Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA VÔ NGÃ -  Kinh Ghosita (Ghositasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA VÔ NGÃ - Kinh Ghosita (Ghositasuttaṃ)

Friday, 09/05/2025, 21:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 8.5.2025

128. Kinh Soa

Một thuở, Đức Thế Tôn đang ngự ở Rājagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, khu Vườn Sóc. Bấy giờ, Soṇa, con trai của một vị trưởng giả, đến gặp bậc Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên và thưa rằng…

(Phần nội dung tiếp theo giống với Kinh số 118)

Ý NGHĨA CĂN BẢN CỦA VÔ NGÃ

 Kinh Ghosita (Ghositasuttaṃ)

Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Gia Chủ (SN.35.128)

A person in orange robe sitting in a forest

AI-generated content may be incorrect.

Theo Phật Pháp, sự tồn tại của tất cả pháp hữu vi đều kết hợp nhiều thành tố. Ngay cả một sát na tâm cũng bao gồm căn, cảnh, thức. Giống như người đời quan niệm, bữa ăn ngon không phải chỉ có thức ăn ngon mà còn có cách ăn và người cùng ăn… Bởi vì cuộc sống luôn là sự kết cấu của nhiều nguyên tố, nên không có sự tồn tại độc lập, cá biệt. Đó là ý nghĩa căn bản của vô ngã.

KINH VĂN


Ekaṃ samayaṃ āyasmā ānando kosambiyaṃ viharati ghositārāme. Atha kho ghosito gahapati yenāyasmā ānando tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā āyasmantaṃ ānandaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho ghosito gahapati āyasmantaṃ ānandaṃ etadavoca:
“‘Dhātunānattaṃ dhātunānattan’ti, bhante ānanda, vuccati. Kittāvatā nu kho, bhante, dhātunānattaṃ vuttaṃ bhagavatā”ti?

Một thuở, Tôn giả Ānanda trú tại Kosambī, trong lâm viên của cư sĩ Ghosita. Bấy giờ, cư sĩ Ghosita đến đảnh lễ Tôn giả Ānanda, rồi ngồi xuống một bên và thưa rằng:

“Bạch Tôn giả Ānanda, có lời được nói rằng: ‘Sự đa dạng của các giới, sự đa dạng của các giới.’ Vậy bạch Tôn giả, Đức Thế Tôn đã giảng về sự đa dạng của các giới như thế nào?”

“Santi, gahapati, cakkhudhātu, santi rūpā iṭṭhā kantā manāpā, santi cakkhuviññāṇaṃ; santi phasso paṭiccasamuppanno, santi vedanā sukhā uppajjati. Santi rūpā aniṭṭhā akantā amanāpā … dukkha vedanā uppajjati.
Santi rūpā neva iṭṭhā nāniṭṭhā … adukkhamasukhā vedanā uppajjati.

“Này cư sĩ, có nhãn giới (mắt), có các sắc khả ái, có nhãn thức; dựa vào xúc phát sinh từ các yếu tố này, sẽ có cảm thọ lạc khởi lên. Có các sắc khả ố, cũng như vậy, cảm thọ khổ khởi lên. Có các sắc bất khổ bất lạc, thì cảm thọ bất khổ bất lạc khởi lên.

Soti, gahapati, sotadhātu, santi saddā iṭṭhā … pe …
ghānadhātu … pe …
jivhādhātu … pe …
kāyadhātu … pe …
manodhātu, santi dhammā iṭṭhā … santi manoviññāṇaṃ … phasso … vedanā sukhā uppajjati … dukkha vedanā … adukkhamasukhā vedanā uppajjati.

Này cư sĩ, cũng như vậy đối với:

Nhĩ giới (tai) và âm thanh…

Tỷ giới (mũi) và mùi…

Thiệt giới (lưỡi) và vị…

Thân giới (thân) và xúc chạm…

Ý giới và các pháp khả ái, có ý thức; dựa vào xúc phát sinh từ các yếu tố này, sẽ có cảm thọ lạc khởi lên. Có các pháp khả ố, cũng như vậy, cảm thọ khổ khởi lên. Có các pháp bất khổ bất lạc, thì cảm thọ bất khổ bất lạc khởi lên.

Evametaṃ, gahapati, dhātunānattaṃ vuttaṃ bhagavatā”ti.

“Này cư sĩ, chính theo cách ấy mà bậc Thế Tôn đã giảng về sự đa dạng của các giới.”

