Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM - Kinh Vướng Mắc (Upayasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM - Kinh Vướng Mắc (Upayasuttaṃ)

Thursday, 02/05/2024, 17:09 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 1.5.2024

ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM

Kinh Vướng Mắc (Upayasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Vướng Mắc (S,iii,53)

Giống như thảo mộc sống nhờ phân đất, thổ nhưỡng, nhưng cũng bị giới hạn bởi những điều đó. Tâm thức là biết cảnh. Sự bám chấp cảnh đóng khung tâm thức. “Tâm vốn có tự tánh chói sáng” là năng tri nhưng bị vướng mắc đối với sắc, thọ, tưởng, hành nên ô nhiễm. Khi tâm không vướng mắc sở duyên thì chứng ngộ niết bàn. Giữa cái hạn cuộc và cái vô cùng, chỉ khác ở đường tơ kẻ tóc là có tham luyến hay không. Có ai đi lại giữa cuộc đời này với gồng gánh trên vai mà tự tại?

Kinh văn

Sāvatthinidānaṃ.

“Upayo, bhikkhave, avimutto, anupayo vimutto.

Rūpupayaṃ vā, bhikkhave, viññāṇaṃ tiṭṭhamānaṃ tiṭṭheyya, rūpārammaṇaṃ rūpappatiṭṭhaṃ nandūpasecanaṃ vuddhiṃ virūḷhiṃ vepullaṃ āpajjeyya.

Vedanupayaṃ vā …pe…

saññupayaṃ vā …pe…

saṅkhārupayaṃ vā, bhikkhave, viññāṇaṃ tiṭṭhamānaṃ tiṭṭheyya, saṅkhārārammaṇaṃ saṅkhārappatiṭṭhaṃ nandūpasecanaṃ vuddhiṃ virūḷhiṃ vepullaṃ āpajjeyya.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Này chư Tỳ khưu, một người vướng mắc là người không giải thoát; một người không vướng mắc là người giải thoát. Này chư Tỳ khưu, thức khi trụ có thể vướng mắc ở sắc; y cứ trên sắc; thiết lập trên sắc; với sự tưới tẩm của hỷ có thể phát triển, lớn mạnh, tăng trưởng.

… thức khi trụ có thể vướng mắc ở thọ …

… thức khi trụ có thể vướng mắc ở tưởng …

thức khi trụ có thể vướng mắc ở hành; y cứ trên hành; thiết lập trên hành; với sự tưới tẩm của hỷ có thể phát triển, lớn mạnh, tăng trưởng.

Yo, bhikkhave, evaṃ vadeyya: ‘ahamaññatra rūpā aññatra vedanāya aññatra saññāya aññatra saṅkhārehi viññāṇassa āgatiṃ vā gatiṃ vā cutiṃ vā upapattiṃ vā vuddhiṃ vā virūḷhiṃ vā vepullaṃ vā paññāpessāmī’ti, netaṃ ṭhānaṃ vijjati.

—Này chư Tỳ khưu, ai nói như sau: “Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự phát trỉển, sự lớn mạnh hay sự tăng trưởng của thức”, đó là điều không thể.

Rūpadhātuyā ce, bhikkhave, bhikkhuno rāgo pahīno hoti. Rāgassa pahānā vocchijjatārammaṇaṃ patiṭṭhā viññāṇassa na hoti.

Vedanādhātuyā ce, bhikkhave …

saññādhātuyā ce, bhikkhave …

saṅkhāradhātuyā ce, bhikkhave …

viññāṇadhātuyā ce, bhikkhave, bhikkhuno rāgo pahīno hoti. Rāgassa pahānā vocchijjatārammaṇaṃ patiṭṭhā viññāṇassa na hoti.

—Này chư Tỳ khưu, một người tu tập từ bỏ vướng mắc đối với nguyên tố sắc; với sự từ bỏ dục vọng sở duyên được cắt đứt; không có sự trợ duyên cho sự thiết lập của thức.

… từ bỏ vướng mắc đối với nguyên tố thọ …

… từ bỏ vướng mắc đối với nguyên tố tưởng …

… từ bỏ vướng mắc đối với nguyên tố hành …

Một người tu tập từ bỏ vướng mắc đối với nguyên tố thức; với sự từ bỏ dục vọng sở duyên được cắt đứt; không có sự trợ duyên cho sự thiết lập của thức.

Tadappatiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ avirūḷhaṃ anabhisaṅkhacca vimuttaṃ. Vimuttattā ṭhitaṃ. Ṭhitattā santusitaṃ. Santusitattā na paritassati. Aparitassaṃ paccattaññeva parinibbāyati. ‘Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyā’ti pajānātī”ti.

Khi thức không thiết lập thời không tăng trưởng, lan toả; vậy là giải thoát. Giải thoát tạo nên an định; an định tạo nên toại nguyện; do toại nguyện nên không hy cầu; do không hy cầu, vị ấy tự thân chứng niết bàn và biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

 

Chú Thích

Đây là một bài kinh mang ý nghĩa tế nhị trên cả hai phương diện vĩ mô và đại loại; và cũng đặc biệt tế nhị trên cả ba phương diện pháp học, pháp hành và pháp thành.

