Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Chánh Niệm IV

Thứ ba, 20/02/2024, 08:22 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 19.2.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

CHÁNH NIỆM - IV

 

(Làm viên mãn bảy giác chi)

Này chư Tỳ Khưu, thế nào là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho thất giác chi được viên mãn?

Này chư Tỳ Khưu, khi nào hành giả quán thân là thân, nhiệt tâm, tĩnh giác, chánh niệm, từ bỏ tham đắm và sầu muộn thì khi ấy niệm được thiết lập. Khi nào niệm được thiết lập không ngưng nghỉ thì khi đó niệm giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

An trú chánh niệm vị ấy quán sát và chiêm nghiệm với trí tuệ và khởi sự thẩm định tường tận. Khi nào an trú chánh niệm quán sát và chiêm nghiệm với trí tuệ và khởi sự thẩm định tường tận, khi đó trạch pháp giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

Ở hành giả quán sát và chiêm nghiệm với trí tuệ và khởi sự thẩm định tường tận, nỗ lực không mệt mỏi sanh khởi. Khi nào nỗ lực không mệt mỏi sanh khởi ở hành giả quán sát và chiêm nghiệm với trí tuệ và khởi sự thẩm định tường tận, khi đó cần giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

Ở một người tinh cần, sanh khởi hỷ không tầm thường. Khi nào hỷ không tầm thường sanh khởi ở hành giả tinh cần, khi đó hỷ giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

Ở một người có hỷ, thân và tâm được an tịnh. Khi nào thân và tâm an tịnh ở hành giả có hỷ thì khi ấy tịnh giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

Khi thân an tịnh và cảm nhận sự an lạc, tâm trở nên định tĩnh. Khi nào thân an tịnh và cảm nhận sự an lạc, tâm trở nên định tĩnh thì khi ấy định giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

Vị ấy quán chiếu tâm định tĩnh với sự an nhiên. Khi nào quán chiếu tâm định tĩnh với sự an nhiên thì khi ấy xả giác chi sanh khởi và được khai triển; do khai triển được viên mãn.

Này chư Tỳ Khưu, như vậy là sự quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho thất giác chi được viên mãn.

(Làm viên mãn chánh trí và giải thoát)

Này chư Tỳ Khưu, thế nào là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho chánh trí và giải thoát được viên mãn?

Này chư Tỳ Khưu, ở đây hành giả tu tập niệm giác chi được gia cố bởi viễn ly, ly tham, tịch tịnh, thuần thục buông xả; tu tập trạch pháp giác chi ... tu tập tinh tấn giác chi ... tu tập hỷ giác chi ... tu tập khinh an giác chi ... tu tập định giác chi ... tu tập xả giác chi được gia cố bởi viễn ly, ly tham, tịch tịnh, thuần thục buông xả. Này chư Tỳ Khưu, thất giác được tu tập, được khai triển khiến cho chánh trí và giải thoát được viên mãn.

Đức Thế Tôn dạy giảng như vậy. Chư Tỳ Khưu hoan hỷ thọ trọ trì.

Chú thích:

Giác chi là chi phần của tuệ giác là cái nhìn xuyên thấu, quán triệt không bị chi phối bởi tập tánh, phiền não, ngộ nhận.

Thất giác chi hay bảy chi phần giác ngộ được gọi như vậy, vì cả bảy pháp cần kết hợp đầy đủ để tạo hiệu ứng, giống như cách nói về thiền chi và đạo chi.

Theo Sớ giải thì trong giai đoạn tu tập (bhāvanā), khai triển, thì bảy giác chi được tu tập tuần tự: cái trước thuần thục thì tác động sanh khởi cái sau. Nhưng khi cả bảy giác chi được tu tập tuệ giác đầy đủ (bhāvanāpāripūri), thì phải đồng thời sanh khởi mới tạo nên hiệu ứng.

Thuật ngữ pīti nirāmisā rất khó dịch. Nguyên nghĩa là “hỷ không thuộc dục lạc, hỷ không thuộc vật chất, hỷ không thuộc thế tục”, đại ý không phải là thứ vui thích thường tình. Bản dịch chọn cụm từ “hỷ không tầm thường” chỉ cho sự hân hoan do cần giác chi tạo thành.

Chữ bhikkhu thường âm là tỳ khưu (hay tỷ kheo theo cách phát âm sai biệt Hán Việt). Theo Sớ Giải Kinh Niệm Xứ, thì trong ngữ cảnh của bài kinh này, chữ bhikkhu được hiểu là hành giả hay người tu tập. Trong một số câu văn của bản kinh này, chọn chữ hành giả để tránh điệp ngữ và ý nghĩa rõ hơn.

Thuật ngữ passaddhisambojjhaṅga có chỗ dịch là khinh an giác chi, ở đây dịch là tịnh giác chi theo ý nghĩa sự an tịnh như mặt hồ tĩnh lặng.

Thuật ngữ upekkhāsambojjhaṅga - xả giác chi ở đây là sự an nhiên không giao động đối với tất cả chứ không phải là cảm thọ không khổ không lạc.

Ý kiến bạn đọc