CHÚ THÍCH

Chữ dhātu thường được dịch trong Hán Việt là “giới” như “mười tám giới” có nghĩa là những nguyên tố, thành tố. Tất cả hiện tượng hữu vi đều là sự cộng sinh của nhiều nguyên tố. Không có sự tồn tại đơn lẻ cá biệt duy nhất. Chữ dhātunānatta chỉ cho sự đa dạng hàm ý là kết hợp nhiều thành tố. Hoà thượng Thích Minh Châu dịch là sai biệt. Ngài Bodhi trong bản Anh ngữ dịch là diversity.

Bản Sớ giải chú thích theo Thắng Pháp Abhidhamma đưa ra con số 23 giới. Thông thường chỉ nói về 18 giới bao gồm sáu căn, sáu cảnh, sáu thức. Nhưng ở đây, nói về giới qua sáu môn. Nhãn môn có bốn bao gồm nhãn căn, cảnh sắc, nhãn thức và những “pháp giới” liên hệ tức thọ, tưởng, hành. Như vậy tính là 4. Năm giác quan đầu tổng cộng là 20. Riêng ý môn có 3 là ý giới, cảnh pháp và ý thức giới. Sắc ý vật không được tính ở đây (…)

Trong tiến trình tâm thức (cittavīthi), phân đoạn ngũ song thức nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức chỉ có thọ xã. Thân thức có thọ lạc và thọ khổ. Nhưng giai đoạn này rất sơ khởi và muội lược. Những cảm thọ khổ, lạc, xả đáng kể phải ở giai đoạn xử lý (javana – cũng gọi là đổng tốc).

Ghosaka là một phú gia nổi tiếng của kinh đô Kosambī. Ghosaka được sinh ra từ một kỹ nữ ở Kosambī, bị vứt bỏ trên đống rác ngay sau khi chào đời. Một người qua đường thấy thương, bèn đem về nuôi. Lúc đó, vị quan khố quốc gia (setthi) của thành Kosambī, sau khi được một nhà chiêm tinh cho biết một đứa trẻ cực kỳ may mắn đã được sinh ra, liền đi tìm và nhận nuôi Ghosaka.

Ít ngày sau, vợ vị trưởng giả hạ sinh con trai ruột, nên ông ta muốn giết Ghosaka để con mình được thừa kế tài sản. Kế hoạch đầu tiên nhờ một nữ nô lệ tên Kālī giết cậu bé nhưng thất bại. Ông hối lộ một người thợ gốm 1.000 đồng để giết Ghosaka. Tuy nhiên, trên đường đến chỗ thợ gốm, Ghosaka nhường cho người em nuôi đi thay mình để đổi lấy một chiến thắng trong trò chơi. Em nuôi bị giết oan. Không từ bỏ ý định, ông gửi Ghosaka đến một vị tổng quản 100 làng cùng một bức thư mật gắn vào áo yêu cầu thủ tiêu cậu. Trên đường đi, Ghosaka ghé nhà một trưởng làng, con gái ông này đem lòng yêu mến chàng trai. Cô gái phát hiện bức thư và thay bằng thư khác, nói rằng Ghosaka nên được cưới cô với lễ cưới trọng thể và xây cho họ một ngôi nhà hai tầng.

Mọi việc đều diễn ra như lá thư giả. Khi nghe tin này, vị trưởng giả đổ bệnh nặng. Trên giường bệnh, ông cố nói: “Ta không để lại tài sản cho nó”, nhưng lỡ lời lại nói: “Ta để lại”, khiến Ghosaka nghiễm nhiên thừa kế gia sản.

Ghosaka trở thành một vị cư sĩ thuần thành quy ngưỡng Phật Pháp và được vua Udena phong làm thủ khố. Sau này, ông gặp Sāmavatī, con gái người bạn thân Bhaddavatiya, nhận cô làm con nuôi và gả cho vua Udena.

Trong một tiền kiếp, Ghosaka là một người nghèo ở vương quốc Addila, vì khốn khổ nên đã vứt bỏ đứa con nhỏ giữa đường vì quá nặng, nhưng sau lại quay lại cứu con do lời nài nỉ của vợ. Chính hành động bỏ con đó mà đời này ông bị bỏ rơi sau sinh. Sau đó ông tái sinh làm chó, rồi thành chư thiên Ghosaka-devaputta.

