Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Tác Phước (tiếp theo)

Thứ ba, 11/06/2024, 09:03 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 27.5.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

TÁC PHƯỚC

 

Tác phước hay tạo phước là điểm quan trọng đối với người Phật tử trong mọi lãnh vực từ xã hội, văn hoá, sinh hoạt hằng ngày, cho đến sự tu tập. Nếu không hiểu rõ về phước và việc tạo phước, sẽ không hiểu về văn hoá và xã hội của những vùng đất mang ảnh hưởng Phật giáo. Vì là một phạm trù rộng lớn, nên quan niệm về “phước” thường có những dị biệt bất đồng, thậm chí những ngộ nhận mâu thuẫn. Có ba trọng điểm được đề cập tại đây:

  1. Phước báu
  2. Phước nghiệp
  3. Phước thí

 

  1. PHƯỚC BÁU

Chữ phước là thuật ngữ để dịch từ Phạm ngữ “puñña” là cách tạm dịch. Cách dùng chữ “phước” theo quan niệm phổ thông có nhiều điểm bất cập, so với ý nghĩa của chữ “puñña”. Trong cụm từ “phước, lộc, thọ” thì phước chỉ cho “con đàn, cháu đống” hay đông đảo con cháu kế thừa. Trong cụm từ “phước huệ song tu”, thì phước được hiểu như sự sung mãn hạnh phúc vật chất, danh tiếng, điạ vị, quyến thuộc, nói chung là phước báu thế gian, đối lập với trí tuệ giác ngộ giải thoát. Ngay cả cụm từ “phước đức”, thì cũng hàm ý sự sung mãn cuộc sống bên ngoài đối lập với chất liệu tốt lành nội tâm (cũng gọi là tâm đức).

Chữ “puñña” thật ra không thể chuyển ngữ hoàn toàn chính xác bằng một danh từ. Ngay cả một số định nghĩa trong Sớ giải Pāli, như câu "santanaṃ punāti visodheti – cái gì làm cho thanh tịnh sự hiện hữu là phước" cũng chỉ nói lên một khía cạnh. Cách tốt nhất để hiểu thuật ngữ này là cái nhìn chung với nhiều phương diện được ghi trong Tam Tạng.

Phước là sự nâng đỡ hay duy trì sự tồn tại tốt đẹp. Như một đoá hoa nở đẹp cần nước, nhiệt độ thích hợp … Khi thiếu những tố chất thì hoa tàn. Hay như một toà nhà đứng vững là do lực nâng đỡ của cấu trúc và vật liệu tương thích. Những tồn tại tốt đẹp trong cuộc sống như tiện nghi, tình thương, thành công trong công việc đều có yếu tố của phước báu.

Phước là cái gì đối lập với quả của ác nghiệp. Như khả năng đề kháng của thân giúp miễn nhiễm đối với virus, phước báu giúp chúng sanh chống lại những xâm hại của những “thế lực đen” gây thương tổn. Đây là một trong những ý nghĩa gần nhất của chữ “puñña”.

Phước là năng lực tạo nên sự bằng lòng toại ý. Đây là điểm khiến đa số thấy hạnh phúc trong cuộc sống. Làm được những gì mình muốn; gần với người mình thương, tìm được cái mình mong cầu là vài thí dụ về điểm này. Với một người không hiểu nhân quả nghiệp báo, thì những điều này thường được xem là “số hên” hay “sự may mắn”.

Phước thể hiện qua những thuận duyên, thuận cảnh. Thí dụ, người trên đường tạo dựng sự nghiệp gặp “quới nhân” hay người đi tu gặp danh sư, thiện hữu hoặc người có tài lại gặp thời như diều gặp gió. Có cố gắng mà không thành tựu thì là do thiếu phước bổ trợ.