Trên phương diện vĩ mô, bốn uẩn gồm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn được gọi là “bốn danh uẩn” hay bốn thành tố của tâm thức. Bốn danh uẩn này luôn đồng sanh, đồng hiện hữu, đồng diệt trong mỗi sát na tâm. Trong bốn danh uẩn này, thức uẩn là tâm (citta) và thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn là thuộc tánh (cetasika). Tâm trong sự liên hệ với thuộc tánh được gọi là “tâm vương”, trong lúc các thuộc tánh được gọi là “tâm sở”. Điều này giống như trong một triều đình, tâm là vua mà tâm sở là quần thần.

Trong cách nói đại loại thì tâm - ở đây gọi là thức – y cứ trên sắc, thọ, tưởng, hành mà sanh khởi, tăng trưởng, lan toả. Y tựa trên cơ sở nào thì bị hạn cuộc bởi pháp ấy. Như một người chỉ ăn ngon với thức ăn Việt Nam, có nghĩa là bị giới hạn vào một số thực phẩm nào đó mà không thể ăn những thứ khác. Tâm là năng tri, cảnh là sở tri. Tâm bị giới hạn khi vướng mắc với cảnh.

Sở y của thức uẩn, đối với phàm nhân, luôn nằm trong hạn cuộc của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Điểm này, được nêu rõ trong Thắng Pháp Abhidhamma về vai trò của tâm đối với các thuộc tánh và sắc pháp. Phật ngôn trong bài kinh này khẳng định điều đó.

Thuật ngữ “upayo” có nhiều nghĩa: phương tiện, quyết đoán, gắn kết, vướng mắc. Ở đây dịch là vướng mắc. Có thể hiểu qua ví dụ, một người con ra khỏi nhà đi đâu đó được mẹ dặn: “Ra ngoài xong việc trở về nhà, Đi đến nơi, về đến chốn”. Vì lý do gì “tấp” vào đâu đó bị vướng vấp thì chuyến đi sẽ khác. “Upayo” - ở đây là hiện tại phân từ - được Sớ giải chú thích là sự tiếp cận (upagato) năm uẩn với ái chấp, mạn chấp và kiến chấp.

Bốn sở y của thức uẩn (catasso viññanatthitiyo) cũng được tìm thấy trong Trường Bộ (DN I 228,6-13) và Tiểu Bộ (Nidd I 1).

Mệnh đề “sở duyên bị cắt đứt (vocchijatārammanam)” có hai cách giải thích. Một là tâm không vướng mắc đối với cảnh. Hai là, theo Sớ giải, sở duyên ở đây chỉ cho cảnh đối với diễn trình tâm cận tử gồm sở hành (kamma), nghiệp tướng (kammanimitta), biểu tượng cảnh giới tái sanh (gatinimitta). Theo ngài Bodhi, cách giải thích này của Sớ giải giới hạn trong kiết sanh thức đồng cảnh với tâm xử lý (javana) lúc cận tử trước đó. Tổng thể của bài kinh này đề cập đến thức uẩn trong toàn bộ kiếp sống.

Chữ “dhātu” có nghĩa là nguyên tố, thành tố căn bản. Trong kinh điển chữ Hán thường dịch là “giới”. Bản dịch này dùng chữ nguyên tố để tránh một vài từ thoạt nghe có thể bị hiểu sai như “sắc giới, thọ giới…” Nên lưu ý, trong đoạn đầu nói về cảnh của thức chỉ nêu sắc, thọ, tưởng, hành trong lúc ở đoạn kế tiếp nói về vướng mắc thì nêu cả năm sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Phật ngôn: “Khi thức không thiết lập (trên năm uẩn) thời không tăng trưởng, lan toả; vậy là giải thoát. Giải thoát tạo nên an định; an định tạo nên toại nguyện; do toại nguyện nên không hy cầu; do không hy cầu, vị ấy tự thân chứng niết bàn” là đoạn kinh mô tả tế nhị về tâm thái giải thoát. Rất thú vị khi ý nghĩa của đoạn này, cũng như toàn bộ bài kinh, có những điểm tương đồng sâu sắc với Kinh Kim Cang Phật Giáo Đại Thừa.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.

Sớ Giải Kinh Upayasuttaṃ

53. upayavaggassa paṭhame upayoti taṇhāmānadiṭṭhivasena pañcakkhandhe upagato. viññāṇanti kammaviññāṇaṃ. āpajjeyyāti kammaṃ javāpetvā paṭisandhiākaḍḍhanasamatthatāya vuddhiādīni āpajjeyya. viññāṇupayanti padassa aggahaṇe kāraṇaṃ vuttameva. vocchijjatārammaṇanti paṭisandhiākaḍḍhanasamatthatāya abhāvena ārammaṇaṃ vocchijjati. patiṭṭhā viññāṇassāti kammaviññāṇassa patiṭṭhā na hoti. tadappatiṭṭhitanti taṃ appatiṭṭhitaṃ. anabhisaṅkhacca vimuttanti paṭisandhiṃ anabhisaṅkharitvā vimuttaṃ. paṭhamaṃ.