Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Những Thứ Hạnh Phúc Vượt Trên Cái Nhìn Thường Tình

Thứ hai, 04/09/2023, 18:34 GMT+7

 Lớp Phật Pháp Buddhadhamma 

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 4.9.2023

 

NHỮNG THỨ HẠNH PHÚC VƯỢT TRÊN CÁI NHÌN THƯỜNG TÌNH

Để có thể hướng tới hạnh phúc tối thượng (paramaṃ sukhaṃ) chúng ta cần hướng tầm nhìn cao hơn quan niệm mang tánh bản năng. Có học hiểu, có tu tập lời Phật dạy mới có thể nhận ra được phần nào những hạnh phúc rất tế nhị nầy.

Cảm nhận sự an lạc và không an lạc.

Người ta thường nhầm lẫn hạnh phúc nhất thời và sự an lạc tự tại. Nếu một người chỉ vui khi có mặt ở bàn tiệc rồi sau đó đi nơi khác thấy không vui thì niềm hạnh phúc vốn có khi ở bàn tiệc là niềm vui tạo thành sự trống vắng sau nầy. Bài kinh sau đây nói về hạnh phúc có thể đo bằng sự không thích thú (anabhirati) mà sự hoan hỷ (abhirati) trong mọi hoàn cảnh:

Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở giữa dân chúng Magadha, tại Nàlalagàmaka. Rồi du sĩ Sàmandakàni đi đến Tôn giả Sàriputta sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Sámandakàni nói với Tôn giả Sàriputta:

—Thưa Hiền giả Sàriputta, trong Pháp và Luật này, thế nào là lạc, thế nào là khổ?

—Không thích ý, này Hiền giả, trong Pháp và Luật này là khổ; thích ý là lạc.

Khi nào không thích ý có mặt, này Hiền giả, chờ đợi là khổ này: Khi đi không được lạc thú, khi đứng… khi ngồi… khi nằm… khi đi đến làng.. khi đi đến rừng… khi đi đến gốc cây… khi đi đến ngôi nhà trống… khi đi đến chỗ lộ thiên… khi đi đến giữa các Tỷ-kheo, không được lạc thú.

Khi nào không thích ý có mặt, này Hiền giả, chờ đợi là khổ này.

Khi nào thích ý có mặt, này Hiền giả, chờ đợi là lạc này: Khi đi được lạc thú; khi đứng… khi ngồi… khi nằm… khi đi đến làng… khi đi đến rừng… khi đi đến gốc cây… khi đi đến ngôi nhà trống… khi đi đến chỗ lộ thiên… khi đi đến giữa các Tỷ-kheo, có được lạc thú.

Khi nào thích ý có mặt, này Hiền giả, chờ đợi là lạc này.

Tăng Chi IV. VII. Phẩm Song Ðôi - Kinh Lạc Và Khổ II. Bản dịch của HT Thích Minh Châu.

Hạnh phúc của nội tâm bất động

Đây là một hạnh phúc rất khó cảm nhận vì phải thực chứng mới có thể hiểu được. Khái niệm về hạnh phúc nầy rất khác với cái nhìn thường thức như được đề cập qua đoạn kinh sau:

--"Chư Hiền Nigantha, nay Ta sẽ hỏi các Ngươi một câu, cũng vấn đề này. Nếu các Ngươi vui lòng, hãy trả lời câu hỏi ấy. Chư Hiền Nigantha, các Ngươi nghĩ thế nào? Vua Magadha Seniya Bimbisara có thể không di động thân thể, không nói lên một tiếng, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn bảy ngày bảy đêm có được không?

--"Này Hiền giả, không thể được.

--"Chư Hiền Nigantha, các Ngươi nghĩ thế nào? Vua Magadha Seniya Bimbisara có thể không di động thân thể, không nói lên một tiếng, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn sáu ngày sáu đêm, luôn năm ngày năm đêm, luôn bốn ngày bốn đêm, luôn ba ngày ba đêm, luôn hai ngày hai đêm, luôn một ngày một đêm không?

--"Này Hiền giả, không thể được.

--"Chư Hiền Nigantha, Ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong một ngày một đêm. Chư Hiền Nigantha, Ta có thể không di động thân thể , không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong hai ngày hai đêm, luôn trong ba ngày ba đêm, luôn trong bốn ngày bốn đêm, luôn trong năm ngày năm đêm, luôn trong sáu ngày sáu đêm, luôn trong bảy ngày bảy đêm. Chư Hiền Nigantha, các Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, ai sống hạnh phúc hơn, vua Magadha Seniya Bimbisara hay Ta?