Phước khiến người ta làm những quyết định chính xác, khôn ngoan như câu “phước chí tâm linh”. Khi đối diện với hoàn cảnh phức tạp, phải làm quyết định hệ trọng, người có phước đôi khi có lựa chọn tốt, không phải tính toán tốt mà do “sự cảm ứng khó nói”. Trái lại, khi thiếu phước hay do quả nghiệp ác chi phối thì “ma đưa lối, quỷ dẫn đường / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Phước tạo nên tâm tánh tốt đẹp. Đây là trường hợp người tái sinh bằng kiết sanh thức có trí tuệ, có thọ hỷ, có sự nhậm lẹ. Sau kiết sanh thức là tiềm thức (bhavaṅga) cũng mang tố chất tương tự. Chính điều này tạo nên tâm tánh an lạc, lương thiện, mẫn tiệp … Đối với người tu tập, thì những nền tảng tốt như tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn cũng là phước từ thiện nghiệp quá khứ.

Phước chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên cá tính đáng quý. Cá tính (personality) theo Phật Pháp là tập tính, thói quen tốt được huân tập do thường tạo nghiệp lành trong quá khứ. Người sống đàng hoàng, tính tình hào sảng, ưa thích thân cận bạn lành … là một số thí dụ về cá tính tốt đẹp, do thói quen trong quá khứ như Thắng Pháp đề cập năng lực của “thường thân y duyên”.

Phước báu là mãnh lực dẫn tới sự tái sanh vào cõi an lạc. Cảnh giới an lạc theo Phật Pháp gồm những “cõi vui dục giới”, các cõi sắc giới, các cõi vô sắc giới. Cõi nhân loại được xem là “cõi an lạc”, nhưng cũng có nhiều dị biệt do phước báu đa thiểu. Không phải là người tạo thiện nghiệp chắc chắn được sanh vào cõi an lạc, nhưng nếu thiện nghiệp trổ quả thì cảnh giới tái sanh chắc chắn là cảnh giới tốt lành.

Phước báu là yếu tố thiết yếu để đoạn tận nghiệp và giải thoát sanh tử. Phước báu vô lậu hay phước báu ba la mật (pāramitā), có thể hiểu là “nghiệp lành dẫn tới đoạn tận nghiệp lực”. Đây là phước báu do sự tu tập đưa hành giả đến đích điểm “đoạn tận kiết sử, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn” hay quả vị siêu thế. Nói nôm na như người cố gắng học để rồi đạt tới chỗ không cần học nữa. Đây là hành trình được chư Phật vốn đã kinh qua, chứng đạt và truyền dạy.

 

Có rất nhiều bài kinh về puñña được tìm thấy trong Tam Tạng. Bài kinh dưới đây là đơn cử về ý nghĩa rộng lớn của phước báu. Chữ “công đức” trong bài kinh này tương đồng với chữ phước báu.

Kinh Huân Tập Công Ðức

Nidhikaṇḍasuttaṃ
Nidhiṃ nidheti puriso
Gambhīre udakantike
Atthe kicce samuppanne
Atthāya me bhavissati.
Rājato vā duruttassa
Corato pīḷitassa vā
Iṇassa vā pamokkhāya
Dubbhikkhe āpadāsu vā
Etadatthāya lokasmiṃ
Nidhi nāma nidhīyati.
Tāvassunihito santo
Gambhīre udakantike
Na sabbo sabbadā yeva
Tassa taṃ upakappati.

Người chôn giấu tài sản
Nơi hang sâu mực nước
Dụng tâm lúc hữu sự
Bị phép nước luật vua
Hay gặp phải cường hào
Ðem chuộc thân giữ mạng
Hoặc trang trải nợ nần
Hoặc phòng cơn đói kém
Sự cất giấu như vậy
Là thường tình thế gian
Vị tất đã an toàn

Nidhi vā ṭhānā cavati
Saññā vāssa vimuyhati
Nāgā vā apanāmenti
Yakkhā vāpi haranti naṃ
Appiyā vāpi dāyādā
Uddharanti apassato
Yadā puññakkhayo hoti
Sabbametaṃ vinassati

