Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Chánh Niệm

Thứ ba, 09/01/2024, 05:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 8.1.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

CHÁNH NIỆM

 

Chánh niệm là phương pháp tu tập vô cùng quan trọng trong Phật Pháp. Trên cả ba phương diện từ ngữ, ý nghĩa và sự ứng dụng đều cần nắm rõ. Không thể hiểu chánh niệm qua một bài kinh, mà cần có sự tổng hợp nhiều Phật ngôn đó đây trong Tam Tạng. Riêng bài này, đặc biệt lựa chọn Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Trung Bộ, kinh số 118. Đây là bài kinh rất nổi tiếng với nhiều tựa đề khác nhau. Bản kinh chữ Hán cổ xưa gọi là Kinh An Ban Thủ Ý, vừa phiên âm vừa dịch. Một số bản dịch hiện đại gọi là Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm. Dù là “An Ban Thủ Ý” hay “nhập tức xuất tức niệm”, đều chỉ cho niệm hơi thở. Điều này cho thấy sự quan trọng của phương pháp tu tập này trong Phật học.

(Vì bài kinh dài nên chia làm hai phần. Phần I chỉ là giới thiệu đại cương. Những chú thích qua trọng sẽ có trong phần II)

 

118. KINH QUÁN NIỆM HƠI THỞ (Ānāpānasati Sutta)

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích

 

Tôi được nghe như vầy,

Một thuở Đức Thế Tôn ngự ở Savatthi (Xá-vệ), tại Ðông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatupasade) với tôn giả danh tiếng như Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahāmoggallāna (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Mahakaccayana (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahakotthita (Ðại Câu-hy-la), Tôn giả Mahakappina (Ðại Kiếp-tân-na), Tôn giả Mahacunda (Ðại Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa) và Tôn giả Ananda (A-nan) cùng nhiều vị được biết nhiều khác nữa.

Bấy giờ, chư tôn giả hướng dẫn các tỳ khưu mới tu. Một số tôn giả hướng dẫn mười tỳ khưu; một số hướng dẫn hai mươi… ba mươi… bốn mươi tỳ khưu. Những tỳ khưu mới tu được hướng dẫn đạt được sở chứng cao siêu theo tuần tự.

Vào một ngày rằm bố tát ngày tự tứ Pavāraṇā, Đức Thế Tôn ngồi giữa với đại chúng tỳ khưu Tăng vây quanh. Đức Thế Tôn nhìn Tăng chúng tỳ khưu tịnh lặng và nói rằng:

--Này chư Tỳ Khưu, Ta thật sự bằng lòng với đạo lộ này. Tâm ta thật sự thoả mãn với đạo lộ này. Hãy nỗ lực đạt những gì chưa đạt; chứng những gì chưa chứng. Ta sẽ ở đây tại Sāvatthi cho đến ngày rằm Komudī, tháng tư.

Những tỳ khưu trong vùng được nghe “Đức Thế Tôn sẽ ở tại Sāvatthi cho đến ngày rằm Komudī, tháng tư”, nên vân tập về Sāvatthi để diện kiến Đức Thế Tôn.

Chư tôn giả dành nhiều thì giờ hơn hướng dẫn các tỳ khưu mới tu. Một số tôn giả hướng dẫn mười tỳ khưu; một số hướng dẫn hai mươi… ba mươi… bốn mươi tỳ khưu. Những tỳ khưu mới tu được hướng dẫn đạt được sở chứng cao siêu theo tuần tự.

Vào một ngày rằm bố tát tháng Komudī, Đức Thế Tôn ngồi giữa với đại chúng tỳ khưu Tăng vây quanh. Đức Thế Tôn nhìn Tăng chúng tỳ khưu tịnh lặng và nói rằng:

-- Này chư Tỳ Khưu, hội chúng này không có phiếm luận, không có hý luận. Chỉ thuần là cốt lõi. Tăng chúng như vậy thật là hội chúng xứng đáng được trọng vọng, xứng đáng được trân quý, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chấp tay đảnh lễ, là phước điền vô thượng ở đời. Hội chúng này khi cúng dường dù ít, vẫn mang lại quả phúc lớn; cúng dường nhiều thì phúc quả càng nhiều hơn. Hội chúng như vậy là hiếm có trong đời. Một hội chúng như vậy xứng đáng được đi nhiều dặm đường, với hành trang trên vai để bái kiến.

Hội chúng này có những tỳ khưu đã chứng quả a la hán lậu tận - những vị đã viên mãn phạm hạnh, đã làm những gì nên làm, đặt xuống gánh nặng, chứng đạt cứu cánh, đoạn tận kiết phược, thành tựu tuệ giác tối hậu. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.

Hội chúng này, có những tỳ khưu đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, sẽ hoá sanh (vào cõi tịnh cư). Tại đấy cuối cùng chứng niết bàn, không còn trở lại đời này nữa. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.

Hội chúng này có những tỳ khưu đã đoạn trừ ba kiết sử, giảm thiểu tham, sân, si là bậc nhất lai, trở lại cõi đời này một lần và sẽ đoạn tận khổ đau. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.

Hội chúng này có những tỳ khưu đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ giác ngộ. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.

Này chư Tỳ Khưu, hội chúng này có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tứ niệm xứ; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tứ chánh cần; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tứ như ý túc; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu ngũ căn; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu ngũ lực; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu thất giác chi; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu bát chánh đạo. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.

Này chư Tỳ Khưu, hội chúng này có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tâm từ; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tâm bi; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tâm hỷ; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu quán bất tịnh; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu quán vô thường; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu thất giác chi; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu quán niệm hơi thở. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.

 

(Quán niệm hơi thở)

Này chư Tỳ Khưu, quán niệm hơi thở được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn. quán niệm hơi thở được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho tứ niệm xứ được viên mãn. Tứ niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho thất giác chi được viên mãn. Thất giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.

Này chư Tỳ Khưu, thế nào là quán niệm hơi thở được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn?

Này chư Tỳ Khưu, hành giả đi đến khu rừng, cội cây, am thất trống, lưng thẳng, hướng niệm trước mặt. Chánh niệm hơi thở vô; chánh niệm hơi thở ra.

Khi thở vô dài vị ấy biết: đang thở vô dài; khi thở ra dài vị ấy biết: đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn vị ấy biết: đang thở vô ngắn; khi thở ra ngắn vị ấy biết: đang thở ra ngắn.

Vị ấy thực tập: cảm giác toàn thân thở vô; vị ấy thực tập: cảm giác toàn thân thở ra; vị ấy thực tập: an tịnh toàn thân thở vô; vị ấy thực tập: an tịnh toàn thân thở ra.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc