Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || YÊU THÍCH VÀ THAM CẦU - Kinh Đoạn Diệt Vui Thích (Nandikkhayasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || YÊU THÍCH VÀ THAM CẦU - Kinh Đoạn Diệt Vui Thích (Nandikkhayasuttaṃ)

Sunday, 28/04/2024, 14:38 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 27.4.2024

YÊU THÍCH VÀ THAM CẦU

Kinh Đoạn Diệt Vui Thích (Nandikkhayasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần I-Phẩm Chính Mình Là Hải Đảo (S,iii,51)

Sự nhận thức xác thực về vô thường nếu đi với niệm và định, có hiệu ứng quan trọng đối với người tu tập. Khi thấy với sự tỉnh giác và thấy liên tục (tức là với định và niệm), dần dà khiến hành giả không còn ảo tưởng, bám chấp vào những đối tượng vốn là thị dục. Khi tâm không vướng mắc, thì đạt tới trạng thái rỗng rang. Những thuật ngữ quán vô thường, chánh kiến, ly hỷ, ly tham ở đây không mang ý nghĩa xa rộng, mà là những tác động tâm lý đậm đặc, mạnh mẽ và xác quyết đối với một hành giả.

Kinh văn

Sāvatthinidānaṃ.

“Aniccaññeva, bhikkhave, bhikkhu rūpaṃ aniccanti passati. Sāssa hoti sammādiṭṭhi. Sammā passaṃ nibbindati. Nandikkhayā rāgakkhayo, rāgakkhayā nandikkhayo. Nandirāgakkhayā cittaṃ vimuttaṃ suvimuttanti vuccati.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Này chư Tỳ khưu, một người tu tập thấy sắc vô thường đúng là vô thường, đó là chánh kiến của vị ấy. Thấy đúng như vậy, vị ấy nhàm chán. Sự vui thích đoạn diệt nên ham muốn được đoạn diệt. Do ham muốn đoạn diệt nên vui thích đoạn diệt. Do vui thích và ham muốn đoạn diệt, tâm được giải thoát. Vị ấy được gọi là vị đã khéo giải thoát.

Aniccaññeva, bhikkhave, bhikkhu vedanaṃ aniccanti passati. Sāssa hoti sammādiṭṭhi. Sammā passaṃ nibbindati. Nandikkhayā rāgakkhayo, rāgakkhayā nandikkhayo. Nandirāgakkhayā cittaṃ vimuttaṃ suvimuttanti vuccati.

Aniccaññeva, bhikkhave, bhikkhu saññaṃ aniccanti passati …pe…

anicceyeva bhikkhave, bhikkhu saṅkhāre aniccāti passati. Sāssa hoti sammādiṭṭhi. Sammā passaṃ nibbindati. Nandikkhayā rāgakkhayo, rāgakkhayā nandikkhayo. Nandirāgakkhayā cittaṃ vimuttaṃ suvimuttanti vuccati.

Aniccaññeva, bhikkhave, bhikkhu viññāṇaṃ aniccanti passati. Sāssa hoti sammādiṭṭhi. Sammā passaṃ nibbindati. Nandikkhayā rāgakkhayo, rāgakkhayā nandikkhayo. Nandirāgakkhayā cittaṃ vimuttaṃ suvimuttanti vuccatī”ti.

… khi một người tu tập thấy thọ vô thường …

… khi một người tu tập thấy tưởng vô thường …

… khi một người tu tập thấy hành vô thường …

Này chư Tỳ khưu, một người tu tập thấy thức vô thường đúng là vô thường, đó là chánh kiến của vị ấy. Thấy đúng như vậy, vị ấy nhàm chán. Sự vui thích đoạn diệt nên ham muốn được đoạn diệt. Do ham muốn đoạn diệt nên vui thích đoạn diệt. Do vui thích và ham muốn đoạn diệt, tâm được giải thoát. Vị ấy được gọi là vị đã khéo giải thoát.