Dù chôn sâu giấu kín
Có khi bị thất thoát
Vì tài chủ lãng quên
Hay long chủng dời đổi
Dạ xoa đoạt mang đi
Hay bị kẻ thừa tự
Sanh lòng tham đánh cắp
Hoặc hết phước làm chủ
Tài sản tự biến mất

Yassa dānena sīlena
Saññamena damena ca
Nidhī sunihito hoti
Itthiyā purisassa vā
Cetiyamhi ca saṅghe vā
puggale atithīsu vā
Mātari pitari vāpi
Atho jeṭṭhamhi bhātari
Eso nidhi sunihito
Ajeyyo anugāmiko
Pahāya gamanīyesu
Etaṃ ādāya gacchati

Ai bố thí trì giới
Phòng hộ và tự chế
Gọi cất giữ tài sản
Bảo đảm và an toàn
Ai cúng dường đền tháp
Năng phụng dưỡng mẹ cha
Hậu đãi bậc huynh trưởng
Hay khách khứa láng giềng
Khéo cất giữ như vậy
Không ai chiếm đoạt được

Asādhāraṇamaññesaṃ
Acoraharaṇo nidhi
Kayirātha dhīro puññāni
Yo nidhi anugāmiko

Esa devamanussānaṃ
Sabbakāmadado nidhi
Yaṃ yaṃ devābhipatthenti
Sabbametena labbhati.

Khi mạng sống chấm dứt
Bao của tiền bỏ lại
Chỉ mang theo phước đức
Phước là tài sản thật
Không thể bị chiếm đoạt
Bậc trí tạo phúc nghiệp
Thứ tài sản đáng quí
Khiến trời người các cõi
Ðược mãn nguyện hài lòng

Suvaṇṇatā susaratā
Susaṇṭhānaṃ surūpatā
Àdhipaccaṃ parivāro
sabbametena labbhati

Padesarajjaṃ issariyaṃ
cakkavattisukhaṃ piyaṃ
Devarajjampi dibbesu
Sabbametena labbhati.

Người màu da tươi sáng
Giọng nói đẹp lòng người
Dung mạo nhìn dễ mến
Có phong cách đoan trang
Người quyền quí cao sang
Bậc vương triều tôn chủ
Bậc chuyển luân thánh chúa
Bậc thiên vương cõi trời
Tất cả quả lành này
Do công đức đã tạo

Mānusikā ca sampatti
Devaloke ca yā rati
Yā ca nibbānasampatti
Sabbametena labbhati

Những hạnh phúc trần gian
Cùng thiên lạc cõi trời
Quả niết bàn vô thượng
Tất cả quả lành này
Do công đức đã tạo

Mittasampadamāgamma
Yoniso ce payuñjato
Vijjāvimuttivasībhāvo
Sabbametena labbhati

Người có được bạn lành
Ðầy đủ chánh tư niệm
Ðạt chánh trí giải thoát
Tất cả quả lành này
Do công đức đã tạo

Paṭisambhidā vimokkhā ca
Yā ca sāvakapāramī
Paccekabodhi buddhabhūmi
Sabbametana labbhati

Bốn tuệ giác phân tích
Của thánh đệ tử Phật
Hay độc giác toàn giác
Tất cả quả lành này
Do công đức đã tạo

Evaṃ mahatthikā esā
Yadidaṃ puññasampadā
Tasmā dhīrā pasaṃsanti
Paṇḍitā katapuñññataṃ

Bởi lợi lạc to lớn
Của phước hạnh đã làm
Nên thiện nhân hiền trí
Tán thán và khuyến khích
Sự cất giấu tài sản
Bằng tích lũy phước lành

 

(Chúng tôi, tỳ khưu Giác Đẳng, khi dịch bản kinh này, ban đầu dùng chữ “phước báu” thay vì “công đức”, nhưng bấy giờ do yêu cầu của chư tăng duyệt y bản kinh tụng đề nghị, nên dùng chữ khác vì nhiều người hiểu “tu phước” là tu thấp, nên chúng tôi thay thế bằng chữ công đức mang tính tương đối về mặt ngữ nghĩa)

 

Nêu lưu ý vài điểm về mặt từ vựng.

