Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Ba Vai Trò Quan Trọng Của Như Lý Tác Ý

Thứ hai, 22/04/2024, 14:02 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 22.4.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

NHƯ LÝ TÁC Ý

 

Đây là một đề tài lớn và quan trọng trong Phật học. Bài viết này, chia thành bốn phần cho lớp học:

  1. Định nghĩa thuật ngữ “yoniso manasikāra”
  2. “Yoniso manasikāra” và nếp sống hiền thiện
  3. “Yoniso manasikāra” và sự huân tu tuệ quán
  4. Ba vai trò quan trọng của “yoniso mamasikāra”

………………….

D. BA VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NHƯ LÝ TÁC Ý

 

Như lý tác ý có nhiều ảnh hưởng tới nội tâm và từ đó, ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống. Chính cái nhìn và thái độ mà Phật học gọi là như lý tác ý đi tiên phong trong hướng đi của mỗi chúng sanh. Điều này có thể nhận ra qua ba vai trò sau đây của “yoniso manasikāra”:

Như lý tác ý dẫn đến đời sống tích cực.

Như lý tác ý song hành với chánh niệm.

Như lý tác ý đảo ngược vòng quay sanh tử.

 

  1. Như lý tác ý dẫn đến đời sống tích cực

Cũng cùng là một hoàn cảnh, một sự việc nhưng với hai cái nhìn khác biệt, tạo nên hai lối sống hoàn toàn tương phản. Bài kinh sau đây là một thí dụ tiêu biểu.

 

(X) (80) Tám Căn Cứ Ðể Biếng Nhác và Tinh Tấn

1. Này các Tỷ-kheo, có tám căn cứ này để biếng nhác. Thế nào là tám?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có việc phải làm, vị ấy nghĩ: "Có việc ta sẽ phải làm. Nhưng nếu ta làm, thời thân sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ nhất.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có việc đã làm. Vị ấy suy nghĩ: "Có việc ta đã làm, do ta đã làm, thân bị mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng tinh tấn để đạt những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ hai.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có con đường Tỷ-kheo cần phải đi. Vị ấy suy nghĩ: "Có con đường ta sẽ phải đi. Nếu ta đi, thời thân sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ ba.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có con đường Tỷ-kheo đã đi. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đã đi con đường. Do ta đã đi con đường, nên thân bị mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ tư.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Nay thân ta mệt mỏi, không có thể chịu đựng. Vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ năm.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Nay thân ta nặng nề, không có thể chịu đựng, nặng nề như loại đậu bị ngâm nước. Vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ sáu.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bị bệnh nhẹ. Vị ấy suy nghĩ: "Nay bệnh nhẹ này khởi lên nơi ta, có lý do để nằm xuống, vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ bảy.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đau bệnh mới khỏi, mới khỏi bệnh không bao lâu, vị ấy suy nghĩ: "Ta đau bệnh mới khỏi, mới khỏi bệnh không bao lâu, thân ta do bệnh bị yếu, không có thể chịu đựng, vậy ta hãy nằm xuống". Vị ấy nằm xuống, không cố gắng ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ tám.

Này các Tỷ-kheo, đây là tám căn cứ biếng nhác.

10. Này các Tỷ-kheo, có tám căn cứ này để siêng năng. Thế nào là tám?

11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có việc phải làm. Vị ấy nghĩ: "Có việc ta sẽ phải làm. Nếu ta làm việc, thời không dễ gì để ta tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Vậy trước hết, ta bắt đầu tinh tấn, để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ nhất.

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã làm một công việc. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đã làm một công việc. Do ta làm công việc, ta đã không có thể tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Vậy trước hết, ta bắt đầu tinh tấn, để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ hai.

13. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có con đường Tỷ-kheo cần phải đi. Vị ấy suy nghĩ: "Ta sẽ cần phải đi con đường. Do ta đi con đường, không dễ gì để ta tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Vậy trước hết, ta bắt đầu tinh tấn ... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ ba.

14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đi con đường. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đã đi con đường. Do ta đã đi con đường, ta đã không có thể nghĩ đến lời dạy của các đức Phật. Vậy ta hãy bắt đầu tinh tấn ... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ tư.

15. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô và loại tế đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô hay loại tế đầy đủ như ý muốn, thân ta (do vậy) được nhẹ nhàng, có thể chịu đựng. Vậy ta hãy bắt đầu tinh tấn ... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ năm.

16. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô và loại tế đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: "Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô hay loại tế đầy đủ như ý muốn. Thân ta có sức mạnh, có thể chịu đựng. Vậy ta hãy bắt đầu tinh tấn ... để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn ... chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ sáu.

17. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bị bệnh nhẹ. Vị ấy suy nghĩ: "Bệnh nhẹ này khởi lên nơi ta. Sự kiện này có xảy ra: bệnh này có thể tăng trưởng nơi ta. Vậy trước hết, ta hãy bắt đầu tinh tấn ... chưa chứng ngộ". Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ bảy.

18. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo mới khỏi bệnh, được khỏi bệnh không bao lâu, vị ấy suy nghĩ: "Ta mới khỏi bệnh, được khỏi bệnh không bao lâu. Sự kiện này có xảy ra: bệnh này của ta có thể trở lại. Vậy trước hết, ta hãy bắt đầu tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ". Vị ấy bắt đầu tinh tấn, để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ tám.

Này các Tỷ-kheo, có tám căn cứ siêng năng này.

(Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu)

Người có như lý tác ý, dù đối mặt với hoàn cảnh thuận hay nghịch đều có thái độ lợi lạc. Hành động bắt đầu với sự lựa chọn mang tính quyết đoán. Chính như lý tác ý tạo nên sự lựa chọn tích cực.

  1. Như lý tác ý song hành với chánh niệm

Ngay cả đối với người đang huân tu chánh niệm hay tu thiền quán, thì để có thể sống với thực tại, sống trong hiện tại và sống tự tại luôn luôn cần có cái nhìn được gọi là như lý tác ý, như được ghi trong Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhaddekaratta sutta) (Trung Bộ III, Kinh số 131)

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển

Biết vậy, nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết,

Trú như vậy nhiệt tâm,

Ðêm ngày không mệt mỏi,

Xứng gọi Nhất Dạ Hiền,

Bậc an tịnh, trầm lặng.

(Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu)

Đoạn kinh: “Ai biết chết ngày mai? Không ai điều đình được với đại quân thần chết. Trú như vậy nhiệt tâm đêm ngày không mệt mỏi” là cái nhìn như lý tác ý, giúp hành giả không xao lãng chánh niệm.

 

  1. Như lý tác ý đảo ngược vòng quay sanh tử

Một mãnh lực khiến chúng sanh luân hồi trong đau khổ là sống theo thói quen hay tập tính. Giáo lý duyên khởi nêu rõ vòng tròn sinh hoá của phiền não, nghiệp, quả và cứ thế tạo thành hành trình sanh tử dài đăng đẳng. Như lý tác ý giúp có cái nhìn khác với thói quen cố hữu, nên được gọi là đảo ngược vòng quay sanh tử (vivaṭṭa).

Kinh Con Ðường (Paṭipadāsuttaṃ)

Nhân duyên ở Sāvatthi.

Này chư tỳ khưu, Ta sẽ giảng cho các Thầy đường dẫn đến sanh khởi thân kiến và đường dẫn đến đoạn diệt thân kiến. Hãy lắng nghe.

— Này chư tỳ khưu, thế nào là đường dẫn đến sanh khởi thân kiến?

Này chư tỳ khưu, ở đây phàm phu không học hiểu, không thành thạo, không tu tập đạo lý của các bậc thánh; không học hiểu, không thành thạo, không tu tập đạo lý của các bậc thiện trí xem sắc là ngã, ngã là sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc.

Vị ấy xem thọ là ngã …

Vị ấy xem tưởng là ngã …

Vị ấy xem hành là ngã …

Vị ấy xem thức là ngã, ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức.

Này chư tỳ khưu, đây là đường dẫn đến sanh khởi thân kiến. Khi được nói đây là đường dẫn đến sanh khởi thân kiến, có nghĩa là con đường đưa tới sanh khởi khổ đau.

— Này chư tỳ khưu, thế nào là đường dẫn đến đoạn diệt thân kiến?

Này chư tỳ khưu, ở đây một thánh đệ tử có học hiểu, thành thạo, tu tập đạo lý của các bậc thánh; học hiểu, thành thạo, tu tập đạo lý của các bậc thiện trí không xem sắc là ngã, ngã là sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc.

Vị ấy không xem thọ là ngã …

Vị ấy không xem tưởng là ngã …

Vị ấy không xem hành là ngã …

Vị ấy không xem thức là ngã, ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức.

Này chư tỳ khưu, đây là đường dẫn đến đoạn diệt thân kiến. Khi được nói đây là đường dẫn đến đoạn diệt thân kiến, có nghĩa là đường dẫn đến đoạn diệt khổ đau.

(Bản dịch của Tỳ khưu Giác Đẳng)

Bài kinh trên đặc biệt nói về sự tương phản giữa bám chấp và buông xả đối với năm uẩn, hay nói về cuộc sống nói chung. Là một cách nói ngắn gọn về sự lẩn quẩn của hành trình sanh tử khổ đau. Muốn vượt thoát phải có cái nhìn đảo ngược với tập tánh chấp ngã vốn đã nuôi dưỡng trong vô lượng kiếp sống.

Như lý tác ý có nhiều vai trò trong sự tác động thiện pháp được tìm thấy trong kinh điển. Ba vai trò nêu lên trong bài học này, chỉ là đơn cử thích hợp cho giáo trình.

 

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn.

 

Ý kiến bạn đọc