Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy -Nền Móng Của Đời Sống Hiền Thiện

Thứ ba, 03/10/2023, 16:08 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 2.10.2023

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

Nền Móng Của Đời Sống Hiền Thiện

 

Đời sống tốt đẹp theo lời Phật dạy, không phải chỉ có phước báu do nghiệp lành từ quá khứ, mà còn do phước hạnh tạo tác ngay trong hiện tại. Sống với hạnh lành chính là đời sống hiền thiện - nếp sống lợi lạc cho đời, lợi lạc cho mình, lợi lạc cả hai. Để được như vậy, cần có những nền tảng căn bản. Giống như muốn xây một căn nhà, cần có nến móng đủ tốt để chịu được cấu trúc bên trên của công trình xây cất.  Đức Phật dạy, có ba nền tảng của đời sống hiền thiện là: Bố thí, trì giới, tu tâm dưỡng tánh.

Bố thí (dāna) là sự chia sẻ cái mình có. Có nhiều khía cạnh để hiểu về bố thí trong Phật Pháp. Xả tài là cho để giảm bớt sự ích kỷ, bỏn xẻn. Hy hiến là góp phần vào lợi ích cho cuộc đời. Hào sản là qua hành động cho khiến tâm rộng lượng không chật hẹp.  Hỗ trợ cụ thể là trực tiếp giúp bớt khổ, được vui. Có thể cho bằng tài vật (tài thí) hay cho bằng những giá trị tinh thần (pháp thí).  Sống có cống hiến, có góp phần sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng của tập tính vị kỷ, hẹp hòi.

Trì giới (sīla) là tuân thủ những nguyên tắc căn bản, để không rơi vào sở hành bất thiện. Những nguyên tắc mà người Phật tử hành trì như ngũ giới, bát quan trai giới, sa di giới, tỷ khưu giới… do Đức Phật ban hành. Nói đại lược thì, những nguyên tắc có những điểm chính như tôn trọng sự sống của muôn loài, tôn trọng sở hữu của người khác, tôn trọng hạnh phúc gia đình của người khác… Sống không có nguyên tắc thì tự mình vượt khỏi “lằn ranh an toàn”, như một người lái xe trên đường mà không tuân thủ luật lệ giao thông. Sự trì giới tạo nên “cuộc sống đàng hoàng”. Chính sự trì giới tạo nên lòng tự tin về khả năng tự chủ trong đời sống.

Tu tâm dưỡng tánh (bhavana) là sự tu tập nội tâm. Sự làm lành, lánh dữ thường tạo nên những điều tốt đẹp của hành động, lời nói, nhưng để tâm ý được tốt, cần sự tu tập chuyên chú hơn. Thí dụ như tu tập tâm từ, là pháp xoa dịu với những oan trái hiềm hận do dụng chạm với người khác. Tu tập định và niệm giúp nâng cao năng lực tập trung và sự tỉnh thức. Sự tu tập nội tâm là pháp cốt lõi, để chuyển hoá cuộc sống, vốn diễn ra phần lớn do tập tính hay thói quen nhiều đời.

Ba nền tảng trên, ảnh hưởng sâu sắc đến những gì đang tạo tác, và cũng tạo nên sự sai biệt trong phúc quả của thiện nghiệp, như được Đức Phật dạy trong bài kinh sau trong Tăng Chi Bộ I, Chương Ba Pháp, Phẩm Bố Thí:

8.36. Kinh Phước Nghiệp Sự

—Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản làm phước. Thế nào là ba?

Căn bản làm phước do bố thí, căn bản làm phước do giới đức, căn bản làm phước do tu tập.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do tu tập trên một quy mô nhỏ. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh làm người không may mắn.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô vừa, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô vừa, không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh làm người có may mắn.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua Bốn thiên vương trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, dung sắc chư Thiên, an lạc chư Thiên, danh tiếng chư Thiên, Tăng thượng lực chư Thiên, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tam thập tam thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Tāvatimsa trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, dung sắc chư Thiên, an lạc chư Thiên, danh tiếng chư Thiên, Tăng thượng lực chư Thiên, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Yāma thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suyāma sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Yāma trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tusitā thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Santusitā, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Tusitā trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Hóa lạc thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Sunimmita, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Hóa lạc thiên trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tha hóa tự tại thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Vasavattī, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Tha hóa Tự tại thiên trên mười điểm: tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản phước nghiệp này.

Bản dịch của HT Thích Minh Châu.

Hiểu rõ ảnh hưởng sâu rộng của ba nền tảng phước hạnh này, giúp chúng ta bổ túc những gì thiếu sót và nhờ vậy mỗi thiện hạnh được làm, mang lại giá trị tích cực hơn.

Ý kiến bạn đọc