Phước báo và phước báu có hai ý nghĩa khác nhau. Phước báu là quả tốt cao quý. Phước báo là quả của nghiệp lành. Chữ “báo” ở đây giống như “nghiệp báo”. Nghiệp là nhân, báo là quả.

Trong Anh ngữ, chữ “puñña” thường được dịch là “merit” như “hồi hướng phước” được dịch là “sharing merit” nghe rất “lạ tai”. Chữ “merit” trong Anh ngữ, vốn có nguồn gốc từ Ki Tô Giáo, có nghĩa là sự tưởng thưởng cho kẻ xứng đáng (deserving), như kinh cầu “xin Chúa bội hậu cho chúng con ...” do vậy “sự ban phước, tha tội” là sự đãi ngộ cho một người làm điều tốt lành gì đó. Người Trung Hoa dịch chữ “merit” là công đức hay “công quả” theo ý nghĩa “công thưởng, tội trừ”. Người Phật tử sử dụng với phân biệt cẩn trọng. (Một số từ vựng tôn giáo đương đại ở Trung Quốc vốn do ảnh hưởng Ki Tô Giáo, được dùng rộng rãi như Giáo Hội, hành hương, tuyên uý … cũng cần “chính danh” khi người Phật tử sử dụng)

 

  1. PHƯỚC NGHIỆP

Phước nghiệp là những hạnh lành tác thành phước báu. Tại các quốc gia Phật giáo, người ta thường dùng chữ “làm phước” hay “tạo phước” hơn là chữ “cầu phước”, vì quan niệm phước báu là cái gì được tạo chứ không phải từ sự van vái cầu xin.

Ba nền tảng của phước hạnh là bố thí, trì giới và tu tập tâm ý.

Bố thí “dāna” là sự ban bố, cống hiến, cúng dường, chia sẻ những gì bản thân có được. Bố thí mang đặc tính xả tài, xả kỷ. Bố thí đúng nghĩa là chia sẻ cái mình có, để tạo lợi lạc cho chúng sanh khác. Có rất nhiều hình thức của bố thí. Biết cho là một nghệ thuật sống. Chính pháp bố thí giúp bào mòn sự ích kỷ, bỏn sẻn. Nên lưu ý chữ “bố thí” trong Phật pháp mang ý nghĩa rộng hơn cách dùng thường thức.

Trì giới “sīla” là sống với những nguyên tắc hiền thiện, vốn là những học giới được Đức Phật truyền dạy như ngũ giới, bát quan trai giới … Trì giới tạo nên sự vững tâm với khả năng tự chủ. Đặc điểm của trì giới là giúp tránh không tạo những ác nghiệp.

Tu tập tâm ý “bhavana” là sự huân tu nội tại như tu chánh niệm, tu bốn vô lượng tâm, niệm Phật, niệm Pháp … Đây là sự chuyển hoá tâm thức với những sự tu tập thường xuyên, bền bỉ, thay đổi tập tính thói quen. Nền tảng này không hẳn chỉ có thiền chỉ (samatha) hay thiền quán (vipassana) như Ngài Buddhaghosa giải thích, một người huân tu chánh kiến cũng nằm trong “bhavana”.

Người tu Phật khi áp dụng ba điều này trong nhiều trường hợp, như giữ giới không sát sanh là “tránh ác”, bố thí thức ăn là “làm lành”, giữ tâm không vui thích đối với những nghiệp sát, như không vui thích với sát nghiệp là “thanh tịnh hoá tâm ý”. Cả ba đều y cứ trên nền tảng bố thí, trì giới và tu tập tâm ý.

