Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Chánh Kiến Và Chánh Tín

Thứ hai, 29/04/2024, 09:14 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 29.4.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

CHÁNH KIẾN VÀ CHÁNH TÍN

 

Mặc dù trong thời bình minh của Phật giáo, khi Đức Phật tại thế, người Phật tử được hướng dẫn chú trọng huân tu chánh kiến và chánh tín trong đời sống hằng ngày, nhưng theo thời gian dài tồn tại, Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo với nhiều pha tạp tín ngưỡng dân gian. Điều này ảnh hướng lớn đối với chánh kiến và chánh tín của người con Phật.

I

ĐỨC TIN LÀ HẠT GIỐNG

Ví như thảo mộc có nhiều đặc tính bắt nguồn từ hạt giống, đời sống nói chung và sự tu tập nói riêng khởi sự ở niềm tin. Đây là lý do có Phật ngôn: Đức tin là hạt giống (Tương Ưng I). Nếu niềm tin sai lạc, thì cho dù bề ngoài mang vẻ rất sùng đạo, nhưng bản chất vẫn bị hỏng vì thiếu niềm tin chân chánh. Thí dụ, trường hợp một người làm thiện sự quy mô nhưng vì mê tín, có tác dụng rất khác đối với người làm việc tương đối nhỏ, như cúng dường một vị sư đi trì bình, với niềm tin nhân quả. Những thiện sự không đi với đức tin chân chánh, thì dừng lại khi làm xong chứ không lớn mạnh theo thời gian. Đó là lý do, tại sao có những người sau khi làm một việc phước thiện nào đó, rồi không có gì ảnh hưởng lợi lạc sau đó.

Niềm tin ở Phật

Tin ở Phật là niềm tin ở bậc Đạo Sư là đấng đại giác. Ngài là bậc hướng dẫn tối thượng, không ai khác có thể hơn được (natthi me saranaṃ aññaṃ). Sự xuất hiện của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thật hiếm quý và do vậy, luôn cảm nhận sự hữu phúc được sống trong thời kỳ giáo pháp của một vị toàn giác. Một người tin Phật bằng chánh tín, luôn tìm sự soi sáng từ Đức Phật qua mọi cân nhắc, trong mọi suy tư về cuộc sống và không để bản thân bị lôi cuốn theo những mê tín tà mị. Người có niềm tin Phật mạnh mẻ, luôn nương tựa Phật lúc vui cũng như lúc buồn, trong đời sống hằng ngày cũng như trong giây phút lâm chung.

Niềm tin ở Pháp

Pháp là lời Phật dạy. Là sự tuyên thuyết của bậc giác ngộ. Tin Pháp là tin vào sự thật. Những gì mê tín, dối gạt, phương tiện lôi kéo nhất thời đều đi ngược với chánh pháp. Người thật sự tin Pháp không vì khuyết điểm cá nhân mà bóp méo Phật Pháp, cũng không vì kiến văn hạn hẹp mà cố tình giảng giải bừa bãi lời Phật dạy. Tin ở Pháp là tin ở sự thấy biết chơn chánh đối với bản chất thật của cuộc sống, như cái gì vô thường chấp nhận là vô thường, khổ não chấp nhận là khổ não, vô ngã chấp nhận là vô ngã.

Niềm tin ở Tăng

Tăng là những đệ tử Phật thật sự, đi theo con đường Phật dạy một cách chân thực. Nói một cách chắc chắn, những bậc thánh thuộc tứ song bát bối. Các ngài đã bước vào ngưỡng cửa giác ngộ hay đã hoàn toàn giải thoát. Niềm tin ở Tăng, trước nhất là có lòng tin ở đời có những vị tu hành chứng ngộ cứu cánh. Thứ đến là niềm tin ở Tăng thể đại chúng vượt khỏi hình ảnh cá nhân. Sau cùng chính Tăng chúng mới là phước điền vô thượng ở đời. Chư tăng theo quy ước bao gồm cả thánh và phàm tăng. Chư vị phàm tăng có giá trị tương đối nhưng cũng mang một số đặc điểm của thánh chúng đệ tử Phật.

Niềm tin ở nghiệp báo

Tin nghiệp báo là tin vào luật nhân quả với ba điểm. Một là tâm tạo tác thanh tịnh hay phiền não tạo hiệu ứng hoàn toàn khác nhau. Hai là hành động vô hại, lợi lạc cho bản thân và tha nhân là thiện nghiệp, ngược lại là bất thiện nghiệp. Ba là tất cả chúng sanh là kẻ thừa tự nghiệp, nói cách khác, do nghiệp đã tạo khác biệt nên cuộc sống hiện tại cũng khác biệt. Khi có niềm tin mạnh mẽ ở nghiệp báo, sẽ sợ ác nghiệp và hoan hỷ với thiện nghiệp. Chính sự hiểu biết rõ về định lý nghiệp báo, cũng tạo nên tâm nhàm chánh luân hồi sanh tử, cũng như có thái độ điềm đạm hơn đối với những chuyện bất như ý xảy ra trong cuộc sống.