--"Sự kiện là như vậy, Tôn giả Gotama sống hạnh phúc hơn vua Magadha Seniya Bimbisara."

Trung Bộ. Kinh số14. Tiểu kinh Khổ uẩn (Cūladukkhakkhanda sutta) . Bản dịch của HT Thích Minh Châu.

Hạnh phúc vượt lên cảm thọ

Hạnh phúc có điều kiện là hạnh phúc không chắc thật. Một điểm rất khó lãnh hội trong Phật Pháp khi nói về hạnh phúc là có hai thức hạnh phúc: hạnh phúc do cảm thọ (vedayitasukha) và hạnh phúc không có cảm thọ (avedayitasukha).

Hạnh phúc do cảm thọ tuỳ thuộc ở xúc (phassa). Xúc tuỳ thuộc ở lục nhập (salayatana). Và do những lệ thuộc nên hạnh phúc luôn dao động. Dưới đây là một đoạn kinh nói về thứ hạnh phúc vượt lên trên cảm thọ.

Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống một mình, Thiền tịnh, tâm tư như sau được khởi lên: “Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ”. Ba thọ này được Thế Tôn thuyết dạy. Nhưng Thế Tôn lại nói: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ”. Do liên hệ đến cái gì, lời nói này được Thế Tôn nói lên: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ”?

—Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Này Tỷ-kheo, Ta nói rằng có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Ta nói đến. Nhưng này Tỷ-kheo, Ta lại nói: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ”. Chính vì liên hệ đến tánh vô thường của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ”. Chính vì liên hệ đến tánh đoạn tận, tánh tiêu vong, tánh ly tham, tánh đoạn diệt, tánh biến hoại của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ”.

Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt các hành là tuần tự: khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được đoạn diệt; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được đoạn diệt; khi chứng Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tịnh chỉ các hành là tuần tự; khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được tịnh chỉ; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được tịnh chỉ … khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được tịnh chỉ. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.

Này các Tỷ-kheo, có sáu khinh an này, khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được khinh an; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được khinh an; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được khinh an; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được khinh an; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được khinh an; khi chứng Thức vô biên xứ, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Vô sở hữu xứ, Thức vô biên xứ tưởng được khinh an; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng được khinh an; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.

Tương Ưng Bộ V. Chương 36: Tương Ưng Thọ . Phần Hai . Phẩm

Sống Một Mình . Kinh Sống Một Mình . Bản dịch của HT Thích Minh Châu.

Vài ví dụ để hiểu thứ hạnh phúc khó cảm nhận

Sau đây là một số thí dụ nói về hạnh phúc trong các tầng thiền. Qua những mô tả nầy hạnh phúc không trọn vẹn nếu còn bị chi phối bởi năm pháp ngăn ngại (nīvaraṇa): tham dục (kāmachanda), , sân hận (byāpāda), hôn thụy (thīna-middha), trạo hối (uddhacca-kukkucca), và nghi hoặc (vicikiccchā).

  1. Một người thiếu nợ sau đó có tiền trả hết nợ và còn dư một số để chi tiêu cho bản thân và gia đình nên rất hạnh phúc.
  2. Một người bị bệnh đau đớn rã rời sau đó trị dứt bệnh và hồi phục hoàn toàn.
  3. Một người bị giam trong tù sau đó được phóng thích.
  4. Một người nô lệ được trao trả tự do có thể đi bất cứ nơi đâu và làm những gì mình muốn.
  5. Một thương buôn với nhiều vàng bạc quý giá đến được chốn bình an sau hành trình dài nguy hiểm

Những hạnh phúc đó có thật và to lớn nhưng nếu không trãi qua hay suy gẫm kỹ thì khó cẩm nhận.

Mặc dù thiền định tạo nên những hạnh phúc vững chắc nhưng cũng rất tương đối với một số điểm như:

  1. Các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới vẫn có thể nằm trong cương toả của vô minh và ái dục (như giải thích về bất động hành (…)) (Tăng Chi Bộ IV. 430)
  2. Mỗi tầng thiền đều có giới hạn nhất định (sambādha) (Tăng Chi Bộ IV. 449)
  3. Thiền chứng vẫn có thể là cảnh của ái (taṇhā) và thủ (upādāna)
  4. Thiền chứng sắc giới và vô sắc giới không viên mãn vẫn có tầng cao hơn. (Trung Bộ II. 255)
  5. Thiền chứng thuộc pháp hữu vi, do tâm ý tác thành. Có sanh có diệt. (Tăng Chi Bộ V. 343)
      

Ý kiến bạn đọc