Dưới đây là một bài kinh ngắn nói về ba nền tảng của phước hạnh, trích từ Kinh Phật Thuyết Như Vậy (It. 51) Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu.

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này. Thế nào là ba? Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành và phước nghiệp do sự tu tập tác thành. Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Hãy để cho người ấy,

Học tập làm công đức,

Hướng dẫn đến tương lai

Ðem lại căn an lạc.

Hãy tu tập bố thí,

Tập sở hành an tịnh,

Và tu tập từ tâm,

Tu xong ba pháp ấy,

Những pháp khởi lạc thọ.

Bậc Hiền trí được sanh,

Tại thế giới an lạc,

Không phiền não hận thù.

Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

 

Phước hạnh được hiểu là lối sống hiền thiện và lợi lạc. Điều này có thể hàm chứa rất nhiều thiện pháp, dẫn tới hạnh phúc đời này và đời sau. Kinh Điềm Lành là một thí dụ cụ thể về tánh bao quát của những phước hạnh trong đời sống. Dưới đây là bản dịch Kinh Điềm Lành với tựa đề là Kinh Hạnh Phúc trích trong Nghi Thức Tụng Niệm.

 

Kinh Hạnh Phúc

Maṅgalasutta

Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikas-saārāme. Atha kho aññatarā devatā abhik-kantāya rattiyā abhikkantavaṇṇā kevalakappaṃ jetavanaṃ obhāsetvā yena bhagavā tenupasaṅkami upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ aṭṭhāsi. Ekamantaṃ ṭhitā kho sā devatā bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi

 

Như vầy tôi nghe

Một thời Thế Tôn

Ngự tại Kỳ Viên tịnh xá

Của trưởng giả Cấp Cô Ðộc

Gần thành Xá Vệ

Khi đêm gần mãn

Có một vị trời

Dung sắc thù thắng

Hào quang chiếu diệu

Sáng tỏa Kỳ Viên

Ðến nơi Phật ngự

Ðảnh lễ Thế Tôn

Rồi đứng một bên

Cung kính bạch Phật

Bằng lời kệ rằng

 

Bahū devā manussā ca

Maṅgalāni acintayuṃ

Ākaṅkhamānā sotthānaṃ

Brūhi maṅgalamuttamaṃ

 

Chư thiên và nhân loại

Suy nghĩ điều hạnh phúc

Hằng tầm cầu mong đợi

Một đời sống an lành

Xin ngài vì bi mẫn

Hoan hỷ dạy chúng con

Về phúc lành cao thượng

Thế Tôn tùy lời hỏi

Rồi giảng giải như vầy

 

Asevanā ca bālānaṃ

Paṇḍitānañca sevanā

Pūjā ca pūjanīyānaṃ

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Không gần gũi kẻ ác

Thân cận bậc trí hiền

Cúng dường bậc tôn đức

Là phúc lành cao thượng

 

Paṭirūpadesavāso ca

Pubbe ca katapuññatā

Attasammāpaṇidhi ca

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Ở trú xứ thích hợp

Công đức trước đã làm

Hướng tâm theo nẻo chánh

Là phúc lành cao thượng

 

Bāhusaccañ ca sippañca

Vinayo ca susikkhito

Subhāsitā ca yā vācā

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Ða văn nghề nghiệp giỏi

Khéo huấn luyện học tập

Thiện xảo trong ngôn từ

Là phúc lành cao thượng

 

Mātāpitu upaṭṭhānaṃ

Puttadārassa saṅgaho

Anākulā ca kammantā

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Hiếu thuận bậc sanh thành

Chăm sóc vợ và con

Sinh nhai không phiền luỵ

Là phúc lành cao thượng

 

Dānañca dhammacariyā ca

Ñātakānañca saṅgaho

Anavajjāni kammāni

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Bố thí hành đúng Pháp

Giúp ích hàng quyến thuộc

Hành vi không lỗi lầm

Là phúc lành cao thượng

 

