Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Khó khăn của cuộc đời và Trách nhiệm của con người.

Thứ hai, 24/06/2024, 15:43 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Bài học ngày 24.6.2024

Khó khăn của cuộc đời và Trách nhiệm của con người

Nguyên tác: "Problems and Responsibilities"

Hòa thượng K. S. Dhammananda

Thích Tâm Quang dịch Việt

Bạn có lo lắng không? Bạn có đau khổ không? Nếu có, xin mời bạn đọc cuốn sách nhỏ này, để mở rộng tầm hiểu biết hơn về những vấn đề bạn phải đối phó. Cuốn sách này để cống hiến cho bạn và cho những ai lo lắng.

SỢ HÃI VÀ LO LẮNG

Sợ hãi và lo lắng phát sinh từ ý niệm ảnh hưởng bởi những điều kiện trần thế, bắt nguồn từ tham dục và luyến ái. Thật ra, đời sống giống hệt như một cuốn phim đang quay mà trong đó tất cả mọi thứ (hình ảnh) đều chuyển động, thay đổi không ngừng. Không một thứ gì trên thế gian này trường cửu và thường còn. Những người trẻ, khỏe mạnh sợ hãi bị chết non. Những người già yếu bệnh hoạn, lo lắng phải kéo dài cuộc sống. Đứng ở giữa là những kẻ tham đắm dục lạc quanh năm.

Niềm vui được hoan lạc hình như qúa ngắn ngủi. Niềm sợ hãi vì không được hoan lạc tạo lo âu hình như không bao giờ chấm dứt. Những cảm nghĩ này thật ra rất bình thường. Cuộc đời lên bổng xuống chìm diễn tiến với bản ngã hay cái "tôi" không thực tế, chẳng khác nào trò múa rối trên dây. Nhưng trí óc con người tự chính nó mới là tối thượng.

Huấn luyện trí óc, nói một cách khác mở mang trí tuệ là bước đầu tiên để chế ngự tâm hồn hoang mang.

Đức Phật dạy:

"Từ tham dục nẩy mầm đau khổ

Từ tham dục nẩy mầm sợ hãi

Với Ngài thoát vòng tham dục

Không còn đau khổ, không còn sợ hãi."

Tất cả luyến ái đều đi dến cuối cùng là phiền muộn. Cả nước mắt lẫn những lời chào từ biệt dài dòng, cũng không chấm dứt được cái vô thường của đời sống. Tất cả mọi việc kết hợp đó đều không vĩnh viễn.

Già trẻ đều đau khổ trong cuộc sống hiện tại. Không ai có thể tránh khỏi. Nhiều thiếu niên lớn lên trong đau khổ. Chẳng phải như con ếch (ngồi đáy giếng) hay con nòng nọc (duới nước), cũng vẫn rất dễ hiểu là thiếu niên thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập được mối tương quan tốt đẹp với người khác phái. Các chàng trai này khoe sắc đẹp để gây ấn tượng cho người khác phái, hãnh diện cho rằng mình là đối tượng của dục tình. Cả hai đều thiếu thái độ thực tế nhưng họ nghĩ là họ đã trưởng thành. Họ sợ hãi có thái độ bình thường chân thật vì họ sợ bị chế nhạo. Thái độ cư xử như vậy có tiềm lực đi đến lợi dụng. Sợ hãi bị gạt bỏ cũng như lo lắng giá trị bản ngã bị suy giảm. Tình yêu không được đáp ứng làm tan vỡ trái tim của thanh thiếu niên, vì lẽ họ cảm thấy chính họ đã tự đánh lừa họ. Đôi khi một vài thiếu niên đã tự vận. Những vết thương tình cảm trên có thể tránh được, nếu đời sống được nhận thức đúng với thực tế. Người trẻ phải được dạy dỗ theo hướng đi của Phật Giáo, để họ có thể truởng thành chính chắn, đúng đường hướng.

"Dù ở đâu đi nữa, sợ hãi phát xuất, thì cũng chỉ phát xuất nơi người mất trí điên khùng và không bao giờ phát xuất nơi người khôn ngoan." Đó là lời Đức Phật dạy. Sợ hãi không ngoài là một trạng thái của tâm thần. Trạng thái tâm thần cần phải được chế ngự và hướng dẫn. Tạo hóa phú cho con người có thể kiềm chế tuyệt đối một điều, đó là tư tưởng. Tất cả mọi thứ mà con người tạo ra phát xuất từ một dạng thức của tư tưởng. Đó là cái chìa khóa giúp cho ta hiểu được nguyên lý để trấn áp đuợc sợ hãi.

Một nhà cơ thể học Anh nổi tiếng, có lần được hỏi bởi một sinh viên về phương cách hữu hiệu nhất để chữa trị bệnh sợ hãi, đã trả lời: "Hãy cố gắng làm một điều thiện gì cho một người nào đó". Người sinh viên hết sức ngạc nhiên về câu trả lời này, nên yêu cầu giảng thêm cho sáng tỏ vấn đề, đã được vị thầy học này giải thích: "Bạn không thể nào có thể có hai tư tưởng chống đối nhau cùng một lúc trong đầu óc. Tư tuởng này đến thì tư tưởng kia đi. Nếu chẳng hạn, tâm trí bạn đang hoàn toàn bận bịu với niềm mong ước không vị kỷ để giúp đỡ một người nào đó, bạn không thể cùng một lúc chứa chấp niềm sợ hãi trong đầu óc bạn".