Cùng với Kukkuta và Pavāriya, Ghosaka đã cúng dường 500 vị sa môn từ Himalaya trong nhiều năm liền. Khi biết tin Đức Phật xuất hiện ở Sāvatthī, ông cùng các vị kia đến yết kiến Đức Phật, nghe pháp và chứng quả Nhập lưu (Sotāpanna). Sau đó, họ thỉnh Đức Phật đến Kosambī và xây tinh xá cúng dường. Ghosaka xây Ghositārāma, trở thành một trong những tinh xá nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Ghosaka được xem là người có năng lực phước báu (puññiddhi) — dù bị đâm bảy nhát cũng không thể chết (BuA.24).

SỚ GIẢI

129. chaṭṭhe rūpā ca manāpāti rūpā ca manāpā savijjanti. cakkhuviññāañcāti cakkhuviññāañca savijjati. sukhavedaniya phassanti cakkhuviññāasampayutta upanissayavasena javanakāle sukhavedanāya paccayabhūta phassa. sukhā vedanāti eka phassa paicca javanavasena sukhavedanā uppajjati. sesapadesupi eseva nayo. iti imasmi sutte tevīsati dhātuyo kathitā. katha? ettha hi cakkhupasādo cakkhudhātu, tassa ārammaa rūpadhātu, cakkhuviññāa viññāadhātu, cakkhuviññāadhātuyā sahajātā tayo khandhā dhammadhātu, eva pañcasu dvāresu catunna catunna vasena vīsati. manodvāre “manodhātū”ti āvajjanacitta gahita, ārammaañceva hadayavatthu ca dhammadhātu, vatthunissita manoviññāadhātūti eva tevīsati honti. eva tevīsatiyā dhātūna vasena dhātunānatta vutta bhagavatāti dasseti.

Ở bài kinh thứ sáu:

Các sắc khả ái tồn tại” — nghĩa là: các sắc khả ái thật sự hiện hữu.

Cũng có nhãn thức” — nghĩa là: nhãn thức cũng hiện hữu cùng với sắc và nhãn căn.

Xúc đưa đến cảm thọ lạc” — là xúc sanh khởi cùng nhãn thức, đóng vai trò duyên hỗ trợ (upanissaya) trong phân đoạn tâm xử lý (javana), là duyên cho sự sanh khởi của lạc thọ.

Lạc thọ sanh khởi” — tức là, dựa trên một xúc cụ thể, lạc thọ sanh lên trong phân đoạn tâm xử lý.

Như vậy, trong bài kinh này, 23 giới (tevīsati dhātu) đã được nói đến. Làm sao vậy?

  • Sắc thần kinh nhãn là nhãn căn.
  • Đối tượng của nó là sắc giới.
  • Nhãn thức là nhãn thức giới.
  • Ba uẩn cùng sanh với nhãn thức là pháp giới.

Những đoạn còn lại của bài kinh cũng nên được hiểu theo phương pháp phân tích tương tự. Cứ mỗi môn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) có 4 giới, thành ra 5 × 4 = 20 giới.

Tại ý môn (manodvāra):

Tâm khán ý môn được gọi là ý giới.

Đối tượng ý vật (hadayavatthu) là pháp giới.

Tâm ý thức (manoviññāṇa) nương nơi ý vật cũng là một giới.

Tổng cộng là 3 giới ở ý môn.

Cộng lại: 20 (ngũ môn) + 3 (ý môn) = 23 giới.

Do đó, bậc Thế Tôn đã dạy về sự đa dạng của các giới (dhātunānatta) theo cách này.

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

129. VI. Ghosita (S.iv,113)

1) Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita.

2) Rồi gia chủ Ghosita đi đến Tôn giả Ananda...

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Ghosita thưa với Tôn giả Ananda:

-- "Sai biệt về giới, sai biệt về giới", thưa Tôn giả Ananda, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói đến sai biệt về giới?

4) -- Này Gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc khả ý và nhãn thức cùng khởi lên; do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Này Gia chủ, khi nào nhãn giới, sắc không khả ý và nhãn thức cùng khởi lên; do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Này Gia chủ, khi nào nhãn giới sắc trú xả và nhãn thức cùng khởi lên; do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.

5) Này Gia chủ, khi nào nhĩ giới...

6) Này Gia chủ, khi nào tỷ giới...

7) Này Gia chủ, khi nào thiệt giới...

8) Này Gia chủ, khi nào thân giới...

9) Này Gia chủ, khi nào ý giới, pháp khả ý và ý thức cùng khởi lên; do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Này Gia chủ, khi nào ý giới... pháp không khả ý và ý thức cùng khởi lên; do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Này Gia chủ, khi nào ý giới, pháp giới trú xả và ý thức cùng khởi lên; do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.

10) Cho đến như vậy, này Gia chủ, Thế Tôn đã nói đến về sai biệt các giới.