Āratī viratī pāpā

Majjapānā ca saññamo

Appamādo ca dhammesu

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Xả ly tâm niệm ác

Tự chế không say sưa

Tinh cần trong thiện pháp

Là phúc lành cao thượng

 

Gāravo ca nivāto ca

Santuṭṭhī ca kataññutā

Kālena dhammassavanaṃ

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Biết cung kính khiêm nhường

Tri túc và tri ân

Ðúng thời nghe chánh pháp

Là phúc lành cao thượng

 

Khantī ca sovacassatā

Samaṇānañca dassanaṃ

Kālena dhammasākacchā

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Nhẫn nhục tánh thuần hóa

Thường yết kiến sa môn

Tùy thời đàm luận pháp

Là phúc lành cao thượng

 

Tapo ca brahmacariyañca

Ariyasaccānadassanaṃ

Nibbānasacchikiriyā ca

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Thiền định sống phạm hạnh

Thấy được lý thánh đế

Chứng ngộ quả niết bàn

Là phúc lành cao thượng

 

Phuṭṭhassa lokadhammehi

Cittaṃ yassa na kampati

Asokaṃ virajaṃ khemaṃ

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ

 

Khi xúc chạm việc đời

Tâm không động không sầu

Tự tại và vô nhiễm

Là phúc lành cao thượng

 

Etādisāni katvāna

Sabbatthamaparājitā

Sabbattha sotthiṃ gacchanti

Tantesaṃ maṅgalamuttamanti

 

Những sở hành như vậy

Không chỗ nào thối thất

Khắp nơi được an toàn

Là phúc lành cao thượng

 

Phước nghiệp cũng được hiểu là hạnh lành mang lại quả phước. Bàn về điểm này, thật sự có rất nhiều kinh văn trong Tam Tạng. Ở đây, chỉ trích một đoạn trong Tiểu Kinh Phân Tích Về Nghiệp (Trung Bộ kinh số 135), qua lược dịch của Ngài Narada với bản Việt dịch của cư sĩ Phạm Kinh Khánh.

 

Thuở Đức Phật còn tại tiền, có chàng thanh niên tên Sudha, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài người, muốn tìm chân lý, đến gần Ngài và bạch rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do nào và nguyên nhân nào trong đời có người yểu (appayuka) và có người thọ (dighayuka), người bệnh hoạn (bavhabadha) và người khoẻ mạnh (appabadha), người xấu xa (dubbanna) và người đẹp đẽ (vannavanta), có hạng người làm gì cũng không ai làm theo, nói chi cũng không ai nghe (appesakka) và hạng người có thế lực, làm gì cũng có người theo, nói chi cũng có người nghe (mahesakka), có người nghèo khổ (appabhopga) và người giàu sang (mahabhoga), có người sanh trưởng trong gia đình bần tiện (nicakulina) và có người dòng dõi cao sang (uncakulina), có người dốt (duppanna) và có người trí tuệ (pannavanta)?

Đức Phật trả lời vắn tắt như thế này:

"Tất cả chúng sanh đều mang theo cái Nghiệp (Kamma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh."

Rồi Đức Phật giải thích cho Sudha nghe từng trường hợp:

"Nếu người kia trọn đời chỉ biết sát sanh, người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẫm máu, hằng ngày sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương. Do tính hiếu sát ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ là một người có mạng "yểu".

"Nếu người kia luôn luôn thận trọng, không hề xúc phạm đến tính mạng của ai, sống xa gươm đao, giáo mác và các loại khí giới, lấy lòng tứ ái đối với tất cả chúng sanh. Do sự không sát sanh (Tâm Từ) ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ “trường thọ".

"Nếu người kia độc ác, luôn luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm đá và gươm đao đối xử với mọi người. Do nết hung dữ, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ươn yếu bệnh hoạn.