"Lo âu làm cạn khô máu nhanh hơn là tuổi già". Sợ hãi và lo lắng vừa phải là bản năng bảo vệ tự nhiên. Nhưng sợ hãi triền miên không hợp lý, kéo dài là kẻ thù tàn nhẫn của cơ thể con người. Chúng làm trở ngại cho sự hoạt động bình thường của cơ thể.

GIỮ VỮNG TINH THẦN

Tâm trí của con người ảnh hưởng sâu đậm đến cơ thể. Tâm trí có nhiều tiềm năng là một vị thuốc để chữa trị, mà cũng có thể là một loại độc dược cho cơ thể. Khi tâm trí xấu xa, có thể giết một chúng sanh, nhưng khi tâm trí điềm tĩnh, chuyên cần đem lợi ích cho con người. Khi tâm trí được tập trung vào những tư tưởng lành mạnh, hỗ trợ bởi sự cố gắng và hiểu biết chính đáng, tác dụng phát xuất rất rộng lớn. Tâm trí thanh tịnh, tư tưởng lành mạnh đưa đến một cuộc sống khỏe mạnh, thoải mái.

Đức Phật dạy: "Không có kẻ thù nào làm hại chúng ta bằng tư tưởng của chính chúng ta về tham dục, đố kỵ, ganh ghét vân vân...".

Một người không làm sao điều hợp tâm trí mình cho thích đáng đối với hoàn cảnh, thì chẳng khác nào như đã chết. Hãy quay tâm trí vào nội tâm và cố gắng tìm thấy lạc thú trong lòng.

Chỉ khi tâm trí được kiềm chế và hướng dẫn đúng cách, nó sẽ trở nên rất hữu ích cho chính sở hữu chủ và cho xã hội. Một tâm trí phóng túng không kiềm chế được, sẽ nguy cơ cho chính sở hữu chủ và người chung quanh. Tất cả sự tàn phá reo rắc trên thế giới là do sự tạo thành loại người mà tâm trí không đuợc huấn luyện, kiềm chế, cân nhắc, thăng bằng.

Bình tĩnh không phải là suy nhược. Một thái độ bình tĩnh luôn luôn thấy nơi con người có văn hóa. Chẳng khó khăn gì cho một người giữ được bình tĩnh trước những sự thuận lợi, nhưng giữ được thái độ bình tĩnh khi gặp việc bất ổn thì thực sự là khó. Chính vì đức tính khó khăn ấy, mới đáng đạt cho được vì thực hiện sự bình tĩnh và làm chủ lấy mình, con người đó tạo được một nghị lực sung mãn.

TIẾNG NÓI CỦA THIÊN NHIÊN

Con người hiện đại không nghe tiếng nói của thiên nhiên, vì bận bịu với lòng ham muốn vật chất và lạc thú. Hoạt động tâm thần của người đó qúa mải mê với những thú vui trần tục, nên đã chểnh mảng không lưu ý tới sự cần thiết của chính tâm trí mình. Thái độ bất thường của con người hiện đại dẫn ngay đến kết quả trong một nhận định sai lầm về đời sống trên thế gian và về mục đích tối hậu của cuộc đời. Đó là nguyên nhân của tất cả các mối thất vọng, lo âu, sợ hãi, bấp bênh trong hiện tại.

Nếu một người tàn bạo và độc ác, sống trái với định luật thiên nhiên và vũ trụ, hành động, lời nói và tư tưởng của người này sẽ làm ô nhiễm bầu khí quyển. Thiên nhiên bị lạm dụng sẽ không thỏa mãn nhu cầu cho con người mà còn dành cho con người tàn phá, mâu thuẫn, truyền nhiễm và thiên tai thảm họa.

Nếu con người sống hòa hợp với định luật thiên nhiên, có một cuộc sống chính đáng, thanh tịnh bầu khí quyển qua những giá trị của đức hạnh, đem lòng từ bi tình thương đến cho chúng sanh, con người đó mang hạnh phúc đến cho nhân loại. Một người thật sự yêu chuộng hòa bình sẽ không vi phạm tự do của kẻ khác. Thật là sai trái khi nhiễu loạn hay lừa gạt người khác.

Bạn có thể là người rất đa đoan công việc, nhưng bạn hãy dành một vài phút trong một ngày để thiền định hay đọc sách có giá trị. Thói quen này sẽ giúp cho bạn khỏi phiền não và mở mang tâm trí. Tôn giáo đem lợi lạc cho bạn, cho nên bổn phận của bạn là phải nghĩ đến tôn giáo. Hãy dành thì giờ để tham gia các cuộc hội họp trong bầu không khí tôn giáo. Dù chỉ ít phút sống với các vị hướng dẫn tinh thần tạo được các kết quả tốt.

BỆNH TÂM THẦN VÀ KHUYNH HƯỚNG TỘI ÁC

Việc gia tăng các loại bệnh tâm thần và nhiễu loạn, là bệnh được báo nguy nhất trong tất cả các thứ bệnh của thời đại tiên tiến. Càng ngày càng có nhiều người bị bệnh tâm thần trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia giàu có.

Trong nhiều trường hợp, yếu tố gây tội ác trong xã hội của chúng ta được ghi nhận là do các bệnh tâm thần. Kết quả khẳng định tiên đoán bắt nguồn trực tiếp từ công trình khảo cứu của Freud, là việc xác nhận những kẻ gây tội ác và phạm tội là những người bị bệnh thần kinh; những người này cần được chữa trị hơn là bị trừng phạt. Nhìn vào vấn đề với quan điểm rộng rãi, đó là căn bản của tất cả mọi cải cách trong xã hội "cấp tiến", phải thay thế hình phạt bằng sự giáo dục cải tạo.

Ý kiến bạn đọc