Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || TỪ BẢN CHẤT TỚI HIỆN TƯỢNG -  Kinh Hāliddakāni (Hāliddakānisutta)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || TỪ BẢN CHẤT TỚI HIỆN TƯỢNG - Kinh Hāliddakāni (Hāliddakānisutta)

, 10/05/2025, 21:41 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 10.5.2025

TỪ BẢN CHẤT TỚI HIỆN TƯỢNG

 Kinh Hāliddakāni (Hāliddakānisutta)

Chương XXXV. Tương Ưng Sáu Xứ – Phẩm Gia Chủ (SN.35.129)

A painting of two people sitting on a stump

AI-generated content may be incorrect.

Vui khổ thường được nhìn là thước đo của số phận hay hên xui ngẫu nhiên. Từ cái nhìn đối với khổ đau và hạnh phúc con người có những phản ứng theo nhiều cách. Đối với người tu thiền quán thì khổ vui thường tình chỉ là hiện tượng nổi bên ngoài. Bản chất của sự việc chính là tương tác của căn, cảnh và thức. Những cảnh tốt, xấu, vừa lòng, trái ý đến đi như mây trời và không có gì phải quá đặt nặng mà chỉ ghi nhận tất cả qua tướng sanh diệt. Ai thấy và hiểu rõ chân tướng của cảm thọ sẽ không trách người, trách mình, trách trời, trách đất… Cuộc sống vốn là như vậy.

KINH VĂN


130. Ekaṃ samayaṃ āyasmā mahākaccāno avantisu viharati kuraragharake papāte pabbate. Atha kho hāliddakāni gahapati yenāyasmā mahākaccāno tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā āyasmantaṃ mahākaccānaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho hāliddakāni gahapati āyasmantaṃ mahākaccānaṃ etadavoca:

Một thuở, Tôn giả Mahà Kaccàna trú giữa dân chúng Avanti, tại núi Pāpāta, ở Kuraragāha. Bấy giờ, cư sĩ Hāliddakāni đến gần Tôn giả, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên và thưa rằng:

“‘Dhātunānattaṃ paṭicca phassanānattaṃ; phassanānattaṃ paṭicca vedanānānattan’ti—iti bhante vuttaṃ, kittāvatā nu kho, bhante, dhātunānattaṃ paṭicca phassanānattaṃ, phassanānattaṃ paṭicca vedanānānattaṃ hotī”ti?

“Bạch Tôn giả, bậc Thế Tôn có dạy: ‘Do sự sai biệt của các giới (dhātu) mà có sự sai biệt của xúc (phassa); do sự sai biệt của xúc mà có sự sai biệt của cảm thọ (vedanā).’ Bạch Tôn giả, điều này có nghĩa là gì? Xin Tôn giả từ bi giảng giải.”

(Tôn giả Mahākaccāna trả lời)

“Tatra, gahapati, bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā ‘rūpaṃ disvā’ti pajānāti. Tassa rūpaṃ disvā cakkhuviññāṇaṃ uppajjati. Sampajānaṃ vedanāsampayuttaṃ hoti. Sukhāya vedanāya sampayuttaṃ phassaṃ paṭicca sukhā vedanā uppajjati. Rūpaṃ disvā dukkhasamphassajā vedanā uppajjati; rūpaṃ disvā adukkhamasukhā vedanā uppajjati.

“Này cư sĩ, ở đây, một vị Tỳ khưu thấy sắc bằng mắt và vị ấy biết rõ rằng “thấy sắc”. Do thấy sắc nên nhãn thức sanh khởi. Có xúc đi kèm với sự nhận thức đó, cùng với cảm thọ.

Khi thấy sắc mà xúc gắn liền với cảnh khả ái, thì lạc thọ khởi lên.

Khi thấy sắc mà xúc gắn liền với cảnh nghịch ý, thì khổ thọ khởi lên.

