tâm không hoan hỷ theo điều ác cũng là một cách thanh tịnh hoá. Huân tập hạnh lành để tạo thói quen hướng thượng, hướng thiện cũng là một cách khác. Tam Tạng giáo điển là một kho tàng vĩ đại về sự thanh lọc tâm ý. Bài kinh sau đây là một trích lục cho đề tài “thanh tịnh hoá nội tâm”.
Kinh Người Lọc Vàng (Pansadhovaka Sutta)
Tăng Chi III. 100
Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu
1. - Này các Tỷ-kheo, có những uế nhiễm thô tạp của vàng như bụi, cát, đá, sạn và đá sỏi. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đã lọc bụi đem đổ vào trong cái máng, rồi rửa sạch qua, rửa sạch lại, rửa sạch thêm nữa.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại những uế nhiễm bậc trung của vàng, như cát đá, sạn tế nhị và các hột cát thô tạp. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại những uế nhiễm tế nhị, như cát mịn và cát bụi đen. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.
Làm xong như vậy, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại bụi vàng.
2. Rồi người thợ vàng hay đệ tử người thợ vàng bỏ bụi vàng ấy vào trong cái lò, rồi thụt ống bệ, thụt ống bệ thêm, thụt ống bệ cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Vàng ấy được thụt bệ, được thụt bệ thêm nữa, được thụt bệ hơn nữa, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò, chưa làm xong, chưa sạch các uế nhiễm, chưa có nhu nhuyễn, chưa có kham nhậm, chưa có sáng chói. Vàng ấy còn có thể bể vụn và chưa có thể được tác thành tốt đẹp.
Có một thời, này các Tỷ-kheo, người thợ vàng hay đệ tử người thợ vàng ấy lại thụt bệ, thụt bệ thêm nữa, thụt bệ hơn nữa, cho đến khi vàng chảy ra khỏi lò. Vàng ấy lại được thụt bệ, được thụt bệ thêm nữa, được thụt bệ hơn nữa, cho đến khi vàng ấy chảy ra khỏi lò, được làm xong, được sạch các uế nhiễm, được nhu nhuyễn, được kham nhậm, và được sáng chói. Vàng ấy còn không bị bể vụn và có thể tác thành tốt đẹp. Và loại trang sức nào người ấy muốn, như vàng lá, hay nhẫn, hay vòng cổ, hay dây chuyền, người ấy có thể làm thành như ý muốn.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thô tạp, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho sanh khởi lại.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỷ-kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thuộc bậc trung, dục tầm, sân tầm, hại tầm. Tỷ-kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho sanh khởi.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, Tỳ kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử tế nhị, như tư tưởng về gia tộc, tư tưởng về quốc độ, tư tuởng không bị khinh rẻ. Tỳ kheo có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt không cho chúng sanh khởi.
Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại các pháp tầm (tư tưởng về pháp).
4. Ðịnh như vậy không có an tịnh, không có thù thắng, không được khinh an, không đạt đến nhứt tâm, nhưng là một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép. Nhưng đến một thời, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy được nội trú, lắng đứng lại, được nhứt tâm, được định tĩnh. Ðịnh ấy được an tịnh, được thù diệu, được khinh an, đạt đến nhứt tâm, không phải một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép, tùy thuộc vào pháp gì tâm người ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
5. Nếu vị ấy ước muốn, ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, ngồi kiết già đi đến hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên"; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
6. Vị ấy nếu ước muốn: "Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài người"; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
7. Nếu vị ấy ước muốn: "Mong rằng với tâm của mình có thể biết tâm của các loại chúng sanh khác, tâm của các loài Người khác như sau: Tâm có tham biết là tâm có tham. Tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định biết là tâm không thiền định.Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát"; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
8. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp; vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh tại đây". Vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào".
9. Nếu vị ấy ước muốn: Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh ấy làm những ác nghiệp về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục, đọa xứ. Các chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ"; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
10. Nếu vị ấy ước muốn: "Do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát"; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
11. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, cần phải thỉnh thoảng tác ý ba tướng. Cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng định, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng cần, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng xả.
12. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử. Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc.
13. Ví như một thợ làm vàng, này các Tỷ-kheo, hay đệ tử người làm vàng, xây lên các lò đúc. Sau khi xây lên các lò đúc, người ấy nhóm lửa đốt miệng lò. Sau khi đốt miệng lò, với cái kềm, người ấy cầm vàng bỏ vào miệng lò; rồi thỉnh thoảng người ấy thụt ống bệ, thỉnh thoảng người ấy rưới nước, thỉnh thoảng người ấy quan sát kỹ lưỡng. Nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, một chiều thổi ống bệ, thì có sự kiện vàng ấy bị cháy. Nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, một chiều rưới nước, thì có sự kiện vàng ấy bị nguội lạnh. Nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, một chiều quan sát kỹ lưỡng, thì có sự kiện vàng ấy không chơn chánh đi đến thuần thục. Còn nếu người làm vàng hay đệ tử người làm vàng, này các Tỷ-kheo, thỉnh thoảng thổi ống bệ vàng ấy, thỉnh thoảng rưới nước, thỉnh thoảng quan sát kỹ lưỡng, thời vàng ấy trở thành trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bể vụn, và được thành tốt đẹp. Và loại trang sức nào người ấy muốn như vàng lá, hay nhẫn, hay vòng cổ, hay dây chuyền, người ấy có thể làm thành như ý muốn.
14. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo siêng năng tu tập tăng thượng tâm, cần phải thỉnh thoảng tác ý ba tướng. Cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng định, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, cần phải thỉnh thoảng tác ý tướng xả. Nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. Nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử. Nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Nhưng nếu Tỷ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các Tỷ-kheo, thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn tận các lậu hoặc. Tùy thuộc theo pháp gì, tâm vị ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
15. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ chứng đạt nhiều loại thần thông ... (như 100.5) ... chứng tri sáu loại thắng trí ... do đoạn diệt các lậu hoặc ... (như 100.10) ... sau khi chứng ngộ, ta sẽ chứng đạt và an trú"; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.