"Nếu người kia không bao giờ làm tổn thương ai khác. Do đức tánh hiền lương nhu hòa, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ được mạnh khỏe.

"Nếu người kia thô lỗ, cộc cằn, luôn luôn giận dữ, chửi mắng, nguyền rủa kẻ khác. Do hậu quả của sự thô lỗ, cộc cằn ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ xấu.

"Nếu người kia thanh tao nhã nhặn, dầu ai có chửi mắng thậm tệ cũng không hề oán giận và tìm cách trả thù. Do hậu quả của phong thái thanh nhã ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ đẹp đẽ.

"Nếu người kia có tánh đố kỵ, thèm thuồng, ham muốn lợi danh của kẻ khác, không biết tôn kính người đáng kính, luôn luôn chứa chấp lòng ganh tỵ. Do hậu quả của tính tật đố ganh tỵ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người không có ảnh hưởng, nói gì không ai nghe, làm gì không ai theo.

"Nếu người kia không có tánh đố kỵ, không thèm ham muốn lợi danh của người khác, biết tôn trọng người đáng kính, không chứa chấp lòng ganh tỵ. Do ảnh hưởng của tâm không ganh tỵ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người có thế lực, nói gì cũng có người nghe, làm gì cũng có người theo.

"Nếu người kia không bao giờ biết bố thí vật gì. Do tánh keo kiết, bám níu vào tài sản sự nghiệp của mình, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người nghèo nàn thiếu thốn.

"Nếu người kia giàu lòng quảng đại, tánh ưa bố thí. Do lòng quảng đại rộng rãi ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người giàu có dư dã.

"Nếu người kia không biết phục thiện, tánh ưa kiêu hãnh, không tôn trọng người đáng kính. Do tánh ngạo mạn và vô lễ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người đê tiện thấp hèn.

"Nếu người kia biết phục thiện, tánh không kiêu hãnh, biết tôn trọng người đáng kính. Do đức tính biết phục thiện và có lễ độ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người sang trọng quyền quý.

"Nếu người kia không chịu gần người có tài đức để học hỏi điều hay lẽ phải và phân biệt chánh tà. Do sự kém học ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người dốt.

"Nếu người kia cố công tìm đến người có tài đức để học hỏi. Do sự học hỏi chánh đáng ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người thông minh trí tuệ."

Nên lưu ý những gì Đức Phật trả lời dựa trên câu hỏi chứ không bao gồm toàn bộ nghiệp thiện, nghiệp bất thiện.

 

PHƯỚC THÍ

Phước thí được biết với cách nói “chia phước” hay “cho phước” là khái niệm rất quen thuộc trong Đạo Phật, nhưng không phải dễ hiểu theo lý nhân quả nghiệp báo. Có lập luận cho rằng, đúng theo nghiệp báo thì “phước ai nấy hưởng” thì chuyện đem phước lành của người này cho người kia là không hợp lý. Nói như vậy, thoạt nghe có vẻ thuyết phục nhưng thật ra rất phiến diện. Nếu xét kỹ, bảo rằng “ai ăn nấy no” là điều tuyệt đối đúng thì có phần cực đoan.

Những cảm nhận trừu tượng có thể được san sẻ. Người ta có thể cho tiền, cho thức ăn thì cũng có thể chia sẻ kiến thức hoặc chia phước, nếu đối tượng nhận không bị chướng duyên lớn ngăn ngại. Có thể lấy thí dụ là trong đời sống hằng ngày, không ai có thể học dùm cho người khác, nhưng có thể chia sẻ những kiến thức. Đây là nền tảng của giáo dục. Không ai khiến người khác hoàn toàn hạnh phúc, nếu đương sự là người kém phước, nhưng người ta trong cách thức tương đối có thể tạo niềm vui cho nhau. Phước báu cũng vậy, những người tạo phước lành có thể chia sẻ tới người khác qua nhiều phương cách. Trong Túc Sanh Truyện (Jataka), có rất nhiều câu chuyện, mà qua đó một người sống sáng suốt hiền thiện không phải chỉ tạo phước lành cho bản thân, mà còn tạo nên lợi lạc cho những người chung quanh, cho quyến thuộc, cho chư thiên và nhân loại.