 

 

Chú Thích

Chữ “bhikkhu” thường được âm là tỳ khưu, trong nhiều trường hợp chỉ cho người xuất gia đã thọ đại giới. Nhưng cũng có một số trường hợp chỉ cho hành giả. Ở đây chọn chữ “người tu tập” để mang ý nghĩa rộng hơn.

Câu “Aniccaññeva, bhikkhave, bhikkhu rūpaṃ aniccanti passati – Này chư Tỳ khưu, một người tu tập thấy sắc vô thường đúng là vô thường” nên hiểu trong văn phong có điểm nhấn về sự xác định mạnh của cái nhìn.

Chữ “sammādiṭṭhi – chánh kiến” ở đây gói gọn trong ý nghĩa “cái nhìn xác thực” khi quán chiếu tu tập.

Chữ “nibbindati” - thường được dịch là nhàm chán hay yểm ly, ở đây, mang ý nghĩa tích cực như một người nhận ra được có căn nhà quá lớn, nên vui hưởng thì ít mà mệt nhọc chăm sóc thì nhiều, nên không tha thiết có căn nhà. Không nên hiểu nhàm chán theo tiêu cực.

Chữ “nandi - thường được dịch là hỷ”, ở đây, chỉ cho tâm trạng yêu thích, ưa thích, sung sướng như một người thích chơi đá gà, khi thấy những con gà chọi khoẻ khoắn sanh tâm thích thú.

Chữ “rāga - chỉ cho dục vọng, hay sự ham muốn” có cường độ mạnh hơn là sự thích thú bình thường.

Chữ “khaya – là đoạn tận, đoạn diệt”. Bản dịch chọn chữ “đoạn diệt” vì có thể là sự dập tắt sự ưa thích, ham muốn đối với riêng cảnh nào đó, chứ không hẳn đoạn tận hoàn toàn như sự tận diệt kiết sử khi đắc chứng đạo quả. Bản Hậu Sớ Giải, nêu lên cả hai trường hợp chế ngự nhất thời và đoạn diệt kiết sử (hay đắc hứng đạo quả), với tâm giải thoát khỏi ràng buộc của hỷ tham.

Theo Sớ Giải, thì câu “Nandikkhayā rāgakkhayo, rāgakkhayā nandikkhayo -Sự vui thích đoạn diệt nên ham muốn được đoạn diệt. Do ham muốn đoạn diệt nên vui thích đoạn diệt”, hàm nghĩa sự đoạn diệt hỷ và tham (hay ưa thích và ham muốn), mang tính liên đới đồng đẳng. Cái này sanh thì cái kia sanh, cái kia sanh thì cái này sanh. Cái này diệt thì cái kia diệt, cái kia diệt thì cái này diệt. Nói cách khác đây là cặp bài trùng song hành, không hẳn thứ lớp trước sau. Trong lúc Hậu Sớ Giải, thì chú thích câu “tham diệt khiến hỷ diệt là đạo (magga); và hỷ diệt nên tham diệt là quả (phala). Nhiều đoạn kinh văn cho thấy sự đoạn diệt ưa thích và ham muốn, được đề cập trong bối cảnh tu tập hằng ngày, chứ không hẳn nói về đắc đạo chứng quả.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Sớ giải kinh Nandikkhayasuttaṃ

51-52. navamadasamesu nandikkhayā rāgakkhayo, rāgakkhayā nandikkhayoti idaṃ nandīti vā rāgoti vā imesaṃ atthato ninnānākaraṇatāya vuttaṃ. nibbidānupassanāya vā nibbindanto nandiṃ pajahati, virāgānupassanāya virajjanto rāgaṃ pajahati. ettāvatā vipassanaṃ niṭṭhapetvā “rāgakkhayā nandikkhayo”ti idha maggaṃ dassetvā “nandirāgakkhayā cittaṃ vimuttan”ti phalaṃ dassitanti. navamadasamāni.