II

CHÁNH KIẾN LÀ ĐỊNH HƯỚNG

Một hành trình tốt đẹp luôn cần định hướng chuẩn xác. Định hướng đó là chánh kiến. Không có chánh kiến thì ngược xuôi trong những nẻo đường lạc lối phí mất thì giờ. Không có chánh kiến thì hành động hiện tại không tương ứng với mục đích hướng tới. Không có chánh kiến thì không làm những lựa chọn đúng đắn trong trường hợp cần quyết định.

Cái nhìn theo hệ luận tứ đế

Hệ luận tứ đế bao gồm: vấn đề, nguyên nhân, giải pháp và phương cách đạt được giải pháp. Nói tổng quát thì là giáo lý khổ, tập, diệt, đạo. Nói theo cách ứng dụng thì phải hiểu căn bệnh mới trị được bệnh; muốn trị bệnh cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh; muốn bệnh thuyên giảm thật sự, thì cần phải nắm rõ ở mức độ nào được xem là hết bệnh; tất nhiên, phải có phương pháp trị liệu hữu hiệu thì cái biết mới hoàn chỉnh. Chìa khoá của pháp học, pháp hành và pháp thành đều y cứ trên tứ đế.

Thái độ thực tiễn

Hiểu biết xác thực chưa đủ để gọi là chánh kiến mà cần có thái độ thực tiễn. Đức Phật cho thí dụ một người bị mũi tên bắn trúng, thì điều thực tiễn nên làm là nhỗ mũi tên và điều trị vết thương. Tất cả những câu hỏi khác như ai bắn, tại sao bắn, cung tên làm bằng gì … trong lúc tánh mạng nguy kịch đều vô nghĩa. Học Phật không mang mục đích thoả mãn như cầu tri thức, mà là tìm ra thái độ hợp tình hợp lý đối với nỗi khổ đau muôn thuở của kiếp nhân sinh.

Tinh thần bất hại qua bốn pháp từ, bi, hỷ, xả

Người Phật tử có chánh kiến, luôn ý thức sự quan trọng của tinh thần bất hại đối với muôn loại chúng sanh. Thiếu tinh thần bất hại sẽ tạo những nghiệp ác. Thiếu tinh thần bất hại sẽ không tu được bốn pháp từ, bi, hỷ, xả. Thiếu tinh thần bất hại được xem như chưa hành theo lời Phật dạy (Kinh Ví Dụ Cái Cưa, Trung Bộ). Cả hai việc tu thập thiện nghiệp và tránh thập ác nghiệp đều y cứ trên tinh thần bất hại.

Sống với thực tại, sống trong hiện tại, sống bằng tâm tự tại

Sống với chánh niệm là chìa khoá quan trọng để an lạc và tinh tiến đối với người con Phật. Người có chánh kiến theo Phật Pháp, luôn thấy được giá trị quan trọng này. Sống chánh niệm là sống với thực tại, sống trong hiện tại, sống bằng tâm tự tại. Sống với thực tại là giảm thiểu ảo tưởng bằng cách quán sát thân tâm như niệm hơi thở, niệm cảm thọ … với sự nắm bắt hiện tượng sanh diệt. Sống trong hiện tại là đặt để sự chú tâm vào những gì đang xảy ra hoặc vừa xảy ra, hơn là truy tìm quá khứ hay mộng ảo tương lai. Sống bằng tâm tự tại là khả năng chấp nhận thực tại với thái độ an nhiên, không phiền não.

Luôn ý thức giá trị của “trung đạo”

Trung đạo là không cực đoan thái quá hay bất cập. Người có chánh kiến luôn ý thức là bản tánh phần đông thường quá độ. Quá thích, quá ghét, quá vui, quá buồn, quá dính mắc, quá lãnh đạm, quá thiên bên phải, quá thiên bên trái. Chính sự ôn hoà, chừng mực, trung dung, phải chăng là điều kiện cần thiết để đi tới và không tạo nên xáo trộn. Không người nào có chánh kiến lại thiếu tinh thần trung đạo. Thái độ cực đoan chỉ đáp ứng cảm xúc bản năng, nhưng hoàn toàn đi ngược lại với sự tỉnh táo của lý trí.

 

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.

Ý kiến bạn đọc