Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Thân Cận Bạn Lành

Thứ hai, 25/03/2024, 18:08 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 25.3.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

THÂN CẬN BẠN LÀNH

 

Với một người muốn có tiến bộ trong đời sống tinh thần, thì điều tiên quyết là cái nhìn xác thực hay chánh kiến. Đức Phật dạy để có được như vậy cần tới hai pháp:

Này chư tỳ khưu, có hai yếu tố làm sanh khởi chánh kiến: một là sự hướng dẫn của người khác (paratoghosa); hai là khéo nhận thức (yoniso manasikāra). Tăng Chi Bộ I. 87

Trong một bài kinh khác Đức Phật nhấn mạnh:

Đối với một người tu tập, Ta không thấy một yếu tố bên ngoài nào quan trọng hơn thân cận bạn lành.

Đối với người tu tập, Ta không thấy một yếu tố bên trong nào quan trọng hơn là khéo nhận thức. Như Thị Thuyết. 9-10

Có bạn lành (kalyāṇamittatā) theo kinh điển đồng nghĩa với thân cận bậc hiền trí (sappurisasevanā). Định nghĩa thế nào là một bậc thiện trí theo Phật Pháp là điều đặc biệt quan trọng. Đối với nền văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, thì hình ảnh mẫu mực của một người tốt được gọi là người quân tử. Hình ảnh của bậc thiện trí trong Phật Pháp có phần khác. Trước hết, là người thiện trí có đời sống hiền thiện trên cả ba phương diện thân nghiệp, ngữ nghiệp, và ý nghiệp. Để được như vậy, không đơn giản là có bản tính hiền hoà, mà cần tới sự hiểu biết sáng suốt. Sống hiền thiện và lợi lạc cần tới trình độ trí tuệ cao. Một điểm thú vị là trong kinh điển Phật giáo Đại Thừa, thường nhắc tới chữ bồ tát như là bậc có hạnh nguyện đặc thù, thì trong Tam Tạng Pāli chữ trí giả -paṇḍita- thường được sử dụng. Một mặc định trong kinh văn, là người trí phải là người thiện hay ngược lại người thiện là người trí.

Hiền nhân theo lời Phật dạy có thể nhận diện: “Này chư Tỳ khưu, hiền nhân có ba hiện tướng: thân hiền thiện, ngữ hiền thiện, ý hiền thiện” Trung Bộ, kinh số 129.

Trí giả được định nghĩa chính xác theo Phật Pháp là người có bảy sự hiểu biết như được ghi trong Tăng Chi Bộ, phẩm Bảy Pháp:

  1. Tri nhân hay biết về pháp (dhammaññutā) tức là sự hiểu biết về nguyên tắc căn bản tạo nên những tác động hay hiệu ứng. Thí dụ biết những gì nên làm để có được nội tâm thanh thản.
  2. Tri quả hay biết về nghĩa (atthaññutā) là tri kiến về mục đích của hành động hay ý nghĩa xa gần của những pháp được đề cập.
  3. Tri kỷ hay biết về bản thân (attaññutā) là biết về chính mình qua những phương diện sở trường, sở đoản, cá tính … nhờ vậy tránh được cái nhìn thiếu thực tế về bản thân.
  4. Tri bỉ hay biết về tha nhân (puggalaññutā) tức là bén nhạy về nhân tâm và ưu khuyết của những hạng người dị biệt trong xã hội.
  5. Tri độ là biết mức độ hợp tình hợp lý (mattaññutā) tức là khả năng lượng định thế nào chừng mực thích hợp, đặc biệt là tránh hai cực đoan thái quá hoặc bất cập.
  6. Tri thời là biết thế nào là đúng thời và thời lượng thích hợp để hành động (kālaññutā) tức sự thiện xảo trong sự nói, làm đúng lúc, với thời gian không dư thiếu.
  7. Tri hội là biết đám đông quần chúng (parisaññutā) tức là có khả năng tương tác hợp tình hợp lý với đám đông như sự tụ họp, hội thảo, quần chúng tập trung với lý do đặc biệt nào đó.

Ngoài đời sống hiền thiện và trí tuệ sáng suốt, một người được gọi là bạn lành đúng nghĩa được Đức Phật dạy có 7 đặc tính (Tăng Chi Bộ IV 32):

  1. Hoà ái (piyo) tức cách cư xử thân thương.
  2. Khả kính (garu) tức tư cách đáng quý trọng.
  3. Nêu gương sáng (bhāvanīyo) là hình ảnh khích lệ trong sự cải thiện bản thân.
  4. Lời nói có trọng lượng (vattā) là khả năng sử dụng ngôn từ có hiệu quả. Nói cách khác là người có lời nói đáng được lắng nghe và được truyền đạt một cách tinh giản.
  5. Biết lắng nghe (vacanakkhamo) là người có thiện chí, kiên nhẫn, cảm thông để lắng nghe những điều phiền phức.
  6. Có khả năng trình bày những điều sâu xa tế nhị (gambhīrañca kathaṃ kattā) là người có thể chia sẻ những điều khó nói, khó hiểu. Nhận thức tinh tế và mổ xẻ được những điều vốn không dễ trình bày.
  7. Không dẫn dắt sai lạc (no caṭṭhāne niyojaye) là không vì bất cứ lý do gì có hậu ý khiến người khác lầm đường lạc lối.

Nói về những đặc tính của một thiện hữu, thì cần tới một quyển sách dày để nêu ra những gì tìm thấy trong kinh điển. Một số lời Phật dạy về bạn nên thân cận sẽ được đề cập trong Kinh Thí Ca La Việt. Hai Phật ngôn sau đây cần được ghi lại như lời kết của bài này:

“Này ānanda, Ta nói thân cận bạn lành là toàn phần của phạm hạnh chứ không phải nữa phần của phạm hạnh” (Tương Ưng Bộ V. 29-30)

“Này chư Tỳ khưu, rạng đông là báo hiệu của mặt trời mọc. Cũng vậy, thân cận bạn lành là chỉ dấu đầu tiên của một người thực hành bát chánh đạo” (Tương Ưng Bộ V. 2-4)

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Ý kiến bạn đọc