Khi thấy sắc mà xúc gắn liền với cảnh trung tính, thì cảm thọ bất khổ bất lạc khởi lên.

Sotaṃ suṇitvā … ghānaṃ ghāyitvā … jivhāya rasaṃ sāyitvā … kāyena phoṭṭhabbaṃ phusitvā … manasā dhammaṃ viññāya, sukhā vedanā uppajjati … dukkhā vedanā uppajjati … adukkhamasukhā vedanā uppajjati.

Cũng như vậy, khi:

Nghe âm thanh bằng tai có lạc thọ, khổ thọ, hay thọ trung tính.

Ngửi mùi bằng mũi…

Nếm vị bằng lưỡi…

Xúc chạm bằng thân…

Nhận biết cảnh pháp bằng ý thì tùy loại xúc mà sinh ra lạc, khổ hay bất khổ bất lạc.

Evaṃ kho, gahapati, dhātunānattaṃ paṭicca phassanānattaṃ, phassanānattaṃ paṭicca vedanānānattaṃ hotī”ti.

“Này cư sĩ, chính theo cách ấy:

Do sự sai biệt của các giới mà sanh ra sự sai biệt của xúc.

Do sự sai biệt của xúc mà sanh ra sự sai biệt của cảm thọ.”

CHÚ THÍCH

Tôn giả Mahā Kaccāna (Kaccāyana) phiên âm Hán Việt là Ma Ha Ca Chiên Diên — một trong những đệ tử lỗi lạc nhất của Đức Phật. Ngài sinh ra tại Ujjenī, thuộc gia đình Bà-la-môn làm quốc sư cho Vua Candappajjota. Ngài thuộc dòng Kaccāyana, nên được gọi là Kaccāna hay Kaccāyana. Trước khi xuất gia theo Phật, Ngài thông thạo Vệ-đà, kế nhiệm cha làm quốc sư.

Khi vua Candappajjota nghe tin Phật xuất hiện, cử quốc sư Kaccāna cùng 7 người đến thỉnh Phật về Ujjenī. Sau khi nghe pháp, cả nhóm đắc A-la-hán và xin xuất gia. Phật thay vì nhận lời về Ujjeni hoằng hoá thì bảo rằng Tôn giả Kaccāna đủ năng lực hướng dẫn Phật pháp thay Ngài tại Ujjenī.

Trên đường về Ujjenī, Tôn giả Kaccāna nhận bữa ăn cúng dường từ một cô gái nghèo tại Telappanāli — cô này sau trở thành hoàng hậu của Candappajjota. Tại Ujjenī, Ngài ở trong vườn vua, thuyết pháp cho dân chúng, nhiều người xuất gia theo khiến nơi này “tràn ngập y vàng”, biểu tượng cho sự hưng thịnh của Giáo pháp.

Sau khi thiết lập Giáo pháp ở xứ Avanti, Ngài về nơi từng gặp Phật tại Kapilavatthu, giảng rõ Kinh Madhupiṇḍika và nhiều nơi khác.

Được Đức Phật tuyên dương là: "Bậc tối thắng trong việc giảng giải rộng rãi điều được nói vắn tắt " (sankhittena bhāsitassa vitthārena atthaṃ vibhajantānaṃ) – A.i.23.

Cư sĩ Hāliddakāni (hoặc Hāliddikāni) — một vị cư sĩ hộ pháp lỗi lạc xứ Avantī. Được xem là người trí thức, thường thảo luận pháp với các vị Thánh Tăng, đặc biệt là Tôn giả Mahā Kaccāna. Các câu hỏi của ông thường là cửa ngõ để Tôn giả Mahā Kaccāna giảng những pháp sâu sắc mà Đức Phật chỉ gợi ý vắn tắt.

