- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA
Bài học ngày 08.10.2024
VƯƠNG MANG LÀ CHÚNG HỮU TÌNH
Kinh Hữu Tình (sattasuttaṃ)
Tập III – Uẩn
Chương II. Tương Ưng Rādha - Phẩm Thứ Nhất (S,iii,161)
Một đặc điểm của chúng sanh trong đời là tham luyến vào các uẩn. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vốn phù du giả hợp. Đức Phật dạy sự tham luyến của chúng sanh đối với năm uẩn như trẻ con vui thích xây nhà bằng cát. Đồ chơi tồn tại nhất thời mà sự vui chơi cũng nhất thời. Vấn đề là khi đang vui chơi thì trân quý như tài sản giá trị lớn, có khi đánh nhau để dành giựt. Khao khát cái phù ảo là nguyên nhân sanh khổ. Ái tận là diệt khổ.
Kinh văn
161. sāvatthinidānaṃ. ekamantaṃ nisinno kho āyasmā rādho bhagavantaṃ etadavoca — “‘satto, satto’ti, bhante, vuccati. kittāvatā nu kho, bhante, sattoti vuccatī”ti? “rūpe kho, rādha, yo chando yo rāgo yā nandī yā taṇhā, tatra satto, tatra visatto, tasmā sattoti vuccati. vedanāya... saññāya... saṅkhāresu... viññāṇe yo chando yo rāgo yā nandī yā taṇhā, tatra satto, tatra visatto, tasmā sattoti vuccati”.
“seyyathāpi, rādha, kumārakā vā kumārikāyo vā paṃsvāgārakehi kīḷanti. yāvakīvañca tesu paṃsvāgārakesu avigatarāgā honti avigatacchandā avigatapemā avigatapipāsā avigatapariḷāhā avigatataṇhā, tāva tāni paṃsvāgārakāni allīyanti keḷāyanti dhanāyanti mamāyanti. yato ca kho, rādha, kumārakā vā kumārikāyo vā tesu paṃsvāgārakesu vigatarāgā honti vigatacchandā vigatapemā vigatapipāsā vigatapariḷāhā vigatataṇhā, atha kho tāni paṃsvāgārakāni hatthehi ca pādehi ca vikiranti vidhamanti viddhaṃsenti vikīḷaniyaṃ karonti. evameva kho, rādha, tumhepi rūpaṃ vikiratha vidhamatha viddhaṃsetha vikīḷaniyaṃ karotha taṇhākkhayāya paṭipajjatha. vedanaṃ vikiratha vidhamatha viddhaṃsetha vikīḷaniyaṃ karotha taṇhākkhayāya paṭipajjatha. saññaṃ... saṅkhāre vikiratha vidhamatha viddhaṃsetha vikīḷaniyaṃ karotha taṇhākkhayāya paṭipajjatha. viññāṇaṃ vikiratha vidhamatha viddhaṃsetha vikīḷaniyaṃ karotha taṇhākkhayāya paṭipajjatha. taṇhākkhayo hi, rādha, nibbānan”ti. dutiyaṃ.
Nhân duyên ở Sāvatthi.
Ngồi một bên, Tôn giả Rādha thưa với Đức Thế Tôn: "Bạch Đức Thế Tôn, người ta thường nói ‘một hữu tình, một hữu tình.’ Bạch Đức Thế Tôn, như thế nào thì được gọi là một hữu tình?"
“Này Rādha, một chúng sanh bị vướng mắc, bị trói chặt vào ham, muốn, yêu thích, đam mê và khao khát đối với sắc; do vậy gọi là một hữu tình. Một chúng sanh bị vướng mắc, bị trói chặt vào ham, muốn, yêu thích, đam mê và khao khát đối với thọ ... đối với tưởng ... đối với hành ... đối với thức; do vậy, người ấy được gọi là một hữu tình.
Này Rādha, ví như có những bé trai hoặc bé gái đang chơi xây lâu đài bằng cát. Chừng nào mà chúng còn chưa dứt bỏ ham, muốn, yêu thích, đam mê và khao khát đối với những lâu đài cát đó thì chúng còn thích thú chúng, vui chơi với chúng, xem trọng chúng và coi chúng như tài sản của mình. Nhưng khi những bé trai hoặc bé gái đó không còn ham, muốn, yêu thích, đam mê và khao khát đối với những lâu đài cát đó, chúng sẽ dùng tay chân phá bỏ những lâu đài đó, đập tan chúng, phá vỡ chúng và không còn chơi với chúng nữa.
Cũng như vậy, này Rādha, hãy phá bỏ, đập vỡ, dẹp tan, không ham vui với sắc nữa; hãy tu tập đoạn diệt ái chấp. Phá tan … thọ … Phá tan … tưởng ... Phá tan … hành ... Phá tan … thức, hãy tu tập đoạn diệt ái chấp.