Phước lành tạo nên bởi thiện tâm, do vậy, tuỳ hỷ phước cũng là nguồn sanh phước. Tuỳ hỷ phước là một trong mười phước nghiệp sự (puññakiriyavatthu). Vui với nghiệp lành là tâm lành. Tâm lành luôn tạo phước lành. Ở những xứ thấm nhuần Phật Pháp, người ta thường nói tới chữ “tuỳ hỷ phước – anumodanā” qua lời “sādhu”. Điều này hoàn toàn y cứ trên giáo lý nhân quả. Vui với điều thiện sẽ hướng thiện và tác thành thiện nghiệp. Ngược lại xu hướng theo điều ác cũng dẫn đến chỗ bất hạnh. Rất khó tin là trong nhiều trường hợp, người tuỳ hỷ phước cũng tạo phước như chính người làm phước sự.

Phải hiểu mãnh lực của nghiệp có ảnh hưởng đến người khác. Mặc dù “mỗi chúng sanh có nghiệp riêng” nhưng cũng có “cộng nghiệp”. Một vị vua hay người lãnh đạo quốc gia có thể ảnh hưởng cả quốc độ với tâm đức của mình. Sống gần người có nhiều phước cũng được hưởng lây. (Ngược lại, sống chung với người nặng ác nghiệp cũng bị ảnh hưởng). Trong Sớ Giải Kinh Pháp Cú ghi nhiều ảnh hưởng trực tiếp, như câu chuyện Tôn giả Sāriputta vịn tay vào bình bát cho người đệ tử có bữa ăn đầy đủ, trước khi viên tịch niết bàn (…). Ảnh hưởng của nghiệp là điều rất phức tạp. Không nên võ đoán với những lập luận quá đơn giản. Phước và đức của một cá nhân có ảnh hưởng lớn đến những người liên đới.

Chia phước hay cho phước cũng đi với năng lực của từ tâm hay tình thương. Tâm mong mỏi chúng sanh được thêm vui bớt khổ là tâm từ bi. Tâm từ, tâm bi luôn có năng lực nhất định. Đặc biệt là gia quyến với tình thương đối với thân nhân. Như định luật tự nhiên “lá rụng về cội”, chúng sanh sống trong khổ cảnh thường nghĩ tới quyến thuộc. Hồi hướng phước lành là thể hiện tâm từ, tâm bi. Chính vì điều này, nên khi hồi hướng phước nên có sự hướng nguyện của thân nhân quyến thuộc. Nói đến nghiệp báo, không thể phủ nhận sự chiêu cảm của tâm, mà qua đó, tình thương đóng vai trò quan trọng.

Hồi hướng phước không phải là phong tục, mà được Đức Phật dạy qua nhiều bài kinh trong Tam Tạng. Trong lúc lời cầu nguyện suông được xem là “không lợi ích như cầu nguyện tảng đá được nổi khi ném xuống nước”, thì hồi hướng phước là điều hoàn toàn khác. Hồi hướng phước (pattānuppadāna) là một trong mười nguồn sanh phước. Trong kinh Singalovada (Trường Bộ), Đức Phật dạy một trong năm điều người con nên làm đối với cha mẹ là tạo phước hồi hướng sau khi cha mẹ quá vãng. Trong kinh “Tirokudda – Ngoài Bức Tường”, Đức Phật dạy rất rõ về điều nên làm đối với thân nhân quá vãng là hồi hướng phước báu với câu “Idam me / vo ñātinam hōtu sukhitā hontu ñātayo – Nguyện quyến thuộc an vui do phước lành đã tạo”.

 

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.

Ý kiến bạn đọc