Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Chánh Định

Thứ hai, 11/03/2024, 15:27 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 11.3.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

CHÁNH ĐỊNH

Định lực hay năng lực của sự tập trung, có vai trò quan trọng trong đời sống tu tập. Người bình thường cũng có định lực và có sự sai biệt giữa người này với người khác. Chính khả năng tập trung mang lại sự an trú bền bĩ trên một đối tượng. Sự tập trung có ảnh hưởng lớn tới nghị lực (chánh tinh tấn) và sự tỉnh táo (chánh niệm). Thiếu khả năng tập trung dẫn đến hiện tượng tinh thần phân tán, yếu ớt và vọng động.

Bài kinh dưới đây trích từ Tăng Chi Bộ, Phẩm Bốn Chi, mà trong đó Đức Phật dạy về bốn thứ định của hành giả:

  1.   Định đưa đến hiện tại lạc trú là sự tu tập dẫn đến thành tựu bốn thiền chứng.
  2. Định đưa đến chứng được tri kiến là sự tu tập dẫn đến khả năng dụng tâm.
  3.   Định đưa đến chánh niệm tỉnh giác là định dẫn tới sự bám sát thực tại qua hiện tướng sanh diệt.
  4. Định đưa đến đoạn tận các lậu hoặc qua sự quán triệt bản chất của 5 uẩn.

Aṅguttara Nikāya -V. Phẩm Rohitassa

 4.41. Ðịnh

(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

—Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu tập này. Thế nào là bốn?

Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Có định tu tập, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp bất thiện… chứng đạt và an trú sơ thiền … thiền thứ hai … thiền thứ ba … thiền thứ tư.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý tưởng ánh sáng, an trú tưởng ban ngày, ngày như thế nào thời đêm như vậy, đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có bị bao phủ, tu tập tâm đến chỗ sáng chói.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chứng được tri kiến.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo, thọ khởi lên được rõ biết, thọ an trú được rõ biết, thọ chấm dứt được rõ biết; tưởng khởi lên được rõ biết, tưởng an trú được rõ biết, tưởng chấm dứt được rõ biết; tầm khởi lên được rõ biết, tầm an trú được rõ biết, tầm chấm dứt được rõ biết.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định tu tập, do tu tập, do tàm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán sanh diệt trong năm thủ uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc chấm dứt; đây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng chấm dứt; đây là các hành, đây là các hành tập khởi, đây là các hành chấm dứt; đây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức chấm dứt.

Này các Tỷ-kheo, đây là định tu tập, do tu tập, do làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

Này các Tỷ-kheo, có bốn định tu tập này. Và cũng về vấn đề này, Ta có nói đến trong phẩm về mục đích, trong kinh gọi là “Các câu hỏi của Punnaka”.

Do tư sát, ở đời,

Các sự vật thắng, liệt,

Không vật gì ở đời,

Làm vị ấy dao động.

An tịnh, không mờ mịt,

Không phiền não, không tham,

Ta nói vị ấy vượt,

Qua khỏi sanh và già.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.

Ý kiến bạn đọc