Này Rādha, ái tận chính là Niết Bàn.”
Chú thích
Trên phương diện dịch thuật, thì những dịch giả từ xưa tới nay dịch chữ “satta” mang tính cách chơi chữ. Cách thứ nhất là dịch theo giải thích tương đương giữa Sankrit và Pāli. Theo cách này thuật ngữ “satta” đồng nghĩa với “satva” (tát đoả) dịch là chúng sanh hay loài có thức tánh. Cách thứ hai là giải thích theo văn phạm, theo cách này thì “satta” là quá khứ phân từ của “sajjati” nghĩa là vướng mắc nên dịch là loài hữu tình.
Bản dịch này chọn chữ “hữu tình” y cứ theo lời Phật định nghĩa trong bài kinh. (Bản Anh ngữ của ngài Bodhi chọn chữ “being – chúng sanh” thay vì “sentient being - hữu tình” như một số học giả khác)
Chúng sanh hay chúng hữu tình đều là số nhiều nhưng thường dùng trong tiếng Việt cả hai số ít và số nhiều. (Cũng như trường hợp chữ “chư thiên”)
Chữ “dhanāyanti” theo bản chú giải là "dhanam viya maññanti" được hiểu là "chúng nghĩ về nó như tài sản của mình."
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.
Dưới đây là bản Việt dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu
Chương 23: Tương Ưng Rādha. I: Phẩm Thứ Nhất
23.2. Chúng Sanh
Nhân duyên ở Sāvatthi …
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Rādha bạch Thế Tôn:
: “Chúng sanh, chúng sanh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là chúng sanh?
—Này Rādha, dục nào (chanda), tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh (sattà).
… thọ … tưởng … các hành …
Dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với thức, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh.
Ví như, này Rādha, các đứa con trai hay các đứa con gái chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với những nhà bằng đất ấy, lòng tham chưa thoát ly, lòng dục chưa thoát ly, lòng ái chưa thoát ly, lòng khát chưa thoát ly, lòng nhiệt tình chưa thoát ly, lòng khát ái chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa, và đắm trước những nhà bằng đất ấy.
Nhưng khi nào các đứa con trai hay các đứa con gái ấy đối với những nhà bằng đất kia, lòng tham đã thoát ly, lòng dục đã thoát ly, lòng ái đã thoát ly, lòng khát đã thoát ly, lòng nhiệt tình đã thoát ly, lòng khát ái đã thoát ly, thời với tay và với chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.
Cũng vậy, này Rādha, Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với sắc, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với sắc.
… thọ … tưởng … các hành …
… Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập và không chơi với thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với thức.
Ðoạn diệt khát ái, này Rādha, là Niết-bàn.
161-169. dutiye satto sattoti laggapucchā. tatra satto tatra visattoti tatra laggo tatra vilaggo. paṃsvāgārakehīti paṃsugharakehi. keḷāyantīti kīḷanti. dhanāyantīti dhanaṃ viya maññanti. mamāyantīti “mama idaṃ, mama idan”ti mamattaṃ karonti, aññassa phusitumpi na denti. vikīḷaniyaṃ karontīti “niṭṭhitā kīḷā”ti te bhindamānā kīḷāvigamaṃ karonti. tatiye bhavanettīti bhavarajju. catutthaṃ uttānameva. pañcamādīsu catūsu cattāri saccāni kathitāni, dvīsu kilesappahānanti. dutiyādīni.
161-169. Trong bài kinh thứ hai, câu hỏi "satto sattoti" có nghĩa là sự dính mắc. Ở đây, "satto" nghĩa là sự dính mắc và "visatto" nghĩa là sự thoát ly khỏi sự dính mắc. "Paṃsvāgārakehi" nghĩa là những lâu đài cát. "Keḷāyantī" có nghĩa là đang chơi đùa. "Dhanāyantī" có nghĩa là chúng tưởng rằng đó là tài sản của mình. "Mamāyantī" nghĩa là "Đây là của ta" tức là chúng tạo ra ý niệm sở hữu và không cho người khác chạm vào. "Vikīḷaniyaṃ karontī" nghĩa là chúng phá bỏ những lâu đài cát, kết thúc trò chơi với ý niệm "Trò chơi đã hoàn thành."
Trong bài kinh thứ ba, "bhavanettī" nghĩa là sợi dây trói buộc vào sự hiện hữu (bhava). Bài kinh thứ tư được giải thích rõ ràng. Trong các bài kinh thứ năm và các bài tiếp theo, bốn chân lý (Tứ Diệu Đế) được thuyết giảng và trong hai bài kinh cuối cùng, đoạn trừ các phiền não được đề cập.
"Dutiyādīni" chỉ các bài kinh tiếp theo từ bài thứ hai trở đi.