Y cứ trên lời Phật dạy, Tôn giả Mahākaccayana giảng rộng theo cách quán sát của người tu tứ niệm xứ. Một cách thú vị là bản Sớ Giải phân tích theo Thắng Pháp Abhidhamma về quan hệ giữa xúc và thọ, theo duyên hệ. Các thuật ngữ như upanissaya, samanantara, sampayutta là các loại duyên (paccaya) trong Paṭṭhāna – Bộ thứ bảy của Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Piṭaka). Phân biệt giữa manodhātu (ý giới) và manoviññāṇadhātu (ý thức giới), là điểm quan trọng chỉ có thể tìm thấy trong Thắng Pháp Abhidhamma.

SỚ GIẢI

130–131. Sattame “manāpaṃ itthetanti pajānātī”ti — yaṃ anena manāpaṃ rūpaṃ diṭṭhaṃ, taṃ “itthetanti, evametaṃ manāpameva”nti pajānāti.

Ở kinh thứ bảy (tức bài kinh số 130):

Câu “vật khả ái được biết là khả ái” nghĩa là: Vị ấy thấy một sắc khả ái, rồi nhận biết rằng: “Cái này thật sự là khả ái.

Cakkhuviññāṇaṃ sukhavedaniyañca phassaṃ paṭiccāti—cakkhuviññāṇañceva,
yo ca upanissayakoṭiyā vā, anantarakoṭiyā vā, samanantarakoṭiyā vā, sampayuttakoṭiyā vā sukhavedanāya paccayo phasso, taṃ sukhavedaniyaṃ phassañca paṭicca uppajjati sukhavedanā.

“Do nhãn thức và xúc đem lại lạc thọ làm duyên nên sanh lạc thọ”: Chính là nhãn thức.

Và xúc – vốn là duyên cho lạc thọ, theo nhiều cách như:

    • cận y duyên (upanissaya).
    • vô gián duyên (anantara).
    • đẳng vô gián duyên (samanantara).
    • tương ưng duyên (sampayutta).

Khi có đủ nhãn thức và xúc ấy, thì lạc thọ sanh khởi.

Esa nayo sabbattha. Cách giải thích này áp dụng tương tự cho tất cả các trường hợp còn lại (tức các căn và cảm thọ khác nhau).

Iti imesu dvīsu suttesu kiriyāmanoviññāṇadhātu āvajjanakiccā, manodhātuyeva vā samānā manodhātunāmena vuttāti veditabbā.

Như vậy, trong hai bài kinh này (130–131),

  • Manoviññāṇadhātu thuộc loại duy tác (kiriya) làm chức năng khán ý môn (āvajjana).
  • Hoặc manodhātu và manoviññāṇadhātu là đồng nghĩa và được nói đến dưới tên “ý giới - manodhātu” điều này cần được hiểu rõ.

Aṭṭhamaṃ uttānameva.

Kinh thứ tám (tức Kinh số 131, tiếp theo sau Hāliddakāni) thì rõ ràng, dễ hiểu, không cần giải thích thêm.

Bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu

130. VII. Haliddhaka (S.iv,115)

1) Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna trú giữa dân chúng Avanti, tại Kuraraghara, trong một hang núi.

2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna...

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna:

-- Thưa Tôn giả, Thế Tôn nói như sau: "Do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc. Do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ". Như thế nào, thưa Tôn giả, do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc; do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ?

4) -- Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ nhãn thức có lạc xúc. Do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Khi mắt thấy sắc bất khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ nhãn thức có khổ xúc. Do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Khi mắt thấy sắc trú xả, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ nhãn thức có bất khổ bất lạc xúc. Do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.

5-9) Lại nữa, này Gia chủ, khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ ý thức có lạc xúc. Do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Khi ý biết pháp bất khả ý, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ ý thức có khổ xúc. Do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Khi ý biết pháp trú xả, nghĩ rằng: "Ðây là vậy, đây là vậy", được biết rõ ý thức có bất khổ bất lạc xúc. Do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.

10) Như vậy, này Gia chủ, do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc. Do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ.