Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || THẤY BIẾT TOÀN DIỆN MỚI THẬT SỰ LÀ THẤY BIẾT - Kinh Vị Ngọt (Assādasuttaṃ), Kinh Tập Khởi (Samudayasuttaṃ), Kinh Tập Khởi II (Dutiyasamudayasuttaṃ)

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ || THẤY BIẾT TOÀN DIỆN MỚI THẬT SỰ LÀ THẤY BIẾT - Kinh Vị Ngọt (Assādasuttaṃ), Kinh Tập Khởi (Samudayasuttaṃ), Kinh Tập Khởi II (Dutiyasamudayasuttaṃ)

, 22/06/2024, 07:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: TƯƠNG ƯNG BỘ – SAṂYUTTANIKĀYA

Bài học ngày 24.6.2024

THẤY BIẾT TOÀN DIỆN MỚI THẬT SỰ LÀ THẤY BIẾT

Kinh Vị Ngọt (Assādasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Nuốt Chửng (S,iii,73)

Dụ ngôn “người mù rờ voi” với kết luận của những người mù khi mô tả con voi, mà bản thân sờ đụng thì con voi như cái chổi, như cây cột… Không phải họ nói dối hay thấy sự không tự mình rờ chạm con voi. Nhưng do mù mắt không thấy được toàn thân con voi to lớn, mà chỉ đứng một chỗ nhận biết qua sự rờ chạm của xúc giác nên nhận thức sai lạc. Cái nhìn toàn diện đối với năm uẩn và đối với cả cuộc sống của hành giả, là khả năng thấy được cả ba khía cạnh: vị ngọt, nguy hại và phương cách xuất ly. Một cách khác là nhận thức hiện hữu qua sanh và diệt. Cả hai cách đều nằm trong khả năng của phàm nhân hay hành giả. Trong lúc nhận biết ba phương diện vị ngọt, nguy hại và phương cách xuất ly là cảnh giới của tuệ quán, thì sanh diệt là đầu mối nắm bắt của chánh niệm. Từ những nhận thức này, hành giả xua tan được ảo tưởng về cái tôi hằng hữu vốn thường chấp thủ.

Kinh văn

Sāvatthinidānaṃ.

“Assutavā, bhikkhave, puthujjano rūpassa assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ nappajānāti. Vedanāya … saññāya … saṅkhārānaṃ … viññāṇassa assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ nappajānāti. Sutavā ca kho, bhikkhave, ariyasāvako rūpassa assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ pajānāti. Vedanāya … saññāya … saṅkhārānaṃ … viññāṇassa assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ pajānātī”ti.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Này chư Tỳ khưu, phàm phu không học hiểu đạo lý, không biết rõ thực tánh về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… của thọ … của tưởng … của hành …

không biết rõ thực tánh về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Này chư Tỳ khưu, vị thánh đệ tử có học hiểu đạo lý, biết rõ thực tánh về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… của thọ … của tưởng … của hành …

biết rõ thực tánh về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Kinh Tập Khởi (Samudayasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Nuốt Chửng (S,iii,74)

……

Kinh văn

Sāvatthinidānaṃ.

“Assutavā, bhikkhave, puthujjano rūpassa samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ nappajānāti. Vedanāya … saññāya … saṅkhārānaṃ … viññāṇassa samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ nappajānāti. Sutavā ca kho, bhikkhave, ariyasāvako rūpassa samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ pajānāti. Vedanāya … saññāya … saṅkhārānaṃ … viññāṇassa samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ pajānātī”ti.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Này chư Tỳ khưu, phàm phu không học hiểu đạo lý, không biết rõ thực tánh về sự tập khởi, sự hoại diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… của thọ … của tưởng … của hành …

Không như thật biết rõ sự tập khởi, sự hoại diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Này chư Tỳ khưu, vị thánh đệ tử có học hiểu đạo lý, biết rõ thực tánh về sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… của thọ … của tưởng … của hành …

biết rõ thực tánh về sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Kinh Tập Khởi II (Dutiyasamudayasuttaṃ)

Tập III – Uẩn

Chương I. Tương Ưng Uẩn-Phần II-Phẩm Nuốt Chửng (S,iii,75)

……

Kinh văn

Sāvatthinidānaṃ.

“Sutavā, bhikkhave, ariyasāvako rūpassa samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ pajānāti. Vedanāya … saññāya … saṅkhārānaṃ … viññāṇassa samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtaṃ pajānātī”ti.

Nhân duyên ở Sāvatthi …

- Này chư Tỳ khưu, vị thánh đệ tử có học hiểu đạo lý, biết rõ thực tánh về sự tập khởi, sự hoại diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… của thọ … của tưởng … của hành …

biết rõ thực tánh về sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

 

 

Chú Thích

Đây là ba bài kinh khởi đầu của Phẩm Nuốt Chửng (Khajjanīyavaggo). Gọi như vậy do lấy tên một bài kinh trong phẩm là Kinh Nuốt Chửng (khajjanīyasutta), trong đó, Đức Phât dạy chúng sanh bị nhai ngốn bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Ba bài kinh này, có nội dung gần như tương tự với vài chi tiết khác biệt. Bài Kinh Vị Ngọt đề cập tới ba khía cạnh cần nhận thức đối với năm uẩn là vị ngọt, nguy hại và phương cách xuất ly. Bài kinh thứ hai thêm hai điểm tập khởi và hoại diệt. Bài kinh thứ ba chỉ nói về thái độ của bậc thánh đệ tử có học hiểu, thay vì so sánh giữa phàm nhân thiếu học hiểu và bậc thánh đệ tử có học hiểu.

Sự trùng lập và những khác biệt rất nhỏ vẫn được gìn giữ, là đặc điểm nói lên tính bảo thủ trong việc kết tập và bảo lưu của Tam Tạng Pāli. Có một nỗ lực lớn để trùng tuyên lời dạy nguyên thủy của Phật, thay vì san định hay sáng tác thành những bộ kinh hậu tác.

Chữ “atthaṅgama” ở đây dịch là hoại diệt, thay vì đoạn diệt như một số bản dịch khác. Hoại diệt có nghĩa là có khả tính tự huỷ, chứ không hẳn do sự can thiệp từ cái gì khác. Tập khởi và hoại diệt trong hai bài kinh sau hàm nghĩa sanh và diệt của năm uẩn.

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.